menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Tản mạn về thành công và hạnh phúc với nghề bác sĩ

user

Ngày:

28/01/2019

user

Lượt xem:

3161

Bài viết thứ 10/92 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Lời tựa: Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi muốn viết cái note này để thân tặng các đồng nghiệp và các em, những người đang có ước mơ trở thành thầy thuốc. Bài viết này tôi chỉ nói đến bác sĩ, nhưng tôi nghĩ nó cũng đúng cho các dược sĩ, y sĩ, y tá (điều dưỡng viên), nữ hộ sinh và những người chăm sóc sức khoẻ khác nữa.

Bài viết chỉ là sự chia sẻ cá nhân với những dòng lan man, suy nghĩ về những trải nghiệm của tôi, một người gần 16 năm làm bác sĩ, đã gặp không biết bao nhiêu cuộc đời và số phận khác nhau, từng nếm trải những niềm vui và nỗi buồn, những ngọt ngào và cả những vị đắng của cuộc sống và nghề nghiệp… Ai thích thì đọc, like, comment hay share tuỳ thích và nếu không thích thì cũng đừng “ném đá” mất công bởi vì tôi đã có kháng thể với những sự việc này rồi.

Và trước hết, với tất cả tấm lòng chân thành, tôi xin kính chúc các đồng nghiệp của tôi một ngày 27.2 vui vẻ, hạnh phúc và giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề bác sĩ. Tôi nghe nói đâu đó ở Lai Châu, những đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội đã không ngại khó khăn đang cùng nhau cứu chữa những nạn nhân của vụ sập cầu với tất cả lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Tôi xin gửi lời chúc mừng đặc biệt đến những con người ấy.

***

Tôi đã đọc được đâu đó ở một diễn đàn sinh viên y khoa quốc tế một vài câu nói rằng: “Nếu bạn muốn trở nên giàu có thì đừng làm bác sĩ”, hoặc là “Đừng bao giờ nghĩ bạn sẽ có thể thay đổi được thế giới nếu bạn là bác sĩ”. Vì thế, nếu ai đó muốn thành người giàu có, bạn hãy bỏ ý định để trở thành một bác sĩ. Tôi khuyên bạn nên tìm một nghề khác thích hợp hơn. Hoặc nếu bạn nào muốn làm một điều gì đó rất to lớn như thay đổi cả thế giới thì tôi cũng khuyên bạn nên nghĩ lại khi bạn có ý định ghi danh vào một trường y khoa.

Nghề bác sĩ là một nghề đặc biệt, ở đó không có đất dành cho sự tư lợi, tranh giành, bon chen và đố kị mà chỉ có sự hi sinh, sự cống hiến và sự đồng cảm với nỗi đau của đồng loại. Khi bạn bị người đời nguyền rủa bạn cũng đừng vội nóng nảy và tức giận, cũng chẳng cần phải thanh minh mạnh mẽ quá vì bổn phận của bạn là phục vụ và giúp đỡ người khác. Bạn nên tuân lệnh, không phải tuân lệnh người khác mà chính trái tim của bạn.

Bạn không thể thay đổi thế giới nhưng bạn có thể thay đổi tiến triển của một bệnh, bạn có thể giúp cho người khác giảm đi nỗi đau và sự rối loạn bằng những liều thuốc hay các tác động tâm lý và biết đâu trong số họ có người sẽ thay đổi được thế giới.

Tất nhiên, bạn vẫn có thể trở thành bác sĩ mà không cần phải ghi nhớ những điều tôi nói ở trên. Bạn vẫn có thể là một bác sĩ giàu có và đầy quyền lực. Tôi không tin số người này là phổ biến (nếu như không muốn nói là rất rất ít); nhưng tôi lại tin rằng, nếu làm như thế, bạn có thể sẽ làm cho cái nghề thiêng liêng cao quý này bị nhuốm bẩn vì những động cơ kia đấy. Thực sự hiện nay có nhiều vấn đề làm cho người bệnh nước nhà đang có những cái nhìn thiếu thiện cảm với ngành y, và nguyên nhân chính có lẽ chính là do những con người như thế.

Khi bạn có tiền (bạn giàu có) và/hoặc có quyền lực (bạn có khả năng thay đổi thế giới) cũng không có nghĩa là bạn sẽ thực sự hạnh phúc. Nhưng khi một người bệnh của bạn mắc một căn bệnh hiểm nghèo, bạn đã đánh bại nó sau một thời gian khó khăn, bạn sẽ cảm thấy thực sự hạnh phúc. Bạn chắn chắn sẽ mỉm cười khi nhìn thấy từng ngày người bệnh khoẻ dần lên.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện về một vị bác sĩ trẻ, người đã có những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp vì có cả tiền tài và danh vọng, nhưng trước khi chết vì căn bệnh ung thư anh ấy đã kịp hiểu ra ý nghĩa của hạnh phúc thực sự là gì và cái gì có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Nhân vật đó là bác sĩ trẻ người Singapore, Richard Teo Keng Siang. Câu chuyện của anh ấy không chỉ là một câu chuyện đầy cảm động và ý nghĩa mà nó, ở một khía cạnh nào đó, có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhiều người biết đến anh ấy, đặc biệt là giới sinh viên Y khoa Singapore và những người có đức tin, khi anh chia sẻ cuộc hành trình của chính cuộc đời mình trong những ngày tháng cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo. Người ta biết đến anh, nhớ về anh không phải vì anh đã thành công trong việc tạo ra một câu chuyện cảm động từ chính cuộc đời mình mà là bài học anh đã rút ra từ bi kịch mà anh trải qua.

Anh đã nói rằng: “Tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội. Tôi là sản phẩm đặc trưng mà giới truyền thông vẽ ra. Từ lúc còn trẻ, tôi bị ảnh hưởng và có ấn tượng rằng thành công là hạnh phúc. Và để thành công thì tôi phải giàu có”. Anh đã có những suy nghĩ đó bởi vì có một “sự thật thì những người có thu nhập trung bình không được gọi là anh hùng. Người ta tạo ra anh hùng từ những người nổi tiếng giàu có, từ những chính trị gia, từ người giàu có và nổi tiếng. Và tôi muốn trở thành một trong số họ”.

Và sau những cố gắng ở trường đại học và nghiên cứu, anh đã đạt được nhiều thành công: là một trong những học sinh giỏi của trường đại học quốc gia Singapore (NUS); trở thành sinh viên trường y của khoa giải phẫu mắt, một trong những chuyên khoa khó nhất, với học bổng nghiên cứu của NUS; và đạt được hai bằng phát minh về dụng cụ y khoa và tia lasers.

Tuy nhiên, đây không phải là những gì Richard hướng tới vì nó không mang đến cho anh ấy sự giàu có. Thế là, Richard dừng công việc của một bác sĩ chữa bệnh và trở thành một bậc thầy về sắc đẹp, bác sĩ thẩm mĩ có tiếng. Theo anh, đây chính là ngành hái ra tiền nhiều và nhanh. Một người bệnh có thể bỏ ra 30 đô la cho một lần đi bác sĩ nhưng vẫn than phiền đắt đỏ, nhưng họ lại sẵn sàng bỏ ra cả 10 ngàn đô la để hút mỡ mà lại vui vẻ.

Sau đó anh ta có tất cả: tiền bạc, gái đẹp, quan hệ với giới thượng lưu và chính trị gia, du lịch năm châu,… “Tất cả đều diễn ra rất tốt đẹp. Thời vinh quang của tôi đã đến. Tôi ở tột đỉnh của sự nghiệp. Tôi có mọi thứ trong cuộc sống.” Anh đã nghĩ rằng anh đã hạnh phúc, và cũng đã mang hạnh phúc cho gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng rồi anh ấy tự nhận mình đã sai lầm: “Thế nhưng tôi đã lầm. Tôi không thể chế ngự mọi chuyện. Có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được cuộc sống, đã đạt đến tột đỉnh cuộc sống nhưng tiếp đó tôi mất tất cả”.

Chính anh ấy cũng nghĩ rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc. “Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc. Không phải vậy. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng cũng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, người thân như tôi tưởng. Điều thật sự mang lại niềm vui trong 10 tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người cười và khóc cùng tôi”.

Và anh ấy đã nhận ra không phải nghèo là bất hạnh: “Đừng nghĩ rằng người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn không có gì. Họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các bạn và tôi.”

Anh ấy cũng chia sẻ một điều rất đơn giản, có thể chúng ta đã đọc hay nghe rất nhiều trong sách vở, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết được ý nghĩa của nó: “Mọi người đều biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết, ai cũng biết thế. Nhưng sự thật không ai tin. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này khi bệnh hoạn nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua”.

Như một người anh, một người đồng nghiệp, anh ấy đã phơi bày tâm can của mình qua những lời nói từ trái tim, từ những trải nghiệm qua nhiều cung bậc khác nhau của cả sự thành công lẫn thất bại, để nói với các sinh viên một lớp nha khoa ở Singapore rằng: “Đừng quên khi thành danh, các em đưa tay đến những người cần giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang đến sự khác biệt cho họ. Bây giờ ở vị trí người tiếp nhận, tôi hiểu rõ. Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi ngỡ như vậy là hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình”.

Tôi tin anh ấy nói đúng: HẠNH PHÚC THỰC SỰ KHÔNG CÓ ĐƯỢC KHI CHỈ SỐNG CHO RIÊNG MÌNH!

Các đồng nghiệp của tôi và các bạn sắp tới sẽ là đồng nghiệp của tôi ơi! Các bạn đừng tự giày vò mình trong sự lên án của mọi người xung quanh về sự xuống cấp của y đức hiện nay. Tôi muốn nhắc lại, bổn phận của bác sĩ là cống hiến và giúp đỡ người khác, khi chúng ta mất điều đó chúng ta không còn là bác sĩ nữa. Các bạn và tôi đều hiểu rằng chúng ta đang đứng ở đâu. Nghề y vẫn luôn luôn là một nghề cao quý trong những nghề cao quý.

Nếu bạn không chịu được áp lực nghề nghiệp nữa bạn có thể từ bỏ nghề y. Chúng ta không hề run sợ khi chiến đấu với sự chết đang đến từng giây với người bệnh, chẳng lẽ chúng ta sợ áp lực của một số ít người đang quy chụp cho cả ngành y. Tôi vẫn tin có nhiều người tốt vẫn thông cảm và chia sẻ với những công việc hàng ngày của các bác sĩ.

Vì vậy, hãy nghĩ đến những gì sẽ phải làm cho bệnh nhân của bạn chứ đừng nghe những gì người khác nói về bạn. Bạn có thể được vinh danh sau cả một đời cống hiến vất vả, nhưng bạn cũng có thể bị dìm xuống hố chỉ sau một sơ suất nhỏ. Cuộc sống là vậy. Bạn buộc phải lựa chọn cách sống cho riêng mình. Cách sống cho riêng bạn không phải là sự lựa chọn đúng đắn, mà còn phải sống cho cả người khác nữa. Chỉ khi đó bạn mới cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với nghề bác sĩ cao quý này được.

Tôi chẳng phải là nhà hiền triết, cũng chẳng phải là chính trị gia hay nhà tuyên truyền, tôi chỉ là một bác sĩ bình thường như bao nhiêu bác sĩ khác đang ngày đêm đang làm việc, nghiên cứu, cống hiến sức lực và trí tuệ ở trạm xá, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học. Thú thật, tôi chẳng thể nào thuộc lòng nổi 12 điều y đức để đọc ra như một con vẹt. Chỉ cần đặt mình vào vai là một bệnh nhân nghèo khổ khi đi bệnh viện thế nào bạn sẽ hiểu được những gì cần làm cho họ khi bạn là bác sĩ.

Có hai thứ quan trọng mà các bác sĩ cần có để hành nghề, đó là THUỐC và TÌNH THƯƠNG. Người bệnh đến với bạn cần hai thứ đó, thứ mà nhiều người đang cần trong thế giới hiện đại ngày nay. Vì thế, tôi muốn nhắc đến một câu nói của Mẹ Teresa (1914-1997), người phụ nữ sinh ra ở Albania nhưng được vinh danh công dân danh dự cao nhất ở Ấn Độ, được mệnh danh là “Vị Thánh của người cùng khổ”. Mẹ là một trong những khuôn mặt nổi bậc nhất của thế kỷ 20 và đã từng đoạt giải Nobel về Hoà bình năm 1979.

Mẹ đã nói rằng: “Căn bệnh lớn nhất ở phương Tây ngày nay không phải là bệnh lao hay bệnh hủi; đó là chính là sự không có ước muốn, không được yêu thương và không được quan tâm. Chúng ta có thể điều trị bệnh thể chất bằng THUỐC nhưng chỉ có thể điều trị sự cô đơn, trống trải và tuyệt vọng bằng TÌNH THƯƠNG. Có nhiều người trên thế giới đang chết vì một mẫu bánh mì, nhưng có nhiều người hơn thế đang chết vì thiếu tình yêu thương. Sự nghèo đói ở phương Tây là một loại nghèo đói khác biệt, nó không chỉ nghèo đói của sự cô đơn mà còn của tinh thần. Có một sự khao khát tình yêu thương, cũng như có một sự khao khát ở Chúa trời.”

Bonus thêm một câu nói của Plato, một nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại, để kết thúc bài viết: “Hãy có lòng nhân ái, bởi vì bất kì ai bạn gặp đều đang phải chiến đấu gian khổ hơn bạn”.

Kyoto, viết nhân ngày 27.2.2014.

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích