menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Tránh tương tác thuốc – chất chống oxy hóa trong quá trình điều trị ung thư

user

Ngày:

27/09/2021

user

Lượt xem:

546

Bài viết thứ 01/93 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Biên dịch: Fbker Yen Ninh

Hiệu đính: ThS.BS. Lê Công Định – Khoa Nội tiêu hóa theo yêu cầu, BV Ung bướu Hà Nội

Bác sỹ Dan Labriola là Giám đốc phòng khám Chuyên khoa Chăm sóc Sức khỏe Tự nhiên Vùng Tây Bắc, và Giám đốc Y tế, Dịch vụ Chữa bệnh bằng các liệu páp tự nhiên (Naturopathic), Viện Ung thư Thụy Điển, Trung tâm Y tế Thụy Điển, Seattle.

Bác sỹ Livingston là Giáo sư Y khoa và Huyết học, Trung tâm Ung thư Đại học Arizona, Tucson.

 “Việc lựa chọn các thực phẩm chức năng bổ sung cho bệnh nhân trong quá trình điều trị nên được giới hạn với những loại có cơ chế tác động và tương tác đã được biết rõ; khi có nghi ngờ, cần phải thận trọng. Những lợi ích tiềm năng của việc giảm tác dụng phụ đến từ thực phẩm chức năng thường không lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn của việc làm giảm kết quả điều trị.”

–  Dan Labriola, ND, và  Robert B. Livingston, MD

Nhiều tương tác tiềm ẩn giữa thuốc điều trị bệnh với các chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến việc điều trị ung thư. Cần phải xem xét những tương tác này đặc biệt khi việc sử dụng các thực phẩm chức năng và các lựa chọn tự điều trị khác trong quá trình điều trị ung thư đang rất phổ biến. Các chất chống oxy hóa chiếm một phần lớn trong số 32 tỷ đô la doanh thu của ngành công nghiệp thực phẩm chức năng, và do đó, người bệnh thường xuyên có những thắc mắc về chúng. Những thách thức đối với các chuyên gia ung thư là việc xác định các kết hợp giữa thuốc điều trị ung thư và thực phẩm chức năng nào là an toàn và giải thích những nguy cơ cho người bệnh.

Giải pháp là không chỉ căn cứ vào các tài liệu tham khảo về tương tác thuốc – chất bổ sung, vì những tài liệu này chưa thực sự hoàn thiện hoặc đáng tin cậy bằng các báo cáo khoa học về tương tác thuốc – thuốc, vốn luôn cho những câu trả lời chính xác một cách nhất quán. Hơn nữa, việc yêu cầu bệnh nhân ngừng tất cả các thực phẩm chức năng hoặc thậm chí chỉ ngừng chất chống oxy hóa cũng là một vấn đề, vì bệnh nhân thường không sẵn sàng từ bỏ các chất mà họ tin rằng sẽ tạo ra kết quả điều trị tốt hơn và giảm tác dụng phụ, như thường được trích dẫn một cách rầm rộ trong các quảng cáo.

Hiểu về những vấn đề còn tranh cãi

Việc có rất nhiều báo cáo có kết luận trái ngược nhau về các chất chống oxy hóa trong điều trị ung thư là điều dễ hiểu và sẽ dễ dàng giải thích hơn cho bệnh nhân nếu chúng ta xem xét lại về mặt dược lý học của các chất này. Ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào sự tương tác giữa các chất chống oxy hóa và các phương pháp điều trị ung thư gây độc tế bào thông qua các dạng oxy hoạt động (reactive oxygen species –ROS). ROS bao gồm các gốc tự do và một số phân tử đặc biệt khác mà trong cấu trúc có chứa nguyên tử oxy có khả năng tham gia phản ứng mạnh do có chứa electron độc thân hay electron tự do chưa ghép đôi. Trong điều trị ung thư, ROS là một cơ chế được biết đến rộng rãi, trong đó xạ trị và một số thuốc hóa trị cũng gây ra sự chết tế bào ung thư theo chương trình qua cơ chế này.

Các chất chống oxy hóa được bệnh nhân ung thư biết đến nhiều do khả năng dập tắt các ROS và các gốc tự do mà có thể gây ra một số bệnh ung thư. Ngoài ra các chất chống oxy hóa có thể dập tắt các ROS được tạo ra trong quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, những tương tác này chỉ xảy ra khi chất chống oxy hóa và hóa trị liệu kết hợp với nhau. Nếu các phân tử không kết hợp với nhau, tương tác sẽ không xảy ra, do đó không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Các phương pháp điều trị ung thư khác nhau sử dụng nhiều ROS riêng biệt khác nhau để gây độc tế bào, mặc dù chúng thường được đề cập đến như thể là tất cả các phương pháp điều trị ung thư hoặc hóa trị đều giống nhau. Các chất chống oxy hóa từ chế độ ăn, thực vật và các nguồn sẵn có khác cũng tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Một số kết hợp giữa các chất chống oxy hóa và phương pháp điều trị ung thư sẽ có tương tác, một số thì không, và cho đến nay, chúng tôi chưa thể dự đoán chính xác sự kết hợp nào có tương tác hoặc không tương tác.

Khi một tương tác xảy ra, nó có tác động tương tự với việc giảm liều điều trị thông qua cơ chế làm giảm số lượng các ROS do quá trình điều trị tạo ra. Vì hầu hết các phương pháp điều trị ung thư đều có chỉ số điều trị hẹp và hiệu quả điều trị tỷ lệ với liều, do vậy ngay cả việc giảm rất nhỏ các ROS cũng có thể có tác động đáng kể đến kết quả điều trị, bao gồm giảm thời giảm sống không bệnh3, đặc biệt khi kết quả điều trị dài hạn là mục tiêu về mặt lâm sàng.

Các tài liệu đã xuất bản liên quan đến việc hóa trị hoặc xạ trị đồng thời với sử dụng các chất chống oxy hóa đưa ra nhiều kết luận khác nhau, một số cho thấy giúp cải thiện sống thêm và tình trạng của người bệnh, trong khi những kết luận khác lại cho thấy giảm thời gian sống thêm. Một báo cáo tổng quát đã được Ladas và cộng sự công bố4.  Tuy nhiên, khi xem xét dưới góc độ dược lý học, những kết quả rõ ràng trái ngược này là có thể hiểu được bởi một số sự kết hợp có tương tác, và những kết hợp khác thì không.

Thật không may, việc khái quát chung về tất cả các tương tác giữa các ROS và chất chống oxy hóa dựa trên các kết hợp đơn lẻ đã được thử nghiệm này lại có thể dẫn đến sai lầm. Trên thực tế, thậm chí có thể sẽ không dự đoán chính xác sự tương tác của một kết hợp cụ thể đã được thử nghiệm (cho một bệnh nhân) khi áp dụng cho một bệnh nhân khác hoặc với điều kiện khác cho đến khi chúng ta có kiến ​​thức sâu hơn về các biến số độc lập có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Giải thích các nguy cơ tiềm ẩn cho bệnh nhân

Khi bệnh nhân đến và gợi ý bác sĩ với các khuyến nghị về chất chống oxy hóa dựa trên dữ liệu có vẻ quá tốt đến mức khó tin, hãy cân nhắc rằng trong đó rất có thể có vai trò của các yếu tố khác. Lời giải thích rõ ràng nhất là: việc giảm liều một cách không có chủ ý do sự tương tác giữa các ROS với chất chống oxy hóa có thể sẽ làm giảm các tác dụng phụ, không khác gì với việc điều trị giảm liều. Ngoài ra, các thực phẩm chức năng có hoạt tính chống viêm cũng có thể cải thiện tình trạng của bệnh nhân và làm xuất hiện đáp ứng của khối u trong thời gian ngắn ngay cả khi làm giảm liều điều trị hiệu quả.

Cần phải xem xét một cách thận trọng các dữ liệu thử nghiệm từ liệu pháp ngắn hạn hay là điều trị vớt vát, khi mà có thể không nhận thấy đáp ứng của khối u bị giảm do tương tác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những bệnh nhân mà mục tiêu lâm sàng là thời gian sống không bệnh tiến triển lâu dài, vì sự can thiệp tương tự có thể ảnh hưởng đáng kể đến thời gian sống thêm của bệnh nhân nếu hiệu quả điều trị thực sự giảm xuống dưới chỉ số điều trị.

Trong thử nghiệm tiến cứu, ngẫu nhiên, có nhóm chứng với giả dược, dài hạn để giải quyết vấn đề này, Bairati và cộng sự đã cho 540 bệnh nhân ung thư biểu mô vẩy vùng đầu cổ giai đoạn I và II sử dụng các chất chống oxy hóa cùng lúc với xạ trị và nhận thấy tỷ lệ tái phát của nhóm bệnh nhân sử dụng chất chống oxy hóa tăng lên đáng kể. Các tác giả nói trên đã xuất bản thêm một bài báo nữa, lần này nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh cho những bệnh nhân tiếp tục hút thuốc lá sau khi điều trị và gợi ý rằng sự khác biệt có thể được giải quyết bằng cách loại bỏ những người hút thuốc khỏi sự ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này đã gây tranh cãi và các tác giả thừa nhận rằng các chất chống oxy hóa trên thực tế có tương tác với xạ trị.

Giảm thiểu và quản lý tương tác

Về mặt quản lý và an toàn của bệnh nhân, bằng chứng rõ ràng rằng các thuốc hóa trị dựa trên cơ chế của các ROS để gây độc tế bào, bao gồm các chất alkyl hóa, các kháng sinh chống khối u, và các chất khác, cần được coi là có tiềm năng dễ bị giảm tác dụng do các thực phẩm chức năng có lượng chất chống oxy hóa lớn hơn lượng có trong chế độ ăn. Trong trường hợp cần phải các chất chống oxy hóa, có thể hạn chế tương tác tới mức thấp nhất bằng cách bắt đầu dùng chất chống oxy hóa cách thời điểm kết thúc hóa trị ít nhất 4 lần thời gian bán thải của thuốc và hoặc sử dụng thuốc khi nồng độ chất chống oxy hóa trong huyết thanh trở về bằng với khi ăn uống ở chế độ bình thường. Nghiên cứu dược động học bằng mô hình đa khoang (multicompartment pharmacokinetics) của cả các chất chống oxy hóa và của thuốc cần được xem xét. Các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho xạ trị.

Dược động học của các điều trị hóa trị liệu dễ bị giảm tác dụng và các chất chống oxy hóa, bao gồm các chiến lược để quản lý các tương tác này, đã được xem xét lại chi tiết hơn và có thể sẽ hữu ích7. Khi tìm kiếm thông tin về các thực phẩm chức năng, không phải tất cả các trang web và dịch vụ cơ sở dữ liệu trên internet đều chính xác, nhưng có một nguồn đáng tin cậy là trang web dựa trên trên bằng chứng tên là “Y học tích hợp của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering”8 (Memorial Sloan Kettering Cancer Center Integrative Medicine). Trang này cũng cung cấp những thông tin giải thích sâu rộng hơn, dễ hiểu với bệnh nhân về nhiều tương tác ung thư-chất dinh dưỡng bao gồm cả tương tác với các chất chống oxy hóa.

Những câu hỏi thường gặp

1. Hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị rất mạnh. Làm thế nào mà một số vitamin hoặc các chất tương đối lành tính khác có thể can thiệp vào?

Các phương pháp điều trị gây độc tế bào (như hóa và xạ trị) thực sự rất mạnh, nhưng hiệu lực của chúng bị chi phối bởi một chỉ số điều trị tương đối hẹp, có nghĩa là liều đã gần với giới hạn trên (liều gây độc) hoặc giới hạn dưới (liều có tác dụng). Thử nghiệm của Bairati và cộng sự5 đã sử dụng liều tối thiểu 400 IU vitamin E và 30 mg beta-carotene. Trên thực tế người bệnh thường tự điều trị với liều lượng cao hơn nhiều

2. Có thể tránh được nguy cơ xảy ra tương tác không mong muốn bằng cách hướng dẫn người bệnh tránh dùng các chất chống oxy hóa trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc hóa trị hoặc xạ trị không?

Câu trả lời phụ thuộc vào các phương pháp điều trị và người bệnh cụ thể. Nguyên tắc chung là chỉ nên dùng các chất chống oxy hóa sau khi kết thúc hóa trị ít nhất là gấp 4 lần thời gian bán thải của thuốc và hoặc chỉ sử dụng thuốc điều trị khi nồng độ chất chống oxy hóa trong huyết thanh đã trở về bình thường. Ví dụ, với thuốc gây độc tế bào Busulfan (Busulfex, Myleran) có thời gian bán thải khoảng 3 giờ, có thể sẽ không có tương tác có ý nghĩa sau 24 giờ, trong khi oxaliplatin có thời gian bán thải là 50 giờ, sẽ dễ bị tương tác vào ngày hôm sau và thậm chí lâu hơn.

Khi đường dùng dùng không phải đường tĩnh mạch, dược động học ở khoang thích hợp cũng là một vấn đề quan trọng. Bạn sẽ không cần quan tâm tới dược động học ở khoang thứ nhất nếu dùng methotrexate đường nội tủy.

Dược động học của chất chống oxy hóa cũng rất quan trọng. Ví dụ, thời gian bán thải của vitamin E là khoảng 48 giờ, tức là hoàn toàn có thể xảy ra tương tác sau 24 giờ đối với những liều thậm chí là rất thấp.

3. Các nguồn phổ biến nhất chứa chất chống oxy hóa là gì?

Vitamin A (bao gồm beta-caroten), B6, C và E là những chất chống oxy hóa mạnh. Khoáng chất kẽm và selen cũng có hoạt tính chống oxy hóa đáng kể. Vì đây là những chất thiết yếu giúp duy trì sự sống mà cơ thể không thể tự sản xuất được, chúng cần phải được bổ sung ở mức độ phù hợp thông qua chế độ ăn uống hàng ngày và/hoặc các thực phẩm bổ sung.

Ngoài ra còn có nhiều nguồn chất chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật bao gồm một số loại trái cây, rau và thuốc thảo dược.

4. Có an toàn không khi người bệnh dùng viên đa vitamin trong quá trình điều trị?

Không phải tất cả các sản phẩm đa vitamin đều thích hợp. Nhiều loại có hàm lượng của một số thành phần cao gấp 2000% hoặc hơn lượng cần thiết hàng ngày. Tốt nhất là tìm loại đa vitamin có khoảng 100% giá trị cần thiết hàng ngày đối với tất cả các thành phần.

5. Thuốc thảo dược có phải là nguồn tương tác tiềm ẩn của chất chống oxy hóa không?

Một số loại thực vật có hơn 50 loại ankaloid có hoạt tính dược lý, nhiều hoạt chất trong số đó có hoạt tính chống oxy hóa. Các ankaloid đã qua thử nghiệm, được chuẩn hóa về thành phần hoạt tính và được sản xuất với sự kiểm soát chất lượng tốt sẽ có tác dụng có thể dự đoán trước được. Đối với những loại khác, chúng tôi chỉ đơn giản là chưa có đủ dữ liệu để biết tất cả các tác dụng của chúng. Khi không chắc chắn, cách an toàn nhất là giả định rằng tác nhân đó có hoạt tính chống oxy hóa và sử dụng cách xa các thuốc điều trị.

6. Chế độ ăn uống có thể là một nguồn tương tác tiềm ẩn không?

Một chế độ ăn uống bình thường, đa dạng sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, điều hữu ích là nên cảnh báo người bệnh tránh áp dụng chế độ ăn có hàm lượng chất chống oxy hóa cao như “chế độ ăn chỉ một loại thực phẩm duy nhất” và nước ép rau. Ngoài ra, một số đồ uống thể thao và thực phẩm bổ sung protein được tăng cường hàm lượng dinh dưỡng cao có thể ảnh hưởng tới điều trị. Cần phải đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm trước khi dùng.

7. Nhiều thực phẩm bổ sung và sản phẩm thay thế thuốc khác như liệu pháp vi lượng đồng căn (homeopathic treatments) và các loại thảo dược Đông y được khuyến khích sử dụng trong điều trị ung thư. Đây có phải là một nguồn tương tác tiềm ẩn của chất chống oxy hóa?

Vi lượng đồng căn truyền thống rất loãng và không có khả năng tương tác. Tuy nhiên, một số sản phẩm được dán nhãn là vi lượng đồng căn có các thành phần khác không được pha loãng và có thể gây rủi ro.

Các loại thực vật liên quan đến Đông y cũng như các nền y học cổ truyền của châu Á phải đối mặt với những thách thức tương tự như các loại thảo mộc phương Tây, đó là chúng ta không phải lúc nào cũng biết chúng chứa bao nhiêu hoạt tính chống oxy hóa. Vì vậy, việc sử dụng chúng cũng cần lưu ý các cảnh báo tương tự.

8. Còn sự băn khoăn nào khác khi kết hợp các thực phẩm chức năng với phương pháp điều trị ung thư dễ bị mất tác dụng bởi các chất chống oxy hóa không?

Có nhiều liệu pháp y học bổ sung và liệu pháp thay thế thuốc được dựa trên y học bằng chứng với lợi ích đã được chứng minh11 khi những liệu pháp này được cung cấp bởi một cơ sở chăm sóc tích hợp và được quản lý chặt chẽ, nhưng vẫn có thể có những rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, gia tăng tác dụng phụ và phát sinh các vấn đề mới nếu sử dụng không đúng cách. Các nhà cung cấp các phương pháp điều trị này thường không nắm rõ phương pháp điều trị ung thư hiện đại và do đó, không nhận ra được các tương tác tiêu cực có thể xảy ra.

Người bệnh cũng bối rối khi các tương tác tạo ra những kết quả đôi khi không nhận biết được bằng trực quan. Trong trường hợp điều trị bổ sung làm giảm tác dụng phụ, có thể sẽ rất khó để người bệnh hiểu được rằng đây có thể không phải là một điều hoàn toàn tích cực khi có liên quan đến kết quả điều trị. Những người bệnh hay lo lắng, tự mình làm điều gì đó để cải thiện quá trình điều trị ung thư, thường cảm thấy bối rối khi những cách thông thường vẫn được coi là có lợi cho sức khỏe như ép rau và trái cây lại bị cho rằng là có nguy cơ gây rủi ro.

Kết luận

Việc lựa chọn các thực phẩm chức năng bổ sung cho bệnh nhân trong quá trình điều trị nên được giới hạn với những loại có cơ chế tác động và tương tác đã được biết rõ; khi có nghi ngờ, cần phải thận trọng. Những lợi ích tiềm năng của việc giảm tác dụng phụ đến từ thực phẩm chức năng thường không lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn của việc làm giảm kết quả điều trị. Điều quan trọng cần lưu ý là chất chống oxy hóa chỉ đại diện cho một trong nhiều loại thực phẩm bố sung và phương pháp điều trị thay thế thuốc khác mà có khả năng tương tác với điều trị ung thư.

Sự tuân thủ và sự hài lòng của người bệnh sẽ được cải thiện nếu như những tương tác này có thể được giải thích rõ ràng thay vì “chỉ nói không”. Việc tuân thủ sẽ tốt hơn nữa nếu một chất thay thế an toàn có thể được chỉ định thay cho một thực phẩm chức năng có nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với những bệnh nhân cam kết sử dụng nghiêm túc các sản phẩm này trong quá trình điều trị. Người bệnh đánh giá cao việc nhận được những chỉ dẫn có kiến ​​thức từ nhóm bác sĩ điều trị ung thư của họ, đặc biệt là khi họ nhận được những thông tin trái ngược nhau.

Việc sàng lọc bệnh nhân ban đầu về các tương tác có thể xảy ra có thể được thực hiện bởi nhân viên y tế cấp trung đã đào tạo thích hợp (trợ lý bác sỹ, y tá, nữ hộ sinh, …). Đối với những người bệnh có mong muốn điều trị sử dụng các thực phẩm hỗ trợ hoặc các liệu pháp thay thế thuốc, khuyến cáo họ nên sử dụng một dịch vụ điều trị ung thư tích hợp đã được cấp phép

Trong tương lai, khi chúng tôi nâng cao kiến ​​thức của mình với những nghiên cứu mới, có thể các chất chống oxy hóa từ chế độ ăn và thực vật sẽ tìm thấy vị trí của mình trong điều trị ung thư thông dụng.

Nguồn: https://ascopost.com/issues/july-25-2014/avoiding-antioxidant-drug-interactions-during-cancer-treatment/

Tài liệu tham khảo

  1. Lariviere D: Nutritional supplements flexing muscles as growth industry. Forbes, April 2013. Available at www.forbes.com. Accessed June 30, 2014.
  2. Erhola M, Kellokumpu-Lehtinen P, Metsa-Ketela T, et al: Effect of anthracycline-based chemotherapy on total plasma antioxidant capacity in small-cell lung cancer patients. Free Radic Biol Med 21:383-390, 1996.
  3. Budman DR, Berry DA, Cirrincione CT, et al: Dose and dose intensity as determinants of outcome in the adjuvant treatment of breast cancer. J Natl Cancer Inst 90:1205-1211, 1998.
  4. Ladas EJ, Jacobson JS, Kennedy DD, et al: Antioxidants and cancer therapy: A systematic review. J Clin Oncol 22:517-528, 2004.
  5. Bairati I, Meyer F, Gélinas M, et al: Randomized trial of antioxidant vitamins to prevent acute adverse effects of radiation therapy in head and neck cancer patients. J Clin Oncol 23:5805-5813, 2005.
  6. Meyer F, Bairati I, Fortin A, et al: Interaction between antioxidant vitamin supplementation and cigarette smoking during radiation therapy in relation to long-term effects on recurrence and mortality: A randomized trial among head and neck cancer patients. Int J Cancer 122:1679-1683, 2008.
  7. Labriola D, Livingston R: Possible interactions between dietary antioxidants and chemotherapy. Oncology (Williston Park) 13:1003-1008, 1999.
  8. Memorial Sloan Kettering Cancer Center: Integrative Medicine. Available at www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine. Accessed June 30, 2014.
  9. Cassileth B: Survivorship: Living Well During and After Cancer. Ann Arbor, Michigan, Spry Publishing, 2014.
  10. Labriola D: Complementary Cancer Therapies. New York, Three Rivers Press, 2000.
  11. Integrating conventional and naturopathic medicine. Swedish Medical Center Update, March 2011. Available at www.nwnaturalhealth.com/holmstrom-article.pdf. Accessed June 30, 2014.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích