menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Căn bệnh thời đại số – “Ung thư” tin đồn

user

Ngày:

23/10/2021

user

Lượt xem:

1135

Bài viết thứ 91/93 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Tác giả: TS.BS. Phạm Nguyên Quý

Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto

Đồng sáng lập Tổ chức Thiện nguyện Y học cộng đồng

Ung thư đang là một gánh nặng ngày càng gia tăng trên toàn cầu. “Ung thư” cũng đã trở thành từ khóa hay được tìm kiếm trên Google và các mạng xã hội. Thống kê năm 2020 từ Globocan cho thấy hằng năm có 19.3 triệu người mắc mới ung thư trên toàn thế giới và họ đang tìm những thông tin về ung thư để điều trị và thay đổi lối sống. Theo khảo sát của Healthline năm 2017, có tới 90% bệnh nhân lên mạng tìm kiếm thông tin về ung thư và điều này cũng hay gặp ở cả những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.

Căn bệnh thời đại số - "Ung thư" tin đồn
Căn bệnh thời đại số – “Ung thư” tin đồn

Tuy nhiên, tìm ra thông tin chính xác trong rừng thông tin sức khỏe rộng lớn và hỗn tạp hiện nay không đơn giản tí nào. Rất nhiều người đang dễ dãi tin theo và còn góp tay lan truyền những tin sai về ung thư. Thông tin sai đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với khoa học cũng như sức khỏe toàn cầu vì nó làm nhiều người phải tiêu tốn thời gian và công sức làm những chuyện không đáng, trong khi lại làm nhiều người khác bỏ mất cơ hội chữa bệnh tốt hơn mà họ cần tiếp nhận.

Vì thông tin sai có khả năng lan truyền nhanh và rộng hơn qua mạng xã hội, chúng “vượt trội” thông tin chính thống trong việc “tiếp cận” cộng đồng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi nói về thực phẩm gây ung thư, vì đây là chủ đề thường làm nhiều người trong cộng đồng quan tâm và lo lắng. Cũng vì vô số thông tin thất thiệt trong lĩnh vực này đang được nhân đôi và lan đi nhanh chóng, nhiều chuyên gia nói rằng chính những tin đồn mới là “căn bệnh ung thư” không kiểm soát trong thời đại số!

Một trong nhiều TIN SAI được lan truyền tại Việt Nam trong thời gian qua bao gồm:

  • Nước đun sôi để nguội sinh ra chất gây ung thư!
  • Ăn đồ cháy sẽ bị ung thư!
  • Lò vi sóng gây ung thư!
  • Đường ăn và chất ngọt nhân tạo gây ung thư!
  • Ăn mì gói sẽ bị ung thư!

Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi về mối liên quan giữa thức ăn này hoặc thói quen kia và ung thư. Vì hiểu nhầm, nhiều người quá sợ hãi dẫn đến tẩy chay hẳn một số loại thực phẩm. Một số khác lại tự dằn vặt hay trách móc người thân vì đã “cho ăn đồ gây ung thư” làm họ thêm cô độc và tuyệt vọng.

Để ngăn ngừa những sai lầm nghiêm trọng này, chúng ta cần hiểu bản chất của ung thư và giới hạn của các nghiên cứu về ảnh hưởng của thực phẩm.

Ung thư là gì?

Sau hằng trăm năm nghiên cứu, giờ đây người ta đã biết rằng ung thư xảy ra khi các tế bào phân chia không kiểm soát, sinh sản và phát triển vô tổ chức trong cơ thể làm ảnh hưởng tới hoạt động sống của những cơ quan khác. Đầu tiên khối u có thể chỉ ở một nơi, nhưng sau đó nó xâm lấn và di chuyển tới nhiều nơi khác, bắt đầu gây ra triệu chứng và cuối cùng là tử vong trên người bệnh.

Nhưng tại sao tế bào ung thư lại có thể phát triển không kiểm soát?

Đó là vì trong các tế bào này đã xuất hiện và tích tụ các đột biến gene làm chúng có thể sinh trưởng và nhân đôi mạnh mẽ hơn bình thường, di chuyển và xâm lấn thoải mái hơn tới những vùng khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp, có đột biến gene lại làm hỏng cơ chế sửa lỗi sai trong bộ gene người, làm cơ thể tích nhiều đột biến gene hơn và dễ bị ung thư hơn. Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố làm giảm sức đề kháng của cơ thể khiến chúng ta không thể loại bỏ tế bào ung thư như thông thường.

Như vậy, ung thư là kết quả của sự tương tác sau một thời gian dài của nhiều yếu tố gây ung thư và yếu tố kiểm soát ung thư, tựa như câu chuyện của chiếc xe chạy không kiểm soát do kẹt ga hoặc do hỏng thắng.

Các yếu tố bên ngoài liên quan tới ung thư có thể kể đến là:

Yếu tố hóa học

  • Hút thuốc
  • Uống rượu
  • Các độc chất (Aflatoxin, Amiang,…)

Yếu tố vật lý

  • Tia tử ngoại
  • Tia phóng xạ

Yếu tố sinh học

  • Các loại vi khuẩn như H.Pylori
  • Các loại virus như HBV, HPV, EBV, HTLV1

Trong khi đó, có các yếu tố bên trong có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư

  • Tuổi tác
  • Suy dinh dưỡng nặng
  • Bệnh tiểu đường
  • Hội chứng béo phì
  • Bệnh suy giảm miễn dịch
  • Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch
  • Mang các đột biến gene liên quan tới bệnh ung thư di truyền như Hội chứng Lynch

Nguy cơ bị ung thư trong đời

Hình 1: Nguy cơ bị ung thư trong đời

Như minh họa trong Hình 1, nguy cơ bị ung thư cao hay thấp là kết quả tổng hợp các yếu tố nguy cơ bên ngoài và bên trong cơ thể của một người qua một thời gian dài. Cô A, cô B là người thường gặp trong cộng đồng; có nguy cơ mắc ung thư dưới mức đáng lo ngại. Trong khi đó, em F có nguy cơ bị ung thư cao hơn, dễ phát bệnh ở tuổi đời trẻ hơn vì có yếu tố bên trong là đột biến gene liên quan tới ung thư di truyền. Ngược lại, anh C, anh D có yếu tố nguy cơ nội tại thấp nhưng trên tổng thể lại dễ bị ung thư vì thói quen hút thuốc, uống nhiều rượu và lười vận động. Trên tổng thể phức tạp đó, việc chứng minh chất X nào đó là nguyên nhân gây ung thư ở người nào đó là cực khó.

Giới hạn của các nghiên cứu về ảnh hưởng của thực phẩm

Trên thực tế, các nghiên cứu về độc tính của thực phẩm, hóa chất thường được thực hiện trên mô hình động vật và việc áp dụng kết luận đó lên người có thể không chính xác. Ví dụ điển hình là tin đồn “ăn đồ cháy dễ bị ung thư”. Bánh mì nướng cháy hoặc khoai tây chiên giòn có chứa một chất hóa học gọi là acrylamide, được cho là có thể gây ung thư qua số liệu trên động vật. Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã ước tính cần ăn hàng trăm miếng mì cháy/ngày mới có thể bị ung thư. Cho đến nay, các nghiên cứu dịch tễ cho thấy acrylamide trong chế độ ăn bình thường không liên quan đến nguy cơ mắc ung thư.

Từ ví dụ trên, có thể thấy rằng việc chứng minh chất ABC nào đó là nguyên nhân gây ung thư ở người không hề đơn giản. Mỗi người có sẵn nguy cơ mắc ung thư khác nhau, trong khi chúng ta còn tiếp xúc với hằng hà sa số các chất có thể gây ung thư “thầm lặng” khác như khói xe, khói thuốc, rượu bia,…mà những yếu tố này cũng có thể thay đổi theo ngày tháng. Đây cũng chính là lý do mà các Tổ chức và Hiệp hội chuyên ngành luôn đắn đo cân nhắc khi đưa ra những ngưỡng an toàn của các hợp chất hay thực phẩm trong khuyến cáo của mình. Vì thế, chúng ta cũng cần đặt tiếp các câu hỏi về hàm lượng (nhiều hay ít), tần suất (thường xuyên hay không), thời gian (lâu hay không) và cách thu nạp (ăn uống hay hít, chạm) khi nghe tin “có chất nào đó trong thực phẩm gây ung thư”. Sự hiểu biết về những “thông số” này sẽ giúp chúng ta bình tĩnh ứng xử để không trách oan hay tẩy chay những thực phẩm mà mình hằng yêu thích.

Như vậy, ung thư không phải là căn bệnh đơn giản xảy ra chỉ vì một yếu tố nào. Ung thư là căn bệnh phức tạp xảy ra khi cơ thể tương tác với nhiều yếu tố trong môi trường sau một thời gian dài. Hiệp hội Ung thư Nhật Bản không khuyến cáo tránh ăn mì gói hay một thực phẩm cụ thể nào mà khuyến khích người dân thực thi triệt để 5 thói quen: Không hút thuốc lá, Giảm/bỏ rượu bia, Dinh dưỡng hợp lý, Vận động tích cực và Duy trì cân nặng hợp lý vì combo này có thể giảm nguy cơ mắc ung thư từ 40 tới 45%!

Giảm nguy cơ bị ung thư

Hình 2: Thực hiện 5 thói quen giúp giảm nguy cơ bị ung thư lên tới 40 – 45%

Hi vọng rằng bài viết này có thể giúp độc giả có cái nhìn sáng suốt hơn giúp dập tắt nhiều tin đồn về thực phẩm gây ung thư tại Việt Nam. Mặc dù hiện nay đã có một số tổ chức như Y học cộng đồng giúp rà soát và cảnh báo tin giả, tôi nghĩ rằng tin đồn sẽ không thể lan truyền tự do “như ung thư” nếu mỗi chúng ta tỉnh táo suy nghĩ và hạn chế chia sẻ những thông tin sai lệch.

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích