menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Lịch sử phong trào chống tiêm chủng (Anti-Vaccine)

user

Ngày:

25/10/2021

user

Lượt xem:

3211

Bài viết thứ 18/38 thuộc chủ đề “Vaccine COVID-19”

Dù có những phản ứng sau tiêm đáng tiếc xảy ra nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của vaccine cũng như các chương trình tiêm chủng quốc gia mà một trong số đó là xóa sổ nhiều căn bệnh nguy hiểm đã từng hiện hữu trong quá khứ. Vậy nguồn gốc của phong trào anti-vaccine này bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Lịch sử phong trào chống tiêm chủng (anti-vaccine)

Các chuyên gia lĩnh vực trong lĩnh vực y tế và sức khỏe đã ca ngợi tiêm chủng là một trong mười thành tựu y khoa hàng đầu trong thế kỷ 20 [1]. Tuy nhiên, sự phản đối đối với tiêm chủng đã tồn tại cùng với sự phát triển của nó [2] (thực ra, những thực hành phòng bệnh trước khi tiêm chủng ra đời cũng đã bị chỉ trích). Phong trào anti-vaccine đã xảy ra từ rất lâu và ở nhiều mức độ khác nhau, từ việc phản đối vaccine bệnh đậu mùa ở Anh và Hoa Kỳ từ giữa đến cuối những năm 1800, và kết quả là sự ra đời của các phong trào này. Cho đến các tranh cãi gần đây bao gồm sự an toàn và hiệu quả của vaccine phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (DTP), vaccine Sởi – Quai bị – Rubella (MMR) và cả vấn đề sử dụng chất bảo quản có chứa thủy ngân thimerosal trong vaccine.

Bệnh đậu mùa và các liên đoàn chống vaccine ở Anh

Tiêm phòng bệnh đậu mùa được phổ cập từ đầu những năm 1800, sau khi Edward Jenner thành công với thí nghiệm của mình. Ông nhận thấy rằng có thể chữa lành một đứa trẻ mắc bệnh đậu mùa nếu nó được cấy mủ mụn từ người mắc bệnh đậu bò. Tuy nhiên, vào thời đó, ý tưởng của Jenner chỉ được xem là lý thuyết và ông đã gặp phải sự chỉ trích ngay lập tức về quan điểm vệ sinh, tôn giáo, khoa học và chính trị.

Đối với một số người, tiêm phòng bệnh đậu mùa tự nó đã gây ra sự sợ hãi và chống đối. Phải tiêm vào chỗ thịt trên cánh tay trẻ con mủ mụn từ vết phồng của một người đã được tiêm phòng trước đó khoảng một tuần. Đối với nhiều người, sự bất mãn về vaccine đậu mùa phản ánh một niềm tin yếu kém đối với y học và những ý tưởng của Jenner về sự lây lan của dịch bệnh. Nghi ngờ về hiệu quả của vaccine, một số người hoài nghi lại cho rằng bệnh đậu mùa xuất phát từ các vật chất bị phân rã trong không khí. [4] Cuối cùng, nhiều người chống tiêm chủng vì họ tin rằng nó vi phạm quyền tự do cá nhân, sự phản đối càng tồi tệ hơn khi chính phủ ban hành các chính sách tiêm chủng bắt buộc [3].

Đạo luật Tiêm chủng năm 1853 đã yêu cầu tiêm phòng bắt buộc cho tất cả trẻ sơ sinh cho đến 3 tháng tuổi. Đạo luật năm 1867 đã tăng độ tuổi này lên con số 14, cùng với việc gia tăng hình phạt cho nếu từ chối tiêm chủng. Các đạo luật này ngay sau đó đã gặp phải sự kháng cự từ các công dân đòi quyền tự do cá nhân cho họ và con cái của họ [3]. Liên đoàn chống vaccine và Liên đoàn chống bắt buộc tiêm chủng được thành lập để phản ứng với các đạo luật này, nó cũng dẫn đến sự ra đời của nhiều tạp chí và tờ báo chống vaccine [2].

Thị trấn Leicester là một điểm nóng đặc biệt và là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống vaccine nhất. Tờ báo địa phương mô tả chi tiết về một cuộc mít-tinh này như sau: “Một đội hộ tống đi đầu bằng biểu ngữ được hình thành, họ hộ tống một bà mẹ trẻ và hai người đàn ông, tất cả đều quyết định tự nộp mình cho cảnh sát và thách thức chính quyền bỏ tù họ nếu con của họ được tiêm chủng. Ba người họ được nhận được hưởng ứng từ một đám đông lớn, và nó càng mãnh liệt hơn khi họ bước vào cửa phòng giam” [5]. Cuộc biểu tình tại Leicester vào tháng 3 năm 1885 là một trong những cuộc biểu tình chống vaccine khét tiếng nhất thời đó. Có khoảng 80.000-100.000 người chủ trương anti-vaccine đã dẫn đầu một cuộc tuần hành bài bản với đầy đủ biểu ngữ, quan tài trẻ con và một hình nộm của Jenner [3].

Những cuộc biểu tình và sự phản đối vaccine nói chung dẫn đến việc thành lập một ủy ban chuyên biệt nhằm nghiên cứu và phụ trách vấn đề tiêm chủng. Năm 1896, ủy ban này đã ra phán quyết rằng tiêm chủng giúp con người chống lại bệnh đậu mùa, nhưng đề nghị loại bỏ các hình phạt cho việc không tiêm phòng. Đạo luật Tiêm chủng năm 1898 đã loại bỏ các hình phạt và còn bao gồm một điều khoản dành cho những “người đối lập có lương tâm” (conscientious objector), để các bậc cha mẹ không tin vào sự an toàn và hiệu quả của vaccine nhận được giấy chứng nhận miễn trừ [2].

Bệnh đậu mùa và các liên đoàn chống vaccine tại Hoa Kỳ

Đến cuối thế kỷ 19, bệnh đậu mùa ở Hoa Kỳ đã dẫn đến các chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kèm với nó là phong trào anti-vaccine. Hiệp hội chống vaccine Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1879, sau chuyến thăm nước Mỹ của nhà chống vaccine hàng đầu ở Anh-William Tebb. Hai liên đoàn khác là Liên đoàn tiêm chủng chống bắt buộc New England (1882) và Liên đoàn chống vaccine của thành phố New York (1885) cũng được thành lập sau đó. Những người chống tiêm chủng ở Mỹ đã tiến hành các cuộc tranh tụng ở tòa án để bãi bỏ đạo luật tiêm chủng bắt buộc ở một số bang như California, Illinois và Wisconsin [2].

Năm 1902, sau khi bùng phát dịch bệnh đậu mùa, ủy ban y tế của thành phố Cambridge, Massachusetts, đã bắt buộc tất cả cư dân thành phố phải đi tiêm phòng. Tuy nhiên, một cư dân tên là Henning Jacobson từ chối việc này với lý do luật pháp vi phạm quyền chăm sóc cơ thể vì anh ta cho rằng, chính bản thân mới là người hiểu mình rõ nhất. Ngược lại, thành phố đã nộp đơn tố giác đối với anh ta. Sau khi thua kiện tại tòa án địa phương, Jacobson đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Năm 1905, Tòa án ra phán quyết rằng, nhà nước có thể ban hành các đạo luật bắt buộc để bảo vệ người dân trong trường hợp bệnh truyền nhiễm. Đây là vụ kiện đầu tiên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ liên quan đến quyền lực của quốc gia trong luật y tế công cộng [6], [7].

Tranh cãi về vaccine bạch hầu, ho gà và uốn ván (DTP)

Quan điểm anti-vaccine và tranh cãi về tiêm chủng không chỉ giới hạn trong quá khứ và còn kéo dài đến ngày nay. Vào giữa những năm 1970, một cuộc tranh luận xuyên quốc gia về sự an toàn của vaccine DTP đã nổ ra ở Châu Âu, Châu Á, Châu Úc và Bắc Mỹ. Tại Vương quốc Anh, phe đối lập đã phản ứng lại một báo cáo từ Bệnh viện Great Ormond Street dành cho trẻ em ở London, cáo buộc rằng 36 trẻ bị bệnh thần kinh sau khi chủng ngừa DTP [8]. Phim tài liệu và báo chí đã góp phần thu hút sự chú ý của công chúng về cuộc tranh cãi này. Một nhóm vận động mang tên Hiệp hội Cha mẹ của Trẻ em bị tiêm vaccine (APVDC), cũng thu hút sự quan tâm của công chúng về những rủi ro và hậu quả tiềm ẩn do DTP.

Để ứng phó với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng giảm và sự xuất hiện của 3 vụ dịch ho gà, Ủy ban về Vaccine và tiêm chủng (JCVI), một ủy ban tư vấn gồm các chuyên gia độc lập ở Anh, đã xác nhận sự an toàn của vaccine. Tuy nhiên, sự phản đối từ công chúng vẫn tiếp tục, một phần vì có nhiều ý kiến trái chiều trong giới y tế. Ví dụ, nhiều cuộc khảo sát của các nhà cung cấp dịch vụ y tế ở Anh vào cuối những năm 1970 cho thấy họ không khuyến khích tiêm chủng cho tất cả bệnh nhân [9]. Ngoài ra, Gordon Stewart, một bác sĩ có tiếng nói và rất tích cực phản đối vaccine, đã xuất bản một loạt các báo cáo trường hợp liên quan đến rối loạn thần kinh với DTP. Những báo cáo này càng dấy lên những cáo buộc nhằm phản đối tiêm chủng. Đáp lại, JCVI đã tiến hành một nghiên cứu cấp quốc gia có tên Bệnh não ở trẻ em (National Childhood Encephalopathy Study-NCES). Nghiên cứu bao gồm tất cả trẻ em từ 2 đến 36 tháng nhập viện ở Anh vì bệnh thần kinh, và đánh giá liệu tiêm chủng có liên quan đến căn bệnh này hay không. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ là rất thấp và dữ liệu này đã hỗ trợ rất lớn cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia [10]. Tuy vậy, các thành viên của Hiệp hội Cha mẹ có Trẻ em bị tiêm chủng (APVDC) tiếp tục tranh luận tại tòa án để được công nhận và bồi thường, nhưng đã bị từ chối do thiếu bằng chứng liên quan đến DTP và bệnh thần kinh.

Cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ bắt đầu với sự chú ý của truyền thông về những rủi ro được quy cho vaccine DTP. Một bộ phim tài liệu năm 1982, có tên là DPT: Vaccination Roulette, đã mô tả các phản ứng bất lợi đối với việc tiêm chủng [11]. Tương tự, một cuốn sách năm 1991 có tựa đề A Shot in the Dark (Mũi tiêm trong bóng tối) đã vạch ra những rủi ro tiềm ẩn khi tiêm vaccine [12]. Như ở Anh, một số bậc cha mẹ ở Mỹ đã thành lập các nhóm vận động nạn nhân, nhưng họ lại nhận được sự đáp trả mạnh mẽ từ các tổ chức y tế, như Học viện Nhi khoa và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh [9]. Mặc dù truyền thông đại chúng đã thúc đẩy một số vụ kiện chống lại các nhà sản xuất vaccine, việc tăng giá vaccine và đã khiến một số công ty ngừng sản xuất DTP [13], nhưng nói chung, chúng ít ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng ở Anh so với Hoa Kỳ.

Tranh cãi về vaccine Sởi, Quai bị và Rubella (MMR)

Gần 25 năm sau cuộc tranh cãi về DTP, Anh lại là nơi bắt nguồn các hoạt động chống tiêm chủng, lần này là liên quan đến vaccine MMR.

Năm 1998, bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đã đề nghị điều tra thêm về mối quan hệ giữa bệnh đường ruột, bệnh tự kỷ và vaccine MMR [14]. Vài năm sau, Wakefield cáo buộc vaccine này không được thử nghiệm đúng cách trước khi đưa vào sử dụng [15]. Các phương tiện truyền thông đã ghi lại những câu chuyện này, và làm dấy lên sự sợ hãi và hoang mang của công chúng về sự an toàn của vaccine [16]. The Lancet, một tạp chí y học hàng đầu từng công bố nghiên cứu của Wakefield, đã rút lại bài báo này, và tuyên bố vào năm 2004 rằng nó không nên được xuất bản [17]. Hội đồng y khoa Anh, một cơ quan quản lý độc lập các bác sĩ ở Anh, nhận thấy Wakefield có mâu thuẫn lợi ích chết người. Ông đã được một hội đồng luật pháp trả tiền để tìm hiểu xem liệu có bằng chứng nào hỗ trợ cho một vụ kiện để các bậc cha mẹ có cớ cáo buộc vaccine đã làm hại con cái họ. Năm 2010, Lancet chính thức rút lại bài báo sau khi Hội đồng Y khoa Anh ra phán quyết chống lại Wakefield. Wakefield bị điều tra, rút sổ đăng ký y tế ở Vương quốc Anh và có thể không thể hành nghề ở đó nữa. Vào tháng 1 năm 2011, BMJ đã công bố một loạt các báo cáo của nhà báo Brian Deer nêu ra bằng chứng rằng, Wakefield đã phạm tội gian lận khoa học bằng cách làm sai lệch dữ liệu và hy vọng sẽ thu được lợi nhuận từ các cuộc điều tra của mình theo nhiều cách [18].

Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện sau đó nhằm đánh giá sự an toàn của vaccine MMR và không có báo cáo nào tìm thấy mối liên quan giữa vaccine và bệnh tự kỷ [19].

Phong trào “Green Our Vaccines”

Thimerosal, một hợp chất có chứa thủy ngân được sử dụng làm chất bảo quản trong vaccine [20], là trung tâm của một cuộc tranh cãi mới về vaccine và bệnh tự kỷ. Mặc dù không có bằng chứng khoa học rõ ràng nào cho thấy một lượng nhỏ thimerosal trong vaccine có thể gây hại, nhưng vào tháng 7 năm 1999, các tổ chức y khoa và y tế công cộng hàng đầu của Hoa Kỳ đã đồng thuận nên giảm hoặc loại bỏ thimerosal ra khỏi vaccine như một biện pháp phòng ngừa [20]. Năm 2001, Ủy ban đánh giá an toàn tiêm chủng của Viện Y học đã ban hành một báo cáo kết luận rằng không có đủ bằng chứng để chứng minh hoặc bác bỏ rằng, thimerosal trong vaccine gây ra chứng tự kỷ, rối loạn quá mẫn chú ý, chậm nói hoặc chấm phát triển trí tuệ [21].

Một báo cáo mới đây hơn của ủy ban cũng ủng hộ việc bác bỏ mối quan hệ nhân quả giữa vaccine chứa thimerosal và bệnh tự kỷ [22]. Tuy nhiên, ngay cả với các kết luận này, một số nhà nghiên cứu vẫn hoài nghi và tiếp tục nghiên cứu chúng [23]. Ngày nay, thimerosal không còn được sử dụng trong hầu hết các loại vaccine dùng cho trẻ nhỏ, mặc dù một số dạng vaccine cúm nhiều liều đóng lọ có thể chứa chất bảo quản này [24].

Tuy đã có các bằng chứng khoa học đáng tin cậy, nhưng những lo ngại về thimerosal đã dẫn đến một chiến dịch “Green Our Vaccines” (Làm xanh vaccine của chúng ta), một phong trào nhằm loại bỏ các chất độc ra khỏi vaccine, vì sợ rằng các chất này có thể gây ra bệnh tự kỷ. Chiến dịch này được dẫn đầu bởi Jenny McCarthy, một người nổi tiếng cùng nhóm vận động Generation Rescue, và tổ chức Talk about Curing Autism (TACA) [25].

Kết luận

Mặc dù trải qua nhiều thời kỳ nhưng các lo ngại và niềm tin sâu xa cho dù là triết học, chính trị hay tinh thần, làm nền tảng cho các phong trào chống tiêm chủng (anti-vaccine) vẫn tương đối nhất quán kể từ khi Edward Jenner phát minh ra vaccine.

Tài liệu tham khảo

  1. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Ten great public health achievements — United States, 1900-1999. MMWR. Atlanta, GA: Centers for Disease Control and Prevention (CDC); 1999;48 (12):241-243. Accessed 01/10/2018.
  2. Wolfe, R.M., Sharpe, L.K. Anti-vaccinationists past and present. BMJ. 2002d;325:430-432.
  3. Durbach, N. They might as well brand us: Working class resistance to compulsory vaccination in Victorian England. The Society for the Social History of Medicine. 2000;13:45-62.
  4. Porter, D., Porter, R. The politics of prevention: Anti-vaccination and public health in 19th century England. (2.8 MB). Medical History. 1988;32:231-252. Accessed 01/10/2018.
  5. Williamson, S. Anti-vaccination leagues. (288K) Archives of Diseases in Childhood. 1984;59:1195-1196. Accessed 01/10/2018.
  6. Gostin, L. Jacobson vs. Massachusetts at 100 years: Police powers and civil liberties in tension. AJPH. 2005;95:576-581. Accessed 01/10/2018.
  7. Albert, M., Ostheimer, K.G., Breman, J.G. The last smallpox epidemic in Boston and the vaccination controversy. N Engl J Med. 2001;344. Accessed 01/10/2018.
  8. Kulenkampff, M., Schwartzman, J.S., Wilson, J. Neurological complications of pertussis inoculation. (559K) Arch Dis Child. 1974;49:46-49. Accessed 01/10/2018.
  9. Baker, J. The pertussis vaccine controversy in Great Britain, 1974-1986. Vaccine. 2003;21:4003-4011.
  10.  Miller, D.L., Ross, E.M. National childhood encephalopathy study: An interim report. (469K). Br Med J. 1978;2:992–993. Accessed 01/10/2018.
  11. WRC-TV, (Washington, D.C.). DPT : Vaccine Roulette. [Film]; 1982.
  12. Coulter, H., Fisher, B.L. A Shot in the Dark. New York: Penguin Group; 1991
  13. Gangarosa, E.J., Galazka, A.M., Wolfe, C.R., Phillips, L. M., Gangarosa, R. E., Miller, E., Chen, R.T. Impact of anti-vaccine movements on pertussis control: The untold story. The Lancet. 1998;351:356-361.
  14. Wakefield, A. Measles, mumps, and rubella vaccine: Through a dark glass, darkly. Adverse drug reactions and toxicological reviews. 2001;19:265-283. Accessed 01/10/2018.
  15. Wakefield, A., Murch, S.A., Linnell, J., Casson, D., Malik, M. Ileal-lymphoid-nodular hyperplasia, non specific colitis, and pervasive developmental disorder in children. The Lancet. 1998;351:637-641.
  16. Hackett, A.J. Risk, its perception and the media: The MMR controversy. Community Practitioner. 2008;81:22-25
  17. BBC News. Lead researcher defends MMR study. BBC News. Sunday, 22 February, 2004. Accessed 01/10/2018.
  18. Deer, B. How the case against the MMR vaccine was fixed. BMJ. 2011;342:c5347. Accessed 01/10/2018. Deer B. How the vaccine was meant to make money. BMJ. 2011;342:c5258. Accessed 01/10/2018. Godlee, F., Smith, J., Marcovitch, H. Wakefield’s article linking MMR vaccine and autism was fraudulent. BMJ. 2011;342:c7452. Accessed 01/10/2018.
  19. Stratton, K., Gable, A., Shetty, P., McCormick, M. Immunization safety review: Measles-mumps-rubella vaccine and autism. Washington, DC: Institute of Medicine, National Academies Press; 2001. Accessed 01/10/2018.
  20. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Information about Thimerosal. Accessed 01/10/2018.
  21. Institute of Medicine (IOM). Immunization safety review: Thimerosal – containing vaccines and neurodevelopmental disorders. Washington, DC: National Academies Press; 2001. Accessed 01/10/2018.
  22. Institute of Medicine (IOM). Immunization safety review: Vaccines and autism. Washington, DC: National Academies Press; 2004. Accessed 01/10/2018.
  23. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Vaccine Safety Datalink (VSD) Project Priority Studies. Accessed 01/10/2018.
  24. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Frequently Asked Questions about Thimerosal (Ethyl Mercury). Accessed 01/10/2018.
  25. Kluger, J. Jenny McCarthy on autism and vaccines. Time Magazine. 2009. Accessed 01/10/2018.

Nguồn: https://www.historyofvaccines.org/content/articles/history-anti-vaccination-movements (From The College of Physicians of Philadelphia)

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích