menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Ho và cảm lạnh ở trẻ em

user

Ngày:

27/07/2018

user

Lượt xem:

271

Bài viết thứ 15/25 thuộc chủ đề “Các bệnh Nội hô hấp”

Ho và cảm lạnh thường do virus gây ra và bệnh thường tự khỏi mà không cần phải sử dụng kháng sinh. Paracetamol hay ibuprofen có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng. Cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước.

Nguyên nhân và triệu chứng của ho, cảm lạnh là gì?

Hầu hết ho và cảm lạnh đều do virus gây ra. Có khá nhiều loại virus có thể gây nhiễm trùng mũi họng. Những siêu vi này được truyền vào không khí khi chủ thể nhiễm ho hoặc hắt hơi. Một trẻ mầm non hoặc tiểu học trung bình bị ho hoặc cảm lạnh khoảng 3 đến 8 lần mỗi năm. Thỉnh thoảng những đợt ho, cảm lạnh có thể xảy ra liên tiếp nhau. Đứa trẻ sống chung với người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những đứa trẻ khác.

  • Các triệu chứng thường gặp là ho và sổ mũi. Ho thường nặng hơn vào ban đêm. Việc ho sẽ không gây tổn thương phổi của trẻ.
  • Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt, đau họng, đau đầu, mệt mỏi, và chán ăn. Đôi khi trẻ có thể bị nôn ói sau một cơn ho.
  • Sự tích tụ chất nhầy sau màng nhĩ có thể gây nghe kém hoặc đau tai nhẹ.
Xem thêm bài viết Ho của BS. Phan Ngô Huy

Có những biện pháp nào điều trị ho và cảm lạnh?

Không có trị liệu nào đưa đến một cải thiện ngoạn mục cả! Thông thường, các triệu chứng sẽ nặng hơn trong vòng 2-3 ngày đầu tiên, và sau đó giảm bớt trong vài ngày kế tiếp khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đã diệt được virus. Ho khan do kích thích có thể kéo dài lên đến 2-4 tuần sau khi các triệu chứng khác đã hết. Kháng sinh không diệt được virus, do đó không nên sử dụng trong điều trị ho và cảm lạnh thông thường.

Ho và cảm lạnh thường không cần điều trị. Hãy chắc chắn rằng con bạn uống đủ nước. Nếu trẻ bị sốt và không uống được nhiều nước có thể dẫn đến mất nước.

Điều trị nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng:

  • Paracetamol hay ibuprofen có thể giúp giảm bớt đau nhức, đau đầu và sốt. Cả hai đều được bán ở các hiệu thuốc ở dạng lỏng cho trẻ em. Có nhiều thương hiệu khác nhau – hãy hỏi dược sĩ nếu bạn không chắc chắn loại nào phù hợp cho trẻ.
  • Một biện pháp phổ biến có thể giúp giảm nghẹt mũi ở trẻ là nhỏ vào mũi vài giọt nước muối sinh lý ngay trước khi trẻ ăn. Một số phụ huynh cảm thấy rằng việc này sẽ giúp mũi được thông thoáng và trẻ ăn dễ dàng hơn. Có ít bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích của việc này, nhưng cũng đáng để thử nếu trẻ ăn uống khó khăn. Bạn có thể mua loại nước muối nhỏ mũi này ở quầy thuốc.
  • Thoa dầu (dầu gió, dầu cù là) cũng là một biện pháp hay được sử dụng. Dầu thường được thoa lên vùng ngực và lưng (vì lý do an toàn, nên tránh thoa ở vùng mũi của trẻ nhỏ). Một lần nữa, có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích của việc này.
  • Xông hơi nước cũng có thể giúp giảm nghẹt mũi và ho. Cách an toàn nhất để làm điều này với trẻ em là cho trẻ ngồi trong phòng tắm với vòi hoa sen hoặc vòi nước nóng
  • Ngậm kẹo bạc hà cũng có thể giúp giảm viêm họng ở trẻ lớn.

Thuốc chữa cảm và ho

Thuốc chữa cảm và ho có thể được quảng cáo và bán ở nhiều hiệu thuốc. Chúng chứa các thành phần đơn lẻ hoặc kết hợp của paracetamol, thuốc chống nghẹt mũi, thuốc kháng histamin và thuốc ho. Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục rằng những thuốc này có hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng còn có thể gây tác dụng phụ như phản ứng dị ứng, buồn ngủ hoặc gây ảo giác (làm cho bạn nhìn hoặc nghe thấy những điều không thực sự xảy ra lúc đó)

Tháng 3 năm 2009, một thông báo quan trọng được đưa ra bởi cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA). Theo đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ không nên sử dụng các thuốc trị ho và cảm lạnh loại mua không cần kê toa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ 6 đến 12 tuổi vẫn có thể dùng (vì nguy cơ tác dụng phụ ở trẻ lớn thấp hơn). Tuy nhiên, thuốc chỉ được bán ở các quầy thuốc, dưới sự tư vấn của dược sĩ và lời khuyên rõ ràng được in trên bao bì thuốc. Lưu ý: paracetamol và ibuprofen không được xếp vào loại thuốc trị ho, cảm nên vẫn có thể dùng được cho trẻ nhỏ.

Xem thêm bài viết Thuốc ho của BS. Trần Thị Tuyết Hậu

Nghiên cứu gần đây

Bổ sung kẽm

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy kẽm, một loại khoáng chất, có thể giúp giảm độ nặng của triệu chứng cảm lạnh ở trẻ em khỏe mạnh.

Một tổng quan gần đây về các nghiên cứu liên quan đến việc bổ sung kẽm khi bị cảm lạnh cho thấy: việc bổ sung kẽm có thể giúp giảm thời gian và độ nặng của các triệu chứng cảm lạnh khi uống trong vòng 24 giờ sau khi khởi phát bệnh. Bổ sung kẽm cũng có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh. Tuy nhiên, khi uống kẽm có thể thấy mùi vị khó chịu và buồn nôn. Bài tổng quan trên kết luận rằng vẫn chưa chắc chắn liệu có nên khuyến cáo bổ sung kẽm trong điều trị cảm lạnh hay không. Cần tiến hành thêm một số nghiên cứu để tìm ra liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp.

Vitamin C

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Vitamin C giúp ngăn ngừa và trị cảm lạnh. Một tổng quan gần đây cho thấy uống vitamin C dường như không giúp phòng ngừa cảm lạnh trong dân số chung. Tuy nhiên, Vitamin C có tác dụng làm giảm thời gian và độ nặng của triệu chứng. Bên cạnh đó, trong một số thử nghiệm nếu một người trải qua một stress thể chất quá mức trong thời gian ngắn (như vận động viên chạy marathon hay trượt tuyết) vitamin C giảm một nửa nguy cơ mắc cảm lạnh. Cần nghiên cứu thêm để trả lời câu hỏi liệu vitamin C có lợi hay không một khi đã xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh.

Phương pháp điều trị khác

Echinacea (hoa cúc dại, là một loại thảo dược cổ truyền) và tỏi được sử dụng một cách truyền thống để điều trị cảm lạnh. Tuy nhiên, tổng quan các nghiên cứ gần đây không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ chúng có ích. MHRA cũng khuyên rằng Echinacea không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi do khả năng bị phản ứng dị ứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm.

Bạn nên cẩn thận với những triệu chứng nào?

Hầu hết ho và cảm lạnh tự khỏi mà không có biến chứng đáng ngại nào. Đôi khi một nhiễm trùng nghiêm trọng có thể phát triển từ tình trạng nhiễm virus ban đầu. Ví dụ như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng phổi (viêm phổi)… Những triệu chứng sau đây cần lưu ý vì có thể chỉ điểm một tình trạng nặng hơn là cảm lạnh thông thường:

  • Các vấn đề về hô hấp như – khò khè, thở nhanh, thở ồn ào hoặc khó thở
  • Không thể nuốt (có thể biểu hiện bằng việc trẻ bị chảy nước dãi quá mức)
  • Buồn ngủ
  • Trẻ nhỏ bứt rứt bất thường, khóc dai dẳng hoặc bỏ ăn
  • Phát ban
  • Đau ngực
  • Sốt kéo dài, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng sốt cao hơn 38°C
  • Đau đầu rất nhiều, đau họng, đau tai hoặc sưng tuyến mang tai
  • Ho kéo dài hơn 3-4 tuần
  • Các triệu chứng trở nặng thay vì cải thiện hơn sau khoảng năm ngày từ lúc khởi phát bệnh
  • Các triệu chứng (trừ ho nhẹ) kéo dài hơn khoảng mười ngày. Đặc biệt, nếu trẻ có đàm hoặc chất nhầy màu xanh lá cây, màu vàng hoặc nâu có thể chỉ điểm một tình trạng nhiễm vi khuẩn
  • Bất kỳ triệu chứng mà bạn không thể giải thích được

Hãy đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện khiến bạn lo lắng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu con bạn đã có sẵn một bệnh mạn tính hoặc đã có vấn đề về hô hấp, tim mạch hay thần kinh… Bác sĩ sẽ thăm khám cho trẻ để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng. Có thể bác sĩ sẽ không kê thêm thuốc nào để chữa ho hay cảm lạnh, nhưng việc kiểm tra cẩn thận sẽ giúp bạn an tâm hơn.

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/coughs-and-colds-in-children

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích