menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Hai trường hợp thải ghép giác mạc sau khi tiêm vaccine COVID – 19

user

Ngày:

26/06/2021

user

Lượt xem:

691

Bài viết thứ 31/38 thuộc chủ đề “Vaccine COVID-19”

Nghiên cứu này mô tả 2 trường hợp thải ghép giác mạc sau khi tiêm vắc xin COVID-19 (BNT162b2; Pfizer-BioNTech). Trước khi tiêm vắc-xin, bệnh nhân được phẫu thuật ghép giác mạc nội mô màng Descemet (DMEK) để điều trị bệnh loạn dưỡng giác mạc nội mô Fuchs (FECD).

Trường hợp 1

Một phụ nữ 66 tuổi đã được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên sau 14 ngày được phẫu thuật ghép giác mạc nội mô màng Descemet (DMEK) ở mắt phải kết hợp với phẫu thuật Phaco và đặt IOL. 21 ngày sau phẫu thuật tương ứng với 7 ngày sau khi tiêm chủng thì bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, đỏ mắt và sợ ánh sáng. Bệnh nhân nhỏ thuốc theo đúng y lệnh điều trị (nhỏ dexamethasone 0,1% mỗi 2 giờ trong 2 tuần, sau đó là 4 lần mỗi ngày). Thị lực tối đa sau chỉnh kính BCVA của bệnh nhân là 20/120 ở mắt phải.

Hai trường hợp thải ghép giác mạc sau khi tiêm vaccine COVID-19

Hình A: Đào thải và phù giác mạc sau 7 ngày được tiêm chủng

Hình B: Giác mạc trong sau 14 ngày sử dụng dexamethasone 0,1%

Hình C,D,E: OCT giác mạc và mảnh ghép 7 ngày sau phẫu thuật, 7 ngày sau tiêm và 14 ngày sau tiêm vắc xin.

Khám bằng đèn khe thấy IOL hậu phòng đúng vị trí, nhưng phần kết mạc viêm mức độ trung bình, phù giác mạc lan tỏa, kết tủa trắng ít và viêm phía dưới nội mô giác mạc hiến tặng và tiền phòng (AC). Mắt trái không viêm và khi soi đáy mắt với giãn đồng tử hai bên thì bình thường ở cả hai mắt. OCT bán phần cho thấy có sự gắn kết hoàn toàn và cho thấy độ dày giác mạc trung tâm tăng đáng kể từ 525 µm lên 652 µm trong khoảng thời gian từ ngày thứ 7 đến ngày 21. Để điều trị thải ghép nội mô cấp tính, các bác sĩ đã tăng tần suất sử dụng steroid tại chỗ hàng giờ. Đến ngày thứ 3 theo dõi, các triệu chứng và dấu hiệu viêm bắt đầu hết và đến 4 tuần thì thị lực là 20/20 và không có dấu hiệu viêm.

Trường hợp 2

Một phụ nữ 83 tuổi được phẫu thuật ghép giác mạc nội mô màng Descemet (DMEK) hai mắt, lần lượt vào 3 năm trước ở mắt trái và 6 năm trước ở mắt phải. Ba tuần sau khi tiêm vaccine COVID-19 liều thứ hai thì xuất hiện đồng thời triệu chứng thải ghép nội mô cấp tính ở cả hai mắt. Các triệu chứng của bệnh nhân bao gồm đột ngột nhìn mờ hai mắt kèm đau, sợ ánh sáng và đỏ mắt. 5 tháng trước đó, thị lực tối đa sau chỉnh kính (BCVA) là 20/20 ở cả hai mắt và thuốc steroid tại chỗ đã được ngừng sử dụng. Thời điểm thăm khám, BCVA lần lượt là 20/80 ở mắt phải và 20/40 ở mắt trái.

 Hai trường hợp thải ghép giác mạc sau khi tiêm vaccine COVID-19

Hình A,B và E, F: Kết tủa giác mạc mắt phải và tủa giác mạc mắt trái khi khám bằng Slitlamp

Hình C,D và G, H: Tủa giác mạc mắt phải và trái trên OCT

Khám bằng đèn khe cho thấy có hiện tượng viêm quanh rìa giác mạc 2 mắt, kết tủa trắng và tình trạng viêm ở tiền phòng mắt phải nhiều hơn. Soi đáy mắt khi được giãn đồng tử thì bình thường ở cả hai mắt. Độ dày giác mạc trung tâm là 660 µm ở mắt phải và 622 µm ở mắt trái. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nhỏ steroid hàng giờ. Đến ngày theo dõi thứ 7, các dấu hiệu viêm giảm, cả hai mảnh ghép hoạt động tốt và BCVA đã cải thiện thành 20/20 ở cả hai mắt. Tiến hành giảm tần suất sử dụng dexamethasone tại chỗ.

Hạn chế

Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn rằng tiêm chủng COVID-19 dẫn đến thải ghép nội mô giác mạc nhưng mối liên quan về thời gian và sự xuất hiện đồng thời thải ghép hai mắt là điều hiếm thấy trong thực hành lâm sàng và điều này cũng cho thấy có mối quan hệ nhân quả. Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng phản ứng kháng thể của vật chủ có thể đã kích hoạt phản ứng dị gen.

Các thử nghiệm vaccine đã chỉ ra rằng vaccine BNT162b2 tạo ra cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. 21 ngày sau khi tiêm chủng, tất cả những người tham gia nghiên cứu đều có sự tăng đột biến của nồng độ hiệu giá kháng thể trung hòa, đáp ứng tế bào T CD4 + và CD8 + đặc hiệu với kháng nguyên, và các cytokine tiền viêm như interferon gamma (IFNγ). Tế bào trợ giúp một TCD4+ sản xuất IFNγ rất quan trọng trong quá trình đào thải các mảnh ghép giác mạc. Phản ứng chéo giữa các tế bào T đặc hiệu với kháng nguyên virus và các tế bào nội mô giác mạc khác biệt với kháng nguyên HLA có thể đã góp phần vào việc thải ghép ở 2 bệnh nhân này.

Ý nghĩa lâm sàng

Nghiên cứu này là bằng chứng đầu tiên về mối liên quan theo thời gian giữa thải ghép giác mạc sau khi tiêm vaccine COVID-19 mRNA và trường hợp đầu tiên báo cáo về sự đào thải ghép giác mạc nội mô màng Descemet (DMEK) sau bất kỳ loại tiêm chủng nào.

Bệnh nhân cần được thông báo về các triệu chứng và dấu hiệu của thải ghép để được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân nên nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn này và cân nhắc việc tiêm phòng trước khi có kế hoạch điều trị phẫu thuật tạo hình ghép giác mạc. Ở những người đã được ghép giác mạc, có thể có lợi nếu tăng tần suất sử dụng phác đồ steroid hiện có hoặc tránh giảm liều điều trị trong khoảng thời gian sau tiêm chủng.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu thải ghép, thầy thuốc nên hỏi tiền sử tiêm chủng và báo cáo cho các cơ quan liên quan. Vì cả hai bệnh nhân đều được điều trị thành công bằng corticosteroid tại chỗ, những phát hiện trong bài báo này không ngăn cản việc tiêm vắc xin COVID-19, bởi vì việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể mang lại kết quả tích cực.

Tài liệu tham khảo

https://www.aao.org/editors-choice/two-cases-of-corneal-transplant-rejection-after-co

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích