menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Ung thư và khả năng sinh sản: Những câu hỏi thường gặp

user

Ngày:

15/12/2019

user

Lượt xem:

352

Bài viết thứ 02/17 thuộc chủ đề “Ung thư và khả năng sinh sản”

Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường

Hiệu đính: Trần Thị Kim Vân, Lê Hà Cảnh Châu

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 12/2019

Bài viết bao gồm một số câu hỏi thường gặp về ung thư và khả năng sinh sản

Ung thư ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?

Ung thư và điều trị ung thư có thể gây ra các vấn đề sinh sản và nó phụ thuộc vào loại ung thư và phương pháp điều trị. Khái niệm vô sinh có thể đi từ khó có con đến hoàn toàn không có khả năng có con. Vô sinh mắc phải sau điều trị có thể chỉ là tạm thời hoặc kéo dài hàng tháng, hàng năm hay thậm chí là vĩnh viễn.

Đối với nữ giới

Một vài phương pháp điều trị ung thư có thể làm ảnh hưởng tới buồng trứng và làm giảm số lượng trứng có trong buồng trứng. Quá trình bài tiết hormone ở não và buồng trứng cũng có thể bị ảnh hưởng. Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị sử dụng trong điều trị ung thư có thể gây tổn thương các cơ quan sinh sản. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hơn, xem Điều trị ung thư và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Đối với nam giới

Một vài phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng (số lượng tinh trùng được tạo ra thấp), chất lượng (tinh trùng tạo ra không đảm bảo về mặt chức năng) hoặc khả năng vận động (tinh trùng di chuyển kém). Đôi khi tinh hoàn cũng bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan sinh sản khác có thể bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hơn, xem Điều trị ung thư và khả năng sinh sản của nam giới.

“Những tiến bộ trong công nghệ y học đã giúp điều trị bệnh ung thư của tôi, và cho chúng tôi cơ hội được làm cha mẹ.” – Craig

Tuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản sau khi mắc ung thư?

Tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến những tác động của điều trị ung thư lên khả năng sinh sản.

Tuổi và khả năng sinh sản ở nữ giới

Từ khi sinh ra, phụ nữ đã có một số lượng trứng tối đa và chúng sẽ giảm dần khi tuổi tăng lên. Khả năng mang thai bắt đầu giảm sau 30 tuổi và sự suy giảm này nhanh hơn sau 35 tuổi. Từ độ tuổi này, việc mang thai trở nên khó khăn hơn và nguy cơ bất thường di truyền ở em bé cũng tăng lên.

Những tác động của điều trị ung thư cũng thay đổi theo độ tuổi. Trước dậy thì, buồng trứng được bảo vệ nhiều hơn khỏi hóa trị và xạ trị. Những ảnh hưởng của chúng lên khả năng sinh sản có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại thuốc và liều lượng sử dụng. Điều trị bằng liều cao đôi khi gây ra tổn thương cho buồng trứng, từ đó ảnh hưởng tới giai đoạn dậy thì và khả năng sinh sản sau này. Sau dậy thì, buồng trứng trở nên nhạy cảm hơn với các tác động của hóa trị và xạ trị, nguy cơ tăng lên theo độ tuổi. Ngay cả khi chức năng sinh sản trở lại sau khi điều trị, phụ nữ vẫn có thể bị mãn kinh sớm.

Tuổi và khả năng sinh sản ở nam giới

Chất lượng và số lượng tinh trùng của nam giới giảm khi tuổi tang lên, khiến họ mất nhiều thời gian hơn để có con. Trước và sau dậy thì, hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng và gây vô sinh. Ảnh hưởng của bức xạ phụ thuộc vào vị trí và liều lượng chiếu xạ.

Tôi có nên có con sau khi bị ung thư?

Đây là một quyết định mang tính cá nhân. Chẩn đoán ung thư có thể ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ và cảm nhận về việc có con. Nếu bạn đã có vợ (chồng), nên bàn bạc với nhau về những kế hoạch của gia đình. Các tư vấn viên tại phòng khám sinh sản sẽ thảo luận với bạn về những ưu và nhược điểm đối với hoàn cảnh hiện tại của bạn. Xem Những trang web hữu ích.

“Tuy được tiên lượng tốt, chúng tôi vẫn lo lắng về những gì sẽ xảy ra nếu ung thư quay trở lại và chúng tôi để lại một đứa trẻ không có cha mẹ. Đó là mối quan tâm lớn nhất của tôi.” – Liam

Sau khi điều trị ung thư bao lâu thì tôi có thể có con?

Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư và

loại điều trị. Theo một số chuyên gia, thời gian này là hai năm sau khi kết thúc điều trị. Đây là thời gian để cơ thể bạn phục hồi, và chắc chắn rằng tình trạng sức khoẻ của bạn tốt trong thời gian này. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên thảo luận về thời gian có con với bác sĩ của mình.

Với một số phương pháp điều trị sinh sản, bạn sẽ cần phải bổ sung nội tiết tố hoặc kích thích nội tiết tố. Thảo luận về những nguy cơ tiềm ẩn của các phương pháp điều trị sinh sản đặc biệt với chuyên gia ung thư hoặc chuyên gia sinh sản. Uống thuốc ức chế thụ thể hormone trong quá trình thu thập trứng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Mang thai sẽ khiến ung thư quay trở lại?

Nghiên cứu cho thấy mang thai không làm tăng khả năng ung thư quay trở lại (tái phát). Tuy nhiên, các nghiên cứu đã thực hiện chủ yếu tập trung vào những phụ nữ bị ung thư vú. Những nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục thực hiện, do đó tốt nhất là thảo luận vấn đề này với chuyên gia của bạn.

Để tìm hiểu thêm thông tin về mang thai và ung thư, xem thêm thông tin cho nữ giới và nam giới .

Các nghiên cứu cho đến nay cũng cho thấy tỷ lệ sống của những người có con sau khi điều trị ung thư không có sự khác biệt với những người không có con sau khi điều trị.

Nếu tôi bị ung thư liệu con của tôi có bị ung thư không?

Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu một hoặc cả hai cha mẹ có tiền sử ung thư, nguy cơ mắc ung thư của con cái họ không cao hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ của một số bệnh ung thư (có thể lên đến 5%) là do đột biến gen di truyền từ mẹ hoặc cha. Chúng được gọi là ung thư có tính chất gia đình. Những gen bị lỗi này làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng không có nghĩa là đứa trẻ sẽ thừa hưởng gen đó và sẽ bị mắc bệnh. Để tìm hiểu nhiều thông tin hơn, xem Nếu có gen ung thư.

Tư vấn viên di truyền là người có trình độ nhất cung cấp cho bạn những thông tin cập nhật về nguy cơ di truyền của bệnh ung thư cho các thành viên gia đình.

“Bác sĩ ung thư của tôi muốn bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt, vì vậy bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung thư đã quyết định ngày sinh cho con trai tôi, sau đó bắt đầu điều trị ung thư. Con đã được sinh an toàn sau 32 tuần.” – Lily

Nếu mắc ung thư trong thời gian mang thai thì sao?

Mắc ung thư trong thời gian mang thai không thường xảy ra – ước tính cứ 1000 phụ nữ mang thai thì có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Tuy nhiên, ung thư vẫn có thể được điều trị trong thời gian mang thai. Tốt nhất là bạn nên thảo luận về những rủi ro có thể xảy ra và lợi ích mang lại với bác sĩ ung thư trước khi bắt đầu điều trị. Trong một số trường hợp, có thể trì hoãn điều trị cho đến sau khi sinh. Nếu cần thiết, hóa trị có thể được sử dụng an toàn sau ba tháng đầu (>12 tuần).

Một số người được chẩn đoán mắc ung thư trong những tuần đầu của thai kỳ quyết định chấm dứt thai kỳ để họ có thể bắt đầu điều trị ngay lập tức, trong khi số khác được chẩn đoán trong giai đoạn muộn hơn của thai kỳ chọn cách sinh trước ngày dự sinh.

Bạn không nên cho con bú trong khi hóa trị vì thuốc có thể được truyền cho em bé thông qua sữa mẹ. Điều này cũng cần thiết đối với một số phương pháp điều trị khác. Để được hỗ trợ, hãy gọi Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ Úc theo số 1800 686 268.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancervic.org.au/living-with-cancer/common-side-effects/fertility/ccv-key-questions.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích