menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

U thần kinh trung ương ở trẻ em: Phân loại điều trị

user

Ngày:

04/06/2019

user

Lượt xem:

443

Bài viết thứ 04/09 thuộc chủ đề “U thần kinh trung ương ở trẻ em”

Ở trang này: Bạn sẽ tìm hiểu về các phương pháp khác nhau được bác sĩ sử dụng để điều trị cho trẻ có khối u thần kinh trung ương (CNS). Sử dụng menu để xem các trang khác.

Nói chung, khối u thường không phổ biến ở trẻ em. Điều này có thể gây khó khăn cho việc lên kế hoạch điều trị của các bác sĩ trừ khi họ biết phương pháp có hiệu quả nhất cho trẻ. Đó là lý do tại sao hơn 60% trẻ được điều trị như là một phần của thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm một hướng điều trị mới. “Chăm sóc đạt chuẩn” có nghĩa là những phương pháp điều trị tốt nhất được biết đến. Các thử nghiệm lâm sàng có thể là thử một loại thuốc mới, một cách kết hợp mới hoặc liều lượng mới của các phương pháp hiện đang điều trị. Sức khỏe và sự an toàn của tất cả trẻ tham gia thử nghiệm lâm sàng được theo dõi chặt chẽ.

Để có cơ hội nhận được các phương pháp điều trị mới này, trẻ có khối u hệ thần kinh trung ương nên được điều trị tại trung tâm ung thư chuyên sâu. Bác sĩ tại các trung tâm này có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị cho trẻ và được tiếp cận với các nghiên cứu mới nhất. Một bác sĩ chuyên điều trị khối u cho trẻ được gọi là bác sĩ ung thư nhi khoa. Nếu trung tâm ung thư nhi khoa không ở gần đó, các trung tâm ung thư tổng quát đôi khi có các chuyên gia nhi khoa có thể chăm sóc cho con của bạn.

Tổng quan về điều trị

Trong nhiều trường hợp, một nhóm các bác sĩ sẽ cùng chăm sóc cho một đứa trẻ và gia đình. Phương pháp này được gọi là điều trị đa mô thức. Các trung tâm ung thư nhi khoa thường có các chuyên gia hỗ trợ cho trẻ và gia đình của chúng, như chuyên gia về đời sống trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng, nhà trị liệu thể chất và nghề nghiệp, nhân viên xã hội và nhân viên tư vấn. Các hoạt động và chương trình đặc biệt sẽ giúp con bạn và gia đình đối phó với những tình huống có thể xảy ra.

Các phương pháp điều trị và khuyến cáo dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm phân loại khối u thần kinh trung ương, liệu nó có phải là ung thư hay không, giai đoạn và hoặc độ ác tính của khối u, tác dụng phụ có thể xảy ra, ưu tiên của gia đình, tuổi của trẻ và tổng trạng sức khỏe. Ví dụ, xạ trị thường được hạn chế ở trẻ dưới 3 tuổi, vì xạ trị rộng có thể ảnh hưởng đến học tập và trí nhớ trong tương lai. Kế hoạch chăm sóc còn bao gồm điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ, nó là một phần quan trọng của chăm sóc y tế. Bạn cần dành thời gian để tìm hiểu về các lựa chọn điều trị và đặt câu hỏi về những điều chưa rõ ràng.

Trao đổi với bác sĩ về các mục tiêu của mỗi phương pháp điều trị và những điều bạn mong đợi trong quá trình điều trị. Các cuộc thảo luận này được gọi là “chia sẻ quyết định điều trị”. Khi bạn và bác sĩ cùng nhau lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với mục tiêu chăm sóc được gọi là chia sẻ quyết định điều trị. Việc này rất quan trọng đối với khối u hệ thần kinh trung ương vì có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. Tìm đọc thông tin về đưa ra quyết định điều trị.

Mô tả các phương pháp điều trị phổ biến được sử dụng cho các khối u hệ thần kinh trung ương cụ thể được liệt kê dưới đây, tiếp theo là chi tiết hơn về từng loại điều trị.

U tế bào hình sao

Phương pháp điều trị thường dựa trên độ ác tính của khối u.

  • Đối với u tế bào hình sao có độ ác tính thấp, các lựa chọn bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp điều trị này. Các loại phương pháp điều trị được sử dụng phụ thuộc vào vị trí của khối u, mức độ đơn giản có thể loại bỏ được bằng phẫu thuật và tuổi của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, phẫu thuật kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị hạn chế có thể là một lựa chọn. Đối với trẻ lớn hơn, có thể sử dụng  phương pháp xạ trị mà không cần phẫu thuật.
  • Đối với u tế bào hình sao có độ ác tính cao, phẫu thuật kết hợp với xạ trị và hóa trị thường được chỉ định.

Tìm đọc thông tin về điều trị u tế bào hình sao.

Bệnh u thần kinh đệm thân não

Điều trị u thần kinh đệm thân não thường sử dụng phương pháp xạ trị. Hiện nay, hóa trị không được sử dụng để kéo dài cuộc sống cho trẻ bị u thần kinh đệm thân não. Tuy nhiên, các loại thuốc mới đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng. Tìm đọc thông tin về lựa chọn điều trị cho bệnh u thần kinh đệm.

U màng não thất

Điều trị u màng não thất bao gồm phẫu thuật và xạ trị. Hóa trị cũng có thể sử dụng cho trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có u màng não thất. Nó được sử dụng trong một thời gian ngắn giúp thu nhỏ khối u để sau đó có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Tìm đọc thông tin về phương pháp điều trị u màng não thất.

Khối u tế bào mầm

Phẫu thuật, hóa trị và/hoặc xạ trị thường được sử dụng để điều trị khối u tế bào mầm. Tìm đọc thông tin về làm thế nào để điều trị khối u tế bào mầm.

U nguyên bào tủy

Các phương pháp điều trị u nguyên bào tủy bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tìm đọc thông tin về những phương pháp điều trị u nguyên bào tủy.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh. Đây là phương pháp luôn được sử dụng trong quá trình phân loại khối u, thông qua sinh thiết hoặc trong quá trình điều trị khi khối u có thể được loại bỏ mà không có dấu hiệu nguy hiểm cho não. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh là những phẫu thuật viên được đào tạo chuyên biệt để điều trị khối u trong não hoặc cột sống bằng phương pháp phẫu thuật. Đôi khi, một khối u lan rộng và phát triển giữa các tế bào thần kinh khỏe mạnh khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn.

Trong một số tình huống, phẫu thuật có thể gây nguy hiểm đến các phần khác của não nằm gần khối u, ảnh hưởng đến vận động của tay chân, hô hấp, nuốt, vận động mắt hoặc ý thức. Trước khi phẫu thuật, hãy thảo luận với đội ngũ chăm sóc sức khỏe về các tai biến có thể xảy ra do phẫu thuật tại chỗ. Tìm đọc thông tin về những điều cơ bản của phẫu thuật.

Một số vị trí khối u không thể loại bỏ được bằng phẫu thuật. Những khối u này được gọi là không thể phẫu thuật hoặc không thể cắt bỏ. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị khác.

Xạ trị

Xạ trị là sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt để phá hủy các tế bào khối u. Bác sĩ xạ trị ung thư được đào tạo chuyên về điều trị khối u bằng liệu pháp xạ trị. Loại xạ trị phổ biến là xạ trị ngoài, có nghĩa là tia xạ được chiếu từ một máy nằm bên ngoài cơ thể. Khi tia xạ được tạo ra bằng cách cấy phóng xạ, nó được gọi là xạ trị trong hoặc cận xạ trị. Một liệu trình xạ trị được đưa ra thường bao gồm số lần điều trị cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Xạ phẫu tiếp xúc là cách chiếu tia xạ liều cao trực tiếp đến khối u mà không ảnh hưởng đến mô lành. Kỹ thuật này tạo ra các bản đồ 3 chiều chi tiết của não và khối u, vì vậy các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí chiếu tia xạ. Nó tác dụng tốt nhất cho khối u không phải ung thư và nằm trọn trong 1 phần của não.

Một loại xạ trị khác được sử dụng cho khối u hệ thần kinh trung ương là liệu pháp proton. Liệu pháp proton là một loại xạ trị ngoài, sử dụng các proton chứ không phải tia X. Bởi vì liệu pháp proton không đi vào toàn bộ cơ thể nên nó thường ít gây tổn thương cho các mô lành hơn. Từ năm 2000, liệu pháp proton đã phổ biến hơn ở Hoa Kỳ.

Tìm đọc thông tin về những điều cơ bản của xạ trị. Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi, phản ứng da nhẹ, khó chịu ở dạ dày, đau đầu và tiêu chảy. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất ngay sau khi điều trị kết thúc. Tuy nhiên, về lâu dài, xạ trị đôi khi có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và phát triển não của trẻ. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp khác để điều trị khối u.

Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là sử dụng hóa chất để phá hủy các tế bào khối u bằng cách kìm hãm các tế bào khối u phát triển, phân chia và tạo ra nhiều tế bào hơn. Hóa trị được chỉ định bởi một bác sĩ ung thư nội khoa, một bác sĩ chuyên điều trị khối u bằng hóa chất.

Hóa trị liệu hệ thống được đưa vào tuần hoàn để đến các tế bào khối u khắp cơ thể. Các đường phổ biến để cung cấp hóa trị liệu bao gồm ống truyền tĩnh mạch (IV) được đưa vào tĩnh mạch bằng kim hoặc trong một viên thuốc hoặc viên nang đường uống. Hóa trị cũng được đưa trực tiếp vào tủy sống để điều trị các tế bào khối u trên bề mặt não và cột sống. Thủ thuật này được gọi là hóa trị trong tủy sống, nó đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng và không có ở nhiều nơi.

Một liệu trình hóa trị thường bao gồm số lượng chu kỳ cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Một bệnh nhân có thể sử dụng 1 loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc.

Hóa trị có thể có hiệu quả đối với nhiều loại khối u não. Tùy thuộc vào phân loại khối u, hóa trị có thể được chỉ định ngay sau khi sinh thiết, phẫu thuật hoặc sau xạ trị. Trong một số trường hợp, hóa trị được sử dụng cùng lúc với xạ trị.

Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng cá nhân, loại thuốc và liều lượng sử dụng, bao gồm mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị kết thúc.

Tìm đọc thông tin về những điều cơ bản của hóa trị. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị khối u hệ thần kinh trung ương liên tục được đánh giá. Cách tốt nhất để tìm hiểu về các thuốc được chỉ định là thảo luận với bác sĩ về hiệu quả, các tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc tương tác với các thuốc khác. Một điều quan trọng nữa là nói cho bác sĩ biết nếu con bạn đang dùng bất kỳ thuốc theo đơn hoặc không theo đơn khác. Các loại thảo mộc, chất bổ sung và các loại thuốc khác có thể tương tác với thuốc trị ung thư. Tìm đọc thông tin về đơn thuốc của con bạn bằng cách sử dụng kho dữ liệu tìm kiếm thuốc.

U thần kinh trung ương ở trẻ em: Phân loại điều trị

Ảnh hưởng về thể chất, cảm xúc và xã hội của bệnh ung thư

Ung thư và quá trình điều trị ung thư gây ra các triệu chứng về thể chất, tác dụng phụ cũng như ảnh hưởng về cảm xúc, xã hội và tài chính. Cải thiện các vấn đề này gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Đây là một phần quan trọng trong chăm sóc trẻ cùng với các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ ung thư.

Chăm sóc giảm nhẹ tập trung cải thiện cảm giác của trẻ trong quá trình điều trị bằng cách giải quyết các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân và gia đình với các nhu cầu ngoài y tế khác. Mọi người bất kể tuổi tác, phân loại và giai đoạn ung thư, đều được hưởng chăm sóc này. Nó có tác dụng tốt nhất khi được bắt đầu ngay sau khi chẩn đoán ung thư. Những người được chăm sóc giảm nhẹ cùng với điều trị ung thư thường ít có triệu chứng nghiêm trọng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn và họ hài lòng hơn với việc điều trị.

Phương pháp điều trị giảm nhẹ thường khác nhau, bao gồm thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc, tinh thần và các liệu pháp khác. Trẻ được điều trị giảm nhẹ tương tự như điều trị hóa trị liệu, phẫu thuật hoặc xạ trị.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy thảo luận với bác sĩ về các mục tiêu của từng phương pháp trong kế hoạch điều trị. Bạn cũng nên thảo luận về các tác dụng phụ của kế hoạch điều trị cụ thể và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ.

Trong quá trình điều trị, đội ngũ chăm sóc sức khỏe có thể yêu cầu bạn trả lời các câu hỏi về các triệu chứng và tác dụng phụ của trẻ và để xác định rõ từng vấn đề. Bạn phải nói cho họ biết  nếu con bạn đang gặp vấn đề sức khỏe. Điều này giúp họ điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ một cách nhanh nhất. Nó còn giúp ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.

Tìm đọc thông tin về tầm quan trọng của việc theo dõi tác dụng phụ trong một phần khác của hướng dẫn này. Tìm đọc thông tin về chăm sóc giảm nhẹ trong một phần riêng của trang web này.

Sự thuyên giảm và nguy cơ tái phát

Khối u thuyên giảm là khi không còn được phát hiện trong cơ thể và không có triệu chứng. Điều này được gọi là “không có bằng chứng của bệnh” hay NED.

Sự thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc lâu dài. Việc không chắc chắn này khiến nhiều người lo lắng rằng ung thư sẽ quay trở lại. Mặc dù nhiều trường hợp thuyên giảm là lâu dài, điều quan trọng là thảo luận với bác sĩ về nguy cơ trở lại của khối u. Bạn cần hiểu được nguy cơ tái phát và các lựa chọn điều trị giúp bạn chuẩn bị tốt hơn nếu khối u quay trở lại. Tìm đọc thông tin về đối phó với nỗi sợ tái phát.

Nếu khối u trở lại sau điều trị ban đầu, nó được gọi là khối u tái phát. Nó có thể trở lại ở cùng vị trí (được gọi là tái phát tại chỗ), gần đó (tái phát khu vực) hoặc ở một vị trí khác (tái phát xa).

Khi điều này xảy ra, một chu trình xét nghiệm mới sẽ bắt đầu lại để tìm hiểu về sự tái phát càng nhiều càng tốt. Sau khi xét nghiệm hoàn thành, bạn và bác sĩ sẽ thảo luận về các phương pháp điều trị. Thông thường kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên như phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị, nhưng cũng có thể được sử dụng kết hợp hoặc với tốc độ khác. Bác sĩ có thể đề nghị các thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu, những cách mới để điều trị khối u tái phát này. Cho dù bạn chọn phương pháp điều trị nào, chăm sóc giảm nhẹ cũng rất quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Đối với một khối u hệ thần kinh trung ương tái phát, các lựa chọn điều trị phụ thuộc vào 3 yếu tố:

  • Phân loại khối u
  • Khối u tái phát ở vị trí ban đầu hay ở một phần khác của não hoặc cơ thể
  • Loại điều trị ban đầu cho khối u

Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị liệu và hoặc ghép tế bào gốc/ ghép tủy xương.

Khối u tái phát đem đến những cảm xúc như mất tin tưởng hoặc sợ hãi. Bạn và gia đình được khuyên nên thảo luận với đội ngũ chăm sóc sức khỏe về những cảm xúc này và hỏi về các dịch vụ hỗ trợ đối phó. Tìm đọc thông tin về đối phó với khối u tái phát.

Điều trị không hiệu quả

Việc điều trị thường thành công cho hầu hết các trẻ, tuy nhiên có một số trẻ không được may mắn như vậy. Khối u của một đứa trẻ không được chữa khỏi hoặc không được kiểm soát được gọi là khối u tiến triển hoặc giai đoạn cuối. Chẩn đoán này tạo ra căng thẳng và khó khăn cho việc thảo luận. Tuy nhiên, điều quan trọng là nên có các cuộc thảo luận cởi mở và trung thực với đội ngũ chăm sóc sức khỏe để bày tỏ cảm xúc, mong muốn và mối quan tâm của gia đình bạn. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để hỗ trợ và luôn sẵn sàng để giúp đỡ. Chăm sóc đặc biệt được thiết kế để mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho những bệnh nhân dự kiến sẽ sống dưới 6 tháng. Phụ huynh và người giám hộ được khuyến cáo nên thảo luận với đội ngũ chăm sóc sức khỏe về các lựa chọn chăm sóc đặc biệt, bao gồm chăm sóc đặc biệt tại nhà, trung tâm chăm sóc đặc biệt hoặc các địa điểm chăm sóc sức khỏe khác. Chăm sóc của điều dưỡng và các thiết bị chuyên biệt giúp cho việc chăm sóc ở nhà trở thành một lựa chọn khả thi cho nhiều gia đình. Một số trẻ sẽ vui hơn nếu chúng có thể đi học bán thời gian hoặc theo kịp các hoạt động khác và kết nối xã hội. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe sẽ quyết định giúp cha mẹ hoặc người giám hộ mức độ hoạt động thích hợp. Điều quan trọng là đảm bảo trẻ thoải mái về thể chất và không bị đau, đó như là một phần của chăm sóc cuối đời. Tìm đọc thông tin về chăm sóc một đứa trẻ ở giai đoạn cuối và kế hoạch chăm sóc nâng cao.

Cái chết của một đứa trẻ là một tổn thất lớn và các gia đình cần được hỗ trợ để vượt qua sự mất mát. Các trung tâm ung thư nhi thường có các nhân viên chuyên nghiệp và các nhóm hỗ trợ trong giai đoạn đau buồn. Tìm đọc thông tin về đau buồn vì mất con.

Các phần tiếp theo trong hướng dẫn này là về Thử nghiệm lâm sàng. Nó cung cấp thêm thông tin về các nghiên cứu nhằm tìm ra các cách tốt hơn để chăm sóc những người có khối u hệ thần kinh trung ương. Sử dụng menu để chọn phần đọc khác trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/central-nervous-system-tumors-childhood/types-treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích