menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

U nguyên bào võng mạc ở trẻ em: Phương pháp điều trị

user

Ngày:

20/10/2019

user

Lượt xem:

482

Bài viết thứ 04/09 thuộc chủ đề “U nguyên bào võng mạc ở trẻ em”

Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường

Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Văn Tuy, Lê Hà Cảnh Châu

Bài viết này giới thiệu các phương pháp điều trị khác nhau được các bác sĩ sử dụng cho trẻ em mắc u nguyên bào võng mạc. Sử dụng menu để xem các bài viết khác

Thông thường, ung thư là bệnh không phổ biến ở trẻ em. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc lên kế hoạch điều trị trừ khi họ biết được phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất đối với lứa tuổi này. Đây là lý do tại sao hơn 60% trẻ em bị ung thư được điều trị như một phần của các thử nghiệm lâm sàng (là một nghiên cứu nhằm thử nghiệm một phương pháp điều trị mới). “Điều trị chuẩn” là phương pháp điều trị tốt nhất được biết đến. Các thử nghiệm lâm sàng có mục đích thử nghiệm các cách tiếp cận mới ví dụ như: một loại thuốc mới, một sự kết hợp mới các phương pháp điều trị, hoặc thử nghiệm liều mới của liệu pháp đang dùng. Sức khỏe và sự an toàn của những người tham gia thử nghiệm lâm sàng sẽ được theo dõi một cách chặt chẽ.

Để tận dụng các phương pháp điều trị mới này, những trẻ bị ung thư nên được điều trị tại một trung tâm chuyên khoa ung thư, nơi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị những trẻ bị ung thư và có khả năng tiếp cận những nghiên cứu mới nhất. Bác sĩ chuyên điều trị những trẻ bị ung thư được gọi là bác sĩ ung bướu nhi. Nếu bạn ở xa trung tâm ung bướu nhi, các trung tâm ung bướu tổng quát cũng sẽ có bác sĩ chuyên khoa nhi, người có khả năng chăm sóc sức khỏe cho con bạn.

Tổng quan về điều trị

Trong nhiều trường hợp, một nhóm các bác sĩ sẽ làm việc với bệnh nhân và gia đình để chăm sóc cho trẻ (được gọi là một đội ngũ đa ngành). Các trung tâm ung thư nhi khoa thường có các dịch vụ hỗ trợ cho bệnh nhân và gia đình, chẳng hạn như chuyên gia về đời sống trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia vật lý trị liệu, nhân viên xã hội và các nhà tư vấn tâm lý. Ngoài ra các trung tâm này có thể có các hoạt động và các chương trình hỗ trợ cho gia đình và con bạn đương đầu với khó khăn.

Một số phương pháp điều trị được sử dụng cho u nguyên bào võng mạc và hơn 90% trẻ em có thể được chữa khỏi. Ngoài việc chữa khỏi bệnh, một mục tiêu quan trọng của điều trị là bảo tồn thị lực. Nhiều phương pháp điều trị được mô tả dưới đây đã được áp dụng nhờ vào kết quả của các thử nghiệm lâm sàng. Nhóm ung thư trẻ em (COG) gần đây đã phát triển các thử nghiệm lâm sàng về điều trị u nguyên bào võng mạc.

Những phương pháp điều trị thường sử dụng cho u nguyên bào võng mạc được liệt kê dưới đây. Bên cạnh đó, việc chăm sóc và điều trị các tác dụng phụ cũng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư.

Các lựa chọn và khuyến cáo điều trị phụ thuộc vào một vài yếu tố, bao gồm loại ung thư và giai đoạn ung thư, những tác dụng phụ có thể xảy ra, mong muốn của gia đình và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Hãy dành thời gian để tìm hiểu về tất cả các phương pháp điều trị cho con bạn và hãy đặt câu hỏi về những thắc mắc bạn có. Trao đổi với bác sĩ về mục tiêu của mỗi phương pháp điều trị và kỳ vọng trong khi điều trị. Tìm hiểu thêm về đưa ra quyết định điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ khối u và một vài mô khỏe mạnh xung quanh nó. Phương pháp phẫu thuật nhằm cắt bỏ mắt được gọi là phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu (enucleation). Những trẻ chỉ có khối u ở một bên mắt có thể được điều trị khỏi bằng phương pháp này. Đối với những trẻ có khối u ở cả hai mắt, phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu chỉ được áp dụng nếu bác sĩ ung thư mắt (các bác sĩ chuyên về ung thư ở mắt) xác định rằng việc bảo tồn thị lực bằng các phương pháp khác là không khả thi. Điều trị phẫu thuật u nguyên bào võng mạc nên được thực hiện bởi những bác sĩ được đào tạo đặc biệt về nhãn-nhi. Hãy nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật về việc hồi phục và tác dụng phụ của phẫu thuật mà con bạn đang gặp phải. Tìm hiểu thêm về những điều cơ bản của phẫu thuật ung thư.

Mất thị lực có thể xảy ra sau phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu, và có thể dẫn tới những vấn đề về cảm nhận chiều sâu ở trẻ. Tuy nhiên hầu hết trẻ em thích nghi tốt với những thay đổi này theo thời gian. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những gì sẽ xảy ra sau phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu và những dịch vụ hỗ trợ nào có thể giúp ích trong việc thích ứng với những thay đổi này.

Nhiều người lo lắng về việc con của họ sẽ trông như thế nào sau khi cắt bỏ một mắt. Các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ hiện được sử dụng thường mang lại hiệu quả thẩm mỹ tốt. Đối với vùng vừa cắt bỏ mắt, người ta sẽ gắn mắt nhân tạo, hay được gọi là mắt giả. Mắt giả sẽ nhìn và cử động gần giống như mắt bình thường. Ví dụ, mắt nhân tạo sẽ di chuyển đồng thời với mắt còn lại của người đó, chỉ là ít hơn so với mắt bình thường. Những người thân trong gia đình có thể biết, nhưng với người lạ thì rất khó để nhận ra. Nếu cần phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu, hãy nói chuyện với bác sĩ về mắt giả; có thể phải chờ rất nhiều tuần bệnh nhân mới có thể nhận được mắt giả.

Trước khi phẫu thuật, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về các tác dụng phụ có thể xảy ra do phẫu thuật.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ chuyên về xạ trị để điều trị ung thư được gọi là bác sĩ xạ trị ung thư. Phương pháp xạ trị được sử dụng phổ biến nhất là xạ trị chùm tia ngoài, đó là phương pháp xạ trị bằng một cái máy bên ngoài cơ thể. Xạ trị bằng proton là một phương pháp xạ trị chính xác hơn, có thể làm giảm cả mức độ nghiêm trọng lẫn tần suất xảy ra của các tác dụng phụ ngắn và dài hạn. Tuy nhiên, chỉ có một vài trung tâm có thể thực hiện loại xạ trị này. Hãy nói chuyện với bác sĩ về tính khả thi của phương pháp và liệu nó có nên được sử dụng cho trẻ không.

Điều trị bằng các tấm có hoạt tính phóng xạ, hay còn được gọi là phương pháp xạ trị trong, là phương pháp sử dụng các đĩa có hoạt tính phóng xạ đưa phóng xạ trực tiếp vào mắt. Một phác đồ, hoặc liệu trình xạ trị thường bao gồm một số đợt điều trị cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, nôn và đau đầu là những tác dụng phụ thường gặp của xạ trị và chúng thường biến mất sau khi kết thúc điều trị. Sử dụng xạ trị ở trẻ nhỏ có thể cản trở sự phát triển bình thường của cơ thể trẻ, bao gồm cả sự phát triển của các xương quanh mắt, và tùy thuộc vào liều lượng điều trị. Nguy cơ xuất hiện các khối u khác gia tăng đối với những trẻ em mắc u nguyên bào võng mạc thể di truyền được xạ trị chùm tia ngoài. Những tác dụng phụ này không gặp khi sử dụng phương pháp điều trị bằng các tấm có hoạt tính phóng xạ. Tìm hiểu thêm về những thông tin cơ bản về xạ trị.

Phương pháp áp lạnh

Phẫu thuật lạnh, còn được gọi là phương pháp áp lạnh hoặc phương pháp nhiệt lạnh, là phương pháp sử dụng nitơ lỏng để đóng băng và tiêu diệt các tế bào. Có thể phải đóng băng một hoặc nhiều lần.

Điều trị bằng laser

Điều trị bằng laser là sử dụng nhiệt dưới dạng laser để thu nhỏ một khối u có kích thước nhỏ. Nó có thể được gọi với tên khác là nhiệt trị liệu hoặc “TTT” (transpupillary thermotherapy) (nhiệt trị liệu “qua đồng tử”). Phương pháp này có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với phương pháp áp lạnh hoặc xạ trị. Quang đông là một phương pháp điều trị bằng laser khác sử dụng ánh sáng để thu nhỏ khối u.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư, thường bằng cách chấm dứt khả năng phát triển và phân chia của chúng và có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u ở mắt. Hóa trị được thực hiện bởi bác sĩ ung thư nhi khoa hoặc bác sĩ nội ung thư, một bác sĩ chuyên điều trị ung thư bằng thuốc. Một liệu trình hóa trị thường bao gồm một số lượng cụ thể chu kỳ được đưa ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Hóa trị liệu toàn thân theo dòng máu để đến các tế bào ung thư trên toàn cơ thể. Những cách thường dùng để đưa thuốc vào cơ thể bao gồm truyền tĩnh mạch (IV – thuốc được đưa vào cơ thể thông qua một ống đặt vào trong tĩnh mạch, thường dùng kim) hoặc uống (dưới dạng viên nén hoặc viên nang).

Hóa trị thường giúp giảm kích thước khối u và sau đó có thể loại bỏ hoàn toàn những khối u nhỏ còn lại bằng các biện pháp cục bộ, đã được nêu ở trên:

  • Nhiệt trị liệu hoặc quang động (trị liệu bằng laser)
  • Phương pháp áp lạnh
  • Điều trị bằng các tấm có hoạt tính phóng xạ

Làm nhỏ khối u bằng hóa trị được sử dụng để giảm kích thước khối u. Phương pháp điều trị này thường được sử dụng cho trẻ em mắc u nguyên bào võng mạc ở cả hai mắt với hy vọng tránh được việc phải cắt bỏ nhãn cầu và bảo tồn thị lực ở ít nhất 1 mắt. Bác sĩ nhãn khoa sẽ phải làm việc chặt chẽ với bác sĩ ung thư nhi khoa để xác định liệu phương pháp điều trị này có phù hợp hay không.

Trẻ em mắc bệnh với nguy cơ thấp và một số trẻ mắc bệnh nguy cơ trung bình có thể giảm cường độ hóa trị hoặc không cần hóa trị sau phẫu thuật. Hãy nói chuyện với bác sĩ xem cách điều trị này liệu có phù hợp cho con bạn hay không. Cả hai bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi quá trình điều trị xem nó có hiệu quả hay không và có thể đề nghị thêm các phương pháp điều trị khác để ngăn ngừa ung thư quay trở lại.

Các loại thuốc được sử dụng nhiều nhất cho u nguyên bào võng mạc là vincristine (Oncovin, Vincasar PFS), carboplatin (Paraplatin) và etoposide (Toposar, VePesid). Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của khối u, có thể khuyến nghị kết hợp 2 loại thuốc trở lên. Tất cả các liệu pháp hóa trị đều có các tác dụng phụ xảy ra trong quá trình điều trị. Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài đặc biệt. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc cụ thể được sử dụng và các tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn có thể xảy ra trước khi bắt đầu điều trị.

Hóa trị cũng có thể được thực hiện bằng cách truyền qua mạch máu (được gọi là nội động mạch) nuôi mắt và khối u bằng cách đặt ống thông vào vùng bẹn của trẻ. Bác sĩ sẽ di chuyển ống thông dưới sự trợ giúp của công nghệ tạo hình để đến được mạch máu trong đầu của trẻ. Can thiệp này có thể được sử dụng nhằm nỗ lực giữ lại mắt ở những trẻ mắc bệnh tiến triển nếu khối u vẫn còn giới hạn ở mắt. Phương pháp hóa trị liệu này đang được sử dụng ở những trẻ em có 1 mắt hoặc cả hai mắt bị ảnh hưởng. Phương pháp này được thực hiện bởi một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh can thiệp.

Một kỹ thuật khác có thể được sử dụng là tiêm trực tiếp hóa chất vào mắt hay được gọi là tiêm nội nhãn. Phương pháp này có hiệu quả trong điều trị mầm trong thủy tinh thể, được tìm thấy trong chất lỏng bên trong mắt. Mầm trong thủy tinh thể rất khó điều trị bằng hóa trị toàn thân.

Tìm hiểu thêm về những thông tin cơ bản của hóa trị.

Ghép tủy xương/ ghép tế bào gốc

Đối với một số trẻ em mắc u nguyên bào võng mạc ngoài mắt giai đoạn IV, ghép tủy xương có thể được khuyến cáo. Đầu tiên trẻ được điều trị bằng hóa trị liều cao (và/hoặc xạ trị) để tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt, sau đó mới thực hiện việc cấy ghép. Ghép tế bào gốc là phương pháp trong đó các tế bào khỏe mạnh, chuyên biệt, được gọi là tế bào gốc tạo máu, được ghép cho bệnh nhân để thay thế tủy xương có chứa các tế bào ung thư hoặc giúp tủy xương của bệnh nhân phục hồi sau các điều trị ung thư khác.

Các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy cả trong máu và trong tủy xương. Hiện nay, phương pháp này thường được gọi là ghép tế bào gốc thay vì ghép tủy xương, bởi vì thực chất, nó là các tế bào gốc trong máu chứ không phải là mô tủy xương thực sự.

Trước khi đề nghị cấy ghép, các bác sĩ sẽ nói chuyện với bệnh nhân và gia đình về những rủi ro của phương pháp điều trị này. Họ cũng sẽ xem xét một số yếu tố khác, chẳng hạn như loại ung thư, kết quả của các lần điều trị trước đó, tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ. Tác dụng phụ tùy thuộc vào loại cấy ghép, tình trạng sức khỏe của trẻ và các yếu tố khác. Tìm hiểu thêm về những thông tin cơ bản về ghép tế bào gốc và ghép tủy xương.

Điều trị triệu chứng và tác dụng phụ

Ung thư và các phương pháp điều trị của nó thường gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài các phương pháp điều trị nhằm làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ ung thư, một phần quan trọng khác của chăm sóc ung thư là làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ trên bệnh nhân. Cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hay điều trị hỗ trợ. Nó bao gồm những phương pháp hỗ trợ bệnh nhân về thể chất, cảm xúc và các nhu cầu xã hội.

Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm những phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Tất cả các bệnh nhân, ở mọi lứa tuổi, bất kể loại và giai đoạn ung thư, đều cần được chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ hiệu quả nhất khi nó được bắt đầu càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư. Mọi người thường nhận được điều trị ung thư và việc chăm sóc giảm nhẹ cùng một lúc. Trên thực tế, những bệnh nhân điều trị cả hai cùng lúc thường có ít triệu chứng nghiêm trọng hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và hài lòng hơn với việc điều trị.

Các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ rất khác nhau, thường bao gồm thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và các liệu pháp khác. Trẻ có thể được điều trị giảm nhẹ cùng lúc với các phương pháp điều trị ung thư trực diện như hóa trị, phẫu thuật hay xạ trị. Hãy trao đổi với bác sĩ về mục tiêu của từng phương pháp trong kế hoạch điều trị.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe về các tác dụng phụ có thể xảy ra trong kế hoạch điều trị và lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ phù hợp. Trong và sau khi điều trị, nếu con bạn gặp vấn đề gì thì cần báo cho bác sĩ hoặc thành viên khác trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe để được giải quyết nhanh nhất có thể. Tìm hiểu thêm thông tin về chăm sóc giảm nhẹ.

Thuyên giảm bệnh và khả năng tái phát

Thuyên giảm là khi ung thư không còn được phát hiện trong cơ thể và không có triệu chứng. Điều này có thể được gọi là “không có bằng chứng của bệnh” (no evidence of disease – NED).

Thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sự không chắc chắn này khiến nhiều người lo lắng rằng ung thư sẽ quay trở lại. Mặc dù trong đa số trường hợp sự thuyên giảm là vĩnh viễn, việc trao đổi với bác sĩ về khả năng trở lại của bệnh vẫn rất quan trọng. Hiểu về nguy cơ tái phát và các phương pháp điều trị có thể giúp bạn cảm thấy sẵn sàng và được chuẩn bị tốt hơn nếu ung thư quay trở lại. Tìm hiểu thêm thông tin về đối phó với nỗi sợ tái phát.

Nếu ung thư trở lại sau điều trị ban đầu thì được gọi là bệnh tái phát. Nó có thể tái phát ở cùng một vị trí (được gọi là tái phát tại chỗ), hay gần đó (tái phát tại vùng) hoặc tại một vị trí khác (tái phát xa).

Nếu có tái phát, một loạt các xét nghiệm sẽ được thực hiện lại từ đầu để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về sự tái phát. Sau khi hoàn tất các xét nghiệm, bạn và bác sĩ sẽ thảo luận về các phương pháp điều trị. Nếu u nguyên bào võng mạc tái phát sau khi điều trị, kế hoạch điều trị phụ thuộc vào nơi ung thư tái phát và độ xâm lấn của khối u mới. Các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và/hoặc các biện pháp tại chỗ, chẳng hạn như quang đông, nhiệt trị liệu, hoặc phương pháp áp lạnh (xem ở trên). Bác sĩ có thể đề nghị các thử nghiệm lâm sàng đang được nghiên cứu để điều trị loại ung thư tái phát này. Cho dù bạn chọn phương pháp điều trị nào, chăm sóc giảm nhẹ sẽ rất quan trọng để làm giảm bớt các triệu chứng và tác dụng phụ.

Khi ung thư tái phát, bệnh nhân và gia đình họ thường trải qua những cảm xúc như hoài nghi hoặc sợ hãi. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về những cảm xúc này và hỏi về các dịch vụ hỗ trợ để giúp gia đình bạn đối phó với chúng. TÌm hiểu thêm về đối phó với ung thư tái phát.

Điều trị không hiệu quả

Mặc dù phần lớn trẻ em mắc u nguyên bào võng mạc được điều trị thành công, đôi khi cũng có ngoại lệ. Nếu bệnh không thể kiểm soát hoặc chữa khỏi được thì được gọi là bệnh tiến triển hoặc giai đoạn cuối. Chẩn đoán này rất nặng nề nên là vấn đề rất khó thảo luận. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có những cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành với đội ngũ chăm sóc sức khỏe để bày tỏ cảm xúc, nguyện vọng và lo lắng của gia đình bạn. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ và nhiều thành viên trong nhóm có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để hỗ trợ bệnh nhi và gia đình.

Bệnh nhân có ung thư tiến triển và tiên lượng ​​sống dưới 6 tháng có thể cần đến một loại chăm sóc giảm nhẹ được gọi là chăm sóc cuối đời (Hospice care). Chăm sóc cuối đời được thiết kế để cung cấp chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể cho những bệnh nhân không còn sống được bao lâu nữa. Phụ huynh và người giám hộ được khuyến khích nên trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe về lựa chọn này, bao gồm chăm sóc tại nhà, tại trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt hoặc tại các địa điểm chăm sóc sức khỏe khác. Dịch vụ chăm sóc điều dưỡng và các thiết bị đặc biệt có thể giúp cho việc ở lại tại nhà trở thành một lựa chọn khả thi đối với nhiều gia đình.

Một số bệnh nhi sẽ thấy vui hơn nếu chúng có thể đi học bán thời gian hoặc thực hiện các hoạt động khác và kết nối với xã hội. Nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giúp phụ huynh hoặc người giám hộ quyết định mức độ hoạt động thích hợp. Điều quan trọng là đảm bảo trẻ thoải mái về thể chất và không bị đau đớn, đó là một phần của chăm sóc cuối đời. Tìm hiểu thêm về chăm sóc trẻ ở giai đoạn cuốikế hoạch chăm sóc ung thư tiến triển.

Cái chết của một đứa trẻ là một thảm kịch rất lớn và các gia đình có thể cần hỗ trợ để giúp họ đối phó với sự mất mát này. Các trung tâm ung thư Nhi thường có các nhân viên chuyên nghiệp và các nhóm hỗ trợ để giúp đỡ bạn vượt qua chuyện này. Tìm hiểu thêm về đau buồn khi mất con.

Phần tiếp theo trong hướng dẫn này nói về Thử nghiệm lâm sàng. Phần này cung cấp thêm thông tin về các nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra những cách tốt hơn để chăm sóc trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh ung thư. Sử dụng menu để chọn đọc một phần khác trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

Retinoblastoma – Childhood: Types of Treatment

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích