menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thông tin dành cho bệnh nhân đã điều trị vượt qua bệnh ung thư: Việc làm

user

Ngày:

13/12/2019

user

Lượt xem:

233

Bài viết thứ 05/08 thuộc chủ đề “Thông tin dành cho bệnh nhân đã điều trị vượt qua ung thư”

Bài viết có đề cập đến một số thông tin liên hệ ở Mỹ.

Việc làm

Công việc là một phần quan trọng của cuộc sống. Đối với hầu hết mọi người, công việc là nguồn bảo đảm tài chính và bảo hiểm y tế duy nhất. Công việc cũng có thể giúp nâng cao sự tự tin, tăng cảm giác gắn bó và mang lại nhiều lợi ích về kiến thức. Trải nghiệm căn bệnh ung thư có thể đã ảnh hưởng đến mục tiêu nghề nghiệp. Một số người sau khi vượt qua bệnh ung thư cảm thấy muốn được làm việc ở các lĩnh vực liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ ở bệnh viện, trường học hoặc các tổ chức phi lợi nhuận. Một số người khác xác định các nhu cầu chưa được đáp ứng của cộng đồng những người vượt qua bệnh ung thư và họ làm việc để tạo ra vị trí của bản thân.

Nếu bạn lo lắng không biết mình có đủ khả năng về thể chất và tinh thần để thực hiện công việc đã lựa chọn hay không, bạn hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe cho bạn. Nhóm này có thể giúp bạn đặt ra những kỳ vọng thực tế và giảm bớt lo âu. Trừ khi bạn có những hạn chế cụ thể về thể chất hoặc tinh thần và điều này ảnh hưởng đến công việc bạn đang lên kế hoạch, bệnh sử ung thư sẽ không ảnh hưởng đến khả năng nhận việc của bạn. Nhà tuyển dụng không thể từ chối việc thuê bạn đơn giản vì bạn là người vượt qua bệnh ung thư.

Chìa khóa cho một cuộc phỏng vấn việc làm thành công là sự chuẩn bị và lòng trung thực. Bạn cần chắc chắn rằng sơ yếu lý lịch của bạn càng chính xác càng tốt và bạn đáp ứng được các điều kiện của công việc. Nếu bị phát hiện đã nói dối trong đơn xin việc hoặc trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể sa thải bạn.

Bạn có thể cân nhắc bắt đầu sự nghiệp của mình với một công ty lớn. Thông thường, các tổ chức lớn hơn sẽ có ít rào cản hơn đối với các lợi ích về bảo hiểm y tế.

Dưới đây là một số lời khuyên về quy trình phỏng vấn xin việc:

  • Không tự thông báo về bệnh sử, bao gồm cả chẩn đoán ung thư. Một nhà tuyển dụng tiềm năng chỉ có quyền biết liệu bạn có thể thực hiện được các nhiệm vụ thiết yếu của công việc hay không và không thể hỏi những thông tin cá nhân hoặc những thông tin mật của riêng bạn trong một cuộc phỏng vấn.
  • Hãy trung thực. Không bao giờ nói dối trên đơn đăng ký bảo hiểm. Nếu bạn làm như vậy, các công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả cũng như hủy đơn bảo hiểm của bạn.
  • Nếu bạn nhận được một câu hỏi mà bạn cảm thấy nó bất hợp pháp (ví dụ về bệnh sử ung thư), hãy đưa ra một câu trả lời trung thực, nhấn mạnh khả năng thực tế của bạn, tuyệt nhiên không đề cập đến bệnh sử ung thư của bạn.
  • Luôn tập trung vào điểm mạnh của mình.
  • Nếu việc điều trị ung thư khiến bạn có những khoảng thời gian không đi làm, các nhà tuyển dụng tiềm năng có thể hỏi tại sao bạn không làm việc trong thời gian đó. Cách trả lời tốt nhất là giải thích về quá trình điều trị, nhưng vẫn tập trung vào thực tế là hiện tại bạn đang khỏe mạnh.
  • Hãy hỏi nhân viên tư vấn việc làm hoặc liên hệ nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư để thực hành các kỹ năng khi đi phỏng vấn. Tập trung vào các câu hỏi gây cảm giác không thoải mái cho bạn trong cuộc phỏng vấn.
  • Không hỏi về quyền lợi trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, nhưng đảm bảo bạn đã xem kỹ lại những quyền lợi khi đi làm trước khi bạn nhận việc.
  • Được thông báo về các quyền hợp pháp của mình.
  • Liên lạc với những người đã vượt qua ung thư khác thông qua một nhóm nói chuyện trực tuyến hoặc nhóm hỗ trợ địa phương để tìm hiểu về việc làm cũng như phỏng vấn xin việc.
  • Sơ yếu lý lịch không nên được trình bày theo thứ tự thời gian. Nên trình bày sơ yếu lý lịch tập trung vào điểm mạnh của bản thân.
  • Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ cần không gian phù hợp để thực hiện công việc được giao, hãy thảo luận vấn đề này với nhà tuyển dụng trước.

Luật liên bang và tiểu bang

Nếu bạn đủ năng lực làm việc, luật pháp tiểu bang và liên bang nghiêm cấm các nhà tuyển dụng đối xử phân biệt vì bệnh sử của bạn. Bên cạnh các thông tin sau đây về luật liên bang, việc biết các quy định về luật lao động và phân biệt đối xử trong tiểu bang là rất quan trọng. Bạn có thể tìm thấy những thông tin này bằng cách liên hệ với Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC). Số điện thoại của tổ chức này có thể được tìm thấy ở các trang màu xanh trong danh bạ điện thoại.

Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật (ADA) là luật dân quyền liên bang, có một phần cấm phân biệt đối xử trong thực tiễn lao động. Đạo luật này được áp dụng cho các công ty có 15 nhân viên trở lên và phạm vi áp dụng bao gồm cả các khía cạnh khác như đơn xin việc, tuyển dụng, sa thải, thăng tiến, bồi thường, đào tạo và các đặc quyền khác khi làm việc.

Bản thân chẩn đoán ung thư không phải là một khuyết tật; mỗi trường hợp được xem xét theo từng cá nhân. ADA không yêu cầu công ty thuê một người khuyết tật thay vì một người khác đủ năng lực. Bạn phải có đủ năng lực để thực hiện các chức năng hoặc nhiệm vụ thiết yếu của công việc để được ADA bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử trong công việc.

ADA cung cấp các biện pháp bảo vệ sau:

  • Nhà tuyển dụng chỉ có thể hỏi các câu hỏi về sức khỏe liên quan đến công việc. Việc một nhà tuyển dụng tiềm năng hỏi về bệnh sử là bất hợp pháp, bao gồm việc hỏi bạn có bị ung thư hay không, hoặc yêu cầu bạn cung cấp hồ sơ sức khỏe từ bác sĩ trước khi đưa ra lời mời làm việc. Tuy nhiên, nếu tất cả nhân viên được yêu cầu kiểm tra sức khỏe, bạn sẽ không được miễn trong hoàn cảnh này. Việc kiểm tra sức khỏe phải liên quan đến công việc và phù hợp với yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng.
  • Nhà tuyển dụng không thể hỏi ứng viên rằng họ có bị khuyết tật hay không hoặc hỏi về nguyên nhân hoặc mức độ nghiêm trọng của khuyết tật đó. Tuy nhiên, họ có thể hỏi về khả năng làm việc của ứng viên đối với một công việc cụ thể.
  • Nhà tuyển dụng phải bố trí không gian hợp lý, miễn phí tại nơi làm việc cho người lao động, cho nhân viên khuyết tật đủ năng lực làm việc. Điều này bao gồm thiết kế sao cho người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với các khu vực ngoài văn phòng, nhưng không bao gồm bất kỳ hình thức hỗ trợ cá nhân nào, chẳng hạn như máy trợ thính. Nhà tuyển dụng tiềm năng có thể yêu cầu bạn mô tả hoặc trình bày cách thức, cần hoặc không cần không gian hợp lý để bạn sẽ có thể thực hiện các nhiệm vụ công việc được giao.
  • Nhà tuyển dụng phải đối xử bình đẳng với tất cả nhân viên.
  • Nhà tuyển dụng không được phân biệt đối xử với nhân viên đang có thân nhân bị bệnh.

Để biết thêm thông tin về ADA, liên hệ số 1-800-514-0301 (chế độ đàm thoại) hoặc 1-800-514-0383 (chế độ điện thoại văn bản dành cho người khiếm thính). Các chuyên gia làm việc từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, từ 10:30 sáng đến 4:30 chiều (giờ chuẩn miền Đông Bắc Mỹ), trừ thứ Năm, giờ làm việc từ 12:30 đến 4:30 chiều. Dịch vụ cũng được cung cấp bằng tiếng Tây Ban Nha. Thông tin cũng có sẵn thông qua trang web của Bộ Tư pháp ADA.

Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC) thi hành phần việc làm của ADA. EEOC cung cấp thông tin về các quyền theo ADA và về việc nộp đơn khiếu nại phân biệt đối xử trong công việc. Bạn có thể liên hệ với đại diện EEOC theo số 1-800-669-4000 (chế độ đàm thoại) hoặc 1-800-669-6820 (chế độ điện thoại văn bản dành cho người khiếm thính). Nếu bạn tin rằng các quyền theo ADA đã bị vi phạm, bạn cũng nên liên hệ với EEOC. Hãy ghi nhớ những việc này nếu bạn đang xem xét việc nộp đơn khiếu nại:

  • Các vụ kiện phân biệt đối xử diễn ra trong một thời gian ngắn và phải được nộp trong vòng 180 ngày kể từ khi khiếu nại bị cáo buộc.
  • Nếu EEOC quyết định không giải quyết yêu cầu của bạn, bạn có thể yêu cầu thư ‘quyền khởi kiện”. Bạn sẽ có 90 ngày từ ngày nhận thư để khởi kiện.
  • Việc khiếu nại thường tốn thời gian và gây ra mệt mỏi về tinh thần. Bạn nên xác định kết quả lâu dài bản thân mong muốn và cân nhắc chi phí so với lợi ích tiềm năng của việc nộp đơn kiện.
  • Luôn lưu giữ hồ sơ chi tiết về các khiếu nại, bao gồm thời gian, ngày tháng và nhân chứng.

Luật Phục hồi nghề nghiệp nghiêm cấm phân biệt đối xử với những người khuyết tật trong các chương trình do các cơ quan liên bang thực hiện, trong các chương trình nhận hỗ trợ tài chính từ liên bang, cho nhân viên liên bang và trong thực tiễn việc làm của các nhà thầu liên bang. Các tiêu chuẩn để xác định sự phân biệt đối xử việc làm cũng giống như các tiêu chuẩn theo ADA.

Luật nghỉ phép do bệnh và các vấn đề liên quan đến gia đình (FMLA) yêu cầu các doanh nghiệp có hơn 50 nhân viên cho phép nhân viên được nghỉ tới 12 tuần không lương với các lợi ích vẫn được duy trì trong thời gian 12 tháng vì các lý do cụ thể về sức khỏe và gia đình. Các doanh nghiệp này cũng phải sắp xếp công việc tương tự khi bạn quay lại làm việc. FMLA được thi hành bởi Bộ phận tiền lương và giờ của Bộ Lao động Hoa Kỳ.

Thông tin bổ sung có thể được tìm thấy ở đây:

  • Maria Gilb, Thạc sỹ Tâm lý học đến từ Khoa Phục hồi nghề nghiệp
  • Maxwell-Weis, Thạc sỹ Giáo dục đến từ Đại học Webster, Điều phối viên ADA

Phục hồi chức năng nghề nghiệp

Mỗi tiểu bang đều có những dịch vụ phục hồi chức năng nghề nghiệp cho người khuyết tật. Các chương trình này ban đầu được phát triển cho những người khiếm thị hoặc khiếm thính, những người có các khiếm khuyết cơ thể và/hoặc các cựu chiến binh, nhưng các dịch vụ đã được mở rộng quy mô để phục vụ toàn diện hơn. Dù cấu trúc và vị trí của chương trình thay đổi theo từng tiểu bang, mục đích và mục tiêu cơ bản của các chương trình là như nhau: cung cấp dịch vụ việc làm toàn diện cho người khuyết tật.

Một chẩn đoán ung thư không hẳn là một khuyết tật. Để đủ điều kiện nhận dịch vụ này, bạn phải ghi lại rằng bạn đang ở trong tình trạng gặp phải các hạn chế về thể chất. Nói một cách khác, bạn phải xác định rằng, khuyết tật của bạn cho dù thuộc về thể chất, cảm xúc hoặc tinh thần đều có liên hệ với việc bạn nhận một công việc và duy trì công việc đó.

Đơn xin phục hồi chức năng nghề nghiệp được chấp nhận ở mọi lứa tuổi. Nhân viên phục hồi chức năng nghề nghiệp có thể không biết được tác động muộn của bệnh ung thư bị mắc phải ở thời kỳ niên thiếu (đặc biệt là những triệu chứng liên quan đến khiếm khuyết trong học tập), vì vậy bạn có thể cần phải cung cấp các giấy tờ từ nhóm chăm sóc sức khỏe hoặc các bài kiểm tra học vấn liên quan đến tác động muộn. Nếu bạn bị xét không đủ điều kiện cho các dịch vụ phục hồi chức năng nghề nghiệp, bạn có thể đăng ký lại nếu một tác động muộn mới xuất hiện.

Nếu bạn đủ điều kiện để phục hồi chức năng nghề nghiệp, trước tiên bạn sẽ gặp một cố vấn được đào tạo để đưa ra đánh giá công việc một cách toàn diện. Tư vấn viên sẽ đóng vai trò của một người ủng hộ, một huấn luyện viên công việc và sẽ giúp bạn phát triển một kế hoạch phục hồi nghề nghiệp cá nhân bằng văn bản. Kế hoạch có thể bao gồm đánh giá công việc, điều chỉnh công việc, đào tạo, học phí đại học, đào tạo tại chỗ, huấn luyện công việc và một loạt các dịch vụ khác để đưa đến việc làm cuối cùng.

Mục tiêu công việc phải được chia sẻ bởi cả cố vấn phục hồi nghề nghiệp và người vượt qua bệnh ung thư. Khi mục tiêu không đạt được, luật pháp yêu cầu người biện hộ độc lập cho người vượt qua bệnh ung thư từ Chương trình Hỗ trợ Khách hàng. Thông tin về sử dụng phục hồi nghề nghiệp cho giáo dục trung học được bao gồm trong phần giáo dục của hướng dẫn này.

Để liên hệ với các dịch vụ phục hồi chức năng nghề nghiệp trong tiểu bang của bạn, hãy kiểm tra các trang của chính phủ (màu xanh) trong danh bạ điện thoại hoặc xem trang web của bang của bạn (www.chữ viết tắt tiểu bang của bạn.gov). Một số bang có thể gọi các văn phòng phục hồi nghề nghiệp của họ bằng một tên khác, chẳng hạn như Bộ phận Phục hồi Chức năng Nghề nghiệp và Việc làm, hoặc Văn phòng Phục hồi Nghề nghiệp.

Thông tin bổ sung có thể được tìm thấy ở đây:

Tài liệu tham khảo

https://www.thenccs.org/employment/

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích