menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tầm soát ung thư cổ tử cung

user

Ngày:

04/11/2014

user

Lượt xem:

17

Bài viết thứ 03/04 thuộc chủ đề “Ung thư cổ tử cung”

Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng để phát hiện những thay đổi của tế bào cổ tử cung có thể dẫn tới ung thư ( xem FAQ Ung thư cổ tử cung ). Các xét nghiệm bao gồm phết tế bào cổ tử cung (Pap test), và đối với một vài phụ nữ, có thể xét nghiệm virus papilloma ở người (HPV) ( xem bài FAQ nhiễm trùng HPV ).

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư cổ tử cung (Nguồn ảnh: topnews.net.nz)

Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Tầm soát ung thư cổ tử cung đơn giản và nhanh chóng, thời gian thực hiện chưa đến một phút. Người phụ nữ sẽ nằm trên bàn khám, với một mỏ vịt được sử dụng để mở âm đạo. Dụng cụ này giúp nhìn rõ hơn cổ tử cung và phần trên của âm đạo.

Đối với xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap test), một lượng nhỏ tế bào được lấy ra từ cổ tử cung bởi một que chổi hoặc một dụng cụ chuyên biệt. Những tế bào này được cho vào một dung dịch và được gửi đến phòng xét nghiệm. Đối với xét nghiệm HPV, đôi lúc mẫu sử dụng cho xét nghiệm phết tế bào tử cung có thể được dùng chung để xét nghiệm, hoặc có thể lấy 2 mẫu tế bào để xét nghiệm Pap và HPV.

Phết tế bào cổ tử cung - Pap test

Phết tế bào cổ tử cung – Pap test (Nguồn ảnh: cancer.gov)

Đối tượng cần tầm soát ung thư cổ tử cung và tần suất thực hiện?

Bạn nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung từ khi 21 tuổi. Tần suất thực hiện sẽ phụ thuộc vào tuổi và tiền sử bệnh của bạn:

  • Phụ nữ độ tuổi 21-29 nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi 3 năm.
  • Phụ nữ độ tuổi 30-65 nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung và xét nghiệm HPV (xét nghiệm cùng lúc) mỗi 5 năm. Tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi 3 năm cũng có thể chấp nhận được.

Khi nào có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung?

Bạn có thể ngưng tầm soát ung thư cổ tử cung sau năm 65 tuổi nếu bạn không có tiền sử bị loạn sản cổ tử cung trung bình hoặc nặng, hoặc ung thư cổ tử cung, và nếu bạn có 3 lần tầm soát ung thư cổ tử cung âm tính liên tiếp hoặc 2 lần đồng xét nghiệm âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm, với lần xét nghiệm gần nhất trong vòng 5 năm trở lại.

Cần làm gì tiếp khi kết quả tầm soát bất thường?

Thông thường bạn sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác nếu kết quả xét nghiệm của bạn bất thường. Xét nghiệm khác thường chỉ là thực hiện lại tầm soát ung thư cổ tử cung, xét nghiệm HPV, hoặc là một xét nghiệm khác chi tiết hơn gọi là soi cổ tử cung (có hoặc không có sinh thiết). Nếu xét nghiệm đó cho thấy dấu hiệu của những thay đổi tiền ung thư, bạn có thể cần được điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường.

Liệu kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung có luôn chính xác?

Cũng như với bất kì xét nghiệm nào, tầm soát ung thư cổ tử cung không phải khi nào cũng chính xác. Đôi lúc, kết quả cho thấy tế bào bất thường trong khi chúng lại bình thường. Đây gọi là kết quả “dương tính giả”. Các xét nghiệm còn có thể không phát hiện được các tế bào bất thường khi chúng xuất hiện. Đây gọi là kết quả “âm tính giả”. Nhiều yếu tố có thể gây nên sự sai sót trong kết quả:

  • Mẫu xét nghiệm chứa quá ít tế bào.
  • Không đủ tế bào bất thường để đánh giá.
  • Nhiễm trùng hoặc vết máu có thể che khuất các tế bào bất thường.
  • Nước rửa hoặc thuốc đặt âm đạo có thể làm trôi đi hoặc hòa loãng các tế bào bất thường

Để phòng trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả, bạn nên tránh rửa nước, quan hệ tình dục, và đặt thuốc âm đạo hoặc sản phẩm vệ sinh trong vòng 2 ngày trước khi làm xét nghiệm. Bạn cũng không nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung nếu bạn đang hành kinh.

Giải thích thuật ngữ

Loạn sản: không phải là ung thư, là tình trạng các tế bào bình thường bị thay thế bởi một lớp tế bào bất thường. Loạn sản có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng.

Mỏ vịt : Dụng cụ dùng để mở rộng thành âm đạo.

Soi cổ tử cung : Xem hình ảnh khuếch đại của cổ tử cung, âm hộ, âm đạo bằng một dụng cụ chuyên biệt gọi là ống soi cổ tử cung.

Sinh thiết : Một thủ thuật ngoại khoa đơn giản lấy đi một mảnh tế bào để soi dưới kính hiển vi trong phòng xét nghiệm.

Virus papilloma ở người (Human papillomavirus (HPV)) : Tên gọi của một nhóm những virus liên quan với nhau, một vài chủng gây mụn cóc sinh dục và liên quan đến những thay đổi trong cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.

Tầm soát ung thư cổ tử cung (Pap test) : Một xét nghiệm lấy tế bào từ cổ tử cung và âm đạo rồi đem quan sát dưới kính hiển vi.

Nếu có bất kì thắc mắc gì, hãy liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa của bạn

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Cervical-Cancer-Screening

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích