menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Sự liên quan giữa rối loạn phổ tự kỷ và vắc-xin: chưa đủ bằng chứng…

user

Ngày:

03/05/2017

user

Lượt xem:

460

Bài viết thứ 23/91 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Bài dịch từ tài liệu tương ứng ở UpToDate, tài liệu tham khảo hàng đầu trong thực hành y khoa. Hi vọng giúp mọi người hiểu lý do tại sao các bác sĩ vẫn phải thận trọng khi quy kết nguyên nhân gây tự kỷ…

GIỚI THIỆU

Số trường hợp rối loạn phổ tự kỷ (ASD) ở Mỹ và các nước khác đã tăng lên từ những năm 1980, chủ yếu là do sự thay đổi các tiêu chuẩn chẩn đoán và tăng nhận thức về ASD. Sự gia tăng tỷ lệ ASD xảy ra vào thời điểm số lượng vắc-xin được đề nghị ở trẻ em cũng gia tăng, dẫn đến giả thuyết rằng vắc-xin (vắc-xin MMR) hoặc thành phần vắc xin (nhôm, thimerosal) góp phần hình thành ASD và các bệnh mạn tính khác. Nhiều nghiên cứu tiếp theo đã không chứng minh được mối liên hệ giữa các vắc-xin và ASD.

Trong bài viết này đề cập đến một số giả thuyết về sự liên quan giữa ASD và vaccine kèm theo bằng chứng phủ nhận các mối liên quan đó.

SỰ GIA TĂNG BIỂU KIẾN CỦA BỆNH TỰ KỶ

Số ca bệnh ASD ở Mỹ và các quốc gia khác đã tăng lên kể từ những năm 1980. Tỷ lệ ASD trong các nghiên cứu từ cuối những năm 1990 luôn cao hơn 10/10.000 người so với 4-5/10.000 người trong thời gian trước đó. Các khảo sát tích cực (active surveillance) tại Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh hiện hành (prevalence) ở trẻ em 8 tuổi là khoảng 1/68 ở Mỹ.

Người ta vẫn chưa rõ tỷ lệ bệnh ASD có thực sự tăng lên trong thực tế hay không. Định nghĩa tự kỷ khác nhau, phương pháp tìm ca bệnh và mẫu quần thể khác nhau trong các nghiên cứu là một trong nhiều lý do cản trở việc so sánh. Có lẽ chúng ta chỉ biết câu trả lời nếu có sự kiểm soát nghiêm ngặt các yếu tố trên. Những đánh giá hệ thống (systematic review) các nghiên cứu dịch tễ đã cho thấy sự thay đổi trong định nghĩa ca bệnh và sự tăng nhận thức về căn bệnh góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh hiện hành.

MỐI LIÊN HỆ ĐƯỢC ĐỀ XUẤT GIỮA VẮC-XIN và ASD

Sự gia tăng thực tế hoặc biểu kiến các trường hợp ASD xảy ra vào thời điểm số lượng vắc-xin phòng bệnh được khuyến khích cũng tăng lên. Trong cuộc tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh ASD, cha mẹ của trẻ em bị ASD và một số chuyên gia tìm thấy mối quan hệ thời gian (temporal association) giữa các lần chủng ngừa và sự xuất hiện các triệu chứng rõ rệt hơn của ASD vào năm trẻ lên 1 tuổi. Sự liên hệ này dẫn đến suy đoán rằng một số vắc-xin (ví dụ, MMR) hoặc thành phần vắc xin (ví dụ, nhôm, thimerosal) có thể đóng vai trò trong sự hình thành ASD. Tuy nhiên, các nghiên cứu theo thời gian (prospective study) đã chỉ ra rằng những biểu hiện của ASD thường được thấy trong năm đầu đời (tức lúc 0 tuổi), trước khi tiêm liều MMR đầu tiên.

VẮC-XIN MMR VÀ ASD

Mối liên hệ được đề xuất

Mối liên hệ giữa vắc-xin MMR, viêm ruột và ASD lần đầu tiên được đề cập trong một nghiên cứu năm 1998 ở 12 trẻ. Tuy nhiên, năm 2004, 10 trong số 13 tác giả của nghiên cứu này tuyên bố rút lại sự diễn giải nó, và tạp chí Lancet (nơi đăng bài báo) đã thu hồi (retracted) hoàn toàn bài báo năm 2010. Thêm vào đó, khi so sánh các mô tả ca bệnh trong bài báo và hồ sơ bệnh án thật tại bệnh viện, phóng viên điều tra đã phát hiện rằng nghiên cứu này có gian lận. Ba trẻ không có chẩn đoán ASD; năm trẻ đã có quan ngại về phát triển trước khi chủng ngừa MMR; các triệu chứng về hành vi xuất hiện ở một số trẻ em vài tháng (thay vì vài ngày) sau khi tiêm chủng. Kết quả nội soi đại tràng cũng đã được thay đổi từ ghi nhận “không có dấu hiệu bất thường rõ rệt” (“unremarkable findings”) thành “viêm đại tràng không đặc hiệu” (“nonspecific colitis”). Ngoài ra, các ca bệnh còn được thu thập thông qua một tổ chức chống vắc xin MMR, và nghiên cứu này được ủy thác và tài trợ theo một kế hoạch kiện tụng lập ra từ trước (planned litigation).
Một báo cáo khác so sánh sự hiện diện trường kỳ của virus sởi trong mô ruột của 91 trẻ bị rối loạn phát triển, bao gồm cả ASD, và 70 ca không mắc bệnh này (control). Virus sởi tồn tại phổ biến hơn ở những trẻ bị rối loạn phát triển (82% so với 7%). Mặc dù các tác giả của nghiên cứu này khẳng định mối liên quan giữa virus sởi và bệnh lý ruột ở trẻ, nghiên cứu và kết luận này đã bị chỉ trích vì những sai sót trong phương pháp luận. Chúng bao gồm việc không xác định/kiểm chứng liệu bộ gen của virus phát hiện trong ruột là virus sử dụng trong vắc-xin hay virus sởi có trong tự nhiên (tức là trẻ tự mắc).

Hiện tại vẫn thiếu bằng chứng để kết luận về quan hệ nhân quả giữa vắc-xin MMR và ASD.

Các nghiên cứu về cơ chế sinh bệnh

Một trong những tiêu chí thiết lập mối quan hệ nhân quả là có một sự giải thích rõ ràng và hợp lý về cơ chế sinh bệnh. Các cơ chế sinh học được đề xuất cho mối liên hệ giữa vắc xin MMR, bệnh lý ruột và ASD bao gồm suy giảm miễn dịch đối với virus hoặc hiện tượng tự miễn (autoimmunity) liên quan tới vắc xin MMR, sự tồn tại trường kỳ của virus sởi trong dạ dày-ruột hoặc hệ thần kinh trung ương và sự quá tải opioid. Các cơ chế đề xuất này đều thiếu bằng chứng hỗ trợ.

Bệnh nhân ASD không có dấu hiệu đặc trưng cho nào cho thấy hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc bị viêm. Mặc dù có báo cáo về sự hiện diện của virus sởi trong các mẫu mô ruột hoặc máu của trẻ em bị ASD, các nghiên cứu sau đó sử dụng các xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn, các kỹ thuật tiên tiến hơn đã không thể phát hiện ra axit nucleic của virus này trong các tế bào bạch cầu của trẻ em bị ASD đã tiêm chủng. Điều này chỉ ra rằng phát hiện trong các nghiên cứu trước đây có thể sai do dương tính giả (false positive). Nghiên cứu đối chứng (case-control study) cho thấy không có sự khác biệt trong việc tiết xuất opioids trong nước tiểu của trẻ em bị ASD và các ca chứng (control).

Nhiễm sởi kéo dài hoặc phản ứng miễn dịch kéo dài bất thường sau khi tiêm vắc-xin MMR là một cơ chế khác đã được đề xuất. Trong một nghiên cứu đối chứng gồm 98 trẻ em (tuổi từ 10 đến 12) bị ASD, 52 trẻ có nhu cầu đặc biệt không bị ASD và 90 trẻ phát triển bình thường, axit nucleic của sởi đã được phát hiện ở các tế bào máu đơn nhân ngoại vi của một trẻ bị ASD và hai trẻ em phát triểu bình thường. Phản ứng kháng thể không khác nhau giữa các ca bệnh và ca chứng, và không có sự tương quan giữa mức kháng thể và triệu chứng ASD.

Các nghiên cứu về dịch tễ học

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học với số mẫu lớn được thiết kế tốt và các đánh giá hệ thống (systematic review) đã không ủng hộ mối liên quan giữa vắc-xin MMR và ASD. Hầu hết các nghiên cứu này so sánh nguy cơ bị ASD ở trẻ em đã chủng ngừa MMR với nguy cơ mắc ASD ở trẻ không được chủng ngừa MMR. Các phương pháp tương tự đã được sử dụng để phát hiện ra mối liên quan giữa vắc-xin ngừa cúm lợn và hội chứng Guillain-Barré, vắc-xin Rotashield và chứng lồng ruột, vắc-xin MMR và chứng giảm tiểu cầu miễn dịch. Không có sự liên quan nào được phát hiện giữa vắc-xin MMR và ASD.

Một systematic review năm 2014 (bao gồm 538.207 trẻ em) và bốn nghiên cứu đối chứng (bao gồm 8912 trẻ em) không tìm thấy mối quan hệ giữa tiêm chủng MMR và ASD, tái khẳng định kết quả của các systematic reviews trước đó. Các nghiên cứu dịch tễ học cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa tuổi vào thời điểm tiêm chủng, thời gian từ khi chủng ngừa, hoặc ngày chủng ngừa và sự hình thành ASD. Trong một số nghiên cứu, tỷ lệ hiện mắc bệnh hiện hành của ASD tăng trong khi tỷ lệ tiêm chủng MMR giảm xuống.

(còn tiếp…)

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích