menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thông tin chung về Quế

user

Ngày:

30/09/2021

user

Lượt xem:

167

Bài viết thứ 09/53 thuộc chủ đề “Thảo mộc”

Biên dịch: Nguyễn Nhật Thanh Châu

Hiệu đính: DS. Đặng Hoài Thu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Thông tin dành cho bệnh nhân và người nhà

Hãy trao đổi với  bác sĩ về các loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bổ sung bạn đang dùng, chẳng hạn như thảo mộc, vitamin, khoáng chất, các bài thuốc nam, thuốc Đông y, dược liệu…Điều này sẽ giúp bác sĩ quản lý việc điều trị của bạn được tốt hơn và an toàn hơn.

Quế
Quế

Quế có tác dụng như thế nào?

Các bằng chứng gợi ý quế có thể có tác dụng giúp giảm đường máu và mỡ máu, tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu để khẳng định các tác dụng này.

Quế là tên gọi chỉ một số loài cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Phần vỏ cây giàu tinh dầu được sử dụng làm hương liệu hoặc gia vị. Quế từ lâu đã được dùng trong y học để chữa bệnh. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng quế có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa. Các nghiên cứu trên người gợi ý tác dụng giúp giảm đường máu, giảm lượng cholesterol toàn phần và triglycerid, đồng thời giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các nghiên cứu để khẳng định các tác dụng này.

Mục đích sử dụng

Bệnh đái tháo đường

Các kết quả từ các nghiên cứu được đánh giá dựa trên các chỉ số khác nhau liên quan đến đái tháo đường. Một số phân tích meta đưa ra kết luận quế giúp cải thiện chỉ số đường máu và mỡ máu, dù vậy, cần có các thử nghiệm có quy mô lớn và thiết kế tốt hơn đánh giá và khẳng định các tác dụng này.

Bệnh lý viêm nhiễm

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứng minh rằng quế có tác dụnggiảm viêm. Chưa có nghiên cứu trên người khẳng định tác dụng này.

Viêm khớp

Quế được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị viêm khớp nhưng chưa có bằng chứng khoa học ủng hộ nhận định này.

Cảnh báo bệnh nhân

Một số loại quế chứa hàm lượng cao coumarin, một thành phần tự nhiên có thể gây tổn thương gan.

Không sử dụng quế nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đang dùng các thuốc là cơ chất của cytochrom P450 2C9, 3A4, 2A6, 2D: Quế có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của những thuốc này. Hiện chưa có bằng chứng liên quan trên lâm sàng.
  • Đang dùng các thuốc statin: Khi dùng chung với các statin, quế đã được báo cáo gây viêm gan.
  • Pioglitazone (một thuốc điều trị đái tháo đường): Các nghiên cứu trên động vật cho thấy khi sử dụng đồng thời, quế có thể làm tăng sinh khả dụng của Pioglitazone

Tác dụng phụ

Rối loạn tiêu hóa: đau dạ dày, ợ hơi, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy

Các phản ứng dị ứng

Các báo cáo ca bệnh:

  • Đau miệng liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm quế qua đường miệng như kem đánh răng thảo dược và kẹo cao su.
  • Dị ứng nghề nghiệp được báo cáo khi sử dụng quế (do tiếp xúc với các hợp chất có trong quế).
  • Kích ứng da: Một trường hợp sử dụng thuốc đặt âm đạo có chứa dầu quế và một trường hợp khác sau khi sử dụng trà thảo mộc có hàm lượng quế lớn.

Thông tin dành cho cán bộ y tế

Tên khoa học

Cinnamomum zeylanicum, Cinnamomum aromaticum, Cinnamomum loureiroi, Cinnamomum burmannii

Tóm tắt lâm sàng

Quế là tên gọi chỉ một số loài thực vật thuộc chi Cinnamomum, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Vỏ cây giàu tinh dầu, được sử dụng như gia vị hoặc hương liệu. Quế được ứng dụng trong y học nhằm kích thích vị giác, trị viêm khớp, các bệnh lý viêm và khó tiêu. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, quế được dùng với thảo dược khác để trị cảm lạnh.

Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh rằng quế có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, kháng khuẩn, kháng u, và kháng estrogen.

Quế cũng đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng với đái tháo đường type 2 nhưng các kết quả còn mâu thuẫn. Các phân tích tổng hợp khác và một bài đánh giá cho thấy quế và chiết xuất của nó có tác dụng cải thiện  kiểm soát đường huyết  trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, tuy vậy các nghiên cứu này không đồng nhất và hiện vẫn cần thêm các nghiên cứu có quy mô lớn với thiết kế tốt hơn để khẳng định kết luận này. Các phân tích tổng hợp khác gợi ý các thực phẩm bổ sung chứa quế giúp giảm lượng triglycerid và cholesterol toàn phần trong máu cũng như nồng độ protein C, tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu có quy mô lớn với thiết kế tốt hơn để khẳng định các tác dụng này.

Các dữ liệu nghiên cứu bước đầu đã báo cáo về lợi ích của chiết xuất quế giúpgiảm đề kháng insulin ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS); cải thiện hội chứng chuyển hóa; giảm cao răng và viêm lợi ở người trưởng thành khỏe mạnh; và thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa quế giúp giảm đau vùng đáy chậuvà tăng chữa lành vết mổ tầng sinh môn ở phụ nữ sau sinh.

Trong một nghiên cứu về tính an toàn trên bệnh nhân tiền đái tháo đường, chiết xuất tan trong nước của quế không ảnh hưởng đến điện tâm đồ. Tuy nhiên, một số sản phẩm quế chứa hàm lượng cao coumarin có thể gây độc cho gan và tương tác với các thuốc kê đơn khác.

Nguồn gốc thực phẩm

Vỏ quế

Mục đích sử dụng

  • Đái tháo đường
  • Các bệnh lý viêm
  • Viêm khớp

Cơ chế tác dụng

Hydroxy Cinnamaldehyde, một hợp chất có mặt trong quế, có tác dụng kháng viêm nhờ ức chế sự sản xuất nitric oxid  thông qua ức chế yếu tố nhân (NF)-kappaB. Quế cũng ức chế hoạt động của enzym HMG-CoA reductase ở gan và giảm nồng độ lipid  máu trên động vật và trên người. Trong một nghiên cứu khác, chất methyl hydroxy chalcone polymer, được phân lập từ quế, được chứng minh có tác dụng tương tự insulin bằng cách hoạt hóa các thụ thể của insulin.

Chiết xuất quế gắn với thụ thể beta của estrogen và có tác dụng kích thích trực tiếp đến sự tạo xương. Chiết xuất n-hexan của quế có hoạt tính kháng estrogen. Trong các nghiên cứu khác, chiết xuất quế được chứng minh ức chế yếu tố nhân NF kappaB và AP1 dẫn đến sự chết theo chương trình. Quế cũng cho thấy tác dụng kháng tạo mạch bằng cách ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF).

Các phản ứng bất lợi 

Phản ứng thường gặp: các rối loạn tiêu hóa và các phản ứng dị ứng thường có khả năng tự hồi phục trong nhiều trường hợp

Các báo cáo ca

  • Viêm lợi tương bào (PCG) và viêm miệng: sau khi sử dụng sản phẩm chứaquế qua đường miệng bao gồm kem đánh răng và kẹo cao su
  • Dị ứng nghề nghiệp: một thợ làm bánh tiếp xúc với cinnamal, một hợp chất có trong quế
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: một người 18 tuổi sau khi sử dụng thuốc đặt âm đạo có chứa dầu quế
  • Viêm da toàn thân: một người 26 tuổi sau khi uống vài tách trà thảo mộc có chứa hàm lượng quế lớn

Tương tác với thuốc

  • Các cơ chất của cytochrome P450: Các nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra quế ức chế cytochrome P450 2C9 và 3A4, 2A6, 2D, và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các thuốc được chuyển hóa bởi những enzym này. Hiện chưa có bằng chứng khẳng định mối liên quan về mặt lâm sàng.
  • Các statin: Khi dùng chung với các statin, quế đã được báo cáo gây viêm gan.
  • Pioglitazone: các nghiên cứu tiền lâm sàng chứng minh khi sử dụng đồng thời, quế làm tăng sinh khả dụng của pioglitazone.

Tương tác trong phòng thí nghiệm

  • Quế có thể làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu nhưng các bằng chứng chưa đồng nhất.
  • Theo lí thuyết, quế có thể làm tăng thời gian prothrombin.

Tài liệu tham khảo

Cinnamon

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích