menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy ở trẻ em: Phương pháp điều trị

user

Ngày:

30/07/2019

user

Lượt xem:

1059

Bài viết thứ 05/08 thuộc chủ đề “Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy ở trẻ em”

Bài viết này giới thiệu về các phương pháp điều trị khác nhau được các bác sĩ áp dụng cho trẻ em mắc bạch cầu cấp dòng tủy (AML) ứng với từng phân nhóm khác nhau. Sử dụng menu để xem các trang khác.

Các thuật ngữ dưới đây được sử dụng để mô tả tình trạng bệnh của trẻ mắc AML:
  • AML chưa điều trị: Trẻ chưa nhận được bất kỳ điều trị nào khác ngoại trừ điều trị làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Máu và/hoặc tủy xương chứa một lượng tế bào bạch cầu ác tính nhất định, và trẻ có thể có hoặc không có triệu chứng và dấu hiệu của bệnh.
  • AML lui bệnh hoàn toàn: Các tế bào ung thư vẫn được phát hiện dưới kính hiển vi nhưng với số lượng rất ít, theo cổ điển là nhỏ hơn 5%. Các phương pháp theo dõi mới, được gọi là phương pháp đánh giá tồn lưu tối thiểu tế bào ác tính (MRD; những tế bào ung thư không bị tiêu diệt sau điều trị), có khả năng tìm thấy các tế bào ung thư dù số lượng rất ít đồng thời cũng có thể so sánh được sự khác biệt giữa tế bào ung thư và các tế bào khỏe mạnh. Hiện nay các phương pháp MRD đang được sử dụng thường xuyên hơn để xác định mức độ lui bệnh và các nghiên cứu gần đây cho thấy các phương pháp này có khả năng dự đoán tốt hơn về cơ hội chữa khỏi bệnh. Trẻ thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh khi đã đạt lui bệnh hoàn toàn.
  • AML lui bệnh một phần: Số lượng tế bào bạch cầu ác tính trong tủy xương đã thuyên giảm nhưng vẫn còn có thể thấy được dưới kính hiển vi hoặc bằng phương pháp MRD. Trẻ thường không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh, điều này chỉ quan trọng trong quá trình điều trị giai đoạn tấn công (xem bên dưới, phần Hóa trị liệu).
  • AML tái phát: Bệnh tái phát sau một thời gian đạt lui bệnh (hoàn toàn không có triệu chứng, xem ở trên).
  • AML kháng trị: Bệnh hoàn toàn không thuyên giảm sau khi điều trị.

Tổng quan về điều trị

Nhìn chung, ung thư ở trẻ em thường không phổ biến. Do vậy rất khó để các bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị trừ khi họ biết rõ phương pháp nào hiệu quả nhất ở những đứa trẻ khác. Đó là lý do tại sao hơn 60% trẻ em bị ung thư được điều trị trong các thử nghiệm lâm sàng, để vừa kết hợp nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp mới trong điều trị. Sức khỏe và sự an toàn của tất cả trẻ em tham gia thử nghiệm lâm sàng được theo dõi chặt chẽ.

Trong nhiều trường hợp, một nhóm các bác sĩ đa ngành cùng làm việc với nhau để chăm sóc trẻ và gia đình. Các trung tâm ung thư nhi khoa thường có các dịch vụ/chuyên gia hỗ trợ khác như chuyên gia về đời sống trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu, nhân viên xã hội và nhân viên tư vấn. Một số bệnh viện cũng có các hoạt động và chương trình hỗ trợ đặc biệt khác.

Ngày nay, ngày càng nhiều trung tâm ung thư nhi khoa cũng có dịch vụ cho thanh thiếu niênthanh niên. Đôi khi, các trung tâm ung thư cho người lớn cũng có cung cấp các thử nghiệm lâm sàng cho thanh thiếu niên và thanh niên mắc bệnh ung thư.

Bài viết này nói về các lựa chọn điều trị cho AML. Trong đó hai loại phương pháp điều trị thường được sử dụng để điều trị AML ở trẻ em là hóa trị và ghép tế bào gốc/tủy xương. Xạ trị đôi khi được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt. Đôi khi, các phương pháp điều trị sẽ được phối hợp với nhau.

Lựa chọn và chỉ định điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm phân loại AML, các tác dụng phụ có thể xảy ra, và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Kế hoạch chăm sóc trẻ cũng có thể bao gồm cả việc điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ, vốn một phần quan trọng của điều trị ung thư. Hãy dành thời gian tìm hiểu về tất cả các lựa chọn điều trị và chắc chắn đặt câu hỏi về những điều chưa hiểu rõ. Trao đổi với bác sĩ điều trị về mục tiêu của từng phương án điều trị và những gì có thể đạt được sau quá trình điều trị. Tìm hiểu thêm về việc đưa ra quyết định điều trị.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với AML. Đây là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt và phá hủy các tế bào ác tính, ngăn cản sự phát triển và tăng sinh của chúng. Thuốc được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên điều trị ung thư ở trẻ em bằng thuốc.

Thuốc dùng trong hóa trị sẽ theo máu đến các tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Các cách dùng thuốc hóa trị phổ biến là qua đường truyền tĩnh mạch (IV) hoặc qua đường miệng (uống thuốc viên nén hoặc viên nang).

Một liệu trình hóa trị thường bao gồm một số chu kỳ cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân có thể được sử dụng 1 loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc.

Một số liệu trình điều trị đã được cải tiến liên quan đến việc sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc. Theo đó, khoảng 85% trẻ mắc bệnh sẽ lui bệnh trong giai đoạn đầu và khoảng 50% đến 70% sẽ được chữa khỏi, đồng nghĩa với việc ung thư không tái phát. Dưới đây là mô tả chi tiết về mức độ thuyên giảm và tình trạng bệnh. Trong quá trình điều trị, trẻ cần được theo dõi rất cẩn thận và thường phải nằm viện nhiều tuần bởi số lượng tế bào máu rất thấp sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào việc trước đây trẻ đã được điều trị AML hay chưa, cũng như nhiều yếu tố khác. Hóa trị cho AML thường được chia thành 2 giai đoạn điều trị: tấn công và tăng cường.

  • Hóa trị liệu tấn công sử dụng thuốc hóa trị để phá hủy nhiều nhất có thể các tế bào ung thư nhằm đạt được lui bệnh.
  • Hóa trị liệu tăng cường giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau giai đoạn tấn công. Đồng nghĩa với việc còn quá ít tế bào còn sót để phát hiện bằng các xét nghiệm hiện đại. Cấy ghép tế bào gốc/tủy xương cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn này (xem bên dưới).

Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng bệnh nhân và liều sử dụng điều trị, nhưng nhìn chung bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, số lượng tế bào máu thấp, có nguy cơ nhiễm trùng, rụng tóc, buồn nôn và nôn, chán ăn hoặc tiêu chảy.

Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị kết thúc. Mức độ nghiêm trọng của chúng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như sự khác biệt di truyền (bởi cơ thể mỗi người sẽ hấp thu thuốc không hề giống nhau) và sức khỏe tổng quát của trẻ.

Khi bắt đầu trẻ sẽ được điều trị tương tự nhau. Tuy nhiên, sau đó, tùy thuộc vào các tác dụng phụ, liều lượng hoặc lịch trình có thể sẽ được thay đổi sao cho phù hợp. Cần có sự cân bằng giữa nỗ lực phá hủy tất cả các tế bào ung thư và mong muốn giảm thiểu các tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi cần thiết các bác sĩ sẽ cùng bạn thảo luận về những thay đổi trong kế hoạch điều trị và không phải tất cả trẻ đều cần phải thay đổi hóa trị.

Có 2 loại AML đặc biệt được điều trị khác với các loại khác:

  • Trẻ dưới 4 tuổi mắc hội chứng Down kèm AML: trong trường hợp này rất nhạy cảm với hóa trị liệu, và có thể áp dụng hóa trị với cường độ nhỏ hơn mà vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn với tỷ lệ sống sót gần 90% sau 5 năm.
  • Bệnh bạch cầu cấp tiền tủy bào (APL) với t (15; 17) (q22; q12): Nguyên nhân gây bệnh là do sự bất thường của hai nhiễm sắc thể, chuyển vị 2 gen MPL và RARA đến cạnh nhau. Điều trị bằng cách dùng hai loại thuốc, axit retinoic all-trans (ATRA) và asen trioxide, không giống như hóa trị liệu truyền thống. Phương pháp điều trị này, khi kết hợp với hóa trị liệu, đã đạt được tỷ lệ đáp ứng thuốc rất cao – trên 90%. Các nghiên cứu khác đã cho thấy kết quả cũng tương tự khi sử dụng cả hai loại thuốc mà không cần hóa trị.

Tìm hiểu thêm về những điều cơ bản của hóa trịchuẩn bị cho điều trị. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư liên tục được nghiên cứu. Trao đổi với bác sĩ là cách tốt nhất để tìm hiểu về các loại thuốc được kê đơn bao gồm tác dụng, các tác dụng phụ có thể có hoặc tương tác với các loại thuốc khác. Tìm hiểu thêm về đơn thuốc bằng cách sử dụng Cơ sở dữ liệu các thuốc được tìm kiếm.

Cấy ghép tế bào gốc/ tủy xương

Trẻ mắc AML có các nguy cơ tái phát khác nhau tùy thuộc vào các phân nhóm. Tái phát là khi bệnh xuất hiện trở lại sau điều trị. Đối với trẻ có nguy cơ tái phát cao hơn, các bác sĩ sẽ đề nghị cấy ghép tế bào gốc để giúp ngăn ngừa tái phát.

Ghép tế bào gốc là một thủ thuật y học trong đó tủy xương chứa tế bào ung thư sẽ được thay thế bằng các tế bào có tính biệt hóa cao, gọi là tế bào gốc tạo máu, giúp phát triển thành tủy xương khỏe mạnh. Tế bào gốc tạo máu là các tế bào tạo máu được tìm thấy cả trong máu và trong tủy xương. Ngày nay, thủ thuật này thường được gọi là cấy ghép tế bào gốc, thay vì là cấy ghép tủy xương như trước đây, bởi bản chất là cấy ghép các các tế bào gốc trong máu chứ không phải mô tủy xương thực sự.

Mục tiêu của cấy ghép tế bào gốc là phá hủy các tế bào ung thư trong tủy xương, máu và các bộ phận khác của cơ thể và cho phép thay thế tế bào gốc máu để tạo ra tủy xương khỏe mạnh. Các bác sĩ sử dụng hóa trị và/hoặc xạ trị để phá hủy các tế bào ung thư trước khi bắt đầu cấy ghép.

Trước khi đề xuất cấy ghép, các bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân và người nhà về những rủi ro của phương pháp điều trị này và xem xét thêm một số yếu tố khác như loại bệnh bạch cầu, nguy cơ tái phát thấp hay cao, mức độ tồn lưu tế bào ác tính sau khi điều trị giai đoạn tấn công, tuổi và tổng trạng của bệnh nhân.

Không phải tất cả trẻ mắc AML đều cần cấy ghép tế bào gốc. Trẻ mắc AML nhóm nguy cơ tái phát thấp sẽ có cơ hội chữa khỏi cao hơn và thường có thể chỉ cần điều trị hóa trị đơn thuần. Ví dụ, trẻ mắc hội chứng Down và APL với t (15; 17) không cần ghép tế bào gốc trừ khi bệnh tái phát. AML có kèm thay đổi cấu trúc gen (ví dụ, bất thường nhiễm sắc thể inv 16 hoặc t [8; 21], hoặc thay đổi phân tử NPM1 hoặc CEBPα) không cần điều trị bằng ghép tế bào gốc trừ khi là AML tái phát.

Đôi khi, để quyết định xem có nên cấy ghép tế bào gốc hay không các bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả đáp ứng của cơ thể sau giai đoạn hóa trị liệu tấn công. Trẻ em không có các yếu tố nguy cơ tái phát cao, chẳng hạn như FLT3, mất 1 NST số 7, mất 1 NST số 5 hoặc mất nhánh q của NST số 5 (5q-), không có tồn lưu tế bào ác tính trong tủy xương sau quá trình hóa trị liệu tấn công, cũng có thể được điều trị mà không cần sử dụng ghép tế bào gốc nếu đạt lui bệnh sau đợt điều trị đầu tiên.

Có 2 loại cấy ghép tế bào gốc tùy thuộc vào nguồn tế bào gốc thay thế:

  • Ghép đồng loại (ALLO): Ghép ALLO là loại thường được sử dụng nhất cho AML. Ghép ALLO sử dụng tế bào gốc được hiến, từ người hiến là họ hàng trong gia đình hoặc người lạ phù hợp
  • Ghép tự thân (AUTO): Ghép tự động sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân.

Đối với trẻ em có nguy cơ tái phát cao, khi có người hiến tặng là họ hàng trong gia đình thì ALLO là phương pháp điều trị ưu tiên sau khi trẻ đã đạt lui bệnh sau lần điều trị đầu tiên. Đối với trẻ em có nguy cơ tái phát cao mà khả năng hồi phục tủy kém thì ghép tế bào gốc với người hiến tặng là họ hàng hoặc là người hiến phù hợp đều được sử dụng sau khi trẻ đã đạt lui bệnh sau lần đầu.

Trước đây, việc cấy ghép từ người hiến không cùng huyết thống hiếm khi được thực hiện trừ khi AML tái phát. Tuy nhiên, sự an toàn của việc sử dụng tế bào gốc/tủy xương từ người cho không cùng huyết thống đã được cải thiện nên các phương pháp cấy ghép này đang được sử dụng thường xuyên hơn để ngăn ngừa tái phát cho trẻ mắc AML trong nhóm có nguy cơ tái phát cao. Các thử nghiệm lâm sàng đang được thực hiện nhằm nghiên cứu việc ghép tế bào gốc từ người hiến không cùng huyết thống cho bệnh nhân mắc AML có nguy cơ cao. Ví dụ bất thường nhiễm sắc thể được gọi là monosomy 7 hoặc trẻ không đạt lui bệnh sau khi hóa trị tấn công đầu tiên.

Tác dụng phụ phụ thuộc vào từng loại phương pháp ghép, tổng trạng của trẻ và nhiều yếu tố khác.

Tìm hiểu thêm về quá trình cấy ghép tế bào gốc và cấy ghép tủy xương.

Xạ trị

Xạ trị là sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt khác để phá hủy các tế bào ung thư. Một bác sĩ chuyên điều trị ung thư bằng xạ trị được gọi là bác sĩ xạ trị ung thư. Loại xạ trị phổ biến nhất là xạ trị ngoài, theo đó nguồn phát tia xạ là máy đặt bên ngoài cơ thể. Khi xạ trị được cấy ghép vào bên trong cơ thể thì được gọi là xạ trị nội bộ hoặc cận xạ trị. Một lịch trình xạ trị thường bao gồm một số lần chiếu tia cụ thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

Liệu pháp xạ trị cho AML thường chỉ định nếu ung thư đã lan/di căn đến não và không đáp ứng với hóa trị liệu toàn thân và/hoặc tiêm thuốc hóa trị liệu vào dịch tủy. Liệu pháp xạ trị cũng có thể được sử dụng để điều trị chloroma khi hóa trị liệu không hiệu quả. Như đã giải thích ở trên, xạ trị cũng có thể được sử dụng trong quá trình ghép tế bào gốc/tủy xương. Xạ trị toàn thân (TBI) là một loại xạ trị cho toàn bộ cơ thể để chuẩn bị cho cơ thể nhận cấy ghép.

Tác dụng phụ của xạ trị có thể bao gồm mệt mỏi, kích ứng da nhẹ, đau dạ dày và mất nhu động ruột. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc điều trị. Xạ trị đôi khi có thể cản trở sự tăng trưởng và phát triển bình thường của não bộ và thể chất trẻ. Vì thế hóa trị luôn được ưu tiên trước khi xạ trị. Tìm hiểu thêm về các tác dụng kéo dài trong phần Theo dõi chăm sóc về những điều cơ bản của xạ trị.

Chăm sóc các triệu chứng và tác dụng phụ

Bệnh bạch cầu và phác đồ điều trị bệnh thường gây ra tác dụng phụ. Ngoài các phương pháp điều trị có mục đích làm chậm, ngăn chặn hoặc loại bỏ các tế bào ung thư, một phần quan trọng của việc chăm sóc là làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ. Cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ bệnh nhân với các nhu cầu về thể chất, cảm xúc và xã hội.

Chăm sóc giảm nhẹ là bất kỳ phương pháp điều trị nào tập trung vào việc giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình. Bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi hay loại và giai đoạn nào cũng đều cần được điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ sẽ mang lại hiệu quả nếu được bắt đầu càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị ung thư. Trên thực tế, những bệnh nhân được nhận cả hai loại điều trị cùng một lúc thường có ít triệu chứng nghiêm trọng, có chất lượng cuộc sống tốt hơn và hài lòng với việc điều trị hơn.

Có nhiều phương pháp điều trị giảm nhẹ khác nhau như thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ thuật thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và các liệu pháp khác. Trẻ em cũng có thể cần được điều trị giảm nhẹ cùng lúc với điều trị ung thư trực diện như hóa trị hoặc xạ trị. Hãy trao đổi với bác sĩ về các mục tiêu của mỗi điều trị trong kế hoạch điều trị của trẻ.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe của con bạn về các tác dụng phụ có thể xảy ra và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ. Trong và sau quá trình điều trị, hãy nói với bác sĩ điều trị hoặc một thành viên nhóm chăm sóc nếu con bạn gặp vấn đề để có thể giải quyết nhanh nhất có thể. Hãy tìm hiểu thêm về Chăm sóc giảm nhẹ.

Sự lui bệnh nguy cơ tái phát

Như đã mô tả ở trên, lui bệnh hoàn toàn là khi các tế bào bệnh bạch cầu không còn được tìm thấy trong cơ thể hoặc ở mức rất thấp và bệnh nhân thường không còn bất kỳ triệu chứng nào. Được gọi là “không có bằng chứng về bệnh” hay NED.

Bệnh nhân thường lo lắng ung thư có thể tái phát bởi không ai chắc chắn sự lui bệnh đó là tạm thời hay vĩnh viễn. Mặc dù bệnh có dấu hiệu lui bệnh vĩnh viễn thì bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ tái phát và các phương pháp điều trị để có thể chuẩn bị tinh thần tốt hơn nếu bệnh thực sự tái phát. Tìm hiểu thêm về Đối phó với nỗi sợ tái phát.

Nếu ung thư trở lại sau khi điều trị chuẩn, nó được gọi là ung thư tái phát. Thông thường, AML tái phát từ trong tủy xương, nhưng đôi khi lại từ não hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Khi ung thư tái phát, các xét nghiệm lại được thực hiện để xác định thật rõ ràng vị trí và loại tái phát. Sau khi xét nghiệm xong, bạn và bác sĩ trao đổi về các lựa chọn điều trị. Điều trị thường bao gồm hóa trị sau đó là cấy ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, dựa vào tình trạng của trẻ mà có từng kế hoạch điều trị khác nhau. Bác sĩ điều trị có thể sẽ đề xuất các thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu, những phương thức mới để điều trị loại ung thư tái phát này. Đối với một số trẻ em, AML tái phát vẫn có thể được chữa khỏi.

Cho dù bạn chọn phương án điều trị nào thì chăm sóc giảm nhẹ đều rất quan trọng để làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Khi ung thư tái phát, bệnh nhân và người thân thường trải qua những cảm xúc như hoài nghi hoặc sợ hãi. Hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về những cảm xúc này và hỏi về các dịch vụ hỗ trợ để giúp đối phó.

Tìm hiểu thêm về Đối phó với ung thư tái phát.

Nếu điều trị không thành công

Mặc dù phần lớn trẻ mắc ung thư đều được điều trị thành công đôi khi điều này không xảy ra. Nếu không thể chữa khỏi hoặc không thể kiểm soát, bệnh được gọi là giai đoạn cuối.

Chẩn đoán ung thư tiến triển thường gây căng thẳng cho nhiều người và là vấn đề khó thảo luận. Tuy nhiên, điều quan trọng là hãy cởi mở và thành thật với bác sĩ và nhóm chăm sóc sức khỏe để bày tỏ cảm xúc, nguyện vọng và mối quan ngại của gia đình bạn. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ bệnh nhân và gia đình.

Bệnh nhân bị ung thư tiến triển có tiên lượng sống dưới 6 tháng có thể cần cân nhắc một loại chăm sóc giảm nhẹ gọi là chăm sóc cuối đời (hospice care). Loại chăm sóc này được thiết kế để cung cấp chất lượng cuộc sống tốt nhất cho những ngày tháng cuối đời của bệnh nhân. Cha mẹ và người giám hộ trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe về các lựa chọn chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối như chăm sóc tại nhà, trung tâm cho bệnh nhân giai đoạn cuối hoặc các địa điểm chăm sóc sức khỏe khác.

Chăm sóc điều dưỡng và thiết bị chuyên biệt có thể giúp cho việc ở nhà là một lựa chọn khả thi cho nhiều gia đình. Một số trẻ sẽ vui vẻ hơn nếu được đi học bán thời gian, tham gia các hoạt động khác cũng như là giữ các kết nối xã hội. Nhóm chăm sóc sức khỏe có thể giúp cha mẹ hoặc người giám hộ quyết định mức độ hoạt động thích hợp với trẻ.

Việc đảm bảo trẻ thoải mái về thể chất và quên đi đau đớn là vô cùng quan trọng như là một phần của chăm sóc cuối đời. Hãy tìm hiểu thêm về việc chăm sóc trẻ bị bệnh nan ykế hoạch chăm sóc ung thư tiên tiến.

Sự ra đi của trẻ là một cú sốc rất lớn và các gia đình có thể cần hỗ trợ nhằm giúp họ đối mặt với mất mát. Các trung tâm ung thư nhi thường có các nhân viên chuyên nghiệp và các nhóm hỗ trợ để giúp đỡ khi người thân đau buồn. Hãy tìm hiểu thêm về Đau buồn khi mất một đứa trẻ.

Phần tiếp theo trong hướng dẫn này là Giới thiệu về các thử nghiệm lâm sang. Phần này cung cấp thêm thông tin về các nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra những cách tốt hơn để chăm sóc bệnh nhân ung thư. Bạn có thể sử dụng menu để chọn một phần khác để đọc trong hướng dẫn này.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/leukemia-acute-myeloid-aml-childhood/treatment-options

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích