menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tổng quan về ung thư gan

user

Ngày:

17/09/2020

user

Lượt xem:

5407

Bài viết thứ 01/06 thuộc chủ đề “Ung thư gan”

Ung thư gan là gì?

Ung thư gan là ung thư xuất phát từ các loại tế bào của gan. Gan có kích thước cỡ trái banh bầu dục nằm ở vùng bụng trên bên phải, bên dưới cơ hoành và trên dạ dày. Có nhiều dạng ung thư xuất phát từ gan. Thường gặp nhất là ung thư tế bào gan nguyên phát, xuất phát từ chính tế bào gan. Các loại khác ít gặp hơn như ung thư đường mật trong gan, u nguyên bào gan.

Không phải tất cả các khối u ở gan đều được xem như là ung thư gan. Ung thư xuất phát từ các vị trí khác trong cơ thể, như đại tràng, phổi, vú,.. có thể lan đến gan gọi là ung thư di căn gan. Loại ung thư này được gọi tên theo cơ quan mà ung thư xuất phát. Ví dụ, ung thư đại tràng di căn gan được miêu tả là các tổn thương ung thư xuất phát từ đại tràng và lan đến gan. Các ung thư di căn gan thường gặp hơn các ung thư từ các loại tế bào của gan.

Nguyên nhân

Không phải tất cả các trường hợp ung thư gan đều xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nhiễm viêm gan siêu vi mạn tính là nguyên nhân thường gặp. Ung thư xảy ra khi các tế bào gan xuất hiện đột biến ở DNA – chất liệu mang thông tin hướng dẫn sự tổng hợp và thực hiện các quá trình sinh hóa trong cơ thể con người. Đột biến DNA có thể làm các tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành các khối u – tập hợp các tế bào ung thư.

Ung thư gan dù là nguyên phát hay thứ phát (từ một cơ quan khác di căn đến) thì căn bệnh này chỉ xảy ra khi các tế bào gan xuất hiện những gene đột biến, dẫn đến các tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành khối u.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tế bào gan bao gồm:

  • Giới tính: Nam giới thường mắc nhiều hơn nữ giới
  • Viêm gan siêu vi B hoặc C mạn tính: Viêm gan mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Xơ gan: Quá trình xơ gan tiến triển và không thể hồi phục tạo thành các mô sẹo trong gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Các bệnh gan di truyền: Bệnh Wilson, các tình trạng gây ứ/thừa sắt có thể tăng nguy cơ bị bệnh
  • Bệnh đái tháo đường: Người có tình trạng rối loạn dung nạp đường có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn so với người bình thường.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Sự tích tụ mỡ trong gan làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Phơi nhiễm với aflatoxin: Aflatoxin là chất độc được tìm thấy trong các thực phẩm khô bị nấm mốc do bảo quản kém như bắp, đậu phộng,.. Tại Mỹ, các quy trình kiểm tra an toàn giúp hạn chế sự nhiễm aflatoxin trong thực phẩm. Trong khi đó, tình trạng này vẫn còn thường gặp ở một vài quốc gia ở Châu Phi và Châu Á.
  • Ăn uống không lành mạnh: Uống quá nhiều rượu bia hàng ngày kéo dài trong nhiều năm có thể dẫn đến các tổn thương gan không thể hồi phục và làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Tổng quan về ung thư gan

Tiêu thụ nhiều Aflatoxin có mặt trong thực phẩm khô bị nấm mốc do bảo quản không đúng cách làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tế bào gan 

Triệu chứng bệnh ung thư gan

Phần lớn các bệnh nhân không có dấu hiệu và triệu chứng ở giai đoạn sớm của bệnh. Đây cũng chính là khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.

Một số triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu

  • Chán ăn
  • Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải
  • Ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi
  • Da xạm, vàng củng mạc mắt
  • Trướng bụng

Một số triệu chứng ung thư gan giai đoạn muộn

  • Buồn nôn, nôn, chán ăn kéo dài
  • Giảm cân rõ rệt
  • Luôn có cảm giác ngứa
  • Đi ngoài phân bạc màu
  • Trướng bụng nhiều
  • Đau tức nặng hạ sườn phải
  • Có thể sờ thấy khối u vùng bụng

Vì vậy, nếu bạn có các dấu hiệu trên mà chưa rõ nguyên nhân gây ra thì nên đi khám bác sĩ để khám và theo dõi điều trị.

Chẩn đoán bệnh ung thư gan

Các xét nghiệm và thủ thuật để chẩn đoán ung thư gan bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan.
  • Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp X quang cắt lớp điện toán (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) với chất tương phản.
  • Sinh thiết gan, trong một số trường hợp, để xác định bản chất của khối u. Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ chọc xuyên qua da vào trong gan để lấy một mẫu mô gan trong khối u. Mẫu sinh thiết này sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi để tìm sự hiện diện của các tế bào ung thư. Sinh thiết gan có thể gây chảy máu, bầm máu và nhiễm trùng.

Xác định giai đoạn của ung thư gan

Sau khi chẩn đoán ung thư gan, các bác sĩ sẽ tiến hành xác định giai đoạn của ung thư. Quá trình này giúp đánh giá kích thước và số lượng các khối u cùng với khả năng di căn của ung thư. Các chẩn đoán hình ảnh thường được dùng là chụp cắt lớp điện toán (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp xạ hình xương. Có nhiều cách phân loại để xác định giai đoạn căn bệnh này.

Phân loại Roman đánh số từ I đến IV để thể hiện các giai đoạn của ung thư, trong khi cách cách khác dùng các chữ số từ A đến D. Tùy vào giai đoạn ung thư mà các bác sĩ có thể dự đoán tiên lượng bệnh và đề nghị các phương pháp điều trị thích hợp. Giai đoạn IV hay D cho thấy ung thư gan đã tiến triển với tiên lượng xấu nhất.

Bệnh ung thư gan sống được bao lâu?

Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ có thể dự đoán được thời gian sống của bệnh nhân:

  • Giai đoạn 1: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 31%
  • Giai đoạn 2: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 19%
  • Giai đoạn 3: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 11%
  • Giai đoạn 4: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 3%

Điều trị bệnh ung thư gan

Việc điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, chức năng gan, độ tuổi và tổng trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị gồm:

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: là lựa chọn đối với các bệnh nhân ở giai đoạn sớm có tình trạng chức năng gan bình thường.
  • Phẫu thuật ghép gan: là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn gan bệnh và thay thế bằng gan khỏe mạnh của người cho. Ghép gan chỉ là lựa chọn cho một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm.

Điều trị tại chỗ

Là các liệu pháp điều trị trực tiếp vào các tế bào ung thư và các mô gan xung quanh khối u. Liệu pháp này bao gồm:

  • Hủy khối u gan bằng nhiệt: trong quá trình huỷ u gan bằng sóng cao tần, dòng điện được sử dụng để đốt và tiêu diệt các tế bào ung thư. Với sự trợ giúp hình ảnh của siêu âm hoặc CT scan, các bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ đưa vào vùng bụng vào gan. Khi đầu kim tiếp cận khối u gan, kim sẽ phát ra dòng điện và tiêu huỷ các tế bào ung thư.
  • Áp lạnh: áp lạnh sử dụng nhiệt độ cực thấp để tiêu huỷ các tế bào ung thư. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò áp lạnh và đưa trực tiếp nitơ lỏng đến khối u thông qua định vị bằng máy siêu âm.
  • Tiêm cồn trực tiếp vào khối u: Cồn (alcohol) sẽ được tiêm trực tiếp từ da qua gan đến khối u và làm huỷ các tế bào ung thư.
  • Dẫn truyền các hóa chất/ phóng xạ trực tiếp đến khối u: Qua một ống dẫn đi từ mạch máu lớn đến gan, các bác sĩ sẽ truyền các hóa chất (chất làm thuyên tắc) hoặc các vi cầu có phóng xạ trực tiếp đến khối u.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng cao năng lượng từ tia X và proton có thể được lựa chọn ở những bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ được nằm trên bàn và máy xạ trị sẽ chiếu tia xạ trực tiếp đến vị trí đã đánh dấu trên cơ thể. Một liệu pháp xạ trị chuyên biệt là liệu pháp xạ trị xác định vị trí cơ thể trong không gian, tập trung nhiều tia phóng xa tạu một thời điểm vào một vị trí trên cơ thể

Liệu pháp nhắm đích

Các thuốc ngắm trúng đích như Sorafenib (Nexavar), có thể làm chậm tiến triển ở những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến xa.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng đem đến cơ hội để bệnh nhân có thể được thử nghiệm phương pháp điều trị ung thư mới. Hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để xem mình có đủ tiêu chuẩn để tham gia các thử nghiệm lâm sàng hay không.

Điều trị bổ trợ trong bệnh ung thư gan

Điều trị bổ trợ có thể giúp kiểm soát cơn đau ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển. Bác sĩ sẽ làm giảm cơn đau bằng các liệu pháp và thuốc. Tuy nhiên đôi khi cơn đau vẫn tồn tại và bệnh nhân mong muốn giảm bớt các tác dụng phụ của thuốc. Các liệu pháp giảm đau bỗ trợ gồm:

  • Xoa bóp ấn huyệt
  • Châm cứu
  • Hít thở sâu
  • Liệu pháp âm nhạc

Điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối

Đây là phương thức điều trị đặc hiệu tập trung vào các biện pháp giảm đau và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Các chuyên gia về lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sẽ phối hợp với bệnh nhân, gia đình và các bác sĩ điều trị để tạo sự hỗ trợ tối đa cho việc chăm sóc bệnh nhân. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được tiến hành song song với các liệu pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Cùng với chăm sóc giảm nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy tốt hơn và giúp kéo dài thời gian sống còn. Chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện bởi đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng và chuyên gia được huấn luyện chuyên biệt, với mục đích làm tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và gia đình.

Quản lý sức khỏe bản thân

Thích nghi và cải thiện: Việc biết rằng chúng ta mang trong người căn bệnh nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng có thể làm suy sụp ý chí sinh tồn của bệnh nhân. Mỗi người cần tìm cho mình cách để thích nghi khi được chẩn đoán ung thư gan. Mặc dù không dễ dàng, nhưng những cách sau đây có thể phần nào giúp được người bệnh:

  • Hiểu biết nhất định về bệnh giúp bạn lựa chọn đúng đắn về phương thức điều trị. Tư vấn bác sĩ về giai đoạn bệnh, các lựa chọn điều trị và nếu bạn muốn, tiên lượng bệnh. Càng hiểu biết rõ về bệnh, bạn sẽ tự tin hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bản thân
  • Hãy để gia đình và bạn bè chia sẻ cùng bạn. Họ có thể giúp bạn chăm sóc nhà cửa khi bạn phải nhập viện để điều trị. Họ còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao khi bạn cảm thấy tồi tệ khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư
  • Hãy tìm một người bạn có thể chia sẻ về hy vọng cũng như nỗi đau. Đó có thể là bạn bè hoặc những thân trong gia đình. Sự giúp đỡ của tư vấn viên, nhân viên y tế xã hội, cha sứ hoặc những bệnh nhân đã điều trị khỏi ung thư cũng là một lựa chọn tốt.
  • Lên kế hoạch cho những việc sắp đến. Mang trong mình căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, đòi hỏi bạn phải chuẩn bị các dự liệu và kế hoạch cho bản thân và gia đình sắp tới.

Phòng ngừa bệnh ung thư gan

Giảm nguy cơ xơ gan

Xơ gan là tình trạng tạo mô sẹo ở gan, và làm tăng nguy cơ diễn tiến thành ung thư gan. Bạn có thể giảm nguy cơ xơ gan bằng các biện pháp sau:

  • Sử dụng thức uống có cồn điều độ: nếu trong trường hợp phải sử dụng, hãy giới hạn lượng cồn vào cơ thể. Với phụ nữ, không quá một ly mỗi ngày. Với đàn ông, không quá hai ly mỗi ngày.
  • Giữ cân nặng hợp lý: nếu bạn đang ở cân nặng lý tưởng, hãy giữ chế độ ăn uống hợp lý và duy trì việc tập thể dục mỗi ngày. Nếu cần phải giảm cân, hãy giảm lượng calory và tăng cường luyện tập thể dục. Mục tiêu giảm cân nặng mỗi tuần từ 0.5 đến 1 kilogram.

Chích vacxin ngừa viêm gan siêu vi B

Có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm gan siêu vi B thông qua việc chủng ngừa, hiệu quả bảo vệ của vacxin có thể lên đến trên 90% ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Vacxin có thể chủng ngừa ở hầu hết các đối tượng gồm trẻ nhỏ, người lớn.

Các biện pháp phòng ngừa viêm gan siêu vi C

Hiện vẫn chưa có vacxin chủng ngừa cho các trường hợp viêm gan siêu vi C, nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ bằng cách:

  • Hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bạn tình: không quan hệ tình dục thiếu biện pháp bảo vệ trừ khi bạn chắc chắn rằng bạn tình không nhiễm virus viêm gan siêu vi B, C hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nếu bạn không chắc, xin hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ.
  • Không tiêm chích các loại thuốc: trong trường hợp phải sử dụng, hãy sử dụng ống chích sạch. Việc tiêm chích các loại thuốc gây nghiện làm tăng nguy cơ mắc viêm gan siêu vi C. Trong trường hợp bạn phải tiêm chích các loại thuốc gây nghiện, hãy sử dụng kim sạch và vứt bỏ sau sử dụng, không dùng chung với người khác.
  • Chọn lựa các cửa hàng dịch vụ đúng chuẩn và an toàn khi xăm mình. Kim xăm nếu không được khử khuẩn đúng cách có thể gây truyền nhiễm viêm gan siêu vi C. Trước khi thực hiện việc xăm mình, hãy hỏi nhân viên về quy trình vệ sinh khử trùng các dụng cụ. Nếu các nhân viên từ chối câu hỏi của bạn hoặc trả lời mập mờ, việc xăm mình ở cửa hàng có thể gây nguy hại đến bạn do việc truyền nhiễm virus viêm gan siêu vi C.
  • Hỏi bác sĩ về vấn đề tầm soát ung thư gan: đối với dân số chung, tầm soát ung thư gan không chứng minh làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư gan. Hiệp hội nghiên cứu về bệnh gan của Mỹ khuyến cáo tầm soát ung thư gan ở bệnh nhân có nguy cơ cao gồm: người nhiễm viêm gan siêu vi B kèm theo các yếu tố sau: người châu Á hoặc châu Phi.
  • Có tình trạng xơ gan, hoặc gia đình có tiền sử ung thư gan.
  • Người nhiễm viêm gan siêu vi C kèm theo xơ gan.
  • Xơ gan có nguyên nhân do bệnh tự miễn, nghiện rượu, do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh gan nhiễm sắt di truyền.
  • Xơ gan ứ mật nguyên phát.
  • Tham khảo các ưu nhược điểm của việc tầm soát ung thư gan với bác sĩ của bạn để tìm ra biện pháp tầm soát tốt nhất dựa trên các yếu tố nguy cơ của bạn.

Tài liệu tham khảo

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/home/ovc-20198165

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích