menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Đau ngực

user

Ngày:

21/09/2016

user

Lượt xem:

10376

Bài viết thứ 01/04 thuộc chủ đề “Triệu chứng bệnh Tim mạch”

Đau ngực là cảm giác đau ở vùng ngực từ mức ngang vai đến mức dưới cùng của xương sườn. Đó là một triệu chứng thường gặp, do nhiều nguyên nhân. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân của đau ngực, bạn cần thực hiện một số xét nghiệm và thăm khám kỹ lưỡng.

Đau ngực rất quan trọng vì đôi khi nó chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng. Bạn cần thảo luận với bác sĩ khi đau ngực mới xảy ra, đau nhiều, hoặc đau dai dẳng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn là một người lớn và từng có bệnh tim hoặc phổi. Nếu cơn đau ngực có mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là đau lan ra cánh tay hoặc lên quai hàm, bạn cảm thấy mệt, vã mồ hôi hoặc khó thở, bạn nên gọi điện thoại 115 cho xe cấp cứu ngay. Đây có thể là triệu chứng của một cơn đau tim.

hình ảnh đau ngực

Các nguyên nhân gây đau ngực là gì?

hình ảnh đau ngực

Nguyên nhân gây đau ngực thường gặp

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau ngực. Những nguyên nhân phổ biến là:

Đau thắt ngực do tim mạch

Trái tim cần một nguồn cung cấp máu tốt giống như bất kỳ cơ bắp nào khác trong cơ thể. Các động mạch vành chịu trách nhiệm cung cấp máu cho cơ tim.

Đau thắt ngực là một cơn đau tại tim, gây ra do động mạch vành bị hẹp lại làm giảm một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung cấp máu cho tim. Nguyên nhân gây hẹp là do các vệt hoặc mảng mỡ, được gọi là “mảng xơ vữa” phát triển bên trong lòng của động mạch vành. Mảng xơ vữa có thể hình thành dần dần qua nhiều năm, tại một hoặc nhiều nơi trong động mạch vành.

Khi bạn đang nghỉ ngơi, việc giảm nguồn cung cấp máu cho cơ tim do mảng xơ vữa có thể vẫn đủ. Tuy nhiên, khi tim của bạn làm việc nhiều hơn (ví dụ, khi đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang), cơ tim cần nhiều máu và oxy. Nếu lượng máu tăng thêm không thể chảy qua các động mạch vành bị hẹp, tim sẽ thiếu máu lại và bạn sẽ thấy đau thắt ngực.

Các triệu chứng điển hình của chứng đau thắt ngực là đau, khó chịu hoặc nặng trước ngực khi gắng sức. Đau cũng có thể (hoặc đôi khi chỉ) được cảm nhận tại vùng cánh tay, cổ, hàm hay dạ dày. Đau thắt ngực thường giảm bớt trong vòng 10 phút khi nghỉ ngơi.

Cơn đau tim (nhồi máu cơ tim)

Trong một cơn đau do nhồi máu cơ tim, động mạch vành chính hoặc một trong các nhánh nhỏ hơn của nó đột nhiên bị tắc nghẽn, nghĩa là một phần cơ tim được cung cấp bởi động mạch này bị mất cung cấp máu và oxy. Nếu không được nhanh chóng loại bỏ tắc nghẽn, phần cơ tim này có nguy cơ chết đi. Một cơn đau tim thường dẫn đến nhồi máu cơ tim. Khi một phần của cơ tim bị tổn thương, nó được gọi là nhồi máu. Thuật ngữ nhồi máu cơ tim có nghĩa là cơ tim đã bị tổn thương rồi.

Trong một cơn đau tim, động mạch vành bị tắc nghẽn thường do cục máu đông. Một cục máu đông có thể hình thành nếu có một số mảng xơ vữa ở lớp trong của động mạch. Một vết nứt có thể hình thành trên bề mặt của mảng xơ vữa và điều này có thể kích hoạt các cơ chế đông máu tạo thành một cục máu đông trên các mảng xơ vữa. Điều trị bệnh này bằng thuốc tiêu huyết khối hoặc một thủ thuật gọi là nong mạch vành lấy đi các cục máu đông. Việc điều trị có thể làm phục hồi lưu lượng máu qua động mạch vành. Nếu điều trị sớm, nó có thể ngăn chặn hoặc hạn chế mức độ tổn thương cơ tim.

Các triệu chứng phổ biến nhất của một cơn đau tim là đau ngực dữ dội khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân thường cảm thấy nặng ngực. Cơn đau có thể lan lên xương hàm, hoặc xuống cánh tay trái của bạn, hoặc xuống cả hai hai cánh tay. Bạn cũng có thể đổ mồ hôi, cảm thấy mệt, cảm thấy chóng mặt và khó thở. Cơn đau có thể giống với đau thắt ngực nhưng nặng hơn và kéo dài hơn.

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Đây là một thuật ngữ chung mô tả một loạt các tình huống bao gồm:

  • Trào ngược axit – khi axit bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
  • Viêm thực quản – là tình trạng viêm của lớp niêm mạc của thực quản. Viêm do kích ứng niêm mạc gây ra bởi sự trào ngược axit dạ dày.

Khi chúng ta ăn, thức ăn đi xuống thực quản vào dạ dày. Thường là một nhóm các cơ (cơ vòng) ở dưới cùng của thực quản ngăn axit trào ngược từ dạ dày trở lại vào thực quản. Nếu cơ vòng này không hoạt động tốt thì có thể xảy ra trào ngược axit.

Ợ nóng là triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản. Đây là một cảm giác nóng lên từ vùng bụng trên lên phía cổ. Những triệu chứng khác bao gồm đau ở vùng bụng trên và ngực, cảm thấy khó chịu, có vị chua trong miệng, đầy hơi, ợ hơi và đau rát khi nuốt thức uống nóng. Các triệu chứng xảy ra nhiều lần và có xu hướng nặng hơn sau khi ăn. Đau ngực nghiêm trọng có thể xảy ra trong một số trường hợp và có thể nhầm lẫn với một cơn đau tim.

Viêm khớp sụn sườn

Lồng ngực là một cấu trúc xương để bảo vệ phổi bên trong. Xương cứng rắn nên không có xu hướng uốn cong hoặc di chuyển. Tuy nhiên, lồng ngực cần phải dãn nở ra theo lá phổi của chúng ta lúc hít vào. Sụn mềm mại và linh hoạt hơn, nằm ở các khớp trong cơ thể. Sụn sườn gắn xương sườn với xương ức và xương ức với xương đòn, làm cho các khung xương sườn có thể di chuyển trong khi hít thở. Các khớp giữa các xương sườn và sụn được gọi là các khớp sụn sườn. Các khớp giữa sụn và xương ức được gọi là các khớp ức sườn. Các khớp giữa xương ức và xương đòn được gọi là các khớp ức đòn.

Trong bệnh viêm khớp sụn sườn, hiện tượng viêm xảy ra tại các khớp sụn sườn, khớp ức sườn hoặc khớp ức đòn (hoặc kết hợp). Viêm khớp sụn sườn gây đau vùng trước ngực. Cơn đau thường là đau nhói như dao đâm, tăng lên khi cử động, gắng sức và hít thở sâu. Ấn lên vùng trước ngực cũng gây đau buốt. Cơn đau thường được giới hạn trong một khu vực nhỏ nhưng nó có thể lan tỏa rộng hơn. Vị trí đau thường gặp ởgần xương ức ở xương sườn thứ 4, thứ 5 và thứ 6.

Căng cơ thành ngực

Có nhiều cơ khác nhau bám xung quanh và giữa các xương sườn để giúp lồng ngực di chuyển trong khi hít thở. Những cơ này đôi khi có thể căng dãn dẫn đến đau ngực tại vùng đó. Căng cơ do kéo dãn hoặc rách các sợi cơ, thường là do các cơ bắp đã được kéo dài quá mức giới hạn. Ví dụ, căng cơ thành ngực đôi khi có thể xảy ra sau khi nâng vật nặng, kéo dãn hay cử động đột ngột hoặc ho kéo dài. Cơn đau ngực thường tăng lên khi cử động và hít vào.

Lo âu

Lo âu là một nguyên nhân khá thường gặp của đau ngực. Cũng như cảm giác sợ hãi, lo lắng và căng thẳng, lo âu đôi khi có thể gây ra các triệu chứng thực thể bao gồm cả đau ngực. Ở một số người, cơn đau ngực có thể nặng đến nỗi bị nhầm lẫn với cơn đau thắt ngực do bệnh tim mạch. Đau ngực do lo lắng được gọi là hội chứng Da Costa. Hội chứng Da Costa thường gặp hơn ở những người có người thân hoặc bạn bè mới có chẩn đoán bệnh tim, hoặc ở những người gần đây có một cơn đau tim. Thăm khám cho thấy các động mạch vành bình thường.

Nguyên nhân gây đau ngực ít phổ biến hơn

Một số nguyên nhân đau ngực ít gặp hơn bao gồm:

Viêm màng phổi

Viêm màng phổi là do hiện tượng viêm ở màng phổi, là màng mỏng có hai lớp – một lớp phủ bên trong cơ và xương sườn của thành ngực, lớp kia mà bao quanh lá phổi. Giữa khoang màng phổi (hai lớp màng phổi) có một lượng nhỏ của chất lỏng có tác dụng bôi trơn giữa phổi và thành ngực khi chúng di chuyển trong khi bạn thở.

Viêm màng phổi thường được gây ra do nhiễm virus. Nó có thể gây ra triệu chứng ”đau ngực kiểu màng phổi”, một kiểu đau nhói, đau như dao đâm. Cơn đau có thể cảm nhận được bất cứ nơi nào trên ngực, tùy thuộc vào vị trí viêm. Cơn đau thường tăng khi thở hoặc ho, vì khi đó hai lá của màng phổi bị viêm cọ sát lên nhau.

Có những nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn gây đau ngực kiểu màng phổi, nhưng ít phổ biến hơn so với viêm màng phổi do virus. Bất cứ nguyên nhân gì gây viêm hoặc tổn thương ở rìa phổi bên cạnh màng phổi có thể gây ra đau kiểu này. Ví dụ:

  • Viêm phổi
  • Thuyên tắc động mạch phổi (do cục máu đông)
  • Tràn khí màng phổi (xẹp phổi.

Những bệnh này có thể có nhiều triệu chứng khác nhau và đau ngực kiểu màng phổi chỉ là một trong các triệu chứng đó.

Loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày thường do axit trong dạ dày. Vết loét xảy ra tại chỗ lớp niêm mạc của dạ dày-ruột bị tổn thương và các mô bên dưới tiếp xúc với axit. Nếu bạn có thể nhìn thấy bên trong ruột của bạn, vết loét trông giống như một miệng núi lửa nhỏ, màu đỏ trên bề mặt của dạ dày ruột. Loét dạ dày là một dạng của bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng.

Viêm loét đường tiêu hóa thường gặp nhất là loét tá tràng. Tá tràng là phần đầu tiên của ruột non nối với dạ dày. Triệu chứng phổ biến của một vết loét dạ dày tá tràng là đau ở vùng bụng trên (thượng vị) ngay dưới xương ức. Cơn đau thường tự hết và đôi khi có thể được cảm nhận như đau ngực. Đôi khi thực phẩm làm cho các cơn đau nặng hơn. Cơn đau có thể đánh thức bạn dậy. Triệu chứng khác có thể có là đầy bụng, buồn nôn và mệt. Bạn cũng có thể cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn. Các biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng có thể xảy ra trong một số trường hợp và có thể nghiêm trọng. Các biến chứng bao gồm:

  • Chảy máu tại vết loét.
  • Thủng dạ dày hoặc ruột. Vết loét sâu và xuyên qua thành dạ dày/ruột sẽ làm thức ăn và axit trong dạ dày bị rò rỉ vào khoang bụng gây ra những cơn đau dữ dội và cần được cấp cứu.

Bệnh zona

Bệnh zona là một bệnh nhiễm trùng của dây thần kinh và các vùng da được chi phối bởi các dây thần kinh đó. Nó được gây ra bởi một loại virus được gọi là virus varicella-zoster. Đó cũng là virus gây bệnh thủy đậu.

Bất cứ ai đã từng bị thủy đậu trong quá khứ có thể phát triển bệnh zona. Virus này không mất đi hoàn toàn sau khi bạn có bệnh thủy đậu. Một số virus vẫn duy trì hoạt động trong các rễ thần kinh bên cạnh cột sống của bạn. Nó không gây hại và không gây ra triệu chứng. Vì những lý do không rõ ràng, virus có thể bắt đầu nhân lên một lần nữa (tái kích hoạt), thường là nhiều năm sau đó. Các virus tái hoạt động lan dọc theo dây thần kinh ra da để gây ra bệnh zona. Bệnh zona đôi khi được gọi là herpes zoster. Virus này thường chỉ ảnh hưởng đến dây thần kinh ở một bên của cơ thể.

Các triệu chứng xảy ra khu vực da mà dây thần kinh này chi phối. Các triệu chứng thông thường là đau và ngứa. Nếu một dây thần kinh chi phối vùng da trên ngực bị ảnh hưởng, bệnh zona có thể gây đau ngực. Đau khu trú và có mức độ từ nhẹ đến nặng. Phát ban thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi cơn đau bắt đầu. Vệt đỏ xuất hiện và nhanh chóng phát triển thành mụn nước ngứa. Các phát ban trông giống như thủy đậu nhưng chỉ xuất hiện trên mặt da được chi phối bởi các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Những mụn dần dần khô cạn, hình thành vảy và sau đó biến mất.

Thuyên tắc động mạch phổi

Thuyên tắc động mạch (hay Thuyên tắc phổi) phổi xảy ra khi có tắc nghẽn trong một trong những động mạch ở phổi – thường do cục máu đông. Thuyên tắc động mạch phổi có thể xảy ra tại một động mạch ở trung tâm của phổi hoặc một gần rìa của phổi. Cục máu đông có thể nhỏ và có thể bị ở nhiều nơi. Thuyên tắc phổi do cục máu đông lớn gần trung tâm của phổi gọi là thuyên tắc phổi lớn gây ra những triệu chứng rất nghiêm trọng.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân là một cục máu đông (huyết khối) đã hình thành trong một tĩnh mạch sâu – được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Cục máu đông này lưu thông trong dòng máu và cuối cùng bị mắc kẹt trong một trong các mạch máu trong phổi. Huyết khối gây tắc còn được gọi là cục huyết tắc. Hầu hết huyết khối tĩnh mạch sâu đến từ các tĩnh mạch ở chân hoặc xương chậu. Thỉnh thoảng, thuyên tắc phổi có thể do một cục máu đông trong tĩnh mạch cánh tay, hoặc từ một cục máu đông hình thành ở tim.

Thuyên tắc phổi thường gây ra đau ngực kiểu màng phổi (đau nhói ngực khi hít vào).

Trong thuyên tắc phổi lớn, đau ngực có thể được cảm nhận ở giữa ngực sau xương ức. Thường thì bạn cảm thấy như bạn không thể hít thở sâu. Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở và mức độ khó thở sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của thuyên tắc phổi. Ho ra máu, sốt nhẹ và nhịp tim nhanh là các triệu chứng khác. Bạn cũng có thể cảm thấy yếu mệt, hoặc thậm chí kiệt sức vì một cục máu đông lớn có thể gây tụt huyết áp nghiêm trọng. Cũng có thể có triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu như đau ở phía sau của bắp chân, đau cơ bắp chân hoặc sưng một chân hoặc bàn chân. Bắp chân cũng có thể nóng và ửng đỏ.

Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi do khí tràn vào giữa phổi và thành ngực. Nguyên nhân chính bao gồm:

  • Từ phổi. Loại thường gặp là tràn khí màng phổi nguyên phát. Các tràn khí màng phổi xảy ra không có lý do rõ ràng trên một người khỏe mạnh. Nó được cho là do những vết rách nhỏ ở phần rìa của phổi. Sau đó không khí thoát ra khỏi phổi và bị giữ lại giữa phổi và thành ngực. Tràn khí màng phổi thứ phát cũng có thể xảy ra. Tràn khí màng phổi xảy ra như là một biến chứng của một bệnh phổi có sẵn làm cho phổi dễ bị tổn thương. Ví dụ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Từ bên ngoài cơ thể. Ví dụ, một chấn thương ngực từ một vết đâm hay một tai nạn giao thông có thể gây ra tràn khí màng phổi.

Tràn khí màng phổi thường gây ra đau đột ngột, nhói như dao đâm ở một bên ngực. Cơn đau thường tăng lên khi hít thở và làm bạn có thể trở nên khó thở. Thông thường, tràn khí màng phổi càng lớn càng gây khó thở nhiều.

Nên làm gì nếu bị đau ngực?

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau ngực khác nhau. Một số là nghiêm trọng hơn nhiều so với những nguyên nhân khác. Nếu đau ngực mới xuất hiện, đau nặng, hoặc đau kéo dài, bạn cần được khám bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn là người lớn và có tiền sử bệnh tim hoặc phổi. Nếu cơn đau ngực có mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là nếu nó lan ra cánh tay hoặc lên quai hàm kèm theo mệt, vã mồ hôi hoặc khó thở, bạn nên gọi 115 cho xe cấp cứu. Đây có thể là triệu chứng của một cơn đau tim.

Những xét nghiệm có thể được gợi ý

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để cố gắng xác định nguyên nhân đau ngực. Bác sĩ cũng có thể khám cho bạn. Dựa trên những gì họ thấy, họ có thể khuyên bạn làm thêm các xét nghiệm, tùy thuộc những nguyên nhân đau ngực nghi ngờ. Các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán liên quan tới đau ngực có thể bao gồm:

Điện tâm đồ (ECG). Cơn đau tim thường có thay đổi điển hình trên điện tâm đồ. Hãy xem thêm bài viết về điện tâm đồ (ECG) để biết thêm chi tiết.

Các xét nghiệm máu  Xét nghiệm máu giúp đo nồng độ một chất tên là troponin để xác nhận một cơn đau tim. Khi các tế bào cơ tim bị tổn thương, troponin sẽ xuất hiện nhiều hơn trong máu. Một xét nghiệm máu khác có thể sẽ được đề nghị là D-dimer, giúp phát hiện các sản phẩm phân hủy của một cục máu đông. Một xét nghiệm D-dimer dương tính có thể tăng thêm nghi ngờ về huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

X quang ngực. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp chẩn đoán viêm phổi, tràn khí màng phổi (xẹp phổi) và những bệnh khác.

Xạ hình tưới máu cơ tim. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này thường được thực hiện để xác định chẩn đoán đau thắt ngực.Trong xét nghiệm này, bệnh nhân được tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ. Một máy ảnh đặc biệt phát hiện tia gamma sẽ di chuyển xung quanh bạn trong 10-20 phút. Máy ảnh này phát hiện các dấu vết phóng xạ và tái tạo hình ảnh cho thấy sự cung cấp máu đến tim của bạn như thế nào. Điều này được thực hiện cả khi bạn đang nghỉ ngơi và khi tim bạn đang đập nhanh hơn. Bạn có thể được yêu cầu làm tăng nhịp tim bằng cách vận động (ví dụ, bằng cách đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ). Hãy xem thêm bài Xạ hình tưới máu cơ tim để biết thêm chi tiết.

Chụp mạch vành. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này được đề nghị cho một số người bị đau ngực. Một chất cản quang được tiêm vào động mạch vành. Thuốc cản quang có thể được nhìn thấy bởi các thiết bị X-quang đặc biệt. Hình ảnh chụp cho thấy cấu trúc của các động mạch (như một bản đồ đường đi) và có thể hiển thị vị trí và mức độ hẹp động mạch vành. Hãy xem thêm bài Chụp mạch vành để biết thêm chi tiết.

Chụp cắt lớp điện toán (CT) cản quang và CT mạch máu phổi. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh đặc biệt này cho thấy dòng máu lưu thông trong phổi. Chúng rất có ích vì có thể cho biết khá chính xác có thuyên tắc phổi hay không. Hãy xem thêm bài Xạ hình và Chụp cắt lớp vi tính (CT) để biết thêm chi tiết.

Nội soi. Nội soi là một phương pháp kiểm tra xem dạ dày-tá tràng có bị loét hay không. Trong thủ thuật này, bác sĩ nhìn vào bên trong dạ dày của bạn bằng một ống nội soi mỏng, mềm đưa qua thực quản. Nội soi có thể giúp thấy tình trạng viêm hoặc loét. Hãy xem thêm bài Nội soi dạ dày để biết thêm chi tiết.

Những lời khuyên khi đau ngực

Điều này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân đau ngực của bạn. Nếu tìm được nguyên nhân gây đau ngực, hãy tham khảo các bài viết về những bệnh đó trên website này. Nếu không phải là trường hợp cấp cứu, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên gia khác được tư vấn và kiểm tra chuyên sâu hơn.

Tài liệu tham khảo

1. http://www.patient.co.uk/health/chest-pain-leaflet

2. http://www.webmd.com/pain-management/guide/whats-causing-my-chest-pain

3. http://azheartdoctor.com/conditions/chest-pain/

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích