menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Đau thắt ngực

user

Ngày:

21/09/2016

user

Lượt xem:

1062

Bài viết thứ 02/04 thuộc chủ đề “Triệu chứng bệnh Tim mạch”

Đau thắt ngực là một cơn đau xuất phát từ tim. Nguyên nhân thường do hẹp động mạch vành (tim). Điều trị thông thường bao gồm một loại thuốc statin để giảm cholesterol máu, aspirin liều thấp để giúp ngăn ngừa cơn đau tim, và thuốc ức chế beta giúp bảo vệ tim và ngăn ngừa cơn đau thắt ngực. Thuốc ức chế men chuyển (angiotensin-converting enzyme (ACE) inhibitors) được khuyến cáo sử dụng trong một số trường hợp. Đôi khi nong mạch hoặc phẫu thuật được lựa chọn để mở rộng, hoặc để bắc cầu qua động mạch bị hẹp.

Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là một cơn đau xuất phát từ tim. Mỗi năm có khoảng 20.000 người ở Anh bị đau ngực lần đầu tiên. Đau thắt ngực thường gặp hơn ở những người trên 50 tuổi, và ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Đôi khi xảy ra ở cả những người trẻ.

Bài viết này chủ yếu đề cập đến cơn đau thắt ngực do hẹp động mạch vành của tim. Đôi khi đau thắt ngực có thể được gây ra bởi các bất thường hiếm gặp của van tim hoặc cơ tim.

Tìm hiểu các động mạch của tim

Tim được cấu tạo chủ yếu bởi các sợi cơ đặc biệt. Tim bơm máu vào động mạch và các động mạch cung cấp máu đến tất cả các phần của cơ thể. Giống như các loại cơ khác, cơ tim cần một nguồn cung cấp máu tốt. Các động mạch vành mang máu đến cơ tim. Đó là những nhánh động mạch đầu tiên xuất phát từ động mạch chủ. Động mạch chủ là động mạch lớn lấy máu từ tim rồi chảy đến các động mạch còn lại của cơ thể.

Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Nếu bạn bị đau thắt ngực, một hoặc nhiều động mạch vành của bạn có thể bị hẹp và làm giảm cung cấp máu tới cơ tim.

Máu có thể được cung cấp đủ khi bạn đang nghỉ ngơi. Khi tim làm việc nhiều hơn (khi đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang hay tăng nhịp tim), cơ tim sẽ cần nhiều máu và oxy hơn. Nếu nhu cầu máu của cơ tim không được cung cấp đủ qua các động mạch vành bị hẹp, triệu chứng đau thắt ngực sẽ xuất hiện.

Các động mạch vành bị hẹp thường là do mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa là các mảng chất béo phát triển trong lớp lót bên trong của động mạch (Điều này cũng tương tự như các lòng ống nước hẹp lại do bị phủ bởi lớp cặn vôi dày).

Các mảng xơ vữa có thể dần dần hình thành trong một  vài năm. Chúng có thể hình thành ở một hoặc nhiều nơi trong động mạch vành. Chúng từ từ lớn dần và gây ra triệu chứng khi đủ làm hẹp một hoặc nhiều động mạch. Ví dụ ở hình trên cho thấy ba động mạch bị hẹp, nhưng mảng xơ vữa có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào của động mạch vành.

Các triệu chứng của đau thắt ngực là gì?

Triệu chứng đau thắt ngực điển hình và phổ biến

Các triệu chứng thường gặp là đau nhức, khó chịu hoặc bóp nghẹt mà bạn cảm thấy trên mặt trước của ngực khi gắng sức. Ví dụ, khi bạn đi bộ lên đỉnh đồi, hoặc ngược hướng một cơn gió mạnh và lạnh. Bạn cũng có thể cảm thấy đau hoặc tê ở cánh tay, quai hàm, cổ hoặc dạ dày.

Một cơn đau thắt ngực thường không kéo dài. Nó thường sẽ nhẹ đi trong vòng 10 phút khi nghỉ ngơi. Nếu bạn dùng glyceryl trinitrate (GTN) – cơn đau sẽ giảm trong 1-2 phút.

Đau thắt ngực cũng có thể được khởi phát bởi các nguyên nhân khác làm tim đập nhanh. Ví dụ, khi bạn có một giấc mơ sống động hoặc khi tranh cãi. Các cơn đau cũng có xu hướng dễ khởi phát sau bữa ăn.

Các triệu chứng ít điển hình

Một số người có cơn đau không điển hình – ví dụ, cơn đau khởi phát khi cúi người hoặc khi ăn. Các triệu chứng này đôi khi rất khó để phân biệt giữa đau thắt ngực và các nguyên nhân khác của đau ngực, như đau ngực do căng cơ ngực hoặc trào ngược dạ dày-thực quản.

Một số người bị đau thắt ngực kèm khó thở khi gắng sức. Đôi khi, đây là triệu chứng duy nhất và không có cơn đau.

Tôi nên làm những xét nghiệm gì?

Nếu bạn nghi ngờ bị đau thắt ngực, bạn cần làm một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu, bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận, mức đường huyết cao, và mức cholesterol cao, vì chúng có thể liên quan với đau thắt ngực.
  • Đo điện tâm đồ (ECG) . Điều này có thể hữu ích. Tuy nhiên, một điện tâm đồ thường quy có thể bình thường dù bạn bị đau thắt ngực. Trong thực tế, hơn một nửa trong số những người bị đau thắt ngực có ECG lúc nghỉ bình thường.

Làm thế nào để bác sĩ biết tôi bị đau thắt ngực?

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng điển hình mà không cần làm thêm các xét nghiệm. Các xét nghiệm được chỉ định trong một số trường hợp khi chẩn đoán không rõ ràng, hoặc đôi khi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Các xét nghiệm tùy thuộc vào điều kiện sẵn có ở từng bệnh viện, phòng khám và đặc tính của cơn đau. Một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây có thể được gợi ý:

  • Xạ hình tưới máu cơ tim: là một xét nghiệm thường được thực hiện để xác định chẩn đoán đau thắt ngực. Xét nghiệm này được tiến hành bằng cách tiêm vào tĩnh mạch một lượng nhỏ chất phóng xạ và sử dụng một camera đặc biệt (camera gamma) di chuyển xung quanh bạn trong vòng 10-20 phút. Các camera gamma nhận biết các dấu vết phóng xạ và hiển thị hình ảnh biểu hiện sự tưới máu cơ tim tốt hay kém. Nó có thể được thực hiện cả khi bạn đang nghỉ ngơi hay khi tim đập nhanh hơn. Bạn có thể được yêu cầu làm tăng nhịp tim bằng cách gắng sức (như đi bộ hoặc chạy bộ trên thảm lăn).
  • Siêu âm tim: là phương pháp hiển thị hoạt động của tim bằng sóng siêu âm. Trong xét nghiệm này, bạn có thể được yêu cầu vận động gắng sức hoặc tiêm thuốc khiến tim làm việc nhiều hơn. Khi đó, các bác sĩ sẽ quan sát được hình ảnh tim hoạt động gắng sức.

  • MRI tim: cũng cho hình ảnh khi tim làm việc gắng sức như siêu âm. Một số người có thể gặp khó khăn với phương pháp này vì phải nằm im trong không gian hẹp của máy MRI.
  • Chụp mạch máu: có thể được đề nghị ở một số người. Trong xét nghiệm này, một chất cản quang được bơm vào các động mạch vành. Thuốc cản quang có thể được nhìn thấy bởi các thiết bị X-quang đặc biệt và cho hình ảnh cấu trúc của các động mạch vành (giống như một bản đồ đường đi) và có thể hiển thị vị trí cùng với mức độ hẹp nghiêm trọng của bất kỳ động mạch nào.

Một xét nghiệm khác gọi là điện tâm đồ gắng sức đã được sử dụng trong nhiều năm để chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của đau thắt ngực. Đây là một ECG được đo trong khi bạn chạy trên máy chạy bộ, hoặc đạp xe đạp. Một số thay đổi điển hình trên ECG xuất hiện khi gắng sức ở những người bị đau thắt ngực. Tuy nhiên, xét nghiệm này ngày nay ít được thực hiện thường xuyên hơn do đã có các xét nghiệm hiện đại hơn (như đã mô tả bên trên).

Làm gì để giảm yếu tố nguy cơ đau thắt ngực

Một số yếu tố nguy cơ đã được xác định làm tăng khả năng hình thành các mảng xơ vữa, có thể làm cho đau thắt ngực trầm trọng hơn.

Một cách tóm lược, các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và giúp ngăn ngừa đau thắt ngực nặng lên bao gồm:

  • Hút thuốc lá. Nếu đang hút, bạn nên nỗ lực để ngưng hút.
  • Huyết áp cao. Huyết áp của bạn cần được kiểm tra thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần, nếu bạn bị đau thắt ngực. Nếu có cao huyết áp thì bạn cần điều trị để kiểm soát huyết áp ổn định.
  • Thừa cân, béo phì. Bạn nên giảm cân. Giảm cân sẽ làm giảm gánh nặng cho tim và cũng giúp làm giảm huyết áp.
  • Cholesterol cao. Nên được điều trị nếu cholesterol cao.
  • Ít vận động. Bạn nên cố gắng hoạt động thể chất vừa phải ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Ví dụ, đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, nhảy múa, làm vườn,… (Thỉnh thoảng, đau thắt ngực là do bệnh van tim và trong trường hợp này nên hạn chế vận động. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để xác nhận rằng bạn có thể hoạt động thể chất thường xuyên.)

  • Chế độ ăn uống. Bạn nên cố gắng theo một chế độ ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh có nghĩa là:
    • Ít nhất là năm phần (và lý tưởng 7-9 phần) gồm nhiều loại trái cây và rau mỗi ngày.
    • Không nên ăn nhiều thức ăn béo như thịt mỡ, phô mai, sữa nguyên kem, thực phẩm chiên, bơ,… Lý tưởng nhất là sử dụng thực phẩm ít béo, không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa.
    • Hãy cố gắng ăn 2-3 phần cá mỗi tuần, ít nhất có một loại cá béo (như cá trích, cá thu, cá mòi, cá hồi, cá ngừ tươi).
    • Nếu bạn ăn thịt đỏ, tốt nhất là nên chọn thịt nạc đỏ. Thịt gia cầm như thịt gà cũng tốt.
    • Nếu bạn chiên rán, chọn một loại dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu hạt cải hoặc ô liu.
    • Cố gắng không nêm muối vào thức ăn, và hạn chế các loại thực phẩm mặn.

  • Rượu. Một số nghiên cứu cho thấy uống một lượng nhỏ rượu cũng có thể có lợi cho tim. Lượng rượu tối ưu vẫn chưa được xác nhận rõ ràng, nhưng chắc chắn rằng đó là một lượng nhỏ. Vì vậy, không nên uống rượu nhiều hơn lượng khuyến cáo vì có thể gây hại.

Nam giới nên uống không quá 21 đơn vị rượu mỗi tuần, không quá bốn đơn vị trong cùng một ngày, và có ít nhất hai ngày không uống rượu trong một tuần. Phụ nữ nên uống không quá 14 đơn vị rượu mỗi tuần, không quá ba đơn vị trong cùng một ngày, và có ít nhất hai ngày không uống rượu trong một tuần. Phụ nữ mang thai và phụ nữ muốn mang thai hoàn toàn không nên uống rượu. Một đơn vị bằng khoảng 0.5 lít bia có độ mạnh bình thường, hoặc 2/3 một ly rượu nhỏ.

Mục tiêu điều trị

Các mục tiêu chính của điều trị là:

  • Ngăn ngừa cơn đau thắt ngực và làm giảm đau nhanh chóng nếu cơn đau xuất hiện.
  • Hạn chế các mảng xơ vữa tích tụ thêm. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển bệnh.
  • Giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Phương pháp điều trị chủ yếu

Biện pháp điều chỉnh lối sống để giảm các yếu tố nguy cơ

Đã được đề cập ở phần trên.

Glyceryl trinitrate (GTN)

Loại thuốc này được sử dụng dưới dạng viên hay thuốc xịt. Bạn dùng một liều ngậm dưới lưỡi khi cơn đau thắt ngực xuất hiện. GTN được hấp thu nhanh vào máu, từ dưới lưỡi. Một liều thuốc như vậy có tác dụng giảm đau trong vòng vài phút.

Bạn nên luôn luôn mang theo thuốc xịt GTN hoặc thuốc viên theo người. Một số người dùng một viên GTN hoặc xịt trước khi tập thể dục – ví dụ, trước khi leo lên cầu thang. Nếu liều đầu tiên không làm bớt đau, dùng một liều thứ hai sau năm phút. Nếu cơn đau kéo dài 10 phút mặc dù đã dùng GTN, bạn phải gọi xe cứu thương.

GTN có tác dụng làm giãn mạch máu. Điều này làm giảm gánh nặng (workload) dồn lên cơ tim, giúp mở rộng động mạch vành và tăng lưu lượng máu đến cơ tim.

Loại thuốc viên GTN thường có thời gian sử dụng khoảng một vài tuần, vì vậy bạn cần mua thuốc mới mỗi tám tuần và phải trả lại những viên thuốc không sử dụng cho các dược sĩ. Có thể  bạn sẽ thích sử dụng một bình xịt GTN hơn là thuốc viên vì nó có thời gian sử dụng dài hơn thuốc viên.

GTN có thể gây đau đầu trong một thời gian ngắn. Tác dụng phụ này thường được cải thiện hoặc biến mất khi tiếp tục sử dụng.

Thuốc statin làm giảm nồng độ cholesterol máu

Cholesterol là một chất hóa học được sản xuất trong gan từ các chất béo trong chế độ ăn. Cholesterol tham gia hình thành các mảng xơ vữa. Thông thường, nồng độ cholesterol trong máu càng cao thì càng có nguy cơ phát triển các mảng xơ vữa. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ nồng độ nào, bác sĩ thường khuyên bạn giảm nồng độ cholesterol máu khi bị đau thắt ngực.

Thuốc statin làm giảm nồng độ cholesterol trong máu bằng cách ngăn chặn một enzyme cần thiết cho sự tổng hợp cholesterol tại gan. Có nhiều loại thuốc statin khác nhau để lựa chọn.

Aspirin hoặc các thuốc kháng tiểu cầu khác

Aspirin làm giảm độ kết dính của tiểu cầu. Tiểu cầu là những phần tử rất nhỏ trong máu giúp hình thành cục máu đông sau khi bị thương. Nếu nhiều tiểu cầu kết dính vào mảng xơ vữa trong động mạch, chúng có thể hình thành một cục máu đông (huyết khối) làm hẹp hay tắc mạch. Vì vậy, việc uống aspirin làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Liều thường dùng là 75 mg/ngày.  Liều này nhỏ hơn nhiều so với liều sử dụng cho giảm đau và đau đầu và ít gây tác dụng phụ. Nếu bạn bị loét dạ dày-tá tràng, hen suyễn, bạn có thể không dùng aspirin được. Trong trường hợp này, bạn nên dùng thêm một loại thuốc để bảo vệ đường ruột, hoặc sử dụng thuốc kháng tiểu cầu khác như clopidogrel.

Thuốc ức chế beta

Thuốc ức chế beta có tác dụng ức chế hoạt động của một số hormone như adrenaline có tác dụng làm tăng nhịp tim khi bạn gắng sức hoặc lo lắng. Do đó, khi sử dụng thuốc ức chế beta, nhu cầu oxy của cơ tim giảm đi và những cơn đau thắt ngực được ngăn ngừa hay giảm nhẹ.

Thuốc ức chế beta cũng được cho là có một số tác dụng bảo vệ cơ tim, có thể làm giảm nguy cơ tiến triển các biến chứng.

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Thuốc ức chế ACE có nhiều loại và tên biệt dược khác nhau. Nhóm thuốc này ngăn chặn sự ứ đọng dịch bằng cách tác động vào enzyme angiotensin tham gia điều tiết chất dịch cơ thể. Các thuốc ức chế ACE cũng có tác dụng bảo vệ tim và có thể làm chậm sự tiến triển của suy tim.

Thuốc ức chế ACE thường được dùng cho người bị đau thắt ngực kèm theo giảm chức năng tâm thất trái của tim hoặc những người đã từng bị nhồi máu cơ tim. Trong những trường hợp này, người ta đã có bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc ức chế ACE cải thiện tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc ức chế ACE một cách thường quy cho người đau thắt ngực mà không có những vấn đề khác về tim vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng. Các bác sĩ hy vọng rằng nghiên cứu sẽ làm rõ vấn đề này. Dù vậy, một số bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế ACE cho tất cả các bệnh nhân đau thắt ngực của họ.

Các phương pháp điều trị khác

Các loại thuốc khác để ngăn ngừa đau thắt ngực

Một loại thuốc ức chế beta (được mô tả ở trên) có thể là đủ để ngăn ngừa đau thắt ngực nhưng một số thuốc khác cũng có thể được sử dụng khi cần. Có ba nhóm chính:

  • Thuốc chẹn kênh canxi làm giãn các động mạch vành để tăng lưu lượng máu đến cơ tim. Một số các loại thuốc này có thể làm giảm nhịp tim lúc nghỉ ngơi, và nhịp tim khi bạn gắng sức.
  • Thuốc nitrate có tác dụng giống như GTN nhưng kéo dài lâu hơn trong cơ thể.
  • Chất kích hoạt kênh kali tác dụng như thuốc nitrate. Chúng làm giãn các mạch máu nuôi tim.

Có nhiều biệt dược khác nhau trong mỗi nhóm. Chúng đều có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa cơn đau thắt ngực. Nếu những cơn đau không được kiểm soát tốt bằng một loại thuốc, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp với một loại thuốc khác. Do các thuốc thuộc các nhóm khác nhau tác động theo cơ chế khác nhau, việc phối hợp thuốc sẽ bổ sung cho nhau. Phương pháp điều trị kết hợp hai hay ba loại thuốc để ngăn ngừa đau thắt ngực thường được áp dụng.

Các tác dụng phụ có thể khác nhau giữa các  nhóm thuốc. Vì vậy, nếu bạn không hợp với loại thuốc này, bạn có thể dùng một loại khác. Mục đích là tìm ra một loại thuốc, hoặc một nhóm các loại thuốc để ngăn chặn cơn đau của bạn, nhưng với ít tác dụng phụ nhất.

Lưu ý: ngay cả khi dùng thuốc thường xuyên để ngăn ngừa đau thắt ngực, bạn vẫn có thể sử dụng GTN khi xuất hiện cơn đau thắt ngực.

Việc điều trị đau thắt ngực của y học ngày càng phát triển. Phương pháp điều trị mới tiếp tục được nghiên cứu và có nhiều khả năng sẽ được giới thiệu trong tương lai gần.

Điều trị không dùng thuốc

Những điều trị không dùng thuốc bao gồm phương pháp nong mạch vành và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG). Bạn có thể sẽ được điều trị bằng các phương pháp này nếu:

  • Bạn có cơn đau không kiểm soát được bằng thuốc. HOẶC,
  • Vị trí và mức độ nghiêm trọng của mảng xơ vữa đặc biệt cần phải dùng phương pháp điều trị này. Trong một số trường hợp, vẫn phải áp dụng biện pháp điều trị này mặc dù bạn bị đau ngực ít hoặc không có đau ngực, vì chúng có thể giúp cải thiện tình trạng/tiên lượng bệnh.

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn nếu cần phải nong mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

  • Nong mạch vành: bác sĩ sẽ luồn một sợi dây nhỏ xíu với một quả bóng vào động mạch đùi hoặc động mạch cánh tay, đi đến tim và vào phần bị hẹp của động mạch vành dưới sự hướng dẫn của tia X-quang. Bong bóng sau đó được  bơm lên bên trong phần thu hẹp của động mạch để mở rộng nó. Một stent có thể được luồn thêm vào để giữ cho động mạch mở. Stent giống như một lò xo cuộn nhỏ được bung ra và giữ cho động mạch mở. Thủ thuật này chỉ áp dụng trong một số các trường hợp vì chỉ những đoạn ngắn của động mạch bị hẹp  mới có thể được điều trị bằng phương pháp này.
  • Phẫu thuật: phẫu thuật để bắc cầu qua các phần thu hẹp của động mạch bằng cách ghép đoạn mạch máu khỏe mạnh được lấy từ các bộ phận khác của cơ thể giúp tăng lượng máu đến cơ tim. Không phải tất cả những người bị đau thắt ngực đều thích hợp với phương pháp này. Nó phụ thuộc vào vị trí mà động mạch bị thu hẹp.

Một số lo lắng thường gặp về đau thắt ngực

Hoạt động gắng sức làm tăng gánh nặng cho tim là mối lo lắng thường gặp. Ngược lại, hoạt động thể chất thường được khuyến khích vì nó giúp cải thiện việc cung cấp máu cho cơ tim.

Quan hệ tình dục. Một số người bị đau thắt ngực lo lắng rằng quan hệ tình dục sẽ gây hại cho tim. Điều này là sai và bạn không cần phải ngừng quan hệ tình dục. Nếu quan hệ tình dục thúc đẩy một cơn đau thắt ngực, bạn có thể dùng GTN trước khi quan hệ.

Lái xe và đi máy bay. Thường không có giới hạn đối với việc lái xe riêng của bạn trừ khi đau xảy ra khi đang nghỉ ngơi, khi xúc động hoặc trong khi đang lái xe. Tuy nhiên, bạn nên thông báo cho công ty bảo hiểm và các cơ quan quản lý xe nếu bạn có cơn đau thắt ngực. Về việc đi máy bay, nói chung, nếu bạn có thể leo lên 12 bậc thang và đi bộ 100 mét trên đường bằng phẳng mà không đau hoặc khó thở, bạn có thể đi máy bay như một hành khách bình thường. Những người bị đau thắt ngực thường xuyên hoặc đau thắt ngực không ổn định nên tránh đi lại bằng máy bay.

Một số chú ý khác về đau thắt ngực

Đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định

Trong hầu hết các trường hợp, đau thắt ngực xuất hiện khi bạn gắng sức tới một ngưỡng nhất định và bạn có thể dự đoán mức độ gắng sức đó. Tình trạng này được gọi là đau thắt ngực ổn định. Hơn một triệu người ở Anh bị đau thắt ngực ổn định. Đau thắt ngực ổn định thường có thể tiếp diễn trong nhiều năm, và hầu hết các cơn đau có thể được ngăn chặn bằng điều trị. Nếu tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, những cơn đau có thể được khởi phát ở mức gắng sức thấp dần, sau một quá trình kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Nếu cơn đau của bạn xuất hiện khá bất ngờ và được khởi phát khi hoạt động gắng sức tối thiểu, hoặc trong khi nghỉ ngơi, chúng được gọi là đau thắt ngực không ổn định. Đây là một trường hợp khẩn cấp và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nhồi máu cơ tim

Nếu bạn bị đau thắt ngực, bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn bình thường. Bệnh thường xảy ra khi một động mạch vành bị đột ngột tắc nghẽn hoàn toàn. Trường hợp này thường do một cục máu đông hình thành trên mảng xơ vữa bị vỡ làm giảm lượng máu cung cấp đến cơ tim. Tuy nhiên, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim được giảm thiểu nếu bạn uống aspirin và statin – như đã nói ở trên.

Cơn đau kéo dài

Nếu bạn có một cơn đau kéo dài hơn 10 phút, hoặc có tính chất khác hẳn hoặc nghiêm trọng hơn so với bình thường, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Đó có thể là cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim và bạn cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Tiêm chủng

Những người bị đau thắt ngực nên được chủng ngừa phế cầu (vi khuẩn có thể gây viêm phổi, viêm màng não và một số bệnh nhiễm trùng khác) và chủng ngừa cúm hàng năm.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/angina-leaflet

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích