menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Những thay đổi ngoài da ở phụ nữ có thai

user

Ngày:

23/10/2014

user

Lượt xem:

3831

Bài viết thứ 09/15 thuộc chủ đề “Chăm sóc bản thân trong thai kỳ”

Những thay đổi thường gặp ở da khi mang thai?

Nhiều phụ nữ cảm thấy sự thay đổi ở hệ da, móng và lông khi mang thai. Một vài thay đổi phổ biến bao gồm:

  • Những nốt đen ở ngực, núm vú hoặc mặt trong đùi
  • Thâm nám (melasma) – những đốm nâu trên mặt, quanh má, mũi và trán
  • Đường đen linea nigra – đường sẫm màu kéo dài từ rốn đến lông mu
  • Vết rạn da
  • Mụn trứng cá
  • Tĩnh mạch hình mạng nhện
  • Giãn tĩnh mạch
  • Những thay đổi ở móng và lông

Những thay đổi ngoài da ở phụ nữ có thai

Những thay đổi ngoài da ở phụ nữ có thai

Nguyên nhân

Một vài sự thay đổi đó là do sự thay đổi mức hormone trong cơ thể thai phụ. Tuy nhiên, hầu hết các thay đổi xảy ra do không rõ nguyên nhân.

Tại sao những nốt đen hoặc đốm đen xuất hiện trên da khi mang thai?

Những nốt đen hoặc đốm đen là kết quả của sự tăng melanin trong cơ thể – một chất tự nhiên tạo nên màu của da và lông. Nốt đen và thâm nám thường tự mờ đi sau khi đứa bé được sinh ra. Tuy nhiên, vài phụ nữ vẫn còn những nốt đen nhiều năm sau khi sinh. Để tránh việc thâm nám nặng nề hơn, nên thoa kem chống nắng và đội mũ rộng vành mỗi khi bạn đi ra ngoài nắng.

Rạn da khi mang thai

Khi bụng bạn ngày càng to trong suốt thai kì, da của bạn sẽ xuất hiện các đường sậm đỏ gọi là vết rạn. Đến tam cá nguyệt thứ ba, phụ nữ thường bị những vết rạn da ở bụng, mông, ngực hoặc đùi. Dùng kem dưỡng ẩm có độ ẩm cao sẽ làm mềm da bạn, nhưng không làm biến mất những vết rạn được. Hầu hết các vết rạn da sẽ biến mất sau khi sinh, nhưng cũng có thể chúng sẽ không bao giờ mất đi hoàn toàn.

Xem thêm bài viết Bài 34 - Chăm sóc da khi có thai - bí quyết giúp mẹ bầu xinh đẹp, tự tin hơn! của BS. Lê Tiểu My

Mụn trứng cá khi mang thai

Nhiều phụ nữ bị mụn trứng cá khi mang thai. Một vài người đã bị mụn trứng cá trước khi mang thai và thấy tình trạng mụn trở nên nặng hơn khi mang thai. Những phụ nữ khác không bị mụn cũng có thể sẽ bị mụn trứng cá khi mang thai.

Cách trị mụn trứng cá trong thai kì?

Nếu bạn bị mụn trứng cá khi mang thai, những cách sau sẽ giúp chăm sóc da bạn:

  • Rửa mặt hai lần một ngày với nước rửa mặt nhẹ và nước ấm.
  • Nếu tóc bạn có nhiều dầu, gội đầu hằng ngày và đừng để tóc chạm vào mặt bạn.
  • Tránh phá hoặc nặn mụn trứng cá, điều này sẽ giúp phòng ngừa việc để lại sẹo đến mức tối đa có thể.
  • Chọn mỹ phẩm không chứa dầu.

Những loại thuốc trị mụn có thể dùng

Thuốc bán không kê đơn chứa những thành phần sau có thể được sử dụng:

  • Benzoyl peroxide sử dụng tại chỗ
  • Azelaic acid
  • Salicylic acid sử dụng tại chỗ
  • Glycolic acid

Nếu bạn muốn sử dụng thuốc không kê đơn không chứa những thành phần đã nêu trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.

Có thể dùng thuốc kê đơn để trị mụn trứng cá khi mang thai không?

Một vài thuốc kê đơn không nên sử dụng khi mang thai:

  • Liệu pháp hormone – Một vài thuốc kháng một số hormone có thể được sử dụng để trị mụn. Không nên sử dụng chúng khi mang thai, phòng ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh.
  • Tetracycline dùng đường uống – Loại thuốc kháng sinh này sẽ gây mất màu răng trẻ em nếu được sử dụng sau tháng thứ tư của thai kì, đồng thời, nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương bào thai chừng nào người mẹ vẫn dùng thuốc.

Tĩnh mạch hình mạng nhện

Những thai đổi nội tiết và sự tăng thể tích máu trong cơ thể sẽ tạo nên những tĩnh mạch nhỏ màu đỏ, gọi là tĩnh mạch hình mạng nhện, xuất hiện trên mặt, cổ và cánh tay. Vết đỏ sẽ mờ dần sau khi sinh.

Nguyên nhân

Trọng lượng và sức ép của tử cung sẽ làm giảm lượng máu trở về tim của vùng thân dưới, khiến những tĩnh mạch ở chân của bạn sưng, đau và có màu xanh. Chúng gọi là giãn tĩnh mạch. Sự giãn tĩnh mạch còn có thể xuất hiện trong âm hộ, âm đạo và trực tràng (gọi là trĩ). Trong hầu hết các trường hợp, giãn tĩnh mạch chỉ là những biến đổi tạm thời và sẽ biến mất sau khi sinh.

Cách phòng ngừa

Tuy rằng bạn không thể phòng ngừa giãn tĩnh mạch, bạn có thể làm những điều sau để giúp làm giảm sưng và đau và để tránh những biến chứng của giãn tĩnh mạch:

  • Thỉnh thoảng đi qua đi lại nếu như bạn phải ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài.
  • Không ngồi bắt chéo chân quá lâu.
  • Đặt chân lên ghế hoặc bệ gác chân thường xuyên.
  • Tập thể dục đều đặn – đi bộ, bơi hoặc đi xe đạp.
  • Mang tất quần.
  • Tránh táo bón bằng cách ăn thực phẩm nhiều chất xơ và uống nhiều nước.

Những thay đổi ở hệ lông khi mang thai?

Những thay đổi trong hệ nội tiết khi mang thai sẽ làm tóc và lông mọc nhiều hơn hoặc dày hơn. Đôi khi, phụ nữ mọc lông ở những vùng mà bình thường không có lông, ví dụ như ở mặt, ngực, bụng và cánh tay. Hệ lông sẽ trở lại bình thường trong vòng 6 tháng sau khi sinh.

Những thay đổi có thể xảy ra ở hệ lông sau khi sinh?

Khoảng 3 tháng sau sinh, hầu hết phụ nữ bắt đầu thấy rụng tóc. Điều này là do hormone đã quay trở lại mức bình thường, khiến tóc trở lại chu kì mọc và rụng bình thường. Tóc của bạn sẽ mọc trở lại hoàn toàn trong vòng 3-6 tháng.

Những thay đổi có thể xảy ra ở móng khi mang thai?

Vài phụ nữ nhận thấy móng tay chân mọc nhanh hơn khi mang thai. Một số khác lại thấy móng tay chân dễ chẻ và gãy móng. Cũng giống như trường hợp của hệ lông, hệ móng sẽ trở lại bình thường sau khi bạn sinh con.

Những thay đổi hiếm gặp ở da có thể xảy ra khi mang thai?

Một vài thay đổi hiếm gặp ở da có thể xảy ra khi mang thai. Chúng sẽ gây nên nhiều triệu chứng, bao gồm nổi nốt đỏ và ngứa.

Sẩn ngứa và mề đay ở phụ nữ mang thai (PUPPP) là gì?

Khi mắc phải tình trạng này, những sẩn nhỏ, đỏ và mề đay sẽ xuất hiện trên da trong giai đoạn sau của thai kì. Những sẩn này có thể tạo thành những mảng gây ngứa. Những vết sẩn ngứa này xuất hiện đầu tiên ở trên bụng rồi lan ra đùi, mông và ngực. Nguyên nhân gây PUPPP vẫn chưa rõ. Tình trạng này sẽ dần biến mất sau khi bạn sinh con.

Sẩn ngứa khi mang thai là gì?

Khi bị sẩn ngứa khi mang thai, các nốt nhỏ, ngứa trông như vết con trùng đốt có thể xuất hiện ở hầu như khắp cơ thể. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kì, thường ban đầu chỉ nổi một số nốt, rồi càng ngày càng tăng số lượng nốt. Người ta cho rằng nguyên nhân là do những thay đổi trong hệ miễn dịch khi mang thai. Sẩn ngứa khi mang thai có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí còn xuất hiện một thời gian sau khi sinh con.

Bệnh mụn nước trên da (pemphigoid) ở phụ nữ có thai là gì?

Bệnh mụn nước trên da (pemphigoid) ở phụ nữ có thai là một bệnh da liễu hiếm gặp, thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba hoặc một thời gian sau khi sinh. Khi mắc phải bệnh này, những bọng nước sẽ xuất hiện trên bụng và trong những trường hợp nặng, bọng nước có thể nổi ở một vùng rộng trên da. Nguyên nhân của bệnh này được cho rằng do rối loạn tự miễn. Bệnh có thể làm tăng nhẹ nguy cơ xuất hiện những biến chứng cho thai nhi, bao gồm sinh non và sinh con nhẹ cân.

Ứ mật trong gan khi mang thai (ICP) là gì?

Ứ mật trong gan khi mang thai (ICP) là bệnh gan phổ biến nhất đối với phụ nữ có thai. Những triệu chứng của ICP là nổi những nốt ngứa nhưng không có đỏ. Lòng bàn tay và lòng bàn chân là hai vị trí thường bị ngứa, nhưng những nốt ngứa có thể lan lên phần thân của cơ thể. Những triệu chứng thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kì nhưng thường biến mất vài ngày sau sinh. ICP có thể làm tăng nguy cơ sinh non và những tai biến khác, bao gồm chết thai (tuy nhiên nguy cơ này hiếm gặp).

Giải thích thuật ngữ

  • Âm đạo: Một cấu trúc hình ống bao quanh bởi các cơ, nối từ tử cung ra ngoài cơ thể.
  • Âm hộ: Vùng sinh dục ngoài của phụ nữ.
  • Đường Linea Nigra: Đường thẳng chạy từ rốn đến lông mu, khi mang thai đường này trở nên sẫm màu.
  • Hệ miễn dịch: Hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống các tác nhân bên ngoài và sinh vật xâm nhập vào cơ thể, như vi khuẩn gây bệnh.
  • Hormone: Một chất hóa học tạo ra trong cơ thể bởi các tế bào hoặc các cơ quan điều khiển chức năng của các tế bào hoặc cơ quan khác. Một ví dụ là estrogen, hormone có tác dụng điều khiển các hoạt động của cơ quan sinh dục nữ.
  • Nám da: Một bệnh thường gặp ở da, gây nên những mảng có màu nâu đến nâu đen trên mặt.
  • Rối loạn tự miễn: Tình trạng bệnh lý mà cơ thể tấn công chính tế bào của nó.
  • Tam cá nguyệt: Giai đoạn mỗi 3 tháng của quá trình mang thai.
  • Thuốc kháng sinh: Một loại thuốc giúp trị một số loại nhiễm trùng.
  • Trực tràng: Phần cuối cùng của hệ tiêu hóa.
  • Tử cung: Một tạng cơ nằm trong khung chậu của người nữ, chức năng chứa và nuôi dưỡng bào thai trong thai kì.

Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào, hãy liên hệ bác sĩ sản phụ khoa của bạn.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/-/media/For-Patients/faq169.pdf?dmc=1&ts=20141024T0037187995

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích