menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Trẻ quá bận rộn

user

Ngày:

30/05/2014

user

Lượt xem:

222

Bài viết thứ 06/09 thuộc chủ đề “Làm Cha Mẹ”

“Con bé nhà tôi đá banh không thực sự hay và bé không thích chơi cho lắm, nhưng tất cả các bạn bè của bé đều chơi đá banh.”

“Nếu con bỏ lỡ một buổi tập luyện vì có cuộc hẹn với bác sĩ, con sẽ bị chuyển xuống dự bị.”

“Nếu con trai tôi không có một hoạt động ngoại khóa sau giờ học mỗi ngày trong tuần, nó sẽ chỉ ăn vặt và chơi game.”

“Tôi không thực sự thích môn bóng vợt, nhưng tôi phải chơi vì như vậy khi nạp đơn vào đại học sẽ có lợi hơn.”

“Con bé nhà tôi muốn tập thể dục dụng cụ, nghệ thuật, khiêu vũ, nấu ăn nhưng bé lại đi học đạo buổi chiều hai lần một tuần. Tôi không bắt buộc cháu phải làm vậy.”

Đây là những lời giải thích và phàn nàn điển hình của trẻ em và phụ huynh. Rõ ràng, một số trẻ em có quá nhiều việc phải làm và không đủ thời gian để làm những việc đó. Thật khó để nói đó là do cha mẹ thúc ép hoặc tự trẻ đang cố gắng để theo kịp với bạn bè.

Dù với bất kỳ lý do nào thì có một điều chắc chắn bạn cần phải nghĩ tới: Liệu rằng con bạn quá bận rộn chăng?

Tại sao trẻ quá bận rộn?

Đối với một số gia đình, trẻ em sẽ bị lái theo một lịch trình dày đặc bởi vì trẻ không muốn có cảm giác không theo kịp bạn bè. Các em ở độ tuổi thanh thiếu niên có thể cảm thấy bị áp lực trong việc tham gia các hoạt động để có thể vào được các trường đại học mà các em mong muốn.

Một số cha mẹ cảm thấy việc làm cho con họ liên tục bận rộn thì tốt hơn là để trẻ có thời gian rảnh để chơi, khám phá và học tập theo ý thích. Họ cũng có thể cảm thấy rằng con cái của họ sẽ bỏ lỡ những kinh nghiệm quan trọng nếu không làm giống những trẻ em khác.

trẻ quá bận rộn

Hầu hết các bậc cha mẹ thường chỉ muốn những gì dường như là tốt nhất cho con cái mình. Nhưng ngay cả khi đó là những ý định tốt thì đôi lúc việc này cũng tạo sự quá tải cho trẻ. Áp lực của việc phải tham gia và “theo kịp” các hoạt động có thể khiến cho cả cha mẹ và con cái đều mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần.

Tất nhiên, thể thao hay các hoạt động xã hội đều có lợi. Những hoạt động này sẽ bồi dưỡng những kỹ năng xã hội cho trẻ và cho trẻ có cơ hội vui chơi vận động. Trẻ học được tinh thần thể thao, kỷ luật tự giác, cách giải quyết xung đột. Và trên hết là những hoạt động này giúp trẻ vui. Điều quan trọng là làm sao duy trì được mục đích chính này và không khiến cho trẻ em – và các bậc cha mẹ không cảm thấy quá tải.

Dấu hiệu cho thấy trẻ quá bận rộn

Sớm hay muộn, cũng sẽ có dấu hiệu cho thấy là trẻ quá bận rộn. Có thể biểu hiện ở mỗi trẻ khác nhau nhưng trẻ quá tải có thể:

  • Cảm thấy mệt mỏi, lo lắng hay chán nản
  • Phàn nàn về đau đầu và đau bụng, có thể là do căng thẳng, bỏ bữa hoặc thiếu ngủ
  • Học hành giảm sút khiến điểm số sụt giảm

Quá tải cũng có thể ảnh hưởng đến tình bạn của trẻ em cũng như đời sống xã hội của chúng. Cuộc sống gia đình cũng có thể bị ảnh hưởng – khi một người phải chở bé đi tập bóng rổ trong khi người kia phải chở bé khác đến lớp học nhảy chẳng hạn thì sẽ không có người lo bữa ăn. Kết quả là một số gia đình hiếm khi ăn tối cùng nhau và ít có thời gian cùng nhau..

Thêm vào đó, việc hàng tuần phải chở trẻ đến lớp học, lớp ngoại khóa hoặc luyện tập thể thao có thể khiến cha mẹ mệt mỏi và căng thẳng.

Lời khuyên cho các gia đình bận rộn

Ngay cả khi cha mẹ cố gắng giúp trẻ cắt giảm một số hoạt động thì vẫn có thể vấp phải những huấn luyện viên không muốn trẻ vắng mặt trong các buổi tập luyện hoặc là tự trẻ muốn theo kịp với bạn bè. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ nên lùi lại một bước để giúp cho trẻ không bị cố gắng quá sức.

Điều quan trọng là cố gắng sắp xếp mọi thứ một cách điều độ và lưu ý lựa chọn các hoạt động phù hợp với độ tuổi, tính khí, sở thích và khả năng của trẻ. Nếu chọn những gì cao hơn khả năng của trẻ thì những hoạt động này chỉ khiến trẻ bị căng thẳng mà thôi. Nếu không hấp dẫn, trẻ em sẽ cảm thấy dễ chán. Và nếu trẻ em làm điều gì đó chỉ để hài lòng cha mẹ thì điều này sẽ làm hỏng toàn bộ mục đích của hoạt động đó.

Tùy thuộc vào tuổi tác và sự quan tâm của trẻ, bạn có thể đề ra một thời gian biểu hợp lý về các hoạt động ngoại khóa khiến cho trẻ thích thú.

Dưới đây là một số gợi ý đơn giản:

  • Đồng ý trước về những nguyên tắc cơ bản. Ví dụ, đặt kế hoạch cho trẻ chơi một môn thể thao mỗi mùa hoặc giới hạn các hoạt động trong vòng hai buổi chiều hoặc buổi tối trong tuần.
  • Cần nắm vững thời gian cho hoạt động đó. Ví dụ liệu có thời gian luyện tập giữa hai giờ học không? Con của bạn có biết rằng việc luyện tập bóng đá được tiến hành hai lần một tuần, ngay sau giờ học cho tới tận giờ ăn tối hay không? Và hàng tuần có các cuộc thi đấu nữa. Vậy thì liệu việc học bài ở nhà có bị ảnh hưởng hay không?
  • Lên thời gian biểu rõ ràng để mọi người cùng biết rõ. Gắn thời gian biểu này lên cửa tủ lạnh hoặc nơi dễ thấy để mọi người đều nắm được lịch hoạt động. Và nếu bạn thấy có khoảng trống trên lịch, hãy cứ giữ trống như vậy!
  • Ngay cả khi trẻ em đã đăng ký cho việc luyện tập, khi cần, có thể để trẻ bỏ lỡ một hoặc hai buổi. Đôi khi có dịp đi chơi cùng gia đình vào một ngày đẹp trời quan trọng hơn là tham gia thêm một hoạt động, ngay cả khi bạn đã trả tiền cho hoạt động đó.
  • Cố gắng đi chung xe với các phụ huynh khác để đỡ vất vả hơn.
  • Cố gắng cân bằng hoạt động cho mọi đứa trẻ trong gia đình và bản thân bạn. Nếu bạn giành nhiều thời gian và sức lực cho trẻ này và giành ít thời gian cho trẻ khác thì không công bằng. Dành thời gian cho chính mình, làm những điều bạn thích và dành thời gian cho hoạt động chung của mọi thành viên trong gia đình.
  • Tạo ra thời gian cho gia đình. Nếu tối nào bạn cũng phải ăn vội vã thì hãy cố gắng nấu ăn một vài bữa ăn tối vào lúc tất cả mọi người đều ở nhà, ngay cả khi có bị ăn trễ hơn bình thường. Tạo thời gian vui vẻ cho cả gia đình, cùng chơi trò chơi hoặc cùng nhau đạp xe hoặc đi bộ.
  • Đặt thứ tự ưu tiên. Trường học là ưu tiên hàng đầu. Nếu trẻ không học tốt thì cần phải bỏ bớt hoạt động ngoại khóa.
  • Biết khi nào phải từ chối. Nếu trẻ đã có rất nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng thực sự muốn tham gia vào hoạt động khác, hãy trao đổi với trẻ về việc cắt giảm những hoạt động trẻ đang tham gia để nhường chỗ cho những cái mới.
  • Hãy nhớ điều quan trọng của việc nghỉ ngơi. Mọi người đều cần cơ hội để thư giãn, suy nghĩ về những điều đã làm trong ngày hoặc chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi, không làm bất cứ điều gì.

Hãy làm nhịp sống chậm lại

Hãy dành ít phút để suy nghĩ về cuộc sống của con mình. Nếu trẻ quá bận rộn, hãy ngồi lại với nhau để quyết định có thể cắt giảm những hoạt động nào. Nếu lịch trình quá dày đặc, hãy dành thời gian xả hơi cho gia đình.

Đi xe đạp, đi bộ, chơi trò chơi, nghe nhạc hoặc chỉ đơn giản là không làm gì trong một thời gian cũng có thể giành cho trẻ em một số thời gian nghỉ cần thiết. Và đừng quên tầm quan trọng của việc bọn trẻ tự tụ tập để chơi với nhau. Trẻ em cần thời gian để được là trẻ em đúng nghĩa.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/kids/parenting/is-your-child-too-busy.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích