menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Các bác sĩ nói gì về vấn đề bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ?

user

Ngày:

05/10/2017

user

Lượt xem:

1339

Bài viết thứ 06/14 thuộc chủ đề “Bài viết Group Nhi khoa Y học cộng đồng”

Thời gian gần đây, việc các bậc cha mẹ tự ý bổ sung các viên bổ sung vitamin tổng hợp, canxi, kẽm cho trẻ khá phổ biến. Vậy quan điểm của các Bác sĩ cho câu hỏi “Có nên bổ sung vitamin cho trẻ hay không?”, mời mọi người cùng đọc những chia sẻ dưới đây.

  • Bác sĩ Lê Hữu Phước

Đây là một dạng câu hỏi không có hồi kết thúc, vì ai làm cha mẹ rồi cũng sẽ nảy sinh nhu cầu muốn tốt thêm cho con mình.

Nhu cầu ấy là chính đáng, nhưng kẻ thù của cái tốt là cái tốt hơn, cho nên tự ý bổ sung thêm thuốc bổ là không nên.

Dưới 6 tháng, luôn có câu “sữa mẹ là tốt nhất” rồi, đừng tự ý thêm bớt gì, ngay cả sữa công thức cũng đã nghiên cứu đủ cho bé. Cần bổ thì bổ cho mẹ đi, rồi sữa sẽ cho con thêm. Nhưng thuốc bổ không bao giờ bổ bằng thực phẩm tươi và trái cây.

Vi chất mà bé cần chỉ có vitamin A và D là nên bổ sung (Vitamin A bổ sung theo chương trình quốc gia ra phường xã lãnh là đủ. Vitamin D thì tùy thể trạng thực tế của bé mới bổ sung, đa số không cần hoặc chỉ cần ngắn hạn, nếu bé ăn tốt lên cân đều thì không nên bổ sung), mấy năm gần đây Kẽm lên ngôi là vì chưa thấy tác hại gì, nên các hãng dược PR kinh khủng trên toàn cầu.

Có vị bác sĩ kia hơn mười mấy năm tư vấn cho bệnh nhân không cần tắm nắng và kiêng khem này nọ, nhưng chính con mình thì èo uột và bệnh suốt. Rồi khi gửi về nhà ông bà ở vài tuần, bé chạy nhảy chơi đùa ngoài thiên nhiên, thậm chí chẳng ngủ trưa mà rong chơi hái hoa bắt bướm, bé lại khỏe hẳn ra và hết bệnh vặt. Nên đừng mong nhồi thuốc bổ cho bé mà bé sẽ khỏe, các mẹ chẳng thể nào hiểu về thuốc bổ hơn bác sĩ được, mà bác sĩ còn không xài, bạn xài làm gì, bạn hiểu ra vấn đề chưa?!

Nếu thật tâm muốn học thêm hiểu biết để thương con, hãy tìm đọc sách về cách chăm bé thôi, còn thuốc men thì hãy giao cho bác sĩ của gia đình nghiên cứu khi nào cần, khi nào không nhé!

  • Bác sĩ Nguyễn Phúc Thu Trang

Vitamin D: hiện nay chưa có đồng thuận ở Việt Nam. Ở các nước đặc biệt là trẻ bú mẹ hoàn toàn khuyến cáo bổ sung vitamin D đến 18 tháng sau đó bổ sung trong mùa đông. Việt Nam xứ nhiệt đới nắng nhiều nên cần sớm có sự đồng thuận.

Vitamin A bổ sung theo chương trình, khi trẻ bị sởi, bị tiêu chảy.F

Kẽm có khuyến cáo bổ sung khi trẻ tiêu chảy.

Sắt không nên dùng bừa bãi.

Canxi không thiếu thì không bổ sung.

Cho bé ăn đa dạng, theo dõi phát triển tốt thì không cần lấy máu xét nghiệm làm gì.

  • Bác sĩ Phạm Nguyên Quý

Chẩn đoán thiếu một chất gì đó, như kẽm, thật ra không đơn giản. Mấy triệu chứng lâm sàng nặng như viêm da, loét miệng có thể giúp Bác sĩ nghi ngờ nhưng để chứng minh thì phải xét nghiệm máu. Một số Bác sĩ còn tranh cãi rằng một số triệu chứng nhẹ của thiếu kẽm xảy ra khi mức kẽm trong máu trong giới hạn bình thường, và cần xét nghiệm sâu hơn như đo mức kẽm trong tế bào lympho/bạch cầu hạt. Nói vậy để mọi người thấy là chứng minh cái gì đó rất khó chứ không phải nghe rụng tóc là phán bừa thiếu kẽm hay thiếu canxi và đề nghị bổ sung.

Một số trường phái sẽ lý luận rằng ở Việt Nam tỉ lệ thiếu kẽm cao nên cứ bổ sung không bổ ngang cũng bổ ngửa và có uống nhiều kẽm quá một tí cũng không sao (uống gấp 5-7 lần mức khuyến cáo vẫn không có triệu chứng). Hơn nữa Việt Nam còn nghèo, tiền đâu xét nghiệm chi tiết. Nếu vậy, xin hỏi lại là nếu nghèo thì mua thuốc uống làm gì cho mất thêm tiền trong khi nó thực sự không cần thiết lắm? Thật ra uống nhiều kẽm thời gian dài có thể sinh thiếu đồng (Cu) và gây bệnh khác. Một nghiên cứu ở Tanzania gợi ý rằng bổ sung 5mg kẽm mỗi ngày có thể ảnh hưởng không tốt đến phát triển chiều cao 18 tháng đầu đời.

Vậy “làm thế nào để biết trẻ có thiếu chất không?”

Câu trả lời là phải đi khám trực tiếp, nếu lý tưởng nữa là có xét nghiệm máu. Các bác sĩ cần thông tin về chế độ dinh dưỡng (sữa mẹ hoàn toàn hay sữa công thức, uống bao nhiêu/ngày, có ăn đầy đủ chất không…), quá trình tăng trưởng và phát triển thể chất, tinh thần của trẻ nữa chứ không chỉ dựa vào một vài triệu chứng. Và một Bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể tư vấn thêm cách thay đổi lối sống, cách chế biến thức ăn để cải thiện tổng trạng/tình hình chứ không phải cho thuốc bổ không.

Trong trường hợp chúng ta ở xa không đi khám kỹ được như vậy thì có thể cân nhắc bổ sung thử. Trong y khoa cách này gọi là điều trị thử để chứng minh chẩn đoán, có thể áp dụng nếu độ nghi ngờ là cao, không có điều kiện chẩn đoán chính xác ngay và lo lắng là không chữa ngay sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Câu hỏi cần đặt ra kế tiếp là đánh giá hiệu quả của thuốc bổ sau thời gian bao lâu và như thế nào?

Nếu có cải thiện triệu chứng, Bác sĩ có thể kết luận rằng thuốc có hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý là bản thân trẻ em cũng phát triển trong thời gian đó, tức là nhiều trường hợp tự cải thiện mà không cần thuốc (tự “qua cái đốt” theo ngôn ngữ các bà mụ).

Con mình hồi xưa rất nhạy tiếng động đêm thức tới 4-5 lần khóc lóc inh ỏi nhưng sau khi đi nhà trẻ vài tuần là ngủ êm hơn có thể vì chơi đùa nhiều hơn tối ngủ ngon hơn.

Việc đánh giá nhiều khi không chính xác, vì vậy khi bắt đầu bổ sung cần hỏi Bác sĩ xem uống tới khi nào và đánh giá như thế nào để quyết định dừng thuốc bổ.

Nếu nhà có điều kiện và cũng không biết đánh giá sao, một số người sẽ có thể chọn cách cho uống trường kỳ vì ít ra cháu đang khoẻ. Đó cũng là một lựa chọn chỉ cần lưu ý là uống nhiều dài lâu có thể gây tác dụng phụ.

Mời các bố mẹ xem thêm phần trao đổi của các thành viên trong nhóm tại đây nhé:

https://www.facebook.com/groups/nhikhoa.yhcd/permalink/1613830168688581/

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích