menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Biện pháp bù dịch tại nhà bằng đường uống với ORESOL

user

Ngày:

25/02/2020

user

Lượt xem:

1531

Bài viết thứ 14/14 thuộc chủ đề “Cấp cứu Nhi khoa”

Bố mẹ nào đã từng nuôi con nhỏ hẳn đều quen thuộc với OReSol, tên đầy đủ Oral Rehydration Solutions, hay còn gọi là “Dung dịch bù dịch bằng đường uống”. Dung dịch ORS giúp bổ sung nước điện giải và cải thiện hiệu quả tình trạng mất nước cho bé, đặc biệt là khi bị tiêu chảy.

Thực hiện bù dịch tại nhà bằng đường uống với Oresol

Sau khi được thăm khám đánh giá sự mất nước của bé và một số vấn đề kèm theo, nếu bác sĩ cho bé về nhà bổ sung ORS bằng đường uống thì nhiều khả năng tình trạng mất nước của bé vẫn còn nhẹ nhàng (<5% cân nặng). Trong trường hợp này, nên bù nước theo tình trạng khát nước của bé bằng ORS.
Cần lưu ý về bản chất dung dịch ORS cũng là một loại thuốc, do đó cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và phải pha ORS với nước theo đúng tỉ lệ quy định. Ví dụ, nếu gói ORS ghi rõ pha với 200mL nước thì phải pha chính xác với 200mL, không nên tự ước lượng hay pha theo tỉ lệ khác.

Liều lượng

  • Bé dưới 2 tuổi: uống 50-100mL dung dịch ORS sau mỗi lần đi ngoài,
  • Bé từ 2-10 tuổi: uống 100-200mL,
  • Trẻ lớn: Uống theo nhu cầu.
Mọi trẻ trên 6 tháng tuổi nên được bổ sung thêm Kẽm để giảm thời gian, mức độ tiêu chảy và giảm các đợt tiêu chảy trong tương lai.
Bố mẹ hãy nhớ rằng nếu bé uống dung dịch ORS được pha sai tỉ lệ, dù loãng hơn hay đặc hơn, đều có nguy cơ xuất hiện co giật, hôn mê, tổn thương não không hồi phục hay nhiều nguy cơ khác cho bé.
Hình ảnh dung dịch oresol thực tế

Lưu ý khi bù dịch đường uống với Oresol tại nhà

  • Chỉ dùng ORS theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng hàng ngày thay cho nước uống.
  • Chỉ pha ORS với nước lọc/nước sôi để nguội. Không pha chế với các nguyên liệu khác hay tự ý bổ sung thêm muối, đường,…
  • Khi pha xong, không đun sôi dung dịch đã pha, nên sử dụng hết trong vòng 24h. Không nên cất vào tủ lạnh hôm sau dùng lại.
Bù dịch đường uống với Oresol sai cách không những không đem lại hiệu quả mà còn gây hại cho bé yêu của bạn.

Những loại dịch thích hợp khác để uống bổ sung

Các dung dịch này được chia làm hai nhóm chính: chứa muối và không chứa muối.
Ở đây giới thiệu một số loại dung dịch thường sử dụng (ngoài ORS).
  • Dung dịch có vị mặn (nước cháo muối, nước cơm muối)
  • Nước canh, nước súp.
  • Nước sạch
  • Nước cơm, nước ngũ cốc
  • Nước hoa quả tươi (không đường)
Ngoài ra, khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên.

Những loại dung dịch KHÔNG NÊN dùng

  • Nước uống ngọt có đường vì có thể gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng Natri máu, ví dụ nước ngọt có ga, nước trà đường, nước trái cây công nghiệp.
  • Các chất kích thích gây lợi tiểu và là thuốc tẩy như cafe, trà thuốc,…

Khi nào nên đưa trẻ đi khám lại

  • Đi ngoài phân lỏng rất nhiều lần hoặc liên tục
  • Nôn tái diễn
  • Trẻ trở nên rất khát nước
  • Ăn uống kém, bỏ bú
  • Trẻ không cải thiện sau 2 ngày điều trị.
Phát minh ra dung dịch ORS đã trở thành một thành tựu lớn của thế kỉ, giúp cứu sống hàng triệu trẻ em mắc bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên cần nhớ rằng uống ORS có thể gây hại, việc tuân thủ các nguyên tắc sử dụng là điều kiện cốt lõi để đạt được hiệu quả cần thiết.

Tài liệu tham khảo

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích