menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Một sợi tơ hồng

user

Ngày:

30/12/2019

user

Lượt xem:

1050

Bài viết thứ 74/93 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Người đăng: Trần Nguyễn Lan Anh

Những ngày này diễn đàn Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư lại nóng lên vì bàn luận quanh chủ đề Thực Phẩm Chức Năng (TPCN) hay những phương pháp có bằng chứng thấp – cực thấp. Để những thành viên mới vào có cái nhìn toàn cảnh và không bị xao động bởi những ý kiến/comment không liên quan trực tiếp, Admin (BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Đại học Kyoto) xin tóm lược các kiến thức cơ bản mà trước giờ đã bàn luận qua bài viết, webinar và các hoạt động khác.

Trong y khoa, người bác sĩ luôn cố gắng tư vấn giúp bệnh nhân tìm tới phương pháp điều trị tốt nhất, tức có bằng chứng khoa học cao nhất, với chi phí điều trị rẻ nhất có thể. Điều này liên quan tới y đức của bác sĩ, và cũng phù hợp với định nghĩa chung về ĐIỀU TRỊ TỐT ở Nhật Bản.

TPCN nhìn chung không có bằng chứng khoa học và nhiều khi mắc tiền nên các bác sĩ không khuyên dùng. Đó là điều chắc chắn khỏi bàn cãi.

Tuy nhiên…

Vì sao bệnh nhân muốn tìm tới TPCN?

Ngoài lý do đơn giản là “bị lừa” do định hướng thông tin một chiều từ người bán hàng, đây là 2 nguyên nhân khác:

– Do không yên tâm, thỏa mãn với điều trị chính thống hiện tại.

Sự hạn chế trong giao tiếp giữa bác sĩ – bệnh nhân và chăm sóc giảm nhẹ đã góp phần làm nhiều bệnh nhân và người thân không thực sự tin tưởng vào y học chính thống. Bệnh nhân có triệu chứng không biết kêu hỏi ai, họ phải tự đi tìm lời giải và bị chiêu dụ/tự tìm tới những sản phẩm như TPCN. Muốn giảm bớt ảnh hưởng của TPCN, chỉ có cách là tư vấn bệnh nhân chuyên nghiệp, đầy đủ hơn. Thực tế ở Nhật: bệnh nhân tin tưởng bác sĩ hơn, hầu như rất ít hỏi về TPCN.

Do muốn làm thêm điều gì đó.

Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân tin tưởng vào y học hiện đại, họ vẫn muốn tự làm thêm “cái gì đó” để kiểm soát sinh mệnh của mình. Ngay cả ở Mỹ, Nhật, Canada,… dù được nhóm chăm sóc đa ngành chuyên nghiệp quan tâm tận răng, một số bệnh nhân vẫn tin vào bùa chú, sừng tê, mật gấu,… Một số người thân vẫn mua TPCN để thể hiện tình cảm với bệnh nhân. Cân đường hộp sữa giờ không còn là của hiếm, người ta muốn tặng đồ hiếm hơn, chắc là sẽ quý hơn!

Ngày xưa phải leo đèo lội suối tìm củ tam thất, giờ click chuột phát có ngay vài tạ (!) Mua bán bây giờ dễ dàng hơn nhiều, nhưng giai thoại về hàng ngàn loại “hàng quý” vẫn được lan truyền và bùng nổ theo đợt.

Quản lý TPCN ở Việt Nam còn lỏng lẻo?

Khát vọng tìm kiếm sản phẩm hỗ trợ, sản phẩm dinh dưỡng,… là luôn có, nên các chính phủ không thể cấm tiệt mà xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ. Sản phẩm đó là gì, được ghi thế nào về hiệu quả điều trị, được quảng cáo như thế nào… đều được quy định nghiêm ngặt. Dùng thử mà gặp tác dụng phụ thì nên làm thế nào, báo cáo cho ai,… cũng được lưu ý kỹ lưỡng. Chỉ có những người không biết, lười tìm hiểu mới vội tin ngay lời khuyên của những người không có chuyên môn y khoa, hoặc những người vừa quảng cáo vừa bán hàng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì quản lý còn lỏng lẻo. Sản phẩm giả tràn đầy, thậm chí làm từ bột tre đóng dấu “thuốc hỗ trợ ung thư” còn được giải thưởng của Hiệp hội ABC và được báo chí ca tụng! Đăng ký một đường, quảng cáo rầm rộ một nẻo mà chả ai nói chi. Sản phẩm ở Nhật không được ghi gì về công năng hết, nhưng về Việt Nam giới buôn hàng tự chém gió thành thuốc chữa ung thư vẫn không sao! Một số bác sĩ, dược sĩ còn vô tình/cố tình “không hiểu chuyện” khuyên bệnh nhân xài hoặc “tự động ghi thêm”. Một số người không phải là nhân viên y tế vẫn tự tin khuyên bảo sau vài dòng thông tin của người bệnh. Tất cả đều là “chuyện thường ngày ở huyện”!

Hãy trở thành bệnh nhân thông minh

Như những câu chuyện về hàng giả khác, rốt cuộc chỉ có người bệnh và người thân tự tăng “nội lực” là vốn kiến thức của mình để phân biệt tin thật, tin giả, để trở thành “khách hàng” thông minh.

“Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là câu cửa miệng nhưng rất ít người chịu đọc (!). Website của nhóm Yhoccongdong.com đã tập hợp khá đầy đủ bài viết của các chuyên gia và hiệp hội uy tín nói về các góc nhìn cần thiết. Trong diễn đàn này cũng có bàn luận nhiều lần và Admin rất cảm kích những thành viên chăm tìm hiểu, theo đọc thấu đáo để không chỉ giúp ích cho việc điều trị của mình mà còn quay lại hướng dẫn các bệnh nhân khác cách tìm thông tin đúng.

Việc hợp tác để lặp đi lặp lại các cảnh báo về việc quảng bá đại trà, quá lố về TPCN vì thế là cần thiết vì nhiều bệnh nhân không chịu đọc, hoặc thành viên mới không biết tìm đâu mà đọc. Tuy nhiên, việc giải quyết băn khoăn cụ thể trước mắt của bệnh nhân, bao gồm cả nỗi đau về tâm lý, tâm hồn, cũng rất cần thiết vì đó mới chính là động cơ đi tìm hàng.

Cuộc chiến với ung thư, thật ra là một cuộc chiến TỔNG LỰC, bao gồm cuộc chiến truyền thông, cuộc chiến tại bệnh viện, tại nhà và ở mỗi người bệnh,… mà nơi nào cũng cần có giáo dục và tình thương để thay đổi.

“Quý vị vẫn có thể đánh số đề, nhưng hãy TÌM HIỂU KỸ lô đề!”

Lời khuyên hơi chua của một bác sĩ vẫn vang vọng, song song với những lời khuyên về cách đánh giá hiệu quả, bỏ bớt thuốc/TPCN vô ích trong Webinar gần đây.

Những bài viết và webinar đó đã và đang kết nối bệnh nhân, người thân với giới chuyên môn đang tích cực hoạt động phi lợi nhuận vì cộng đồng. Vô hình chung, nó như một sợi tơ hồng lơ lửng trên cõi mạng… nhện. Không biết chúng ta sẽ làm được gì, nhưng nhóm Admin luôn trân quý những duyên lành và tấm lòng dành cho người bệnh và cộng đồng của quý vị!

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích