menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân hậu phẫu ung thư phụ khoa

user

Ngày:

30/06/2020

user

Lượt xem:

445

Bài viết thứ 01/06 thuộc chủ đề “Chăm sóc trước và sau phẫu thuật”

Những điều có thể gặp

Các bạn vừa trải qua một cuộc mổ, nên không phải ngày nào cũng thấy khoẻ. Có lúc các bạn sẽ thấy rất mệt và không thể làm được những việc mình thường làm trước khi mổ. Nhiều phụ nữ than phiền là phải mất 2 đến 3 tháng mới cảm giác hoàn toàn khoẻ mạnh; một số khác lại mất thời gian lâu hơn.
Tuy nhiên, nếu quý vị cứ tiếp tục tăng dần mức độ vận động của mình, thì sẽ giúp mau chóng hồi phục sức khoẻ. Tưởng cũng nên biết việc phẫu thuật cũng là một loại chấn thương, do vậy, các bạn có thể cảm thấy yếu sức, mệt mỏi và đau nhức trong nhiều tuần cho đến lúc lành bệnh.
Xin hãy vui lòng làm theo các hướng dẫn sau đây:

Về khiêng vác vật nặng

  • Trong vòng 6 tuần sau mổ, chỉ nên khiêng xách vật nặng từ 5 đến 10 pounds (Tức từ 2,75 kg đến 4,5 kg, bình sữa nửa gallon nặng 5 pounds).
  • Bạn không nên khiêng xách giỏ đi chợ, chậu đựng quần áo giặt, hay sử dụng mấy hút bụi.
  • Khi khiêng xách bất kỳ vật dụng nhẹ nào, bạn nên gập gối, giữ lưng thẳng, chứ đừng gập vùng thắt lưng.
  • Cần nhớ hít thở đều đặn khi khiêng xách vật nặng, chứ đừng nín thở.

Chăm sóc đường ruột

Điều cần lưu ý là bạn cần duy trì được việc đại tiện đều đặn mỗi ngày (đi phân mềm không cần rặn).
Bệnh nhân trải qua cuộc mổ, dễ bị chứng bệnh táo bón là do các nguyên nhân sau:
  • Thuốc gây mê: làm ảnh hưởng nhu động ruột (gây liệt ruột tạm thời), do đó bác sỹ thường khuyến khích bệnh nhân vận động sớm sau mổ để giúp “đánh thức” nhu động ruột, giúp bệnh nhân trung tiện trở lại.
  • Giảm vận động.
  • Các thuốc giảm đau mạnh có tác dụng gây ngủ (narcotics).
Chúng tôi đề nghị các bạn nên bắt đầu ngay chế độ ăn này để giúp đại tiện trở lại trong vòng ba ngày sau mổ:
  1. Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ – Trái cây; các loại hạt ngũ cốc như:yến mạch, gạo nâu, bột mì nâu (ngũ cốc toàn phần). (Ở VN, có thể dùng gạo lứt).
  2. Nên ăn mỗi ngày 5 bữa ăn nhỏ với một ít thức ăn thay vì tập trung nhiều thức ăn vào 3 bữa chính.
  3. Uống từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày. Buổi tối có thể uống nửa ly nước cốt trái mận kèm với nửa ly nước ấm, sẽ giúp dễ đi cầu.
  4. Uống các thuốc làm mềm phân như: Colace (hai lần mỗi ngày) hay Senna một lần mỗi ngày. Liều thuốc nhuận trường có thể thay đổi tùy việc đại tiện của bệnh nhân bị bón nhiều hay ít.
  5. Nếu thực sự bị táo bón, xin hãy uống thuốc sữa Magie (có thể mua không cần bác sĩ kê toa).
  6. Nếu vẫn không đi cầu được, ban có thể dùng viên nhét hậu môn Dulcolax hay là fleet enema.

Lái xe

Không lái xe trong vòng 4 tuần và khi dùng thuốc giảm đau có narcotic. Bởi vì nếu bạn bị đau chân khi di chuyển chân một cách đột ngột, phản xạ của chân bị chậm và gây mất an toàn khi lái xe.
Trong vòng 6 tuần sau phẫu thuật, bạn vẫn có nguy cơ bị cục máu đông làm tắc mạch máu ở chân. Do vậy, khi phải ngồi lái xe đường dài, phải dừng xe mỗi giờ để xuống xe đi bộ một chút. Bởi vì, việc vận động giúp các cơ bắp lớn vùng chân bơm máu đi. Nếu bạn ngồi tư thế co cứng chân quá lâu, sẽ làm tăng rủi ro hình thành cục máu đông đe dọa tính mạng.

Sinh hoạt hàng ngày

  • Mỗi ngày bạn nên ngồi dậy ra khỏi giường và tự thay quần áo. Nếu thời tiết tốt, hãy đi dạo bên ngoài, cần nhớ chìa khoá vàng là vận động ở mức độ “trung bình”.
  • Nếu bạn cảm thấy kiệt sức ngay sau khi đi bộ hoặc vào ngày hôm sau, đừng đi bộ quá xa như vậy.
  • Bạn hãy lắng nghe cơ thể của mình, chỉ có bản thân bạn biết tập đến đâu là đủ mức cho mình. Bạn có thể di chuyển lên xuống cầu thang thật cẩn thận nhiều bao nhiêu cũng được, khi cần, nhưng nhớ phải vịn tay vào tay vịn cầu thang.
  • Không nên đạp xe đạp cũng như không tập thể dục nhịp điệu.

Tắm rửa

  • Bạn có thể tắm dưới vòi nước ấm, nhưng không nên ngâm mình trong bồn tắm hay ngồi ngâm nước ấm khi chưa được phép của bác sĩ phẫu thuật.
  • Nếu bạn có một ống dẫn lưu dịch bụng ngay trên vùng xương mu, hãy dùng tấm nhựa che ống lạị và dán băng keo bốn góc.

Chăm sóc vệ sinh phụ nữ

  • Không được đưa bất cứ thứ gì vào trong âm đạo.
  • Không được quan hệ tình dục và dùng nút băng vệ sinh trong vòng 6 tuần sau mổ và cho đến khi nào bạn cảm giác thoải mái.
  • Bạn có thể tiếp tục bị xuất huyết hay huyết trắng âm đạo trong vài tuần cho đến khi vết mỗ lành hẳn. Điều này hoàn toàn bình thường. Nếu xuất huyết nhiều, lằm ướt đẫm một băng vệ sinh trong vòng 1 giờ, hãy gọi điện ngay cho bác sĩ.

Các thuốc giảm đau

  • Sau mổ, nếu bị đau cần dùng thuốc giảm đau, bạn vẫn có thể dùng thuốc.
  • Trong vòng ba đến bốn ngày đầu tiên khi về nhà, bạn nên uống thuốc giảm đau do bác sĩ kê toa đều đặn mỗi 6 giờ thay vì chờ đến khi đau mới uống. Việc dùng thuốc giảm đau đều đặn sẽ giúp bạn nghỉ ngơi tốt hơn và dễ vận động hơn.
  • Sau khi qua giai đoạn cấp tính rồi, bạn có thể chỉ cần uống thuốc khi cần thôi để giúp ngủ tốt hơn và di chuyển vận động tốt hơn.
  • Nếu triệu chứng đau không quá nhiều, và uống Acetaminophen (Tylenol) hay Ibuprofen (Motrin) là đủ giảm đau, thì chỉ cần như vậy là đủ. Chỉ cần lưu ý là nên uống các loại thuốc này sau ăn.
GHI NHỚ: Thuốc giảm đau có narcotics có tác dụng phụ gây TÁO BÓN.

Các loại thuốc khác

Tiếp tục uống các loại thuốc thường ngày của mình trừ phi bác sĩ dặn ngưng uống.
Việc dùng nội tiết tố bổ sung sau mổ là chỉ định tùy từng bệnh nhân, bạn có thể hỏi kế hoạch điều trị sau mổ để xem mình có cần dùng không.

Chăm sóc ống thông tiểu

Nếu bạn có mang một ống thông tiểu, bạn sẽ nhận được hướng dẫn riêng về việc ngày chăm sóc ống này. Thông thường, trong vòng 5 đến 7 ngày đầu, bạn có thể thấy một lượng nhỏ nước tiểu rỉ ra quanh vùng ống thông tiểu. Nếu triệu chứng này kéo dài hơn thời gian nói trên, hay rỉ nước tiểu quá nhiêu, có thể nghi ngại tình trạng nghẽn ống thông. Bạn có thể được bác sĩ kê toa vệ sinh để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu, vì tình trạng này hay xảy ra khi có lưu ống thông tiểu.

Khi nào cần gọi bác sĩ

Xin đừng chần chờ gọi ngay cho bác sĩ khi có bất kỳ điều gì hay thắc mắc muốn hỏi. Đồng thời, chúng tôi muốn bạn sẽ gọi cho chúng tôi NGAY nếu có các triệu chứng sau đây:
  • Nóng sốt trên 100.4 độ F.
  • Triệu chứng đau bụng tăng nặng thêm.
  • Ra huyết âm đạo ướt đẫm một băng vệ sinh trong 1 giờ.
  • Vết mổ có dấu hiệu nhiễm trùng: sưng, đỏ, rỉ dịch và hở da.
  • Buồn nôn và nôn liên tục.
  • Không thể uống nước, khó đi cầu hay khó tiểu.

Các kỳ hẹn tới

Ghi chú: Khi bạn gọi tổng đài bệnh viện và yêu cầu nhắn tin cho bác sĩ nội trú khoa phụ khoa, phải mất một thời gian tin nhắn mới đến tay bác sĩ. Nhớ giữ điện thoại chờ. Nếu chờ 4 phút mà bác sĩ chưa trả lời, xin hãy yêu cầu tổng đài viên lấy số điện thoại của bạn, và người bác sĩ mà bạn gửi tin nhắn sẽ gọi lại cho bạn. Chắc chắn là sẽ có người luôn có mặt để giúp bạn.
CHÚC MAU LÀNH BỆNH
Nguồn: Division of GYN Oncology – Post operative Discharge Instruction UM Memorial Hospital.

Tài liệu tham khảo

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích