menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh nặng

user

Ngày:

01/07/2020

user

Lượt xem:

1334

Bài viết thứ 03/28 thuộc chủ đề “Các bài viết của Sư cô Liên Trí”

Thông thường, nếu chưa hề chuẩn bị tâm lý đón nhận, người đang mạnh khỏe, bỗng phát hiện mình bệnh nặng một cách đột ngột, tâm lý chao đảo kèm theo nhiều nỗi sợ hãi, trong đó lo lắng thường trực và thống thiết nhất là sợ chết. Khi nghĩ rằng phải sớm đối mặt với cái chết, sớm phải rời bỏ tất cả con người, tài sản, danh vọng địa vị mình từng gắn bó trong suốt chuỗi dài những năm tháng cuộc đời, sự bất an, căng thẳng trong họ ngày càng tăng. Trong giai đoạn này, tâm lý người bệnh thường không ổn định, khủng hoảng, lo nghĩ nhiều và sợ hãi không ít, vì không mấy ai sẵn sàng buông bỏ. Nói khách khác, không ai muốn chết cả.

Theo thuyết tâm lý hiện đại, nguyên nhân căng thẳng tinh thần là do con người không dám đương đầu và chấp nhận sự thực không như ý ở đời. Nếu không vượt qua hoặc không thể khắc phục được sự căng thẳng đó, bệnh chuyển biến theo tình huống xấu hơn. Tinh thần người bệnh do vậy càng sa sút hơn, thất vọng ngày càng nhiều hơn. Điều này có nghĩa là nếu không kiểm soát và làm chủ cảm xúc của mình, thì cái mà người bệnh muốn là kéo dài mạng sống, thì lại làm cho cái chết có nguy cơ đến với mình sớm hơn; thêm vào đó, chất lượng sống cũng giảm đi đáng kể.

Căng thẳng trong xã hội hiện đại

Trong hàng trăm mối lo của người đang mang bệnh nặng đứng trước sự ám ảnh của cái chết chực chờ có thể đến bất cứ lúc nào, nỗi lo cho cuộc sống của người thân sau khi họ không còn trên cuộc đời này nữa choán một phần lớn, nếu không nói là phần chủ yếu, thời gian và năng lượng sống của người ấy. Do vậy, bằng cách nào đó, những người thân trong gia đình, nhất là những người trực tiếp chăm bệnh, cần hiểu rõ điều này và tìm cách hợp lý để giúp người thân đang bị bệnh giảm bớt lo âu, nhẹ gánh ưu phiền để chất lượng sống của người ấy tốt nhất có thể trong lúc thân đang phải trải qua cái đau của bệnh. Nắm được tâm lý này của người bệnh nặng, đức Phật dạy chúng ta phải biết cách chuẩn bị tâm thế để đón nhận sự thay đổi hệ biến này như là một phần của sự sống. Khi hiểu rõ biến hoại là quy luật, sự chấp nhận trong bình tĩnh sẽ giúp người bệnh vơi đi gánh nặng của lo lắng, ưu phiền.

Một bài pháp được ghi lại rằng, có một người bệnh nặng sắp chết, người vợ đã động viên người ấy đừng có lo sợ. Cô nói rằng cô sẽ có đủ khả năng tự lo cho bản thân và lo cho con cái sau khi chồng ra đi; cô sẽ không tái giá; và cô sẽ tiếp tục sống theo chuẩn mực đạo đức như trước nay. Cứ mỗi một điều cam kết, cô ta lặp lại rằng “do vậy đừng có sợ chết. Với người nào lo sợ, cái chết sẽ rất đau đớn. Đức Phật đã từng khuyên nhắc là không nên lo lắng trước giờ chết mà.” Nghe xong, người bệnh ấy bình phục đến không ngờ, và trong khi chưa khỏe hẳn, anh ta vẫn đến thăm đức Phật, kể lại những lời cam đoan của vợ với mình khi anh ta đang trên giường bệnh. Đức Phật xác quyết rằng anh ta là người có phước khi có được cô vợ thông minh và biết cách làm an lòng người bị bệnh như vậy. (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm 2, kinh số 16: Cha Mẹ Nakula). Chính tâm lý không lo sợ ấy tạo sự cân bằng, thanh thản và an ổn nơi người bệnh, giúp người ấy bình phục nhanh chóng.

Bruce Lipton khẳng định rằng, “khi đã biết được rằng, thân thể sinh học chỉ là một cơ thể hữu cơ chờ lệnh phản ứng đến từ tâm trí của chúng ta; nếu như cuộc sống không diễn ra thuận lợi, thay vì tìm cách điều chỉnh gene, hãy điều chỉnh tâm trí và thái độ sống”. Chúng ta có thể kiểm soát cuộc sống của chính mình bằng cách kiểm soát nhận thức sống của mình. Chết là cái không thể tránh, nên đừng cố gắng tìm cách tránh né mong trốn thoát. Khi chấp nhận được sự thật này về mặt tâm lý, người bệnh dễ dàng giải tỏa được áp lực bệnh tật và sẵn sàng đối mặt với diễn tiến của bệnh với một tâm thái không chạy trốn mà mạnh dạn đối mặt. Sự mạnh mẽ về tinh thần và tâm lý chấp nhận giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giúp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều, dù người ấy có khả năng bình phục hay không, thì những ngày biết sống trọn vẹn này đều trở thành vô cùng quý giá và ý nghĩa.

Với người chăm bệnh khôn ngoan, ngoài việc giúp người thân dám nhìn thẳng vào bản chất của cuộc sống với sự chi phối của già, bệnh và chết, một trong những điều chúng ta nên nhắc người thân đang lâm bệnh nặng của mình biết sống trọn vẹn trong thời gian ngắn ngủi quý báu còn lại của kiếp người. Trong kinh cũng nói đến một trong những tiêu chuẩn của một người giỏi chăm bệnh là có khả năng biết lúc nào là đúng thời để nói những lời nói phù hợp nhằm khuyến khích người bệnh sống nhẹ nhàng và bình an hơn (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm 13, kinh số 124: Săn sóc bệnh). Lựa lúc thích hợp, khéo lời nhắc về những việc tốt người ấy đã làm được trong suốt bao năm tháng có mặt trong cuộc đời, để người ấy có điểm tựa tinh thần. Chỉ cần nhớ lại những việc tốt đẹp thiện lành đã làm trước đó, người ấy cũng rất an lòng và nhờ đó, sự chuẩn bị cho hành trình tiếp theo được chu đáo hơn trong một tinh thần sáng suốt và bình thản.

Trong Tăng chi bộ kinh chương V, phẩm 6, kinh số 57, Đức Phật dạy chúng ta năm điều cần phải nhắc tâm hằng ngày không được xao lãng: (1) cùng với ngày tháng trôi đi, ta đang trở nên già, (2) ta sẽ bệnh không lúc này thì lúc khác trong suốt quá trình sống, (3) ta sẽ chấm dứt giai đoạn sống trên cuộc đời này vào một thời điểm thích hợp nào đó, (4), mọi thứ đang thay đổi và đến một thời điểm nhất định, ta phải xa lìa mọi người thân yêu và (5) chính ta, chứ không phải ai khác chịu trách nhiệm nhân quả về những gì mình đã làm qua ý nghĩ, lời nói và hành động. Do vậy, nếu người bệnh do tinh thần bấn loạn không tự nhớ, ta cần khéo nhắc người thân của mình nhớ về năm điều trên để sự sợ hãi có thể ở trong tầm kiểm soát chứ không khống chế người bệnh nữa.

Một người bị bệnh nặng là đang đứng trên đầu vực thẳm của sự chia lìa với người thân và tài sản mà họ xem đó là sự mất mát vĩnh viễn nên sự hụt hẫng đến mức hoảng loạn xuất phát từ đây. Nếu có người thân trong gia đình bị bệnh trầm trọng, ta phải có cách để giúp người bệnh hiểu rằng, ra đi là một phần của cuộc sống, một phần không thể thiếu, một phần không thể từ chối vì ta đã đến cuộc đời này và tồn tại trên cõi đời một thời gian. Có đến, ắt có đi và đây là quy luật chi phối toàn bộ cuộc sống này. Đây là cánh cửa dành cho tất cả. Không thể khác, ta chỉ có thể chấp nhận mà thôi. Nếu không chấp nhận, tự ta tạo nên một xung lực để rồi tự chống lại một cách vô vọng, sống với những áp lực, căng thẳng ta tự gây ra cho mình mà không hề đem lại ích lợi nào. Hạnh phúc hay đau khổ phần lớn tùy thuộc vào thái độ sống của mình. Charles R. Swindoll phát biểu rằng “tôi tin rằng cuộc sống là 10% những gì xảy ra với tôi, 90% còn lại là cách tôi phản ứng với nó. Bạn cũng thế – chúng ta chịu trách nhiệm về thái độ của chính mình”.

Hãy thật bình tĩnh để quán chiếu và chấp nhận sự thật, lòng ta sẽ nhẹ hơn nhiều và ta sẽ có giải pháp sáng suốt và hợp lý đối với mọi tình huống cuộc sống khi đối mặt với bệnh tật mà chất lượng cuộc sống vẫn tròn đầy và ý nghĩa. Người chăm bệnh bình tâm được mới có thể giúp người bệnh có tâm thể tích cực để thỏa hiệp với bệnh tật, thay vì lảng tránh hoặc gồng lên chống đối trong vô vọng.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/lientri.70/posts/931260460577140

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích