menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Đục thủy tinh thể – Điều trị và mổ đục thủy tinh thể

user

Ngày:

05/08/2018

user

Lượt xem:

734

Bài viết thứ 10/19 thuộc chủ đề “Các bệnh về mắt”

Điều trị đục thủy tinh thể như thế nào

Nếu mắt chỉ bị mờ một chút thì có thể bạn chỉ cần thay một cặp kính khác là được. Tuy nhiên, nếu sau khi thay kính mà bạn vẫn gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày thì bạn cần phẫu thuật.

Với phẫu thuật này, phần thủy tinh thể bị đục sẽ được lấy ra và thay thế bằng một loại kính nhân tạo trong suốt đặt trong mắt (còn gọi là kính nội nhãn, viết tắt là IOL). Bác sĩ mắt sẽ trao đổi với bạn về quy trình phẫu thuật, những việc cần chuẩn bị trước và sau phẫu thuật, các lợi ích và những tai biến có thể xảy ra trong cuộc mổ, chi phí, cũng như những thông tin quan trọng khác.

Sau phẫu thuật, bạn không cần phải nằm viện mà có thể về nhà và được theo dõi như một bệnh nhân khám ngoại trú.

Các xét nghiệm trước mổ Đục thủy tinh thể

Trước phẫu thuật, bạn sẽ được làm siêu âm A để đo chiều dài trục nhãn cầu và đo khúc xạ giác mạc để lấy các chỉ số về độ cong giác mạc. Những thông số này sẽ giúp bác sĩ nhãn khoa chọn loại kính nội nhãn phù hợp với bạn. Sau đó, bạn sẽ trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn của mình.

Dù cho bạn đã từng trải qua phẫu thuật LASIK hoặc các phẫu thuật khúc xạ với loại tia Laser khác thì có thể bạn vẫn sẽ cần phẫu thuật đục thủy tinh thể. Nếu được, bạn nên cung cấp cho bác sĩ biết về độ khúc xạ trước đây của bạn. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ tính công suất kính nội nhãn được chính xác hơn, vì phẫu thuật khúc xạ thường sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ về việc tính công suất kính.

Thuốc và phẫu thuật

Trước phẫu thuật, bạn cần cho bác sĩ biết tất cả các thuốc và cả các loại thuốc bổ mà bạn đang dùng. Nếu gần đây bạn đang dùng hoặc đã từng dùng qua loại thuốc Ức chế Alpha, như Flomax, Hytrin, Cadura hoặc Uroxatral, để điều trị các vấn đề về tiền liệt tuyến thì bạn nên kể ra vì những loại thuốc này sẽ làm cho con ngươi (đồng tử) của bạn khó dãn lớn trong cuộc mổ. Và điều này sẽ làm cho các biến chứng có thể xảy ra. Khi bác sĩ biết bạn đang sử dụng những thuốc này, bác sĩ sẽ điều chỉnh kĩ thuật mổ phù hợp để cuộc phẫu thuật được thành công. Nếu bạn có đang sử dụng loại thuốc an thần nào đó thì bạn cũng nên nói cho bác sĩ biết.

Để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ cho bạn dùng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trước cuộc mổ một hoặc hai ngày.

Quy trình phẫu thuật Đục thủy tinh thể

Phẫu thuật nhuyễn hóa thủy tinh thể (hay còn gọi là phẫu thuật Phaco) là loại phẫu thuật phổ biến nhất để lấy thủy tinh thể bị đục ra ngoài. Bác sĩ sẽ tạo một đường rạch nhỏ ở rìa giác mạc (ngay viền của tròng đen) và đưa vào trong mắt một dụng cụ cực nhỏ có tác dụng phát ra sóng siêu âm tần số cao để làm vỡ phần thủy tinh thể bị đục rồi sau đó hút ra.

dung cu phat song sieu am tan vo phan duc thuy tinh the

Hình: Dụng cụ phát sóng siêu âm tán vỡ phần trung tâm của thủy tinh thể bị đục, sau đó hút ra

Sau đó, bác sĩ sẽ đặt vào trong mắt một loại kính nội nhãn (IOL) làm từ chất liệu dẻo, silicone, hoặc acrylic. Kính mới này sẽ thay thế thủy tinh thể giúp ánh sáng truyền vào và hội tụ trên võng mạc. Nó sẽ nằm vĩnh viễn trong mắt bạn. Hầu hết trường hợp, kính sẽ được đặt phía sau mống mắt (sau con ngươi) nhưng đôi khi cũng có trường hợp đặc biệt phải đặt kính nằm trước mống mắt. Đa số các trường hợp vết mổ sẽ tự lành, hiếm khi phải dùng đến chỉ khâu. Sau khi mổ xong, mắt bạn sẽ được băng lại.

Phục hồi sau mổ Đục thủy tinh thể

Bạn sẽ nghỉ ngơi tại bệnh viện một thời gian ngắn và băng mắt khi ra về do đó cần có người nhà đi theo để giúp đỡ.

Việc nhỏ mắt trong giai đoạn hậu phẫu đúng theo chỉ định bác sĩ là rất quan trọng vì nó giúp làm lành vết mổ. Bạn cũng cần phải bảo vệ mắt bằng cách đeo kính bảo hộ khi ngủ và đeo kính râm bảo hộ đặc biệt khi ra nắng. Luôn nhớ là không được dụi vào mắt.

Trong tuần đầu tiên sau mổ, bạn phải tránh các hoạt động gắng sức như tập thể dục, gập người hoặc nâng vật nặng (trên 11kg). Bạn cũng cần tránh không để nước hoặc bụi bặm dây vào mắt vì sẽ dễ gây nhiễm trùng.

Có thể mắt sẽ bị mờ trong vài ngày đến vài tuần đầu. Nếu bạn thấy đau hoặc không còn nhìn thấy gì thì phải liên hệ ngay với bác sĩ mắt của bạn.

Các nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật

Cũng như các cuộc mổ khác khác, phẫu thuật đục thủy tinh thể cũng có thể có những biến chứng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Xuất huyết nội nhãn
  • Tăng nhãn áp (Glôcôm)
  • Phù võng mạc (đáy mắt)
  • Phù giác mạc (cấu trúc trong suốt nằm trước tròng đen)
  • Bong võng mạc
  • Mất thị lực (một phần hoặc hoàn toàn)

Trong một số trường hợp, bao của thủy tinh thể tự nhiên (được giữ lại sau cuộc mổ để giữ IOL đặt vào) sẽ bị đục dần sau vài tháng hoặc vài năm gọi là “đục bao sau”. Hiện tượng này sẽ làm mắt bạn mờ dần đi, nhưng có thể điều trị được bằng tia laser giúp làm mất đi phần bị đục. Quy trình này được gọi là chiếu laser bao sau. Phương pháp này chỉ mất vài phút và có thể nhìn lại bình thường ngay sau đó.

Hầu hết những người có đeo kính đọc sách để nhìn gần trước mổ thì sau mổ vẫn cần đeo tiếp kính. Trong một số trường hợp, bạn cũng cần đến kính nhìn xa. Nếu bạn chọn đặt loại kính nội nhãn đa tiêu cự, hay còn gọi là loại IOL điều tiết, thì bạn sẽ giảm hoặc đôi khi loại bỏ được hoàn toàn sự lệ thuộc kính.

Chi phí mổ Đục thủy tinh thể

Tại Việt Nam, bảo hiểm y tế có chi trả cho việc mổ đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả thêm một phần nếu bạn có nhu cầu dùng loại kính nội nhãn đặc biệt thay vì dùng loại kính tiêu chuẩn, hoặc khi bạn có nhu cầu mổ đục thủy tinh thể sớm, lúc mà thị lực chưa sụt đến mức chỉ định mổ như trong điều khoản của bảo hiểm. Vì vậy bạn cần trao đổi với bác sĩ nhãn khoa của mình nếu bạn thuộc trường hợp cần mổ đục thủy tinh thể sớm.

Kính nội nhãn IOL trong phẫu thuật Đục thủy tinh thể

Ngày xưa, khi kính nội nhãn chưa ra đời, người ta thường phải đeo kính gọng rất dày hoặc kính áp tròng loại đặc biệt sau cuộc mổ. Ngày nay, với các loại kính nội nhãn khác nhau được đặt vào trong mắt thay thế cho thủy tinh thể tự nhiên, thị lực sau mổ đã cải thiện đáng kể. Hãy trao đổi với bác sĩ các chọn lựa về loại kính nội nhãn sao cho thật phù hợp với nhu cầu thị lực trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Kính nội nhãn IOL hoạt động như thế nào

duc thuy tinh the

Hình: Thủy tinh thể bị đục

kinh no nhan

Hình: Kính nội nhãn

Tương tự cách hoạt động của thủy tinh thể tự nhiên, kính nội nhãn có tác dụng hội tụ luồng ánh sáng (đi từ giác mạc vào) lên võng mạc của bạn (màng thần kinh nhạy cảm nằm ở đáy mắt giúp truyền thông tin đi vào thần kinh thị giác và lên não). Hầu hết IOL đều được làm từ chất liệu mềm dẻo, có thể gập lại được còn khoảng một phần ba kích cỡ bình thường. Giống như kính gọng, IOL được tính công suất để đem lại cho bạn một thị lực tối ưu.

Loại kính nào thì phù hợp với bạn

  • Trước phẫu thuật, bạn sẽ được làm các test chẩn đoán hình ảnh và trao đổi với bác sĩ về việc chọn loại IOL nào phù hợp nhất cho mình (tùy theo bạn có muốn sau mổ bạn đeo thêm kính gọng mỗi khi đọc sách hoặc nhìn gần hay không).
  • Loại IOL đặt vào sẽ chi phối thị lực lúc không đeo kính của bạn. Một số người có thể vẫn cần đeo thêm kính gọng khi thực hiện một số hoạt động đặc biệt.
  • Nếu bạn có độ loạn thị, bác sĩ sẽ tư vấn loại kính Toric IOL và những chọn lựa về mặt điều trị cho bạn.
  • Trong một số trường hợp nhất định, chi phí cuộc mổ sẽ đóng vai trò quyết định nếu bạn có nhu cầu sử dụng loại IOL cao cấp để đỡ phải đeo kính sau mổ.

Các loại kính nội nhãn

  • Kính đơn tiêu cự

Đây là loại kính thông dụng nhất trong nhiều thập kỷ qua.

  • Kính được tính công suất sao cho bạn đạt được thị lực tối ưu ở một cự ly nhất định: gần, trung gian hoặc xa.
  • Hầu hết những người chọn kính đơn tiêu cự cho thị lực nhìn xa, và sau đó sẽ đeo thêm kính gọng khi cần nhìn gần. Ngược lại, nếu kính được tính để đạt được thị lực nhìn gần tối ưu, thì để nhìn những vật ở xa được rõ, họ sẽ phải đeo thêm kính vào.
  • Một số người thì chọn IOL theo kiểu một bên mắt dùng để nhìn xa và bên còn lại dùng để nhìn gần. Đó còn được gọi là chiến thuật “thị giác một mắt”. Não bộ sẽ tiếp nhận và tổng hợp thông tin từ cả hai mắt và sẽ cho một thị giác trung gian. Phương pháp này sẽ giúp giảm bỏ được việc phải đeo kính khi nhìn gần. Những người thường hay sử dụng máy vi tính, máy tính bảng, hoặc những thiết bị điện tử thì sẽ thấy phương pháp này cực kì tiện lợi. Những người muốn chọn phương pháp này thì thường sẽ thử dùng kính áp tròng trước, để xem sự thích nghi của họ đối với loại thị giác một mắt này.
  • Lão thị là tình trạng ảnh hưởng đến thị giác của những người sau tuổi 40 do thủy tinh thể đã giảm độ đàn hồi, khiến cho việc nhìn gần trở nên khó khăn, đặc biệt khi ở trong môi trường thiếu ánh sáng. Do lão thị làm cho việc nhìn gần không được rõ, nên ngay cả những người không bị đục thủy tinh thể thì họ vẫn cần một cặp kính gọng để đọc sách.
  • Kính đa tiêu cự (kính điều tiết)

Loại kính này giúp giảm hoặc bỏ được việc phải đeo kính gọng hoặc kính áp tròng sau mổ.

  • Kính đa tiêu cự được thiết kế với hàng loạt các vòng hay các vùng tiêu cự liên tiếp nhau. Tùy vào ánh sáng hội tụ vào vùng nào mà bạn có thể sẽ thấy được rõ cả vật ở xa hay vật ở gần.
  • Thiết kế của kính đa tiêu cự cho phép một số cơ trong mắt co dãn giúp dịch chuyển kính tới trước hoặc ra sau, từ đó làm thay đổi độ hội tụ gần giống với thể thủy tinh tự nhiên trước mổ, giúp tạo thị giác xa và gần.
  • Mỗi người có khả năng đọc và làm các công việc nhìn gần không cần kính khác nhau nhưng nói chung thì việc đặt kính đa tiêu cự vào cả hai mắt vẫn là lý tưởng nhất.
  • Thường cần phải mất 6-12 tuần sau khi phẫu thuật mắt thứ hai thì não bộ mới thích ứng được với hoạt động của kính mới, và thị lực sẽ cải thiện hoàn toàn với cả hai kính trong mắt.
  • Những cân nhắc khi chọn kính đa tiêu cự
  • Đối với nhiều người, dạng kính đa tiêu có giúp giảm bớt được sự lệ thuộc vào kính gọng hoặc kính áp tròng về sau nhưng lại không thể bỏ hẳn việc đeo kính. Ví dụ như bạn có thể đọc mà không cần đeo kính, tuy nhiên các chữ lại không được rõ như khi đeo kính.
  • Mức độ hài lòng với các loại IOLs còn phụ thuộc vào kính thước đồng tử và các bệnh mắt khác của bạn. Những người có loạn thị có thể nhờ bác sĩ tư vấn về loại kính Toric IOLs cùng với những phương thức điều trị liên quan.
  • Tác dụng phụ như lóa mắt hoặc thấy quầng sáng quanh đèn, hoặc giảm độ nét (độ nhạy tương phản) có thể xảy ra, đặc biệt khi ở nơi thiếu ánh sáng hoặc về đêm. Hầu hết mọi người đều thích nghi và cảm thấy không phiền toái với những tác dụng phụ này, nhưng đối với những người thường xuyên phải lái xe ban đêm hoặc làm những công việc cần phải tập trung nhìn gần thì có thể sẽ thích đặt loại IOLs đơn tiêu cự hơn.
  • Toric IOL dành cho người loạn thị

Đây là loại IOL đơn tiêu cự được thiết kế có điều chỉnh độ loạn sẵn trên kính.

  • Loạn thị: là tình trạng hình ảnh bị méo hoặc mờ khi nhìn vật ở xa hoặc gần. Khi bị loạn thị, bề mặt giác mạc (phần trong suốt nằm trước tròng đen) không được tròn và đều như quả bóng đá, mà lại cong như quả bóng bầu dục. Những người bị loạn thị độ cao thường sẽ hài lòng nhất với kính Toric IOLs.
  • Những người muốn giảm (hoặc bỏ luôn nếu được) sự lệ thuộc kính gọng thì có thể sẽ chọn thêm một phương pháp bổ sung được gọi là rạch vùng rìa, được thực hiện cùng lúc trong phẫu thuật hoặc làm riêng sau. Những đường rạch nhỏ này cho phép giác mạc có hình dạng cong hơn hoặc cân đối hơn..
  • IOL lọc tia cực tím

IOLs có tác dụng lọc sẽ giúp bảo vệ võng mạc tránh các tia cực tím và các bức xạ ánh sáng có khả năng gây hại khác. Bác sĩ sẽ chọn loại kính lọc tia phù hợp với nhu cầu cụ thể trên từng bệnh nhân.

Những lưu ý quan trọng khác về đặt kính

Có những trường hợp, khi đã hồi phục hoàn toàn sau cuộc phẫu thuật, một số người có thể sẽ cần điều chỉnh kính thêm để đạt thị lực tốt nhất. Bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ đề xuất một cuộc mổ bổ sung để thay IOL sang loại khác, đặt thêm một IOL khác vào, hoặc tạo đường rạch vùng rìa giác mạc. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể được đề xuất phẫu thuật khúc xạ bổ sung thêm sau mổ đục thủy tinh thể.

Những người đã từng mổ khúc xạ ví dụ như LASIK thì sẽ cần được tính toán công suất IOLs cẩn thận trước mổ vì cuộc mổ khúc xạ trước đây sẽ ảnh hưởng đến.

Xem thêm bài  Đục thủy tinh thể là gì - Triệu chứng của đục thủy tinh thể

Tài liệu tham khảo

http://www.geteyesmart.org/eyesmart/diseases/cataracts/index.cfm

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích