menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Tắc lệ đạo – Triệu chứng và cách điều trị

user

Ngày:

04/08/2018

user

Lượt xem:

1982

Bài viết thứ 08/19 thuộc chủ đề “Các bệnh về mắt”

Tắc lệ đạo là gì?

Nước mắt được tiết ra thường xuyên trên bề mặt mắt giúp mắt được bôi trơn và dinh dưỡng. Lượng nước mắt này được dẫn lưu thường xuyên xuống mũi bằng hệ thống lệ đạo gồm các ống dẫn nhỏ chạy từ “lỗ ghèn” xuống mũi. Tắc lệ đạo là khi những đường ống này bị tắc nghẽn làm nước mắt không thoát xuống mũi được và chảy ra ngoài gọi là “chảy nước mắt sống”.

Tắc lệ đạo hay gặp ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, nguyên nhân thường là bẩm sinh.

Trẻ lớn và người lớn nguyên nhân thường do nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Tắc lệ đạo

Triệu chứng của tắc lệ đạo là gì?

  • Chảy nước mắt sống thường xuyên, bệnh nhân hay lau chùi mắt có thể gây viêm bờ mi hoặc viêm kết mạc.
  • Viêm túi lệ mạn tính: Sưng nề, căng phần góc trong mắt, khi massage hoặc day ấn vào có thể làm trào mủ nhầy trong mắt (từ lỗ ghèn) và xẹp xuống, một thời gian sau lại phồng lên trở lại.

Thỉnh thoảng có thể gây nhiễm trùng cấp tính khi vi khuẩn phát triển trong nước mắt bị ứ đọng trong lệ đạo, có những triệu chứng sau:

  • Sưng, nóng, đỏ, đau phần giữa mắt và mũi.
  • Chảy mủ từ lỗ ghèn.
  • Có thể gây dò, thoát mủ ra ngoài da.

Triệu chứng của Tắc lệ đạo

Điều trị tắc lệ đạo như thế nào?

Nếu có nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh uống và/ hoặc thuốc nhỏ mắt.

Hầu hết trẻ em không cần điều trị trừ khi bị nhiễm trùng do đa số trường hợp sẽ tự khỏi khi đứa trẻ được 6 tháng tuổi. Nên mát-xa nhẹ nhàng góc trong mắt của trẻ để kích thích đường lệ đạo mở ra dễ dàng hơn. Đặt trẻ nằm, một tay giữ đầu trẻ. Dùng ngón trỏ của tay kia đặt lên góc trong mắt, hướng lên trên tạo với trục mắt một góc khoảng 10-15 độ. Ấn nhẹ đầu ngón trỏ và day ngược lên phía trên và về phía mắt để đẩy mủ trong túi lệ (nếu có) qua lệ quản ra ngoài. Dùng bông lau sạch mủ nhầy. Nhỏ 1-2 giọt kháng sinh vào túi kết mạc, chờ 1-2 phút, sau đó đặt lại đầu ngón trỏ vào vị trí cũ, ấn một áp lực vừa phải và miết dọc xuống dưới về phía cạnh mũi, lặp lại thao tác này 10-15 lần. Mỗi ngày thực hiện day, xoa nắn 3 đợt.

Nếu đường nước mắt không tự mở được sau khoảng 6 tháng, bác sỹ chuyên khoa mắt sẽ thực hiện một thủ thuật để thông lệ đạo cho bé bắng một que thông rất nhỏ đưa vào lỗ ghèn và đẩy qua chỗ tắc nghẽn. Nếu thủ thuật này vẫn không hiệu quả hoặc lệ đạo tắc trở lại thì bé sẽ phải cần các biện pháp can thiệp sâu hơn.

Điều trị đối với trẻ lớn và người lớn điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân tắc nghẽn. Các phương pháp gồm:

  • Thủ thuật nong rộng lệ đạo.
  • Phẫu thuật tạo đường dẫn nước mắt mới (tiếp khẩu túi lệ mũi) có đặt ống silicon.

Một số điều cần lưu ý

  • Đối với trẻ nhỏ, khi phát hiện trẻ bị chảy nước mắt, cần đưa đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glocom bẩm sinh, viêm trong mắt.
  • Đối với người lớn, khi thấm chùi nước mắt, cần dùng khăn sạch để tránh các biến chứng như viêm bờ mi hoặc tình trạng lật mi. Tốt nhất là đi khám sớm khi thấy có các biểu hiện chảy nước mắt liên tục và thường xuyên để tránh các biến chứng như viêm túi lệ, viêm kết mạc mãn tính… Nếu gặp phải những kích thích nhỏ như ánh sáng, gió, bụi…nước mắt cũng chảy giàn giụa, đó có thể là biểu hiện của tắc lệ đạo.
Xem thêm bài Mười bí quyết để bảo vệ đôi mắt của bạn  của BS. Trịnh Ngọc Thuỳ An và BS.TS. Phạm Nguyên Quý
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích