menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Đối phó với sinh non và trầm cảm sau sinh

user

Ngày:

13/12/2023

user

Lượt xem:

89

Bài viết thứ 10/11 thuộc chủ đề “Chăm sóc sau sinh”

Biên dịch: Nguyễn Thị Như Ngọc 

Hiệu đính: BS. Đào Thị Hải Yến 

Leila kể lại những trải nghiệm của mình với hai lần mang thai đầy thử thách.

Thai kỳ đầu tiên của Leila đã để lại nhiều tổn thương về mặt thể chất và tinh thần cho cô ấy. Cô bị tiền sản giậtsinh non, em bé đã phải nằm NICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh) trong 6 tuần.

Bốn năm sau, cô ấy mang thai lại. Lần này, cô phải đối mặt với chứng trầm cảm khi mang thai, trầm cảm do sinh non và chứng trầm cảm sau sinh.

Hiện tại, Leila 38 tuổi và đang sống ở Texas, cô ấy sẽ chia sẻ những gì mình đã trải qua cũng như những điều cô ấy học được trong cuộc phỏng vấn này.

Mô tả lần mang thai đầu tiên và triệu chứng ban đầu của tiền sản giật

Leila: Cho đến tuần thứ 26, tôi đã có một thai kỳ hoàn toàn bình thường. Nhưng ở lần khám thai định kỳ tiếp theo, bác sĩ sản phụ khoa nói với tôi rằng: “Bạn bị tiểu đạm và huyết áp của bạn tăng đột ngột. Tôi chẩn đoán bạn bị tiền sản giật.”

Nó giống như một quả bom nổ trong đầu tôi. Tôi lo lắng cho con gái mình hơn là bản thân mình. Tôi đã nghĩ, “Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi phải làm gì tiếp theo?”

Những tuần thai kỳ tiếp theo của bạn như thế nào?

Leila: Tôi đã ghi chỉ số huyết áp hàng ngày của mình vào mỗi buổi sáng và tối. Tôi đã thảo luận với bác sĩ sản phụ khoa của mình hàng tuần – được làm xét nghiệm nước tiểu và theo dõi bởi cùng bác sĩ. Tôi cũng đo NST (đo nhịp tim thai và đánh giá đáp ứng nhịp tim thai với cử động của thai) trong khoảng thời gian từ 26 đến 31 tuần.

Sau đó, vào một ngày, tôi thức dậy và có cảm giảm rất khó chịu. Tôi đã đến gặp bác sĩ sản phụ khoa của mình, và đúng như thế – cô ấy nói rằng tôi cần phải nhập viện. Tôi nhập viện vào tối thứ năm và được lên kế hoạch mổ lấy thai vào sáng thứ bảy.

Ở tuần thứ 31, tình trạng của con gái bạn như thế nào?

Leila: Con gái tôi được sinh ra với cân nặng gần 1400 gram. Bàn chân của con chỉ to bằng ngón tay cái của tôi. Tôi còn không được phép ôm con mình. Bệnh viện nơi tôi sinh không có NICU, vì vậy bé đã được chuyển đến một bệnh viện cách đó hơn 2 giờ đi xe. Tôi đã không thể ở bên con, điều đó thật khó khăn.

Bé được máy móc hỗ trợ việc thở và gặp khó khăn trong việc học cách bú. Bé đã nằm NICU trong 43 ngày. Cuối cùng bé đã được gửi về nhà kèm theo với máy theo dõi nhịp tim, và sau đó con bé đã ăn được.

Bốn năm sau, bạn tiếp tục mang thai con trai. Suy nghĩ của bạn lúc đó như thế nào?

Leila: Điều đó thật khó khăn. Thành thật mà nói, tôi rất buồn – tôi không muốn có thai. Không ngờ, mọi thứ đều bình thường trong suốt thai kỳ. Tôi không bị ốm và luôn đầy năng lượng. Nhưng về mặt cảm xúc, thật lạ vì tôi lại không cảm nhận được sự tích cực đó.

Bác sĩ sản phụ khoa đã nói gì về cảm giác căng thẳng của bạn?

Leila: Cô ấy nói, “Tôi biết bạn đang sợ hãi – và điều này cũng thật đáng sợ – nhưng bạn đã vượt qua một lần rồi, tôi tin chúng ta cũng sẽ vượt qua được lần này.”

Bác sĩ cũng nói rằng có lẽ tôi đã mắc chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) từ trải nghiệm lần sinh đầu tiên của mình. Cô ấy nói tôi có thể cần bắt đầu nói chuyện với ai đó về sự lo lắng của mình, điều mà tôi biết là không tốt cho cả tôi và em bé.

Cô ấy khuyên tôi nên đi tư vấn, nhưng lúc đó tôi đã gạt đi. Trong những tháng đầu tiên đó, tôi biết rằng bác sĩ đang cố gắng giúp đỡ mình, nhưng tôi chưa sẵn sàng cho cuộc trò chuyện đó.

Có dấu hiệu ban đầu nào cho thấy bạn có thể bị trầm cảm không?

Leila: Bây giờ tôi nhận ra đây là một dấu hiệu thực sự xấu, khi từ tuần 26 đến 31, tôi bắt đầu viết những lá thư tạm biệt cho con gái mình. Tôi cứ nghĩ: “Mình sẽ không thoát khỏi chuyện này. Mình sẽ ở lại bệnh viện. Em bé sẽ về nhà và sẽ ổn thôi, chị gái của bé cũng sẽ ổn thôi, nhưng mẹ bé nhất định sẽ không thể khỏe lại và trở về.”

Kết quả của lần mang thai thứ hai của bạn như thế nào?

Leila: Tôi luôn nói với bác sĩ của mình mỗi lần đi khám: “Bác biết đấy, tôi sẽ bị tiền sản giật một lần nữa. Điều này sẽ xảy ra.” Và cô ấy lại nói, “Không, kết quả xét nghiệm của bạn ổn, huyết áp thì hoàn hảo. Bạn không cần phải lo lắng về điều đó.”

Rồi vào một buổi sáng, khi thai được 34 tuần rưỡi, tôi bị đau nửa đầu dữ dội. Ban đầu tôi không nghĩ gì, nhưng  khi kiểm tra huyết áp của mình thì nó rất cao. Sau đó, tôi bắt đầu nôn mửa và nhìn mờ, một dấu hiệu của tiền sản giật. Tôi gọi cho chồng tôi và nói: “Em nghĩ đã đến lúc rồi!” Vì quá lo lắng nên trước đó tôi đã chuẩn bị sẵn mọi thứ, kể cả đồ cho em bé, và chúng đã sẵn sàng trong xe.

Chúng tôi đến bệnh viện, và các bác sĩ nói với tôi về việc mổ lấy thai. Nó đã xảy ra vào ngày hôm sau. Tôi phải hạ chỉ số huyết áp xuống một chút trước khi mổ.

Bạn và con trai thế nào sau khi sinh?

Leila: Con trai tôi được sinh ra với cân nặng 2400 gam và được gửi đến NICU trong 11 ngày. Bé có thể về nhà trong vài ngày sau đó, nhưng cần một thời gian để học cách tự ăn.

Tôi đã quay lại làm việc sau 10 tuần, nhưng chưa thật sự hòa nhập lại. Tôi nhớ thỉnh thoảng trong suốt một giờ di chuyển đi và về từ nhà đến nơi làm việc, tôi tấp vào lề và chỉ ngồi thẫn thờ trong ô tô của mình trên đường cao tốc. Đã chẳng có điều gì tác động tới tôi vào những lúc đó cả. Tôi chỉ có suy nghĩ rằng “Mình cần một chút thời gian. Chỉ một chút thôi”. Nếu lúc đó có ai đó đánh mạnh vào người, chắc tôi cũng không thèm bận tâm. Thậm chí nếu tôi tiếp tục lái xe qua chỗ làm hoặc nhà mình, cũng chẳng có vấn đề gì to tát.

Tiếp đó, một vài khoảnh khắc tôi cảm thấy, tôi thực sự muốn gửi một lá thư từ biệt tới con gái mình, cũng không muốn để tâm tới đứa con trai mới sinh nữa. Tôi không thể khóc hay khó chịu. Tôi chỉ cảm thấy tê liệt mà thôi.    

Khi nào bạn nhận được sự giúp đỡ cho chứng trầm cảm?

Leila: Một ngày nọ, sếp của tôi đã trò chuyện riêng với tôi. Cô ấy nói rằng mình cũng từng mắc trầm cảm sau sinh và cô ấy nghĩ có lẽ tôi nên đi tư vấn về nó.

Khi tôi quay lại tái khám, bác sĩ cũng nhận thấy sự thay đổi ở tôi. Cô ấy nói: “Bạn đã lo lắng rất nhiều trong suốt quá trình mang thai. Tôi nghĩ đã đến lúc bạn phải đi tìm sự giúp đỡ.”

Tôi tìm thấy một nhà trị liệu trực tuyến và trò chuyện với cô ấy. Cô ấy đề nghị tư vấn theo nhóm và tôi đã tìm được một nhóm gần đó. Tôi chỉ đi một lần, nhưng nó rất hữu ích. Cố vấn của nhóm nói rằng tôi nên thử liệu pháp viết, vì tôi thích viết. Cô ấy cũng thường xuyên bắt tôi kiểm tra với cô ấy. Thực sự các bài viết đã giúp ích cho tôi. Tôi đã viết bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ hàng ngày. Nếu tôi cảm thấy choáng ngợp, tôi sẽ viết nó ra. Nếu tôi cảm thấy tê liệt, tôi sẽ viết nó ra. Nếu tôi bận rộn, tôi cũng viết nó ra.

Tôi cũng đã biết về một nhóm hỗ trợ trực tuyến: Hỗ trợ quốc tế sau sinh. Bạn có thể nhắn tin cho đường dây trợ giúp của họ bất cứ khi nào.

Hiện tại các con của bạn đã 7 tuổi và 4 tuổi. Bạn nghĩ gì về tất cả những điều này khi nhìn lại?

Leila: Đôi khi tôi vẫn thắc mắc tại sao mình lại bị tiền sản giật. Tôi không hút thuốc, tôi không uống rượu, tôi tập thể dục, đi bộ, ăn uống lành mạnh. Nhưng tôi cũng đã nghĩ về những bà mẹ không thể sinh con. Vì vậy, cuối cùng, tôi rất biết ơn về cách mà câu chuyện của tôi diễn ra. Tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm sinh nở khác nhau và không phải ai cũng sẽ có câu chuyện giống nhau.

Bạn muốn những phụ nữ khác biết gì về chứng trầm cảm sau sinh?

Leila: Theo thống kê, cứ 7 phụ nữ thì có 1 người bị trầm cảm sau sinh. Chúng ta nên cố gắng tiếp cận với các bà mẹ thường xuyên .Tôi biết thật tuyệt khi nghĩ, “Ồ, tôi muốn bế em bé,” nhưng ít nhất hãy cố gắng vào đó và xem người mẹ. Thật lòng hỏi cô ấy đang cảm thấy như thế nào.

Tài liệu tham khảo

https://www.acog.org/womens-health/experts-and-stories/the-latest/dealing-with-preterm-birth-and-postpartum-depression

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích