menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Khi bạn bị vỡ ối non

user

Ngày:

24/12/2023

user

Lượt xem:

134

Bài viết thứ 01/11 thuộc chủ đề “Chăm sóc sau sinh”

Biên dịch: Đào Thị Thanh Thanh

Hiệu đính: BS. Đào Thị Hải Yến

Thông tin này dành cho bạn nếu bạn nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán là ối vỡ sớm nhưng chưa chuyển dạ.

Nó cũng có thể hữu ích với đồng nghiệp, bạn bè hoặc người thân của sản phụ đang gặp tình trạng tương tự.

Bài viết đề cập đến những thai phụ vỡ ối khi thai 24-37 tuần. Nếu ối vỡ trước tuần 24, thai phụ cần đi khám bác sĩ để trao đổi thông tin sức khỏe và tình trạng của mình.

Mục đích bài này là giúp bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe. Từ đó, bạn có thể đưa ra lựa chọn điều trị chăm sóc sức khỏe hợp lý. Đội ngũ bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ thai phụ đưa ra các quyết định phù hợp. Họ sẽ hỏi bệnh và trả lời các câu hỏi thắc mắc của bạn về tình trạng bệnh.

Thông tin này bao gồm:

  • Ối vỡ non trên thai non tháng (PPROM).
  • Bạn nên làm gì nếu bị Ối vỡ non trên thai non tháng.
  • Nếu bạn được chẩn đoán PPROM tại bệnh viện thì sẽ được xử trí như thế nào.
  • Ối vỡ non trên thai non tháng có ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai.
  • Các phương pháp điều trị.
  • Thông tin về sinh đẻ.
  • PPROM có ảnh hưởng gì đối với những lần mang thai sau đó.
  • Thêm thông tin và hỗ trợ có sẵn.

Những điểm chính

  • Ối vỡ non trên thai non tháng là ối vỡ trước 37 tuần nhưng thai phụ vẫn chưa chuyển dạ.
  • Trong trường hợp này, bạn có nguy cơ sinh non cao và tăng khả năng bị nhiễm trùng. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và con.
  • Bạn sẽ được sử dụng kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng tiến triển. Từ đó giúp thai kỳ tiếp tục an toàn.
  • Nếu bạn khỏe mạnh không có dấu hiệu nhiễm trùng và thai nhi phát triển tốt trong tử cung (tử cung) thì ưu tiên tiếp tục kéo dài thai kỳ đến 37 tuần. Đội ngũ bác sĩ sẽ theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng, kể cả về hoàn cảnh và điều kiện cá nhân của bạn.
  • Trong trường hợp bạn và thai nhi có các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác xuất hiện, bạn cần phải sinh em bé ngay lập tức.

Ối vỡ non trên thai non tháng (PPROM)

Ối vỡ non trên thai non tháng là gì (PPROM)?

Thai nhi được bao quanh bởi nước ối hay “nước” chứa trong một túi màng (túi ối) bên trong tử cung.

Thông thường, nước ối sẽ vỡ ngay trước hoặc trong khi chuyển dạ. Nếu ối vỡ trước chuyển dạ khi thai chưa đủ 37 tuần, được gọi là ối vỡ non trên thai non tháng (PPROM). Điều này có thể xảy ra ở tối đa 3 trong số 100 phụ nữ mang thai (3%).

Ối vỡ non trên thai non tháng có liên quan đến 3-4 trong số 10 ca sinh non. Nguyên nhân của PPROM không thực sự rõ ràng. Có thể là do nhiễm trùng, các vấn đề về bánh nhau hoặc các nguyên nhân khác.

Sơ đồ sau đây cho thấy thai nhi trong bụng mẹ, nhau thai, dây rốn, túi ối và nước ối.

Làm sao để biết ối vỡ?

Sản phụ có thể nhận thấy nước “ào ra” hoặc cảm giác ẩm ướt. Lượng nước chảy ra có thể thay đổi từ rỉ giọt đến ào ra.

Thai phụ nên làm gì ?

Nếu bạn nghi ngờ có tình trạng chảy dịch từ âm đạo, hãy theo dõi màu sắc cũng như lượng dịch chảy ra. Lưu ý nên mang một miếng lót chứ không phải là băng vệ sinh.

Són tiểu thường gặp lúc mang thai. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ ối vỡ, sản phụ nên liên hệ với bác sĩ và đến bệnh viện ngay để khám ngay.

Ở bệnh viện sẽ được xử trí như thế nào?

Nội dung cuộc khám bệnh sẽ bao gồm:

  • Bạn sẽ kể lại tất cả những triệu chứng cho bác sĩ. Bao gồm cả thông tin chi tiết về việc chảy dịch bất thường như thế nào, cảm nhận của bạn ra sao, cụ thể các triệu chứng bất thường từ lúc mang thai cho đến hiện tại và liệu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của PPROM hoặc sinh non hay không (ví dụ: nếu điều này đã xảy ra ở thai kỳ trước thì nhiều khả năng sẽ xảy ra lần nữa ở lần mang thai này).
  • Bạn cũng sẽ được làm một số kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm đo nhiệt độ, mạch và huyết áp.
  • Kiểm tra nhịp tim thai.

PPROM được chẩn đoán như thế nào?

  • Khám trong là biện pháp tốt nhất để chẩn đoán PPROM. Khi đã được sự đồng ý từ sản phụ, bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt vô trùng để quan sát cổ tử cung. Bác sĩ sẽ đánh giá chất dịch chảy ra có phải là nước ối hay không.
  • Kiểm tra lại chất dịch bằng que bông gòn có thể giúp xác định nước ối đã bị vỡ hay chưa nếu kiểm tra bằng mỏ vịt vẫn chưa rõ ràng.
  • Có thể dùng siêu âm để xác định lượng nước ối.

Ảnh hưởng của PPROM

Điều gì xảy ra tiếp theo?

  • Nếu ối vỡ, thông thường bạn sẽ được nhập viện trong vài ngày hoặc trong một số trường hợp có thể lâu hơn. Cả mẹ và thai nhi sẽ được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu nhiễm trùng. Bao gồm đo nhiệt độ, huyết áp và mạch thường xuyên, kết hợp với công thức máu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng. Nhịp tim thai cũng sẽ được theo dõi thường xuyên.
  • Nếu ối chưa vỡ, bạn có thể được về nhà.
  • Nếu chỉ có một lượng nhỏ nước ối chảy ra, trường hợp này tương đối khó phát hiện và chẩn đoán xác định ối đã vỡ hay chưa.
  • Trong trường hợp về nhà mà tình trạng chảy dịch vẫn tiếp diễn, bạn nên quay lại bệnh viện để kiểm tra.

PPROM có thể dẫn đến nguy cơ gì cho mẹ và thai?

  • Nhiễm trùng.
  • Sinh non.
  • Các biến chứng sơ sinh.
  • Các biến chứng khác.

Ối vỡ non trên thai non tháng trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong ở thai nhi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: sản phụ vỡ ối sớm, em bé sinh rất non, sau khi bị nhiễm trùng hoặc sa dây rốn.

Điều trị và theo dõi PPROM

Có phương pháp điều trị nào cho PPROM không?

Việc bù lại lượng nước ối đã mất hay bịt lại lỗ hổng trên màng ối là điều không khả thi. Bạn có thể tiếp tục chảy dịch trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ vì nước ối vẫn tiếp tục được tạo ra.

Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể góp phần giảm nguy cơ rủi ro cho thai nhi bao gồm:

  • Điều trị một đợt kháng sinh dự phòng để giảm nguy cơ nhiễm trùng tử cung và ảnh hưởng đến cả mẹ và thai. Thuốc kháng sinh cũng hữu ích trong việc trì hoãn quá trình chuyển dạ của thai phụ
  • Một đợt tiêm steroid (corticosteroid) để hỗ trợ phổi thai nhi và giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau sinh non. Tham khảo thông tin của RCOG “Corticosteroid trong thai kỳ để giảm các biến chứng do sinh non” để biết thêm thông tin chi tiết.
  • Magie Sulfat, có thể được cấp thêm cho sản phụ có nguy cơ sinh non (phòng ngừa trẻ bị bại não).
  • Kháng sinh đường tĩnh mạch (nếu sản phụ đang chuyển dạ sinh non) để giảm nguy cơ nhiễm trùng Streptococcus nhóm B (GBS) khởi phát sớm. Xem thêm thông tin bệnh nhân RCOG “Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) trong thai kỳ và trẻ sơ sinh”

Sản phụ có cần nhập viện không?

Thông thường, bạn sẽ được khuyên nên nhập viện vài ngày sau khi ối vỡ. Việc này giúp theo dõi tình trạng của cả mẹ và em bé. Nếu sức khỏe của bạn ổn định và không có nguy cơ sinh non, bạn sẽ được xem xét về nhà.

Khi nào sản phụ cần có người hỗ trợ nếu ở nhà?

Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ cung cấp cho sản phụ các triệu chứng cần chú ý. Liên hệ với bác sĩ và quay lại bệnh viện ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào. Bao gồm:

  • Sốt.
  • Các triệu chứng giống cúm (cảm thấy nóng và ớn lạnh).
  • Ra huyết âm đạo.
  • Dịch chảy ra xanh hoặc có mùi.
  • Gò tử cung từng cơn.
  • Đau bụng hoặc đau lưng.
  • Nếu mẹ lo lắng rằng thai nhi không cử động như bình thường.

Sản phụ nên theo dõi những gì?

Bạn nên tới bác sĩ để khám định kỳ (thường là 1-2 lần/tuần).

Trong những lần kiểm tra này, cần theo dõi nhịp tim thai, nhiệt độ, mạch và huyết áp của bạn. Bên cạnh đó, bạn sẽ được xét nghiệm công thức máu để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ Sản sẽ thảo luận và lập một kế hoạch liên tục cho thai kỳ.

Ối vỡ non trên thai non tháng có thể gây căng thẳng cho thai phụ và gia đình. Họ nên được hỗ trợ về mặt tinh thần trong thời gian mang thai và sau khi sinh con.

Nếu bạn cảm thấy lo lắng và bất an, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ và người thân.

Sinh con sau PPROM

Thời điểm nào là thích hợp để sinh con?

Nếu cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu của nhiễm trùng thì có thể đợi đến tuần 37 mới sinh. Vì việc tiếp tục thai kỳ sẽ làm giảm nguy cơ liên quan đến sinh non cho thai nhi.

Nếu sản phụ được chẩn đoán là nhiễm vi khuẩn GBS, khuyến cáo nên sinh con từ 34 tuần vì nguy cơ nhiễm GBS cho thai nhi.

Bác sĩ nên thảo luận về thời gian sinh tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cá nhân. Bạn sẽ có cơ hội để hỏi và trao đổi về thai kỳ và chuẩn bị cho việc sinh em bé.

Sản phụ có thể sinh thường sau PPROM không?

Thông thường, bạn có thể sinh thường sau PPROM. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm thời điểm bạn chuyển dạ, ngôi thế của em bé trong tử cung, hoàn cảnh và lựa chọn của riêng bạn. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn điều này.

PPROM sẽ ảnh hưởng đến lần mang thai tới như thế nào?

Những thai phụ bị ối vỡ non trên thai non tháng hoặc sinh non có thể gia tăng nguy cơ sinh non ở những lần mang thai tiếp theo.

Bạn sẽ được tư vấn và chăm sóc bởi các bác sĩ. Họ sẽ trao đổi với bạn về kế hoạch mang thai tùy thuộc vào tình trạng cá nhân của bạn.

Tài liệu tham khảo

https://www.rcog.org.uk/for-the-public/browse-all-patient-information-leaflets/when-your-waters-break-prematurely-patient-information-leaflet/

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích