menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chuẩn bị cho bệnh nhân xuất viện: Chia sẻ từ Nhật Bản

user

Ngày:

13/01/2021

user

Lượt xem:

184

Bài viết thứ 85/93 thuộc chủ đề “Góc nhìn”

Bài viết được chia sẻ bởi TS. BS. Phạm Nguyên Quý, đang công tác tại Nhật Bản.

Bệnh nhân chờ quá lâu để được xuất viện?!

Tình trạng Bệnh nhân chờ nửa ngày mới được xuất viện tại Việt Nam còn phổ biến ở một số bệnh viện nên xin chia sẻ giải pháp ở Nhật Bản.

Phải nói từ đầu rằng ở Nhật Bản, bệnh nhân ra viện là một sự kiện quan trọng, cần chuẩn bị ít nhất 1-2 ngày thì “cả nhà đều vui”.

Lý do là chương trình chăm sóc-hướng dẫn khi ra viện thường phức tạp, liên quan tới nhiều ban-nhóm, ngành nghề khác nhau nên cần phải liên lạc chuẩn bị giấy tờ, thuốc men, và mỗi thứ đều mất thời gian để chu đáo đạt mức “tận tâm cơ bản”.

Có thể kể ra một số hạng mục khi bệnh nhân ra viện như sau:

Thuốc kê mang về

Khoa Dược sẽ chuẩn bị cho bệnh nhân từ hôm trước, nhưng việc này có thể bị “câu thêm giờ” nếu hôm trước đó bệnh nhân có thêm vấn đề mới, cần thuốc mới và sáng hôm đó BS phải làm việc thêm với khoa Dược để thêm/bớt thuốc.

Giấy hẹn tái khám hoặc tái nhập viện.

Đây là phần quan trọng của chăm sóc liên tục, để bệnh nhân không bị “bơ vơ” sau khi ra viện.

Giấy giới thiệu

Cho bác sĩ tại địa phương chăm sóc tiếp, kèm với tóm tắt quá trình điều trị. Mục này coi vậy chứ khá tốn thời gian vì bác sĩ thường rất bận và không viết kịp tờ giấy này. Một số bệnh nhân cần chăm sóc liên chuyên khoa thì lại phải cần giấy của các bác sĩ chuyên khoa đó đính kèm. Có khi phải fax trong ngày cho kịp. Nhiều khi, dù bác sĩ đã viết thư giới thiệu trước đó nhưng nếu có thay đổi thuốc bất ngờ trước khi ra viện thì lại phải viết thêm 1 cái bổ sung cho bệnh nhân mang về. Tất cả là để cố gắng đảm bảo chăm sóc liên tục cho người bệnh!

Cũng xin nói thêm là bác sĩ thường “khỏe hơn” khi bệnh nhân ra viện xong chỉ khám ở phòng khám của mình vì như thế có thể bỏ mục thư từ này.

Tóm tắt quá trình chăm sóc và lưu ý từ phía điều dưỡng

Các điều dưỡng cũng giao tiếp với nhau qua thư từ với đánh giá chi tiết việc bệnh nhân có thể làm được, không làm được cần hỗ trợ chăm sóc khi về nhà. Các lưu ý về ăn uống, tắm rửa,…cũng được ghi kỹ.

Đôi khi còn có cả tóm tắt quá trình và kế hoạch Phục hồi chức năng tại nhà.

Đấy là chưa nói tới thời gian Bác sĩ – Điều dưỡng – Dược sĩ (+/- Bác sĩ trị liệu phục hồi chức năng) giải thích cho bệnh nhân +/- người thân về nội dung chăm sóc – điều trị mà thường thực hiện trước đó để tiết kiệm thời gian.

Chi tiết các mục liên quan tới viện phí cần chi trả

Bác sĩ ở Nhật thường không nắm rõ cụ thể các khoản chi, mà sẽ có bên kế toán tính giúp. Khoản chi trả này thường được người nhà thanh toán ở quầy lễ tân xong, mang lên thì điều dưỡng bệnh phòng mới cho phép xuất viện, nên nếu có thêm bớt thuốc, thêm xét nghiệm phát sinh đúng hôm xuất viện thì khá là rối rắm. Bác sĩ sẽ cân não khá nhiều khi bệnh nhân phàn nàn thêm triệu chứng mới gì đó hôm ra viện: Làm thêm hay không làm thêm

Kế hoạch đưa bệnh nhân về nhà

Bao gồm giờ người nhà tới đón, về bằng phương tiện gì và có khi là ai sẽ phụ đón ở nhà.

Mục này xem vậy chứ lại quan trọng vì tùy khả năng tự lập, tự đi của bệnh nhân mà phải gọi xe đặc biệt cho họ, và dịch vụ xe đặc biệt thì có khi phải hẹn trước mới có. Nhiều bệnh nhân Việt Nam vẫn phải tự lo những khoản này, và một số trường hợp vận chuyển không được an toàn, thoải mái đã được nhắc tới.

Kế hoạch phức tạp là vậy nhưng tất cả NVYT đều cố gắng để bệnh nhân ra về sớm nhất. Đó là lý do tại sao dù có CNTT hỗ trợ tối đa, quyết định xuất viện tại Nhật thường được bàn bạc trước đó vài ngày và các điều dưỡng sẽ phải tất bật để kết nối các ban phòng giúp bệnh nhân có trải nghiệm ra viện tốt nhất. Theo kinh nghiệm của mình, thời gian chờ xuất viện ngắn nhất là 15 phút, khi mọi thứ đã chuẩn bị từ hôm trước và người nhà chỉ việc tới thanh toán và đón bệnh nhân về!

Hi vọng những chia sẻ của mình tại Kyoto, Nhật Bản sẽ có thể giúp quý đồng nghiệp có thêm góc nhìn để cải thiện chất lượng chăm sóc y tế tại BV của mình. Nội dung chăm sóc thì không có gì mới, điều quan trọng là NVYT có đặt mình vào vị trí người bệnh để tổ chức chăm sóc đa ngành, liên tục và kỹ lưỡng hay không mà thôi.

Một yếu tố cản trở chăm sóc tận tâm không thể không nói tới là Sự quá tải, xin chia sẻ tiếp ở một dịp khác.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/beequy/posts/10225504135809232

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích