menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

user

Ngày:

09/09/2018

user

Lượt xem:

484

Bài viết thứ 10/10 thuộc chủ đề “Chăm sóc mắt”

Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh gặp ở những người bị đái tháo đường.

Khi mức đường máu tăng cao có thể gây tổn thương mạch máu ở võng mạc.

  • Các mạch máu này có thể bị phình gây thoát dịch hoặc có thể bị tắc gây cản trở lưu thông.
  • Cũng có trường hợp xuất hiện những mạch máu mới bất thường.

Tất cả những thay đổi này đều có thể dẫn đến mù loà.

Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường

Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường

 

Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh

Đây là giai đoạn sớm nhất của bệnh và rất thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường.

Ở giai đoạn này, các mạch máu nhỏ ở võng mạc rò dỉ gây thoát dịch dẫn đến phù võng mạc. Khi vùng hoàng điểm bị phù (phù hoàng điểm) sẽ gây giảm thị lực. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây giảm thị lực ở bệnh võng mạc đái tháo đường.

Trong giai đoạn không tăng sinh, mạch máu ở võng mạc có thể bị tắc, máu không đến được vùng hoàng điểm dẫn đến thiếu máu hoàng điểm. Trong một số trường hợp có thể gặp xuất tiết trên võng mạc. Những tổn thương này đều có thể gây giảm thị lực.

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh

Đây là giai đoạn tiến triển nặng hơn của bệnh võng mạc đái tháo đường. Giai đoạn này xảy ra khi trên võng mạc xuất hiện những mạch máu mới. Đó gọi là những tân mạch. Những mạch máu mới bất thường này thường vỡ gây chảy máu vào buồng dịch kính. Nếu lượng máu chảy ít, bạn có thể thấy biểu hiện như vẩn đen lơ lửng khi nhìn. Nếu chảy nhiều thì mắt bạn hoàn toàn có thể bị mù lòa.

Những tân mạch này có thể gây sẹo võng mạc. Mô sẹo có thể dẫn đến những tổn thương vùng hoàng điểm hoặc dẫn đến tình trạng bong võng mạc.

Giai đoạn tăng sinh là giai đoạn nặng nhất của bệnh với nhiều tổn thương gây giảm thị lực nghiêm trọng cả vùng trung tâm và ngoại biên.

Chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường

Để chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường, bác sĩ sẽ phải nhỏ thuốc giãn đồng tử để soi đáy mắt.

Bác sĩ có thể chỉ định chụp mạch kí huỳnh quang để đánh giá tình trạng võng mạc chi tiết hơn. Thuốc nhuộm fluorescein sẽ được tiêm qua tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở cánh tay. Thuốc nhuộm sẽ theo máu tới các mạch máu ở võng mạc. Tình trạng tắc, dò rỉ mạch máu hay tân mạch bất thường ở võng mạc sẽ được phát hiện thông qua việc chụp ảnh đáy mắt bằng một camera đặc biệt.

Chụp cắt lớp quang học (OCT) đáy mắt cũng giúp cho chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường. Máy sẽ quét qua võng mạc và cho hình ảnh chi tiết về bề dày và cấu trúc ở võng mạc. Phương pháp này rất hữu ích trong chẩn đoán phù hoàng điểm.

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Các biện pháp điều trị gồm có:

Kiểm soát bệnh nội khoa

Kiểm soát tốt đường máu và huyết áp có thể ngăn chặn giảm thị lực. Tuân thủ chế độ ăn mà chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo. Sử dụng thuốc điều trị đường máu đều đặn vì mức đường máu tốt có thể làm thị lực phục hồi trong một vài trường hợp. Huyết áp ổn định giúp giữ cho các mạch máu ở mắt được ổn định.

Điều trị nội khoa

Thuốc ức chế phát triển nội mô mạch máu (anti-VEGF) giúp làm giảm phù hoàng điểm, làm chậm quá trình giảm thị lực và có thể cải thiện thị lực. Thuốc này được đưa vào mắt qua đường tiêm trực tiếp. Thuốc kháng viêm steroid cũng giúp giảm phù hoàng điểm và cũng dùng qua đường tiêm trực tiếp vào mắt. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và liều lượng tiêm cần dùng.

Laser võng mạc

Điều trị laser giúp làm ngắn các mạch máu và giúp chúng không phát triển tăng sinh thêm nữa. Có thể cần một hoặc nhiều đợt điều trị laser.

Cắt dịch kính

Ở giai đoạn nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính. Trong phẫu thuật này, dịch kính và xuất huyết trong buồng dịch kính sẽ được phẫu thuật lấy bỏ giúp cải thiện thị lực. Tổ chức sẹo võng mạc cũng có thể được cắt bỏ trong phẫu thuật này.

Ngăn ngừa giảm thị lực trong bệnh võng mạc đái tháo đường

  • Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, hãy cùng với bác sĩ kiểm soát chặt chẽ đường máu. Đường máu cao sẽ gây tổn thương mạch máu võng mạc và gây giảm thị lực.
  • Tầm soát và điều trị cao huyết áp và bệnh lý về thận nếu có.
  • Có thể kết hợp kiểm tra soi đáy mắt. Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể xuất hiện trước khi thị lực của bạn có vấn đề.
  • Nếu bạn thấy có bất kì thay đổi nào về thị lực thì hãy đi kiểm tra mắt ngay.
  • Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường càng sớm càng tốt để ngăn ngừa giảm thị lực.

Hiệu đính: Bs. Vũ Quang Thiện

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-diabetic-retinopathy
  2. https://www.aao.org/eye-health/diseases/diabetic-retinopathy-diagnosis
  3. https://www.aao.org/eye-health/diseases/diabetic-retinopathy-treatment
  4. https://www.uptodate.com/contents/diabetic-retinopathy-classification-and-clinical-features
  5. https://www.aao.org/topic-detail/diabetic-retinopathy-asia
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích