menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)

user

Ngày:

28/06/2022

user

Lượt xem:

564

Bài viết thứ 12/15 thuộc chủ đề “Các bệnh Răng Hàm Mặt”

Tóm tắt

Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)

Bàn chải điện (Electrical Toothbrush)

Bàn chải điện sử dụng các chuyển động rung và xoay tròn để loại bỏ mảng bám trên bề mặt răng, nướu. Ưu điểm lớn nhất của bàn chải điện là lông bàn chải xoay liên tục, điều đó có nghĩa là trong cùng một thời gian chải răng, bề mặt răng được chải bởi bàn chải điện chà quét hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với bàn chải tay thông thường. Bàn chải điện đặc biệt thuận lợi cho bệnh nhân khuyết tật hoặc bị giới hạn vận động, bệnh nhân mang khí cụ chỉnh hình, trẻ em chưa có thói quen xoay cổ tay tốt,…

Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, nếu chải răng đúng kỹ thuật (bàn chải thường) và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất (bàn chải điện) thì 2 loại này có tác dụng làm sạch răng như nhau.

Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 1. Bàn chải điện
Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 2. So sánh các ưu nhược điểm giữa bàn chải điện và bàn chải truyền thống

Máy tăm nước (Water flosser)

Máy tăm nước (gọi tắt là tăm nước) là một thiết bị cầm tay có chức năng phun các dòng nước áp suất cao theo chu kì. Tăm nước tạo ra và điều chỉnh các tia nước nhỏ vào kẽ răng và nướu nhằm mục đích lấy hết thức ăn thừa, mảng bám; đồng thời massage vùng nướu quanh răng. Vì những lý do đó mà tăm nước được xem là một lựa chọn thay thế cho những người gặp khó khăn với chỉ nha khoa truyền thống, như người đang niềng răng, mang mão/cầu răng cố định, mang implant, người có bệnh lý nha chu hoặc khô miệng, người cảm thấy khó khăn trong vận động tay như bệnh nhân bị viêm khớp hay bị run tay,…

Tăm nước chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thay thế cho việc chải răng, vì vậy chúng được sử dụng trước hoặc sau khi chải răng. Lưu ý không dùng cho bệnh nhân có túi nha chu sâu vì có thể đẩy vi khuẩn và sâu các mô xung quanh. Vì thế cần thận trọng khi sử dụng tăm nước và phải được sự tư vấn và chỉ định của Bác sĩ Răng Hàm Mặt.

Hiện nay có nhiều loại máy tăm nước trên thị trường, nhưng có thể phân loại dựa vào nhiều yếu tố: máy để tại nhà (có bình chứa) hay máy cầm tay (không có bình chứa, gắn trực tiếp vào vòi); máy chạy bằng pin hoặc bằng sức nước; thiết kế đầu vòi xịt cho các mục đích chuyên dụng (dành riêng cho người niềng răng, người mang cầu răng, người mang implant,…). Mỗi loại máy có các mức áp lực nước khác nhau phù hợp cho việc điều chỉnh. Tuy nhiên, áp lực thường từ 50 psi đến 100 psi là phạm vi áp suất hiệu quả cho việc làm sạch mảng bám.

  • Máy tăm nước để bàn: Máy thường có kích thước khá to, dung tích bình nước lớn nhưng ít linh động vì máy cần đặt ở vị trí gần ổ điện. Tuy nhiên, áp lực tia nước từ máy cao nên sẽ vệ sinh răng miệng tốt hơn.
Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 3. Máy tăm nước để bàn
  • Máy tăm nước cầm tay: Loại máy này chạy bằng pin thường hay pin sạc và tương đối nhỏ gọn để mang đi du lịch dễ dàng. Thế nhưng, dung tích bình chứa nước và áp lực nước từ máy nhỏ hơn loại để bàn.
Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 4. Máy tăm nước cầm tay

Tùy theo hướng dẫn của mỗi nhà sản xuất, quy trình sử dụng máy có thể thay đổi. Về cơ bản bao gồm các bước sau:

  • Kết nối thiết bị với nguồn nước: Có thể đổ đầy nước ấm vào bình chứa của máy (loại có bình chứa) hoặc nối thẳng với vòi nước (loại không có bình chứa).
  • Sau đó đưa đầu vòi xịt vào miệng.
  • Hãy dựa vào bồn rửa để tránh nước bắn.
  • Bật công tắc lên và bắt đầu làm sạch. Giữ tay cầm ở góc 90 độ so với răng và xịt nước. Nước xịt ra theo nhịp đều đặn, hãy bắt đầu làm sạch từng kẽ răng.
  • Nên bắt đầu từ răng phía sau và lần lượt từng răng. Tập trung vào phần trên của răng, đường viền nướu và kẽ răng. Hãy chú ý làm sạch tất cả các mặt răng của tất cả các răng.
  • Quá trình này sẽ mất khoảng 2 phút. Đổ hết nước thừa ra khỏi bình chứa sau khi hoàn tất để ngăn sự phát triển của vi khuẩn.

Nước súc miệng

Nước súc miệng có thể len lỏi giữa các kẽ răng, giúp ngăn ngừa nguy cơ sâu răng, viêm nướu ở những vùng bàn chải không tiếp cận được.

Nước súc miệng có các tác dụng sau:

  • Ngăn ngừa và kiểm soát sâu răng.
  • Giảm mảng bám (màng vi khuẩn mỏng hình thành trên bề mặt răng).
  • Ngăn ngừa và giảm viêm nướu (giai đoạn sớm của các bệnh lý nướu).
  • Giảm tốc độ hình thành vôi trên bề mặt răng hoặc giảm sự kết hợp của các yếu tố tạo vôi răng.
  • Đem lại hơi thở thơm mát.

Trên phương diện điều trị, nước súc miệng được chia làm 2 loại:

  • Kháng khuẩn gây chết vi khuẩn (diệt khuẩn, diệt nấm): Chlorhexidine, CetylPyridinium Choride (CPC), tinh dầu, Phenol, hợp chất amonium bậc 4.
  • Kháng khuẩn không gây chết vi khuẩn (kiềm khuẩn): Hexetidine.

Ngoài ra, còn có các loại nước súc miệng thông thường chứa các thành phần giúp kiểm soát tạm thời hơi thở và tạo cảm giác dịu nhẹ cho miệng. Loại này không có tác dụng làm giảm nguy cơ sâu răng, viêm nướu.

Chống chỉ định sử dụng nước súc miệng trong các trường hợp sau:

  • Không dùng cho trẻ nhỏ hơn 30 tháng.
  • Dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ có thai, cho con bé cẩn trọng khi dùng.
  • Thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 7 tuổi.

Ngoài ra, một số điểm khác cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm:

  • Có chứa cồn hay không? Cồn là thành phần có trong nhiều loại nước súc miệng, có thể gây hại nếu nuốt phải, vì vậy không nên lựa chọn nước súc miệng có cồn cho gia đình có trẻ em hoặc người đang cai rượu,…
  • Có gây nhạy cảm không? Một số người có thể nhạy cảm với các thành phần của nước súc miệng. Ví dụ: người nhạy cảm nướu, nhạy cảm sau điều trị nha khoa…

Chính vì những lý do trên, bạn cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ Răng Hàm Mặt để có thể lựa chọn loại nước súc miệng sao cho phù hợp với tình trạng bệnh lý vùng răng miệng cũng như các yếu tố khác.

Sau đây là một số loại nước súc miệng hiện đang lưu hành trên thị trường:

Eludril®

– Chỉ định: Thường dùng cho điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở miệng và dùng sau phẫu thuật vùng miệng.

Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 5. Nước súc miệng Eludril

– Tác dụng phụ:

  • Tạo vết dính.
  • Viêm nướu tróc vảy ở trẻ nhỏ.
  • Thay đổi vị giác.
  • Tăng tạo vôi răng.
Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 6. Tác dụng phụ làm tăng vết dính trên bề mặt răng và mô mềm

Givalex®

– Chỉ định: Thường dùng cho điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở miệng, viêm họng, viêm thanh quản; dùng trước và sau phẫu thuật vùng miệng.

Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 7. Nước súc miệng Givalex

– Cách sử dụng: Eludril®, Givalex®:

  • Pha 10, 15 hay 20ml thuốc (hay 2 muỗng cà phê) và đổ nước đến đầy ly có sẵn (hay ½ ly nước).
  • Súc miệng ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 phút.
  • Không nên súc miệng ngay trước hoặc sau khi chải răng.
  • Không được nuốt.

Listerine®

– Chỉ định: Thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở miệng và điều trị hôi miệng.

Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 8. Nước súc miệng Listerine với các mùi vị khác nhau

– Tác dụng phụ: Có thể gây cảm giác bỏng rát hoặc có vị đắng.

Colgate® Plax®

– Chỉ định:

  • Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở miệng.
  • Ngăn ngừa sâu răng.
  • Sử dụng trước can thiệp nha khoa.
Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 9. Nước súc miệng Colgate Plax với các mùi khác nhau

– Cách sử dụng: Listerine và Colgate Plax:

  • Lấy 1 nắp đầy nước súc miệng (tương ứng 15-20ml)
  • Không pha loãng.
  • Súc miệng 30 giây, sau khi chải răng.
  • Mỗi ngày súc 3 – 4 lần.
  • Không được nuốt. 

Kin Gingival

– Chỉ định:

  • Người bị viêm nướu, viêm nha chu hoặc có nguy cơ cao về bệnh lý nha chu.
  • Dùng trước và sau phẫu thuật răng miệng.
  • Người mới được thực hiện các thủ thuật nha khoa: nhổ răng, cấy ghép implant, mới niềng răng,…
  • Dùng sát khuẩn cổ họng cho người trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh do virus/vi khuẩn.
Bệnh lý nha chu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Phần 2)
Hình 10. Nước súc miệng Kin Gingival

– Tác dụng phụ:

  • Thay đổi hương vị và rát ở lưỡi.
  • Làm ố hoặc đổi màu răng nếu sử dụng lâu ngày và sau khi tiếp xúc với các thực phẩm có màu như: rượu, cà-phê, thuốc lá…

– Hướng dẫn sử dụng:

  • Ngày dùng 2 lần, sáng và tối trước khi đi ngủ.
  • Người lớn được khuyên súc miệng – súc họng với 10 ml.
  • Trẻ em được khuyên súc miệng – súc họng với 5 ml.
  • Súc miệng từ 30 giây đến 1 phút (cố gắng khò xuống vùng hầu họng giúp sát khuẩn được tốt hơn) sau đó nhổ ra.
  • Không được nuốt.
  • Không súc miệng lại với nước sạch.
  • Ăn uống bình thường sau khi súc miệng – súc họng 30 phút.
  • Có thể pha loãng tỉ lệ 1:1 hoặc 2:1 với nước khi dùng cho trẻ em hoặc với mục đích phòng ngừa.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.ada.org/en/publications/ada-news/2017-archive/february/waterpik-water-flosser-first-in-its-class-to-earn-ada-seal
  2. https://www.webmd.com/oral-health/qa/what-is-a-waterpik
  3. https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/waterpik-vs-flossing
  4. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/expert-answers/dental-floss/faq-20058112
  5. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/dental/art-20045536
  6. https://www.aegisdentalnetwork.com/cced/special-issues/2018/06/evaluation-of-the-safety-of-a-water-flosser-on-gingival-and-epithelial-tissue-at-different-pressure-settings
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích