menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Phòng tránh và xử trí tổn thương da khi điều trị nhắm đích

user

Ngày:

07/02/2021

user

Lượt xem:

509

Bài viết thứ 07/08 thuộc chủ đề “Ung thư vùng đầu mặt cổ”

Liệu pháp nhắm đích (Targeted therapy) là liệu pháp dựa trên nguyên tắc sử dụng thuốc tấn công chọn lọc vào một “đích” nhất định để khống chế sự tăng sinh của tế bào ung thư. Liệu pháp này có ưu điểm là chỉ ức chế chọn lọc các tế bào ung thư, nhờ đó giảm được phần nào tác dụng không mong muốn lên các tế bào bình thường khác. 

Tuy nhiên, vẫn hay gặp một số tác dụng không mong muốn trên da của bệnh nhân ung thư khi điều trị nhắm đích. Điều quan trọng là đừng ngại trao đổi với bác sĩ về tình trạng da của bạn. Thông thường, phần lớn các tác dụng không mong muốn có thể dự đoán được và phòng ngừa từ trước khi bắt đầu điều trị. Nếu tình hình trở nên trầm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Các vấn đề về da thường gặp là: phát ban da dạng mụn trứng cá, khô da, ngứa da, thay đổi sắc tố da.

Phát ban da dạng mụn trứng cá

Phát ban da dạng mụn trứng cá là một tác dụng phụ thường thấy khi điều trị nhắm đích (lên đến 80%), thường dễ nhầm lẫn với mụn trứng cá thông thường. Phát ban có thể xuất hiện tại phần da đầu, mặt, cổ, ngực, lưng trên và đôi khi ở các bộ phận khác của cơ thể. Phát ban có thể gây ngứa, nóng rát hoặc đau. Ban đỏ thường xuất hiện trong vòng vài tuần kể từ khi điều trị nhưng cũng có thể có ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều trị.

Tac-dung-phu-phat-ban-dang-mun-trung-ca

Tác dụng phụ phát ban dạng mụn trứng cá
Nguồn: Wiley Online Library

Những điều bạn có thể làm

  • Trao đổi với bác sĩ điều trị của bạn về vấn đề phát ban và làm theo lời khuyên của bác sĩ để tình trạng phát ban thuyên giảm. 
  • Nhẹ nhàng làm sạch da bằng nước ấm, xà phòng dịu nhẹ và khăn mềm.
  • Rửa sạch vùng phát ban cẩn thận, thấm khô.
  • Giữ ẩm cho da, bảo vệ vùng da phát ban khỏi nhiệt độ quá nóng và lạnh.
  • Mặc quần áo rộng rãi, mềm mại.
  • Hạn chế ra đường trong thời gian có nhiều tia cực tím trong ngày. Thời gian nhiều tia cực tím trong ngày tuỳ thuộc khu vực địa lý và khí hậu địa phương (tại Việt Nam, thời gian này vào khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ hằng ngày). 
  • Nếu phải đi ra ngoài, cần bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách phối hợp nhiều biện pháp chống nắng để tăng hiệu quả tối ưu như: đội mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc áo dài tay, dùng khẩu trang chống nắng,…
  • Nếu phải thường xuyên hoạt động ngoài nắng, bạn nhất thiết phải sử dụng kem chống nắng loại vật lý có nhiều ưu điểm tốt cho tình trạng của bạn. 

Liên hệ với bác sĩ điều trị nếu bạn có các triệu chứng sau

  • Phát ban nặng hơn sau khi sử dụng kem hoặc thuốc mỡ.
  • Triệu chứng ngứa không hết sau 2 ngày trở lên, khiến bạn gãi nhiều đến mức rách da hoặc chảy máu.
  • Phát ban gây khó chịu và khiến bạn không ngủ được vào ban đêm.
  • Có mụn nước, da tấy đỏ hoặc đóng vảy.
  • Xuất hiện dịch tiết có mùi hôi hoặc mủ từ da.

Khô da

Khô da cũng là một tác dụng không mong muốn của da khi điều trị nhắm đích. Triệu chứng thường gặp là da đỏ, khô ráp, dễ bong da, có các vết nứt trên da.

Kho-da

Biểu hiện khô da
Nguồn: Y học Cộng đồng

Những điều bạn có thể làm

  • Thoa kem dưỡng ẩm loại không chứa cồn 2 lần một ngày, đặc biệt là sau khi tắm.
  • Hạn chế tiếp xúc nước trong thời gian dài, ví dụ như tránh gội đầu quá lâu. Nếu bắt buộc phải tắm gội lâu, bạn nên mang găng tay cao su hay đi ủng, mang dép sục kín chân.
  • Nên đi dép gót thấp hoặc gót bằng, không cột dây giày quá chật
  • Tắm rửa với nước ấm hoặc mát, không dùng nước nóng vì nước nóng sẽ khiến  da bạn khô hơn.
  • Tránh chà xát da trong khi tắm. Thấm khô da nhẹ nhàng sau khi tắm
  • Nên sử dụng dao cạo điện khi cạo râu.

Liên hệ với bác sĩ điều trị nếu bạn có các triệu chứng sau

  • Da thô ráp hơn, đỏ hơn hoặc đau hơn.
  • Có biểu hiện của nhiễm trùng, như chảy mủ hoặc sưng nề ở quanh chỗ da nứt.

Ngứa da

Triệu chứng ngứa thường xuyên liên tục có thể dẫn đến da bị tổn thương, chảy máu, hoặc có nhiễm trùng đặc biệt là nếu da bị nứt.

ngua-da-do-dieu-tri-dich

Ngứa da do điều trị nhắm đích
Nguồn: Y học Cộng đồng

Những điều bạn có thể làm

  • Hỏi bác sĩ về những loại kem an toàn cho bạn khi sử dụng. Thoa kem 2-3 lần một ngày, đặc biệt sau khi tắm, khi da còn ẩm. 
  • Hỏi bác sĩ điều trị ung thư của bạn để có những lời khuyên có thể làm giảm hoặc ngăn chặn cơn ngứa. Nếu bệnh ngứa của bạn trở nên trầm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm ngứa.
  • Tắm rửa nên sử dụng nước ấm hoặc nước mát,sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi và khăn tắm mềm, khi lau khô cơ thể thì nên chà xát nhẹ nhàng.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm hoặc có cồn trên da (như phấn thơm, nước cạo râu, hoặc nước hoa). Những loại phấn có thành phần tinh bột ngô có thể vón cục ở nơi ẩm ướt và gây kích ứng da.
  • Sử dụng dao cạo điện tốt hơn lưỡi dao thường vì tránh được tránh xước da và tình trạng kích ứng.
  • Giữ nhiệt độ phòng mát (15 – 21 độ C) và thông thoáng tốt để tránh đổ mồ hôi.
  • Mặc quần áo rộng rãi làm từ sợi vải mềm để tránh kích ứng da.
  • Sử dụng túi chườm lạnh, mát (như là để đá vụn trong túi nhựa bọc trong khăn ẩm) đặt trên da. Bỏ túi chườm khi túi hết lạnh, để da tự khô. Sử dụng lại túi chườm khi cần.
  • Giữ móng tay sạch sẽ và ngắn. Mang găng tay vải sạch nếu bạn gãi không chủ ý.
  • Nếu quá ngứa có thể xoa, ấn hoặc rung vùng da thay vì gãi. Tránh làm tổn thương da.
  • Tránh sự chú ý của bản thân tới cơn ngứa bằng âm nhạc, đọc sách và giao tiếp với mọi người.

Liên hệ với bác sĩ điều trị nếu bạn có các triệu chứng sau

  • Ngứa không giảm sau 2 ngày hoặc hơn, làm bạn gãi tới mức da nứt ra hoặc chảy máu. Triệu chứng này có thể làm bạn trở nên quá lo lắng, kích thích, không thể ngủ được.
  • Có vết thâm không biến mất trong vòng một tuần hoặc vết thâm mới xuất hiện trong 3 ngày.
  • Có phát ban, sau khi dùng kem hoặc thuốc mỡ thì triệu chứng nặng lên.
  • Có mụn nước, da màu đỏ sáng, đóng vảy trên da hoặc da rỉ nước có mùi hôi hoặc mủ.
  • Xuất hiện các đám mày đay (sẩn ngứa màu trắng hoặc đỏ trên da), hơi thở ngắn, sưng nề họng hoặc mặt, hoặc dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Thay đổi sắc tố da

Triệu chứng thường gặp là da và lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng. Bên cạnh đó, da, môi, móng tay rất nhợt nhạt hoặc xanh xao. Có thể xuất hiện vết bầm tím hoặc các vùng da xanh, tím không rõ nguyên nhân.

thay-doi-sac-to-da

Thay đổi sắc tố da
Nguồn: Cancer Connect

Những điều bạn có thể làm

  • Hỏi bác sĩ điều trị ung thư về các loại sản phẩm tốt nhất cho vùng da đổi màu.
  • Làm sạch da nhẹ nhàng bằng nước ấm, xà phòng dịu nhẹ và khăn mềm.
  • Luôn giữ ẩm da.
  • Bảo vệ vùng da đổi màu khỏi nhiệt, lạnh và đặc biệt là bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời (ví dụ: đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc áo sơ mi dài tay khi ra ngoài).
  • Mặc quần áo rộng rãi, mềm mại.
  • Thoa kem chống nắng vật lý cho vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thoa lại sau mỗi 2 giờ nếu đi nắng và sau khi tắm hoặc đổ mồ hôi.

Liên hệ với bác sĩ điều trị nếu bạn có các triệu chứng sau

  • Da hoặc lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng (nước tiểu sẫm màu kéo dài một ngày trở lên, phân bạc màu hoặc màu đất sét khi đi đại tiện từ 2 lần trở lên)
  • Ngứa nhiều, tăng dần theo thời gian.
  • Có vết bầm tím không biến mất trong vòng một tuần hoặc xuất hiện vết bầm tím mới trong 3 ngày liền.
  • Có các mảng màu hồng hoặc đỏ hoặc các vùng giống như phát ban trên da.

Tài liệu tham khảo

  1. https://yhoccongdong.org/thongtin/ton-thuong-da-trong-dieu-tri-ung-thu/
  2. https://yhoccongdong.org/thongtin/phat-ban-khi-dieu-tri-ung-thu/
  3. https://yhoccongdong.org/thongtin/ngua-o-nguoi-benh-ung-thu/
  4. https://yhoccongdong.org/thongtin/kho-da-o-nguoi-benh-ung-thu/
  5. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/physical-side-effects/skin-problems/skin-color-changes.html
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích