menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Liệu pháp Proton

user

Ngày:

21/08/2018

user

Lượt xem:

1020

Bài viết thứ 02/07 thuộc chủ đề “Xạ trị”

Liệu pháp Proton là một phương pháp xạ trị ung thư sử dụng các hạt proton. Nó còn được gọi là Liệu pháp chiếu chùm tia Proton.

Proton là hạt tích điện dương. Với mức năng lượng cao, các hạt proton có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Các bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp này đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp khác như chiếu xạ thông thường, phẫu thuật, hóa trị hoặc phương pháp miễn dịch.

Liệu pháp Proton là phương pháp xạ trị chiếu ngoài, sử dụng máy chiếu tia từ bên ngoài cơ thể, không gây đau đớn.

Liệu pháp Proton tác dụng như thế nào?

Một chiếc máy tên là Synchrotron hoặc Cyclotron tạo gia tốc cho các hạt proton. Tốc độ của hạt proton quyết định mức năng lượng của nó. Hạt proton có tốc độ càng cao thì có thể đi càng sâu vào trong cơ thể.

Khi đi vào vùng đích xạ trị, các hạt proton gây ra phản ứng bức xạ đặc hiệu ở khối u.

Với liệu pháp proton, phóng xạ không đi qua khối u nên chỉ ảnh hưởng đến vùng khối u. Với phương pháp sử dụng tia X, tia X có thể vẫn tiếp tục gây phản ứng phóng xạ khi nó đi xuyên qua cơ thể. Do đó phản ứng phóng xạ gây ra bởi tia X gây nhiều tổn thương cho các vùng mô lành lân cận hơn, gây nhiều tác dụng phụ hơn.

Bạn sẽ trải qua những gì?

Với liệu pháp proton, thông thường, bạn điều trị như bệnh nhân ngoại trú, không cần nằm viện.

Số buổi trị xạ phụ thuộc vào cơ quan và giai đoạn của ung thư. Bệnh nhân có thể điều trị 1 đến 5 buổi. Nếu bệnh nhân chỉ chiếu xạ một lần duy nhất với liều phóng xạ lớn và mạnh, nó còn có thể gọi là “Xạ phẫu”.

Kế hoạch điều trị

Giống như các phương pháp xạ trị khác, liệu pháp Proton cũng cần phải lên kế hoạch điều trị. Trước xạ trị, bạn phải chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Khi chụp, bạn được nằm trên bàn chụp ở vị trí giống như vị trí trong quá trình xạ trị. Bác sĩ cũng có thể dùng các vật dụng giúp bạn cố định tư thế nằm.

Các vật dụng giúp cố định tư thế

Vật dụng cần dùng phụ thuộc vào vị trí khối u. Nếu khối u ở vùng mắt, đầu, não, bạn có thể phải dùng mặt nạ được thiết kế phù hợp với khuôn mặt bạn. Việc này giúp khu trú tia xạ đến đúng đích điều trị.

Các vật dụng cố định được thiết kế vừa vặn với cỏ thể bạn, giúp bạn thoải mái hơn trong điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn thấy không thoải mái hoặc lo lắng, hãy nói cho bác sĩ hoặc các kĩ thuật viên biết. Họ quan tâm đến sự thoải mái của bạn, nói cho họ biết tư thế bạn thấy dễ chịu nhất.

Quá trình điều trị

Xạ trị sẽ được tiến hành ở một phòng chuyên biệt. Có khi bạn sẽ cần nằm trong/trên một thiết bị cố định.

Kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh tia xạ đi qua đúng vị trí được đánh dấu. Trước điều trị, họ sẽ chụp lại CT scan hoặc X-quang để chắc chắn bạn đang nằm đúng tư thế. Những hình ảnh khu trú khối u và trước điều trị này rất quan trọng cho việc thực hiện xạ trị chính xác. Bạn có thể hỏi bác sĩ của bạn xem liệu pháp Proton cho bạn có sử dụng những kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại này không.

Một số phòng xạ trị liệu pháp Proton chiếu tia xạ qua một giá dẫn. Giá dẫn tia có thể xoay và điều chỉnh dòng tia proton theo đúng góc cạnh chỉ định của bác sĩ. Kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh giá dẫn trước khi chiếu xạ.

Sau đó kỹ thuật viên và bác sĩ sẽ đi sang một căn phòng kế bên, họ sẽ nói chuyện với bạn qua một thiết bị ghi âm, ghi hình. Họ điều khiển máy xạ trị ở căn phòng đó.

Các hạt proton đi từ máy gia tốc Cyclotron hoặc Synchrotron, điện trường sẽ định hướng chúng đến vị trí khối u qua giá dẫn. Trong khoảng thời gian này, bạn cần cố gắng giữ nguyên tư thế, tránh di chuyển để giữ đúng vị trí khối u cho chiếu xạ.

Thời gian cho mỗi lần chiếu xạ

Thông thường, xạ trị sẽ kéo dài 15 đến 30 phút kể từ khi bạn bước vào phòng chiếu xạ. Tuy nhiên, khoảng thời gian này cũng có thể thay đổi do các yếu tố như:

  • Vị trí khối u thuộc bộ phận nào trên cơ thể
  • Số phần tách nhỏ trong buổi xạ trị
  • Số lần chụp X-quang và CT scan trước khi chiếu xạ

Bạn có thể hỏi bác sĩ, kĩ thuật viên về thời gian chiếu xạ. Đôi khi trong một buổi xạ trị, bác sĩ chỉ định chiếu xạ ở nhiều góc độ khác nhau, khi đó buổi chiếu xạ của bạn cần được chia thành nhiều phần tách nhỏ khác nhau. Khi đó, sau mỗi phần, kỹ thuật viên sẽ vào phòng chiếu để chỉnh lại vị trí của giá dẫn cho bạn. Họ cũng có thể điều chỉnh giá dẫn bằng điều khiển từ xa.

Đôi khi điều kiện về trang thiết bị cũng có hạn, bạn có thể phải đợi cho đến khi bệnh nhân khác kết thúc buổi xạ trị của họ mới có thể tiến hành buổi xạ trị của bạn.

Tác dụng phụ

Liệu pháp Proton không gây đây đớn. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp vấn đề về da như mẩn đỏ, ngứa, dị ứng, sưng tấy, bong chóc da. Nếu bạn sử dụng cả phương pháp hóa trị, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ khác.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bị ảnh hưởng của tác dụng phụ:

  • Phần cơ thể xạ trị
  • Kích cỡ khối u
  • Loại mô lành ở quanh khối u
  • Bạn có sử dụng kết hợp phương pháp hóa trị hay không

Bác sĩ sẽ cho bạn biết các tác dụng phụ mà bạn có thể gặp trong quá trình điều trị

Các loại ung thư có thể dùng liệu pháp Proton

Liệu pháp proton có thể hiệu quả trong các trường hợp sau:

  • Khối u nằm ở vị trí cần các phần quan trọng của cơ thể như mắt, não, tủy sống.
  • Ung thư mắt, não, tủy sống ở trẻ nhỏ. Liệu pháp proton giảm thiểu nguy cơ tổn thương cho các mô lành và đang phát triển.

Liệu pháp proton cũng có thể sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Ung thư hệ thống thần kinh trung ương bao gồm U nguyên sống (chordoma), Ung thư xương (chondrosarcoma), U màng não ác tính (malignant meningioma).
  • Các loại ung thư mắt: mống mắt, đồng tử,…
  • Ung thư vùng đầu cổ: như ung thư khoang mũi, xoang cạnh mũi, một số ung thư vùng hầu họng- mũi.
  • Ung thư phổi
  • Ung thư gan
  • Ung thư tiền liệt tuyến
  • Ung thư vùng xương sống, xương chậu, ung thư ở vùng mô mềm và xương.
  • Các khối u não không phải ung thư

Nguy cơ và lợi ích

So với xạ trị thông thường, liệu pháp proton có những lợi ích sau:

  • Hạn chế cường độ chiếu xạ cho các mô lành xung quanh khối u lên đến 60%, giảm nguy cơ tổn thương. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định chắc chắn lợi ích này. Bạn có thể hỏi bác sĩ của bạn về những phương pháp xạ trị chiếu ngoài tiên tiến khác như chiếu xạ định hình 3 chiều dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh (image-guided 3-dimensional conformal radiation therapy) hoặc xạ trị điều trỉnh cường độ (intensity modulated radiation therapy- IMRT).
  • Phương pháp này cho phép áp dụng liều chiếu xạ cao hơn cho khối u. Từ đó tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Bạn có thể hỏi bác sĩ liệu liều xạ trị cao có thể có lợi hơn cho bạn hay không.
  • Phương pháp này có thể giảm thiểu tác hại của các tác dụng phụ trong và sau điều trị. Bạn có thể hỏi bác sĩ sự khác biệt về tác dụng phụ của các phương pháp xạ trị chiếu ngoài khác.

Liệu pháp proton cũng có những hạn chế sau:

  • Chỉ có hiệu quả với một số loại ung thư nhất định.
  • Cần nhiều nghiên cứu để xác định và hiểu rõ các lợi ích của phương pháp này so với các phương pháp chiếu xạ ngoài tiên tiến khác.
  • Liệu pháp proton đòi hỏi cần có các trang thiết bị đặc biệt, chuyên dụng và đắt đỏ. Hiện nay chỉ mới có tại một vài cơ sở y tế ở Mỹ.
  • Chi phí cho dịch vụ y tế của phương pháp này cao hơn phương pháp xạ trị thông thường. Điều khoản về bảo hiểm có thể khác nhau cho các bệnh nhân. Bạn cần hỏi các công ty bảo hiểm của bạn để biết thêm thông tin.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/radiation-therapy/proton-therapy

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích