menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Cần sa – Thông tin dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe

user

Ngày:

02/11/2021

user

Lượt xem:

270

Bài viết thứ 17/53 thuộc chủ đề “Thảo mộc”

Biên dịch: Trần Nguyễn Đoan Thục

Hiệu đính: DS Điều Thị Ngọc Châu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Mskcc.org, tháng 06/2021

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 08/2021

Tên khoa học

Cannabis sativa

Tóm tắt lâm sàng

Cannabis sativa hay cần sa là một loại dược liệu ra hoa hàng năm có nguồn gốc từ Đông Á, nhưng hiện đã được trồng trên khắp thế giới. Loại cây này được sử dụng như nguồn cung cấp chất xơ công nghiệp, dầu hạt và một chất gây hung phấn từ hàng nghìn năm trước trên khắp các nền văn hóa. Cannabis sativa cũng được sử dụng trong y học cổ truyền như một loại thuốc giảm đau, gây ngủ và ảo giác, và sử dụng như một loại thuốc an thần và giảm viêm.

Các chế phẩm có chứa hoa (marijuana), lá, hashish (thuốc lá) tạo ra từ chiết xuất nhựa của cây được dùng bằng cách nuốt; hút/hít từ thuốc lá điếu, xì gà, tẩu thuốc, tẩu chứa nước, “blunts” (cần sa cuộn trong giấy bọc lá thuốc lá từ xì gà) hoặc bằng cách hóa hơi. Cồn thuốc cần sa, trà, thuốc mỡ và chiết xuất dạng dầu có thể được trộn vào các sản phẩm thực phẩm cũng rất phổ biến. Chất cấm này đang được sử dụng rộng rãi bởi hơn 147 triệu người trên toàn thế giới, chủ yếu là qua đường hô hấp. Do có khả năng bị lạm dụng và gây nghiện, Cần sa được phân loại là tác nhân thuộc Bảng I theo Đạo luật về các chất được kiểm soát vào năm 1970, tuy nhiên, việc sử dụng cần sa vẫn là một chủ đề gây tranh cãi ở Mỹ.

Các nghiên cứu dược lý trong vài thập kỷ qua cho thấy cannabinoid (tecpenoit) là thành phần hoạt tính trong cần sa. Delta-9-tetrahydrocannabinol (THC) là thành phần chính, cho tác động lên hệ thần kinh trong khi cannabidiol (CBD) – một cannabinoid, cũng là một thành phần chính khác nhưng không cho tác động lên hệ thần kinh và có thể điều hòa tác động của THC. THC có tác dụng chống loạn thần, chống co giật và giải lo âu. Khi dùng đồng thời THC và CBD, CBD được báo cáo là làm giảm các tác dụng phụ về thần kinh và tim mạch liên quan đến THC.

Cần sa – Thông tin dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe
Cần sa – Thông tin dành cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe

Các nghiên cứu nhỏ đã đánh giá tác dụng của cần sa trong giảm đau, các triệu chứng của rối loạn thần kinh, AIDS và ung thư.

Một đánh giá hệ thống trên 18 thử nghiệm lâm sàng (766 đối tượng) cho thấy tác dụng giảm đau đáng kể sau khi sử dụng cannabinoid trên bệnh lý thần kinh, đau cơ xơ hóa, viêm khớp dạng thấp và các cơn đau mãn tính hỗn hợp so với giả dược. Các đối tượng nghiên cứu đã sử dụng cần sa dạng hút, dạng xịt qua niêm mạc miệng chiết xuất từ cần sa, THC tổng hợp dạng dronabinol, nabilone (được FDA chấp thuận) hoặc chất tương tự THC.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu hồi cứu khác kéo dài 4 năm, liên quan đến 1.514 bệnh nhân đau mãn tính không liên quan ung thư, đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy tác dụng của cần sa trong việc giảm mức độ nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng do đau, hoặc tác dụng giảm đau opioid.

Một nghiên cứu tổng quan của Cochrane về bốn thử nghiệm được thực hiện trên 48 bệnh nhân động kinh, việc sử dụng CBD ngắn hạn được báo cáo là dung nạp tốt mà không có tác dụng phụ, tuy nhiên, do bằng chứng hạn chế nên không thể kết luận chắc chắn về hiệu quả này. Các nghiên cứu ngẫu nhiên  trên những bệnh nhân mắc hội chứng Lennox-Gastaut hoặc hội chứng Dravet, hai dạng động kinh hiếm gặp, đã cho thấy hiệu quả của Epidiolex – dung dịch CBD dùng đường uống, trong việc giảm tần suất các cơn động kinh.

Đây hiện là một loại thuốc được FDA chấp thuận. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy lợi ích của cannabinoids trong điều trị chứng co cứng và đau thần kinh ở bệnh nhân đa xơ cứng (MS). Viện Thần kinh học Hoa Kỳ đã ban hành Bản tóm tắt các Đánh giá hệ thống cho các nhà lâm sàng chỉ ra rằng chiết xuất cần sa dùng đường uống có hiệu quả trong việc giảm điểm số co cứng, đau thần kinh trung ương hoặc đau do co thắt liên quan đến đa xơ cứng, dựa trên dữ liệu do bệnh nhân báo cáo.

Kết luận từ một đánh giá hệ thống trên 79 thử nghiệm (6462 đối tượng) đã chỉ ra bằng chứng chất lượng thấp trong việc giải quyết vấn đề tăng cân do nhiễm HIV, rối loạn giấc ngủ, tăng cảm giác thèm ăn và hội chứng Tourette, cùng với nguy cơ tăng các tác dụng phụ ngắn hạn khác của cần sa. Việc khuyến cáo sử dụng cannabinoids để điều trị các triệu chứng rối loạn vận động, bệnh Parkinson và Huntington, hội chứng ruột kích thích và hội chứng nghiện đã được coi là không có hoặc không đủ bằng chứng chứng minh.

Các phát hiện tiền lâm sàng từ 34 nghiên cứu cho thấy tác dụng gây độc tế bào có chọn lọc của cannabinoids trong chống lại các tế bào u thần kinh đệm (bỏ qua các tế bào não bình thường) thông qua quá trình chết theo chu trình, gây độc, tự thực bào và hoại tử. Một thử nghiệm lâm sàng duy nhất thực hiện trên 9 bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm tái phát đã hóa trị, báo cáo không tìm thấy bất kỳ lợi ích nào khi áp dụng tiêm THC vào khối u, nhưng được dung nạp tốt. Dữ liệu từ một nghiên cứu ngẫu nhiên khác, gồm 21 bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm, trong đó sử dụng nabiximols (chứa THC + CBD) chiết xuất toàn phần từ thực vậtmiệng, vẫn chưa được công bố.

Đối với việc điều trị triệu chứng, các đánh giá hệ thống cho thấy rằng những bệnh nhân sử dụng các sản phẩm từ cần sa ít bị buồn nôn và nôn do hóa trị hơn so với những bệnh nhân dùng giả dược hoặc dùng thuốc chống nôn. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê và các phản ứng có hại bao gồm “cảm giác hưng phấn”, chóng mặt, an thần và khó thở đã được báo cáo, dẫn đến tỷ lệ từ bỏ điều trị cao. Đáng chú ý, theo các hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) năm 2017 về khuyến cáo sử dụng các thuốc chống nôn dronabinol và nabilone điều trị chứng buồn nôn và nôn đã kháng với các liệu pháp tiêu chuẩn.

Những phát hiện về hiệu quả của cần sa trong việc giảm đau do ung thư rất đáng khích lệ. Dữ liệu từ bốn thử nghiệm cho thấy hiệu quả giảm đau khi dùng THC đường uống và xịt nabiximols ở bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Một đánh giá trước đó đã kết luận mức độ bằng chứng của cannabinoids trong việc giảm đau do ung thư là trung bình.

Cần sa cũng đã được nghiên cứu trong việc cải thiện hội chứng chán ăn – suy mòn liên quan đến ung thư (CACS), nhưng cả chiết xuất cần sa và THC đều không cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng hoặc chất lượng cuộc sống theo một thử nghiệm ngẫu nhiên trên bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Các báo cáo ca bệnh bổ sung cho thấy rằng dronabinol có thể hữu ích trong việc kiểm soát chứng đổ mồ hôi ban đêm dai dẳng ở bệnh nhân ung thư.

Ở một bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào lympho, chiết xuất cannabinoid từ nhựa cây đã được báo cáo là có ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh phụ thuộc liều. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên không kiểm soát khác, dược liệu cần sa chứa THC được phát hiện tác dụng cải thiện giấc ngủ, khả năng hoạt động và chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân mắc u thần kinh đệm độ cao. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu quan sát hồi cứu cho thấy việc sử dụng đồng thời cần sa với liệu pháp miễn dịch nivolumab có liên quan đến việc giảm tỷ lệ đáp ứng khối u ở những bệnh nhân mắc ung thư hắc tố tiến triển, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào thận. Thời gian sống thêm bệnh không tiến triển và thời gian sống thêm toàn bộ không bị ảnh hưởng.

Mặc dù một số dữ liệu cho thấy những lợi ích tiềm năng, cần sa vẫn là một vấn đề gây tranh cãi vì việc sử dụng không nhằm mục đích y tế có liên quan đến nguy cơ nghiện cao, đặc biệt với đối tượng trẻ; nguy cơ phụ thuộc; phản ứng có hại; và hội chứng cai nghiện (cáu kỉnh, khó ngủ, rối loạn cảm xúc, thèm muốn và lo âu) khiến việc cai nghiện trở nên khó khăn, cuối cùng dẫn đến tái nghiện. Việc sử dụng cần sa cũng được báo cáo là làm tăng nguy cơ tạo ra sai lệch ký ức.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy công dụng của miếng dán nicotine trong việc giảm các triệu chứng tiêu cực liên quan đến cai nghiện ở những người mắc chứng rối loạn sử dụng cần sa. Ở những bệnh nhân nghiện cần sa, áp dụng nabiximols kết hợp với các can thiệp tâm lý xã hội có thể làm giảm việc sử dụng  cần sa. Tuy nhiên, các can thiệp không hiệu quả ở những người bị rối loạn hay có vấn đề tâm thần sử dụng cần sa từ sớm.

Cũng cần lưu ý rằng các loại thuốc cannabinoid tổng hợp gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với cần sa tự nhiên, bao gồm khó thở, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau ngực, co giật cơ, suy thận cấp, lo âu, kích động, rối loạn tâm thần, có ý định tự tử và suy giảm nhận thức.

Bất chấp những tranh cãi xung quanh việc sử dụng cần sa, California đã trở thành tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa cần sa để “sử dụng cho mục đích y tế” vào năm 1996. Tính đến tháng 5 năm 2021, cần sa đã được cho phép ở 35 tiểu bang khác và Quận Columbia (DC) như một thuốc điều trị, ngoài ra 16 bang và DC cũng cho phép sử dụng cần sa cho mục đích giải trí. Các chỉ định đủ điều kiện cho việc sử dụng cần sa trong y tế bao gồm các triệu chứng ung thư, đau không do ung thư, tăng nhãn áp, AIDS, động kinh và đa xơ cứng.

Tuy nhiên, việc sử dụng cần sa vẫn là bất hợp pháp theo luật liên bang. Sau khi xem xét các bằng chứng khoa học có sẵn, Viện Y học và Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia  khuyến khích nên thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để phát triển sự hiểu biết toàn diện về tác động sức khỏe của cần sa, để cung cấp bằng chứng cho chính sách về cần sa y tế. Các rào cản nghiên cứu bao gồm các vấn đề quy định liên quan đến FDA, Cơ quan phòng chống ma túy, Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh; việc mua cần sa cho các nghiên cứu; và những thách thức về phương pháp luận trong việc thiết lập một đường dùng có thể chấp nhận được và liều lượng tiêu chuẩn.

Mục đích sử dụng

  • Đau
  • Tăng nhãn áp
  • Buồn nôn và nôn do hóa trị
  • Rối loạn tâm trạng
  • Ngủ
  • Kích thích sự thèm ăn
  • Đa xơ cứng
  • Co cứng
  • Động kinh
  • Điều trị ung thư

Cơ chế hoạt động

Cannabinoid là thành phần hoạt tính, bắt chước các cannabinoid nội sinh và hoạt động dựa trên cơ chế qua trung gian thụ thể. THC có tác dụng làm giảm căng thẳng thần kinh và giảm đau bằng cách hoạt động như một chất chủ vận một phần các thụ thể cannabinoid CB1 (biểu hiện chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương) và CB2 (liên quan đến hệ thống miễn dịch). CB1 và ​​CB2 là các thụ thể bắt cặp với protein G, và được kích hoạt thông qua ức chế adenylate-cyclase. Việc hoạt hóa lần lượt ức chế sự giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine và glutamate, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến các thụ thể opioid và serotonin, axit gamma-aminobutyric và N-methly-D-asparat. Nabilone có tác dụng chống nôn thông qua khả năng kích hoạt các thụ thể CB trong não, có tác dụng điều hòa buồn nôn và nôn.

CBD phát huy tác dụng thông qua các cơ chế: kích hoạt thụ thể serotonin 5-HT 1A; ức chế sự tái hấp thu và / hoặc chuyển hóa của anandamide một endocannabinoid; kích hoạt các kênh TRPV1; ức chế tái hấp thu adenosin; chủ vận thụ thể PPAR-gamma; gia tăng các ion canxi nội bào; cũng như thông qua tác động chống oxy hóa.

Sau khi hít cần sa, THC có thể được phát hiện trong huyết tương trong vòng vài giây, và đạt nồng độ đỉnh trong vòng 3-10 phút. Sinh khả dụng của THC thay đổi và phụ thuộc vào độ sâu của quá trình hít vào, thời gian thở ra và thời gian nín thở. Sinh khả dụng toàn thân được ước tính khoảng 23-27% đối với người dùng nhiều; và 10-14% cho người dùng không thường xuyên.

Sau khi bắt đầu hút thuốc (thuốc lá chứa 15,8 hoặc 33,8 mg THC), nồng độ THC tối đa trong huyết tương (84,3 và 162,2 ng/mL) đạt được sau khoảng 8 phút và trong vòng 3-4 giờ, giảm nhanh xuống 1-4 ng/mL.

Khi so sánh với hút và hít thuốc, sự hấp thu toàn thân sau khi dùng đường uống chậm hơn, với nồng độ tối đa trong huyết tương của THC đạt được trong 1-2 giờ (4,4-11 ng/mL đối với 20 mg; và 2,7-6,3 ng/mL đối với 15 mg). THC bị chuyển hóa đáng kể ở gan, thông qua quá trình hydroxyl hóa và oxy hóa ở microsome được xúc tác bởi các enzym của phức hợp cytochrom P450, dẫn đến khả năng làm giảm sinh khả dụng đường uống của THC từ 4-12%.

Phần lớn cần sa (80-90%) được đào thải trong vòng 5 ngày dưới dạng các chất chuyển hóa hydroxyl hóa và carboxyl hóa (hơn 65% cần sa được thải qua phân, với khoảng 20% ​​qua nước tiểu). Cũng cần lưu ý rằng mức THC tồn dư có thời gian bán thải là 1,3 ngày ở người dùng không thường xuyên so với 5-13 ngày ở người dùng thường xuyên.

Dữ liệu về cannabidiol cho thấy thời gian bán thải từ 1,4 đến 10,9 giờ khi dùng đường xịt vào niêm mạch miệng; 2–5 ngày khi dùng đường uống dài ngày; 24 giờ khi tiêm tĩnh mạch; và 31 giờ sau khi hút thuốc. Sinh khả dụng sau khi hút thuốc là 31%, nhưng vẫn chưa xác định được với các đường dùng khác. Nồng độ tối đa đạt được nhanh hơn nhiều sau khi hút và hít so với đường uống và đường xịt niêm mạc miệng. Tmax đã được báo cáo là đạt được trong khoảng từ 0 đến 4 giờ.

Chống chỉ định

Những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, tim mạch, thận hoặc gan không nên sử dụng các sản phẩm từ cần sa.

Phản ứng có hại

  • Các phản ứng có hại ngắn hạn sau khi sử dụng cần sa y tế bao gồm chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, mệt mỏi, buồn ngủ, hưng phấn, nôn, mất phương hướng, buồn ngủ, lú lẫn, mất thăng bằng và ảo giác.
  • Mắc viêm phế quản mãn tính ở những người thường xuyên sử dụng các sản phẩm từ cần sa cao hơn so với những người không sử dụng.
  • Hút cần sa có liên quan đến các biến cố như: nhồi máu cơ tim, đột tử do tim, bệnh cơ tim, đột quỵ, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua và viêm động mạch do cần sa.
  • Sử dụng cần sa có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim tuy hiếm gặp nhưng có nguy cơ dọa tính mạng; hội chứng mạch vành cấp tính và bệnh tim mạch mãn tính.
  • Sử dụng cần sa lâu ngày được chứng minh là có hại cho sự kết nối chức năng ở não đang phát triển.
  • Nguy cơ nghiện.
  • Hội chứng cai nghiện (cáu kỉnh, khó ngủ, rối loạn cảm xúc, thèm muốn và lo lắng) khi ngừng thuốc.
  • Hội chứng buồn nôn do cần sa (CHS), đặc trưng bởi các cơn buồn nôn và nôn theo chu kỳ ở những người dùng cannabinoid lâu ngày, được cho là dẫn đến hai trường hợp tử vong. Trong một loạt trường hợp khác, bốn bệnh nhân được báo cáo có sự giảm nhẹ hội chứng buồn nôn do cần sa (CHS) sau khi dùng benzodiazepin.
  • Bệnh lý cơ tim không do thiếu máu cục bộ và bệnh lý tim mạch tắc nghẽn mạch máu: Ở một người hút cần sa dành cho mục đích giải trí + hút thuốc lá, được báo cáo bị hoại thư cẳng tay trái do huyết khối động mạch hướng tâm trái. Bệnh nhân được điều trị trong tình trạng suy tim mất bù, với tay phải bị hoại tử cần phải cắt cụt.
  • Tỷ lệ mắc bệnh tiền phẫu ở những bệnh nhân phẫu thuật cột sống tự chọn: Một phân tích hồi cứu lớn cho thấy lạm dụng cần sa có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc bệnh tiền phẫu ở những bệnh nhân phẫu thuật cột sống.

Tương tác Thuốc – Dược liệu

  • Chất nền cytochrome P450: Hút cần sa cảm ứng CYP1A2, tăng tác dụng phụ khi hút cùng với thuốc lá và có thể ảnh hưởng đến nồng độ nội bào của các thuốc được chuyển hóa bởi enzym này.
  • Cơ chất cytochrome P450: Ở thử nghiệm vitro, CBD ức chế mạnh CYP2C19 và CYP2C9. Sự liên quan về mặt lâm sàng không được làm rõ.
  • Liệu pháp miễn dịch (nivolumab): Việc sử dụng chung với cần sa có liên quan đến việc giảm tỷ lệ đáp ứng điều trị ở những bệnh nhân mắc ung thư hắc tố tiến triển, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và ung thư biểu mô tế bào ở thận (theo nghiên cứu quan sát).
  • Warfarin: THC và CBD đều tăng mức đông máu (INR).
  • Fluoxetin: Báo cáo ca bệnh cho thấy xảy ra triệu chứng hưng cảm do sử dụng đồng thời cần sa.
  • Disulfiram: Mê sảng và hưng cảm nhẹ do dùng chung cần sa.
  • Amphetamin, cocain, atropin và các thuốc cường giao cảm: Độc tính trên tim có thể xảy ra khi dùng chung với cần sa thông qua tăng huyết áp và nhịp tim nhanh.
  • Thuốc an thần hoặc thuốc ngủ: An thần và các tương tác dược lực học đáng kể khi dùng chung với cần sa thông qua việc tăng cường tác dụng trên thần kinh trung ương.
  • Chất nền P-glycoprotein: CBD ức chế P-glycoprotein và có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của một số loại thuốc. Sự liên quan về mặt lâm sàng không được làm rõ.
  • Clobazam: CBD làm tăng nồng độ clobazam ở trẻ em bị động kinh.
  • Buprenorphie: Một nghiên cứu hồi cứu cho thấy việc sử dụng cần sa làm giảm sự hình thành norbuprenorphin và tăng nồng độ buprenorphin và norbuprenorphin ở những người có chức năng gan bình thường khi điều trị duy trì opioid thay thế bằng buprenorphin. Tương tác này có thể dẫn đến tăng hoặc thay đổi hoạt tính opioid và nguy cơ nhiễm độc.
  • Citalopram / Escitalopram: CBD làm tăng đáng kể nồng độ citalopram trong huyết tương ở những bệnh nhân dùng citalopram hoặc escitalopram. Nhưng vẫn chưa rõ liệu điều này có làm tăng các tác dụng phụ qua trung gian SSRI hay không.

Tài liệu tham khảo

https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/cannabis

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích