menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Bảo tồn khả năng sinh sản đối với phụ nữ mắc ung thư

user

Ngày:

10/12/2019

user

Lượt xem:

310

Bài viết thứ 03/06 thuộc chủ đề “Vấn đề tình dục”

Người dịch: Hà Xuân Nam

Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 4/2018

Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 10/2019

Rất nhiều các phương pháp điều trị ung thư có ảnh hưởng tạm thời hoặc vĩnh viễn lên khả năng sinh sản ở nữ giới. Khả năng sinh sản có nghĩa là khả năng có thể mang thai. Vô sinh là tình trạng không có khả năng mang thai hoặc duy trì thai kỳ.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe. Bạn nên hỏi xem điều trị có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản. Và hỏi về các lựa chọn để có thể bảo tồn khả năng sinh sản.

Điều trị ung thư ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản

Ảnh hưởng của bệnh ung thư hoặc điều trị ung thư đến vấn đề sinh sản xảy ra theo 2 cách chính:

  • Tổn thương các cơ quan liên quan đến sinh sản, chẳng hạn như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung
  • Tổn thương các cơ quan liên quan đến việc sản xuất hormone, chẳng hạn như buồng trứng

Buồng trứng lưu trữ trứng của người phụ nữ. Tổn thương các cơ quan này có thể làm giảm dự trữ buồng trứng. Dự trữ buồng trứng là tổng số trứng chưa trưởng thành ở cả hai buồng trứng. Ngay khi được sinh ra, người phụ nữ đã có tất cả số trứng để thực hiện chức năng sinh sản. Một khi những quả trứng này bị mất, chúng không thể được thay thế. Mất những quả trứng khỏe mạnh gây vô sinh và mãn kinh sớm.

Các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Những phương pháp điều trị ung thư dưới đây đã được biết đến có thể gây tác dụng phụ lên khả năng sinh sản:

Hóa trị. Hóa trị liệu, đặc biệt là các loại thuốc thuộc nhóm alkylating, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản:

  • Busulfan (Busulfex, Myleran)
  • Carmustine (BiCNU)
  • Clorambucil (Leukeran)
  • Cyclophosphamide (Neosar)
  • Doxorubicin (Adriamycin)
  • Lomustine (CeeNU)
  • Mechlorethamine (Mustargen)
  • Melphalan (Alkeran)
  • Procarbazine (Matulane)

Xạ trị. Xạ trị ở những cơ quan sau có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản:

  • Vùng bụng
  • Xương chậu
  • Cột sống dưới
  • Buồng trứng và vùng lân cận
  • Tử cung
  • Tuyến yên
  • Toàn bộ cơ thể, để ghép tủy xương

Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan sinh dục có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản:

  • Tử cung, trong phẫu thuật cắt tử cung
  • Cổ tử cung, trong phẫu thuật cắt tử cung hoặc cắt bỏ cổ tử cung nhằm bảo tồn thân tử cung
  • Cắt một hoặc cả hai buồng trứng, trong phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ các hạch bạch huyết vùng chậu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Làm thế nào để được hỗ trợ trong vấn đề sinh sản

Bạn có thể đến khám tại bác sĩ nội tiết sinh sản. Đây là bác sĩ chuyên khoa về các bệnh liên quan đến sinh sản, trong số đó, sẽ có một số bác sĩ chuyên về các vấn đề sinh sản trong ung thư.

Đánh giá kinh nguyệt và khả năng sinh sản sau điều trị ung thư

Phụ nữ có kinh nguyệt sau khi điều trị ung thư vẫn có khả năng mang thai. Tuy nhiên, kinh nguyệt không phải là bằng chứng cho thấy bạn có khả năng sinh sản.

Ở một số phụ nữ, việc điều trị ung thư làm ngừng hẳn chu kỳ kinh nguyệt. Điều này được gọi là mãn kinh sớm, và nó gây ra vô sinh vĩnh viễn.

Ở một số trường hợp khác, chu kỳ kinh nguyệt chỉ dừng lại tạm thời trong quá trình điều trị và sau đó hồi phục lại. Phụ nữ có kinh nguyệt sau hóa trị vẫn có thể có khả năng mang thai. Ngay cả khi một người phụ nữ trong quá trình điều trị vẫn có kinh nguyệt và sau đó vẫn có khả năng sinh con cũng có thể đã bị giảm khả năng sinh sản hoặc bị mãn kinh sớm.

Ở những phụ nữ lớn tuổi hoặc chịu liều xạ trị hoặc liều hóa chất lớn hơn thì thời gian có kinh trở lại thường dài hơn, và khả năng hành kinh trở lại cũng thấp hơn.

Bạn có thể được giới thiệu làm các xét nghiệm dự trữ buồng trứng. Xét nghiệm này bao gồm các xét nghiệm nội tiết rất nhạy như hormone kháng Müllerian.

Trẻ em và phụ nữ trẻ thường có số lượng trứng dự trữ lớn hơn so với các phụ nữ nhiều tuổi hơn. Họ cũng ít khi bị mãn kinh đột ngột hoặc vô sinh ngay sau khi tiến hành hóa trị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các phụ nữ trẻ sẽ không bị vô sinh. Với xạ trị vùng chậu, vùng bụng dưới và hóa trị liều cao, ngay cả trẻ em cũng có thể bị mãn kinh ngay lập tức.

Mang thai sau điều trị ung thư

Để có thể mang thai mà không cần hỗ trợ sinh sản, bạn cần:

  • Có ít nhất một buồng trứng khỏe mạnh với đủ số trứng dự trữ cần thiết
  • Một ống dẫn trứng khỏe mạnh
  • Tử cung khỏe mạnh để em bé có thể phát triển
  • Có đủ lượng các hormone cần thiết

Tuy nhiên, một số trường hợp nên chờ đợi một thời gian trước khi mang thai, và khoảng thời gian này phụ thuộc vào:

  • Loại và giai đoạn ung thư
  • Phương pháp điều trị
  • Độ tuổi của bệnh nhân

Ví dụ, người phụ nữ điều trị theo liệu pháp nội tiết tố cần trì hoãn mang thai trong một thời gian.

Trì hoãn mang thai cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản, bởi số trứng dự trữ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, nên cân nhắc các biện pháp bảo tồn sinh sản.

Tham khảo thêm để biết có con sau khi điều trị ung thư.

Các phương pháp bảo tồn sinh sản

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ASCO) khuyến cáo tất cả các phụ nữ bị ung thư nên tham vấn với bác sĩ về nguy cơ vô sinh và các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản càng sớm càng tốt trước khi được tiến hành điều trị. Nếu lựa chọn các phương pháp bảo tồn sinh sản, bạn nên nói chuyện với các chuyên gia về lĩnh vực này ngay cả khi không chắc chắn muốn có con trong tương lai.

Phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ được lựa chọn dựa trên:

  • Độ tuổi
  • Tình trạng sức khỏe của người phối ngẫu
  • Sự trưởng thành về thể chất và sinh dục
  • Nguyện vọng cá nhân

ASCO khuyến cáo các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ bao gồm:

Đông lạnh phôi. Đây là phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ thành công nhất, còn được gọi là thụ tinh nhân tạo. Người phụ nữ uống thuốc kích trứng trong hai tuần, sau đó trứng sẽ được lấy ra, thụ tinh trong phòng thí nghiệm rồi đông lạnh để dành cho sau này.

Đông lạnh noãn (trứng chưa thụ tinh). Phương pháp này tương tự với đông lạnh phôi, chỉ khác là trứng chưa được thụ tinh. Phương pháp này áp dụng cho những phụ nữ chưa chồng, và tỉ lệ thành công thấp hơn một chút so với đông lạnh phôi.

Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản. Một số phẫu thuật cổ tử cung hoặc buồng trứng có thể bảo tồn khả năng sinh sản.

  • Phẫu thuật ung thư cổ tử cung: đôi khi phẫu thuật viên chỉ cắt bỏ cổ tử cung mà vẫn giữ nguyên tử cung. Điều này cho phép người phụ nữ có thể sinh con qua phẫu thuật lấy thai (C-section). Đây là một lựa chọn cho những phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm.
  • Phẫu thuật ung thư buồng trứng: đôi khi chỉ cần cắt bỏ một bên buồng trứng, áp dụng cho những phụ nữ mắc ung thư giai đoạn sớm khu trú ở một bên buồng trứng. Điều này giúp bảo tồn bên buồng trứng khỏe mạnh để sinh sản và tránh bị mãn kinh sớm.

Xạ trị bảo tồn buồng trứng. Một số phụ nữ chỉ cần xạ trị một bên buồng trứng, và điều này giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Một phương pháp khác là cố định buồng trứng, phẫu thuật viên sẽ di chuyển một hoặc cả hai buồng trứng sao cho tia xạ không thể chiếu vào, sau đó đặt chúng lại vị trí cũ sau khi xạ trị xong. Tuy nhiên, cách này không phải lúc nào cũng thành công. Xạ trị không phải lúc nào cũng chính xác và vẫn có thể chiếu vào buồng trứng cũng như mạch cấp máu cho buồng trứng.

Ức chế buồng trứng. Đây là một phương pháp thăm dò để bảo tồn sinh sản, bằng cách dùng hormone ức chế chức năng buồng trứng. Điều này có thể bảo vệ trứng, tránh các ảnh hưởng bởi điều trị. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu chưa chứng minh được hiệu quả của phương pháp này và chúng thường không được khuyến khích khi mà các lựa chọn bảo tồn sinh sản tiêu chuẩn khác có sẵn.

Bảo tồn mô buồng trứng. Phương pháp này cần phẫu thuật lấy mô buồng trứng ra và làm đông lạnh, sau đó cấy ghép trở lại khi hoàn thành quá trình điều trị. Phương pháp này có lẽ là lựa chọn duy nhất đối với các bé gái khi không thể tiến hành đông lạnh phôi hoặc đông lạnh noãn.

Đã có nhiều phụ nữ mang thai bằng các phương pháp trên và chúng vẫn đang được cải thiện từng ngày.

Tham khảo thêm khuyến cáo bảo tồn sinh sản tại website của ASCO.

Cân nhắc chọn lựa biện pháp bảo tồn sinh sản

Không phải phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Hãy cân nhắc những điều sau:

  • Chi phí cho phương pháp muốn lựa chọn
  • Tỉ lệ thành công giữa các phương pháp
  • Các ảnh hưởng tâm lý tới bệnh nhân, khi bệnh nhân đang trong giai đoạn đầy căng thẳng.

Bạn cần tham vấn với bác sĩ khi quyết định bảo tồn sinh sản.

Các câu hỏi bệnh nhân có thể hỏi trước khi điều trị

Bệnh nhân có thể tham khảo một số câu hỏi dưới đây để hỏi bác sĩ:

  • Phương pháp điều trị sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như thế nào?
  • Khả năng vô sinh là tạm thời hay vĩnh viễn?
  • Có phương pháp điều trị nào ít ảnh hưởng hơn không?
  • Phương pháp bảo tồn sinh sản nào thích hợp nhất?
  • Các phương pháp này có làm trì hoãn điều trị không? Nếu có, nó ảnh hưởng đến khả năng phục hồi như thế nào?
  • Phương pháp bảo tồn sinh sản có ảnh hưởng tới nguy cơ tái phát ung thư hay không?
  • Có nên nói chuyện với bác sĩ nội tiết sinh sản không?
  • Những thử nghiệm lâm sàng nào sẵn có?
  • Nơi có thể hỗ trợ các vấn đề sinh sản?
  • Nơi có thể giúp đỡ việc nói chuyện với bạn tình về khả năng sinh sản?
  • Sau khi điều trị, làm thế nào để biết chức năng sinh sản đã hồi phục?

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/dating-sex-and-reproduction/fertility-concerns-and-preservation-women

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích