menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Thông tin chung về Ginkgo (Bạch quả)

user

Ngày:

21/01/2022

user

Lượt xem:

378

Bài viết thứ 37/53 thuộc chủ đề “Thảo mộc”

Biên dịch: Nguyễn Khánh Linh 

Hiệu đính: DS. Đặng Hoài Thu – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Tên thông thường

  • Cây bạch quả
  • Cây ngân hạnh
  • Fossil tree
  • Maiden tree
  • Kew tree

Thông tin chung về Ginkgo (Bạch quả)

Thông tin dành cho bệnh nhân và người chăm sóc

Hãy thông báo với bác sĩ về các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng, chẳng hạn như thảo mộc, vitamin, khoáng chất và thuốc đông y, thuốc nam, bài thuốc gia truyền. Điều này sẽ giúp bác sĩ quản lý việc chăm sóc và đảm bảo an toàn cho bạn.

Ginkgo là gì?

Ginkgo biloba (Bạch quả) là một trong các loài thực vật lâu đời nhất. Hạt và lá bạch quả được sử dụng trong Đông y. Hiện nay trên thị trường còn có dạng viên nang, chiết xuất cao bạch quả, viên nén và trà bạch quả.

Bạch quả được dùng với mục đích gì?

  • Tăng cường trí nhớ
  • Tăng tuần hoàn máu
  • Điều trị chứng ù tai

Bạch quả còn được dùng với các mục đích khác mà chưa được khoa học chứng minh.

Các thực phẩm chức năng chứa bạch quả có thể tương tác với các thuốc và ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của thuốc. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bạn sử dụng các thực phẩm chức năng này. Tham khảo thêm phần “Tôi cần biết thêm thông tin gì về bạch quả” dưới đây.

Bạch quả có các tác dụng không mong muốn nào?

  • Các tác dụng không mong muốn của thực phẩm chức năng chứa bạch quả có thể bao gồm hạ natri máu.

Tôi cần biết thêm thông tin gì về bạch quả?

  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng các thuốc làm loãng máu như Warfarin (Coumadin, Jantoven…). Bạch quả có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có tiền sử động kinh. Bạch quả có thể làm tăng nguy cơ động kinh.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng Efavirenz (Sustiva) để điều trị HIV. Bạch quả có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang dùng Midazolam (Versed) để điều trị chứng lo âu, mất ngủ hay động kinh. Bạch quả có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang dùng Insulin. Bạch quả có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
  • Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng các thuốc như Procloperazin (Compazine). Bạch quả có thể làm tăng nguy cơ co giật khi bạn sử dụng đồng thời với thuốc này.

Thông tin dành cho cán bộ y tế

Tên khoa học

  • Ginkgo biloba

Tóm tắt lâm sàng

Ginkgo biloba (bạch quả) là một trong những loài thực vật lâu đời nhất. Loài cây này được trồng trên toàn thế giới do có các đặc tính y học và giá trị thẩm mỹ cao. Hạt và lá của cây đã được sử dụng trong Đông y để điều trị các bệnh về đường hô hấp, rối loạn tuần hoàn, rối loạn chức năng sinh dục và suy giảm thính lực. Bạch quả cũng được lưu hành trên thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng nhằm hỗ trợ trí nhớ và tuần hoàn.

Các nghiên cứu trên lâm sàng bao gồm nghiên cứu lớn GEM (Ginkgo Evaluation of Memory) cho thấy việc bổ sung bạch quả không làm cải thiện tình trạng nhận thức hay ngăn ngừa bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ. Ngoài ra, các tác dụng có lợi của bạch quả được đánh giá từ các nghiên cứu trước đó không còn được xác nhận trong các nghiên cứu gần đây. Một số nghiên cứu tổng quan hệ thống kết luận không đủ bằng chứng chứng minh bạch quả có bất kì tác dụng có lợi nào ở người trưởng thành khỏe mạnh hoặc người suy giảm nhận thức nhẹ.

Mặc dù có hai thử nghiệm cho thấy lợi ích tiềm năng của bạch quả trên bệnh đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính, tuy nhiên một nghiên cứu trên những người lớn tuổi hơn ghi nhận tỉ lệ đột quỵ tăng lên và một phân tích tổng hợp đã cho thấy các bằng chứng nhìn chung còn yếu với nguy cơ sai lệch cao. Ngoài ra, nghiên cứu lớn GEM không ghi nhận lợi ích của bạch quả trong việc làm giảm tỉ lệ mắc hay tỉ lệ tử vong của các bệnh tim mạch. Kết quả các nghiên cứu tác dụng của bạch quả trên chứng ù tai hay các tình trạng bệnh lý khác như ADHD còn mâu thuẫn.

Các nghiên cứu về bạch quả trên bệnh nhân ung thư còn khá hạn chế, và dữ liệu thứ cấp từ kết quả của nghiên cứu GEM nói trên không ủng hộ việc sử dụng bạch quả nhằm giảm nguy cơ mắc ung thư. Bạch quả cũng không hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng rối loạn chức năng nhận thức liên quan đến hóa trị liệu ở bệnh nhân ung thư vú.

Mặc dù một số dữ liệu sơ bộ cho rằng bạch quả có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, tuy nhiên các thử nghiệm trên động vật cho thấy sử dụng Ginkgo liều cao có thể dẫn đến mắc ung thư gan. Cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận lại các kết quả này.

Mục đích sử dụng

  • Bệnh tim mạch
  • Mất trí nhớ
  • Ù tai

Cơ chế tác dụng

Bạch quả tương tác với một số enzym cytochrom P450. Sử dụng chiết xuất của bạch quả trước khi điều trị có thể gây cảm ứng biểu hiện các protein CYP3A, mARN và làm tăng hoạt enzym CYP3A. Bạch quả ức chế hoạt tính xúc tác enzym CYP2B6 và hydroxyl hóa bupropion. Bạch quả có thể làm giảm viêm nội mô gây ra bởi nồng độ glucose cao thông qua ức chế sự kích hoạt interleukin-6 và việc sử dụng lặp lại bạch quả nhiều lần làm tăng sinh tế bào và biệt hóa nguyên bào thần kinh. Các flavonoid có trong chiết xuất bạch quả gây ức chế sinh tổng hợp estrogen thông qua ức chế men aromatase, giảm mARN CYP19 và ức chế phiên mã.

Các đặc tính ngăn ngừa ung thư của bilobalide – một trilacton terpen, có thể nhờ các thay đổi trong quá trình tăng sinh tế bào và thay đổi trong hoạt động của enzym chuyển hóa thuốc. Các polysaccharid exocarp từ bạch quả gây ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các gen c-myc, bcl-2 và c-fos từ đó có thể ức chế sự tăng sinh, cảm ứng quá trình apoptosis và sự biệt hóa của các tế bào u dạ dày trên người.

Các phản ứng có hại

  • Hạ natri máu: Gặp ở một số trường hợp, bao gồm các triệu chứng lú lẫn, khó chịu, đau đầu và mệt mỏi. Natri máu trở về mức bình thường sau khi ngừng sử dụng bạch quả.
  • Xuất huyết tự phát: Bao gồm các ổ tụ máu, xuất huyết tiền phòng, xuất huyết não và xuất huyết trong não.
  • Thời gian chảy máu kéo dài: Xảy ra ở một số người tình nguyện khỏe mạnh trong một nghiên cứu dược lực học đánh giá sự tương tác của bạch quả với thuốc chống kết tập tiểu cầu.
  • Co giật: Xảy ra ở những bệnh nhân nguy cơ cao hoặc những bệnh nhân đang sử dụng thuốc làm giảm ngưỡng co giật.
  • Phản ứng trên da: Gây ngứa và ban đỏ hoàng điểm ở một người đàn ông sau khi sử dụng nhiều lần một sản phẩm có chứa bạch quả và Vinpocetine.
  • Thiếu máu tán huyết cấp tính (bạch quả dùng đường tiêm): Gặp trên một bệnh nhân bị thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) được tiêm G. biloba để dự phòng sa sút trí tuệ. Các triệu chứng được giải quyết sau khi truyền dịch và ngừng sử dụng G. biloba.

Tương tác thuốc – thảo dược

  • Chất nền cytochrome P450: Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và báo cáo ở một số trường hợp cho thấy: bạch quả có thể gây ức chế và cảm ứng các enzym CYP450 1A2, 2D6 và 3A4, tuy nhiên các dữ liệu hiện còn mâu thuẫn. Mối liên quan trên lâm sàng vẫn chưa được xác định.
  • Chất nền P-glycoprotein: Ở những tình nguyện viên khỏe mạnh, bạch quả ức chế P-glycoprotein và có thể ảnh hưởng tới các thuốc được vận chuyển bởi P-glycoprotein.
  • Chất nền UGT (Uridine 5’-diphospho-glucuronosyltransferase): Trong các nghiên cứu ống nghiệm, bạch quả điều hòa các enzym UGT và có thể làm tăng tác dụng phụ của các thuốc do UGT chuyển hóa. Mối liên quan trên lâm sàng vẫn chưa được xác định.
  • Chất nền MATE1: Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra Isorhamnetin, một hợp chất có trong bạch quả là một chất ức chế mạnh chất vận chuyển nhiều thuốc cũng như các hợp chất độc và ở người 1 (hMATE1), chịu trách nhiệm bài tiết các loại thuốc khác nhau ở thận và gan. Mối liên quan trên lâm sàng vẫn chưa được xác định.
  • Thuốc chống đông máu/ Chống kết tập tiểu cầu: Các nghiên cứu trên người và các trường hợp được báo cáo cho thấy bạch quả có thể gây ra chảy máu hoặc kéo dài thời gian chảy máu.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Các báo cáo phản ứng có hại của thuốc chỉ ra bạch quả có thể có tác dụng hiệp đồng gây chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu.
  • Thuốc chống loạn thần / Prochlorperazine: Các trường hợp được báo cáo cho thấy bạch quả có thể gây co giật khi kết hợp với các loại thuốc làm giảm ngưỡng co giật.
  • Insulin: Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên người cho thấy bạch quả có thể làm thay đổi sự bài tiết Insulin và ảnh hưởng đến mức đường huyết.
  • Trazodone: Chiết xuất bạch quả có liên quan đến tình trạng hôn mê ở một bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer đồng thời cũng đang sử dụng Trazodone.
  • Efavirenz: Các trường hợp được báo cáo cho thấy bạch quả có thể ức chế tác dụng của thuốc này.
  • Midazolam: Một nghiên cứu ở những đối tượng khỏe mạnh cho thấy bạch quả có thể làm giảm nồng độ Midazolam trong huyết thanh.
  • Amlodipin: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy một công thức dược liệu tổng hợp có chứa bạch quả có thể gây ức chế sự chuyển hóa của Amlodipin. Mối liên quan trên lâm sàng vẫn chưa được xác định.

Tài liệu tham khảo

https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/ginkgo

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích