menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Tiểu dầm ở trẻ em

user

Ngày:

15/07/2018

user

Lượt xem:

553

Bài viết thứ 46/46 thuộc chủ đề “Tiếp cận triệu chứng”

Bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ khi thấy trẻ hay tiểu không tự chủ vào ban đêm và thậm chí cả ban ngày cần phải bình tĩnh, thông cảm và kiên nhẫn khắc phục vấn đề này cho trẻ. Đây là một rối loạn tiểu tiện do trẻ mất kiểm soát việc đi tiểu, mà người ta thường gọi là tiểu dầm. Hiện tượng này thường gặp nhiều ở trẻ em và thường tự hết theo thời gian nên nhiều người sẽ nghĩ rằng tiểu dầm là bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên việc những trẻ còn đang tập đi tiểu gặp phải khó khăn trong kiểm soát đi tiểu sẽ làm trẻ rất ngại ngùng, lúng túng và có thể gây ra nhiều phiền toái. Điều quan trọng là vấn đề này hiện có thể điều trị bằng nhiều biện pháp.

Hệ tiết niệu hoạt động như thế nào?

Tiểu tiện là hoạt động phức tạp thực hiện nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan: Bàng quang có hình quả bong bóng nằm ở phần thấp nhất của bụng. Bàng quang chứa nước tiểu, sau đó thải ra ngoài qua niệu đạo, là một ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể. Điều hòa hoạt động này liên quan đến thần kinh, cơ, tủy sống và não bộ.

Bàng quang cấu tạo từ 2 loại cơ: cơ trơn tạo hình túi chứa nước tiểu và co lại để làm rỗng bàng quang; và cơ thắt, một nhóm cơ vòng ở đáy hay cổ bàng quang co bóp tại chỗ tự động giúp nước tiểu chảy vào niệu đạo. Ngoài ra có nhóm cơ thứ ba nằm dưới bàng quang (cơ đáy chậu) khi co giúp giữ nước tiểu lại.

Bàng quang ở trẻ chứa nước tiểu tới một ngưỡng nào đó thì tự động co bóp tống nước tiểu đi. Khi lớn lên, hệ thần kinh hoàn thiện, não trẻ bắt đầu phát tín hiệu bàng quang đầy nước tiểu và gửi tín hiệu tới bàng quang để ngăn hệ thần kinh tự động bài xuất nước tiểu cho tới khi trẻ thấy đến thời điểm và đúng nơi để đi tiểu.

Nguyên nhân tiểu dầm về đêm?

Chưa giải thích được nguyên nhân tiểu dầm về đêm. Trẻ nhỏ ban đêm ngủ tiểu dầm thường là bình thường về thể chất và tinh thần. Đa số trường hợp có lẽ là do nhiều yếu tố liên quan đến chậm phát triển thể chất và tăng sản xuất nước tiểu về đêm, thiếu khả năng cảm nhận bàng quang đầy khi ngủ và ít gặp hơn do lo lắng. Nhiều trường hợp do gia đình có tiền sử đái dầm, gợi ý yếu tố di truyền.

Chậm phát triển thể chất

Trong độ tuổi 5 -10 tuổi, tiểu dầm có thể do nguyên nhân dung tích bàng quang nhỏ, giấc ngủ kéo dài và trung tâm điều hòa của cơ thể không nhận ra các tín hiệu của bàng quang đầy hoặc rỗng. Dạng tiểu không tự chủ này sẽ khỏi khi bàng quang phát triển và trung tâm phát tín hiệu hoạt động bình thường trở lại.

Sản xuất quá mức nước tiểu khi ngủ

Bình thường cơ thể sản xuất một hormone có thể làm chậm đi sự sản xuất nước tiểu, đó là ADH, hay còn gọi hormone chống bài niệu. ADH thường sản xuất nhiều vào ban đêm nên nhu cầu đi tiểu sẽ ít hơn. Nếu cơ thể không sản xuất đủ ADH vào ban đêm, sự bài tiết nước tiểu không giảm xuống dẫn đến bàng quang bị quá tải. Nếu trẻ không nhận thức được bàng quang đầy và dậy đi tiểu thì sẽ đái dầm.

Lo lắng

Các chuyên gia cho rằng các vấn đề gây lo lắng xảy ra đối với trẻ trong độ tuổi 2 – 4 tuổi có thể dẫn tới tiểu không tự chủ trước khi trẻ kiểm soát hoàn toàn được bàng quang. Lo lắng ở trẻ trên 4 tuổi có thể làm trẻ tiểu dầm sau khi trẻ đã ngủ khô ráo trong thời gian 6 tháng hoặc hơn. Nhiều trường hợp liên quan đến bố mẹ giận giữ, bối cảnh xã hội không giống nhau, nhà có quá nhiều việc phát sinh như sinh em bé.

Riêng việc tiểu dầm cũng là vấn đề làm trẻ lo lắng. Bàng quang co mạnh dẫn tới rỉ nước tiểu vào ban ngày làm trẻ bối rối và lo lắng gây tiểu dầm ban đêm.

Di truyền

Theo nghiên cứu tại Thụy Điển 1995, một số gen góp phần vào việc gây tiểu dầm nằm trên NST số 13. Nếu cả bố và mẹ đều đái dầm, 80% trẻ sinh ra có nguy cơ đái dầm.

Khó thở khi ngủ

Tiểu dầm ban đêm có thể là triệu chứng của tình trạng khó thở khi ngủ, hơi thở của trẻ bị gián đoạn thường do viêm Amydale lan tỏa hoặc Viêm VA. Các dấu hiệu của bệnh cảnh này thường kèm ngáy, thở bằng miệng, nhiễm trùng tai và xoang, đau họng, nghẹt mũi và buồn ngủ ban ngày. Một số trường hợp điều trị thành công khó thở khi ngủ có thể giải quyết tiểu dầm ban đêm.

Các vấn đề về cấu trúc

Cuối cùng, một số nhỏ trường hợp tiểu dầm nguyên nhân từ hệ tiết niệu của trẻ. Hiếm gặp, sự tắt nghẽn bàng quang hay niệu đạo có thể làm bàng quang đầy và rỉ nước tiểu. Tổn thương thần kinh liên quan đến tật nứt đốt sống có thể gây đái dầm. Trong các trường hợp đó, tiểu dầm có thể xuất hiện như là tiểu rắt liên tục

Điều gì gây tiểu dầm ban ngày?

Tiểu dầm ban ngày không liên quan với nhiễm trùng đường tiểu hay các bất thường giải phẫu, thường ít phổ biến hơn tiểu dầm ban đêm và có khuynh hướng biến mất sớm hơn tiểu dầm ban đêm. Một nguyên nhân có thể gây tiểu dầm ban ngày là bàng quang tăng hoạt. Những trẻ em tiểu dầm ban ngày có thói quen đi tiểu bất thường, đa số là đi tiểu không thường xuyên và táo bón.

Bàng quang tăng hoạt

Các cơ bao quanh niệu đạo- ống dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang, nhiệm vụ giữ nước tiểu, tránh nước tiểu đi ra khỏi cơ thể. Nếu bàng quang co mạnh và không có cảnh báo, các cơ xung quanh niệu đạo sẽ không thể giữ nước tiểu. Điều này thường xảy do hậu quả của nhiễm trùng đường tiểu (UTI) và thường gặp hơn ở nữ.

Đi tiểu không thường xuyên

Không thường xuyên đi tiểu là trẻ cố giữ nước tiểu để kéo dài khoảng thời gian giữa các lần đi tiểu. Ví dụ, trẻ không muốn sử dụng WC ở trường hoặc không muốn làm gián đoạn các hoạt động ưa thích, nên trẻ sẽ bỏ qua tín hiệu đầy bàng quang của cơ thể. Trong những trường hợp đó, bàng quang sẽ quá căng và rỉ nước tiểu. Ngoài ra, những trẻ đó dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, dẫn đến sự kích thích và tăng hoạt của bàng quang.

Nguyên nhân khác

Những yếu tố gây tiểu dầm ban đêm có thể cùng với tình trạng đi tiểu không thường xuyên dẫn tới tiểu dầm ban ngày. Những yếu tố đó bao gồm:

  • Sức chứa bàng quan nhỏ
  • Các vấn đề về cấu trúc
  • Những điều làm trẻ lo lắng
  • Áp lực ổ bụng cao (táo bón)
  • Thực phẩm chứa caffeine sẽ làm tăng sản xuất nước tiểu và có thể làm co thắt các cơ bàng quang, hoặc là những thành phần khác làm trẻ dị ứng như chocolate hoặc phẩm màu nhân tạo.

Đôi khi tập đi vệ sinh quá mức có thể làm cho trẻ không thể thư giãn cơ vòng và cơ đáy chậu để làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Nước tiểu tồn đọng hay bàng quang không rỗng hoàn toàn dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.

Điều trị đái dầm

Để trẻ lớn lên và phát triển bình thường, hầu hết tiểu dầm sẽ biến mất một cách tự nhiên do theo thời gian:

  • Sức chứa bàng quang tăng
  • Báo động tự nhiên của cơ thể hoạt động
  • Sự tăng hoạt bàng quang giảm xuống
  • Sản xuất ADH trở nên bình thường
  • Trẻ học cách đáp lại tín hiệu cơ thể rằng đây là thời điểm để đi tiểu
  • Vượt qua những sự kiện hay giai đoạn căng thẳng.

Trẻ vượt qua tiểu dầm một cách tự nhiên mà không cần điều trị khi lớn lên. Trên 5 tuổi, số các trường hợp tiểu dầm giảm xuống 15% mỗi năm.

Thuốc

Tiểu dầm ban đêm có thể điều trị bằng cách tăng nồng độ ADH. Hormone này có thể được tăng lên bằng một hormone tổng hợp là desmopressin, hay DDAVP, dạng thuốc viên, thuốc xịt mũi hay thuốc nhỏ mũi. Desmopressin dùng được ở trẻ em.

Một thuốc khác là Imipramine cũng được dùng để điều trị đái dầm. Nó tác động trên cả não và bàng quang. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng những thuốc này có thể giúp 70% bệnh nhân thành công trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân sẽ tái phát sau khi ngưng thuốc.

Nếu trẻ tiểu dầm do bàng quang tăng hoạt, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc có thể giữ các cơ bàng quang. Thuốc này kiểm soát sự co cơ và thuộc nhóm thuốc anticholinergics (Vd:Oxybutinin).

Luyện tập bàng quang và các chiến lược liên quan

Luyện tập bàng quang bao gồm các bài tập để tăng cơ lực và tính phối hợp cơ bàng quang và niệu đạo, giúp kiểm soát việc tiểu tiện. Những kỹ thuật này có thể dạy cho trẻ dự đoán nhu cầu đi tiểu và tránh đi tiểu khi không ở WC.

Những kỹ thuật có thể giúp tiểu dầm ban đêm bao gồm:

  • Xác định sức chứa bàng quang
  • Uống ít nước trước khi đi ngủ
  • Xây dựng thói quen để thức dậy

Đáng tiếc là không có kỹ thuật nào đảm bảo thành công hoàn toàn.

Những kỹ thuật hỗ trợ giảm tiểu dầm ban ngày cho trẻ gồm:

  • Đi tiểu có kế hoạch- hẹn giờ đi tiểu- ví dụ như mỗi 2 giờ
  • Tránh caffeine hoặc các thức ăn thức uống khác mà bạn nghĩ có thể đóng góp vào sự tiểu dầm của trẻ
  • Các gợi ý sau giúp cho việc đi tiểu khỏe hơn, như là thư giãn cơ và tận dụng thời gian của bạn

Đèn báo độ ẩm

Buổi tối, đèn báo độ ẩm có thể đánh thức trẻ dậy khi bắt đầu tiểu tiện. Thiết bị này gồm bộ phận cảm nhận nước được đặt trong đồ ngủ, bộ kết tối điều khiển chạy bằng pin và một đèn báo có âm thanh ngay khi phát hiện ẩm ướt và đèn. Nếu đèn báo hiệu quả, trẻ phải thức dậy ngay khi reo lên và đi vệ sinh, và thay đổi thói quen khi ngủ. Sử dụng đèn báo có thể cần người khác ngủ cùng trẻ để đánh thức trẻ dậy.

Các điểm cần ghi nhớ

  • Tiểu không tự chủ phổ biến ở trẻ em
  • Tiểu dầm ban đêm thường gặp ở trẻ trai
  • Tiểu dầm ban ngày thường gặp ở trẻ gái
  • Sau 5 tuổi, 15% các trường hợp tiểu dầm tự hết mỗi năm.
  • Điều trị gồm chờ đợi, điều chỉnh chế độ ăn, đèn báo độ ẩm, thuốc, và luyện tập bàng quang.

Tài liệu tham khảo

https://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=146655

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích