menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Những điều cần biết về ung thư phổi

user

Ngày:

11/08/2013

user

Lượt xem:

4214

Bài viết thứ 01/07 thuộc chủ đề “Ung thư phổi”

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là một loại ung thư bắt đầu trong phổi. Phổi là cơ quan dạng xốp nằm trong ngực của bạn thu nhận ôxy khi bạn hít vào và giải phóng khí cacbonic khi bạn thở ra.

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu tại Hoa Kỳ ở cả nam và nữ. Số người chết vì ung thư phổi hàng năm nhiều hơn tổng số người chết vì ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt, vú và buồng trứng.

ung thư phổi

Những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao nhất. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo thời gian và số lượng điếu thuốc mà bạn hút. Nếu bạn bỏ hút thuốc, thậm chí sau khi hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Triệu chứng của ung thư phổi

Ung thư phổi thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn sớm. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi chỉ thường xảy ra ở những giai đoạn cuối.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:

  • Ho mới xuất hiện và không cải thiện
  • Có thay đổi trong những cơn ho mãn tính (thường gặp ở người hút thuốc lá)
  • Ho ra máu, thậm chí chỉ là một lượng nhỏ
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Thở khò khè
  • Khàn giọng
  • Giảm cân ngoài ý muốn
  • Đau xương
  • Đau đầu

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hãy hẹn gặp bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào làm bạn lo lắng.
Nếu đang bạn hút thuốc và khó bỏ thuốc lá, hãy gặp bác sĩ để có thêm lời khuyên và chiến lược bỏ hút thuốc, chẳng hạn như dùng thuốc và các sản phẩm thay thế nicotine.

Xem thêm bài viết Những mẹo nhỏ giúp bạn từ bỏ thuốc lá

Nguyên nhân của ung thư phổi

Hút thuốc gây ra phần lớn các ca ung thư phổi – cả ở người hút thuốc và người bị phơi nhiễm với khói thuốc lá (người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc). Tuy nhiên, ung thư phổi cũng xảy ra ở những người không hút thuốc và những người không bao giờ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá. Trong những trường hợp này, bệnh ung thư phổi không có nguyên nhân rõ ràng.

Hút thuốc lá gây ung thư phổi bằng cách nào?

Các bác sĩ tin rằng hút thuốc gây ung thư phổi bằng cách làm tổn thương các tế bào lót bên trong phổi. Trong khói thuốc lá có nhiều chất gây ung thư và thay đổi ở nhu mô phổi bắt đầu gần như ngay khi bạn hít phải chúng. Lúc đầu, cơ thể của bạn có thể có thể sửa chữa những tổn thương này. Tuy nhiên, khi sự tiếp xúc khói thuốc xảy ra lặp đi lặp lại, các tế bào trong phổi sẽ bị tổn thương ngày càng nặng hơn. Theo thời gian, hoạt động của chúng trở nên bất thường và ung thư có cơ hội phát triển.

Các loại ung thư phổi

Ung thư phổi được chia thành hai loại chính dựa trên hình thái của các tế bào ung thư dưới kính hiển vi. Phương pháp điều trị cũng được đưa ra dựa trên loại ung thư phổi đã được chẩn đoán.

Hai loại chung của ung thư phổi bao gồm:

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ xảy ra gần như chỉ ở người hút thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn so với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ là tên gọi chung của những loại ung thư phổi phát triển và di căn chậm hơn theo cách thức giống nhau. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ bao gồm ung thư tế bào vảy (gai), ung thư biểu mô tuyến và ung thư tế bào lớn.

Yếu tố nào gây ung thư phổi?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Một số yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát, chẳng hạn như việc bỏ hút thuốc. Một số yếu tố khác không thể thay đổi, chẳng hạn như bệnh sử gia đình.

Những yếu tố nguy cơ của ung thư phổi bao gồm:

  • Hút thuốc. Hút thuốc vẫn là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi lớn nhất. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên cùng với số điếu thuốc bạn hút mỗi ngày và số năm bạn đã hút. Việc bỏ hút thuốc lá ở mọi lứa tuổi đều có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ung thư phổi.
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá. Thậm chí ngay cả khi bạn không hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi vẫn tăng lên nếu bạn tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá.
  • Tiếp xúc với khí radon. Radon là sản phẩm của sự phân hủy tự nhiên của uranium trong đất, đá và nước mà cuối cùng trở thành một phần trong không khí mà chúng ta hít thở. Radon có thể tích lũy trong những tòa nhà đến một mức độ không an toàn. Bộ đo radon có thể giúp xác định mức độ radon trong nhà bạn có an toàn hay không. Nếu nó quá mức cho phép, hãy tìm hiểu về các biện pháp khắc phục.
  • Tiếp xúc với amiăng và các hóa chất khác. Sự tiếp xúc với amiăng và các chất gây ung thư khác như asen, crôm và niken tại nơi làm việc cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Nguy cơ này còn cao hơn ở những người hút thuốc lá.
  • Bệnh ung thư phổi trong tiền sử gia đình. Những người có cha mẹ, anh chị em hoặc con bị ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Uống quá nhiều rượu. Việc uống nhiều rượu hơn mức cho phép (Nam giới 2 ly/ngày, nữ giới 1 ly/ngày) có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
  • Một số bệnh phổi liên quan đến hút thuốc lá. Người hút thuốc với một số bệnh phổi nhất định, ví dụ như khí phế thũng (emphysema), có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn.

Biến chứng của ung thư phổi

Ung thư phổi có thể gây ra các biến chứng như sau:

  • Khó thở. Những người bị ung thư phổi có thể thấy khó thở nếu bệnh phát triển đến mức chặn mất đường thở chính (khí quản). Ung thư phổi cũng có thể gây nên sự tích tụ chất lỏng xung quanh phổi, làm phổi khó nở ra (để lấy không khí) khi bạn hít vào.
  • Ho ra máu. Ung thư phổi có thể gây chảy máu trong đường hô hấp, làm bạn ho ra máu. Đôi khi chảy máu có thể trở nên nghiêm trọng dù một vài phương pháp đang được dùng để kiểm soát chảy máu.
  • Đau. Ung thư phổi tiến triển lây lan đến màng phổi hoặc đến những khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, có thể gây ra đau đớn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị đau. Cơn đau ban đầu thỉnh thoảng mới xuất hiện và nhẹ nhưng về sau có thể diễn ra liên tục. Thuốc, xạ trị và những phương pháp điều trị khác có thể giúp bạn thoải mái hơn.
  • Tràn dịch màng phổi. Ung thư phổi có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng trong không gian bao quanh phổi bị ảnh hưởng trong khoang ngực (khoang màng phổi). Tràn dịch màng phổi có thể xảy ra do ung thư lan ra ngoài phổi hay do phản ứng của cơ thể đối với khối ung thư trong phổi. Tràn dịch màn phổi có thể gây ra khó thở. Phương pháp điều trị thông thường là dẫn lưu dịch từ trong ngực ra ngoài và làm giảm nguy cơ tái phát.
  • Ung thư lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Ung thư phổi thường di căn đến các bộ phận khác của cơ thể – thường là các bộ não, xương, gan và tuyến thượng thận. Sự di căn có thể gây đau, buồn nôn, đau đầu, hoặc các dấu hiệu và triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Di căn đơn lẻ, biệt lập có thể được điều trị trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mục tiêu của điều trị di căn chỉ là để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng.
  • Tử vong. Thật không may rằng tỉ lệ sống sót cho những người bị ung thư phổi là rất thấp. Trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh này dẫn đến tử vong. Người được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhất có cơ hội lớn nhất cho việc chữa trị. Bác sĩ có thể cung cấp thông tin về tỉ lệ sống sót cho bạn.

Tầm soát ung thư phổi ở những người khỏe mạnh

Các bác sĩ không chắc chắn lắm về việc nên tầm soát ung thư phổi ở những người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy việc tầm soát ung thư phổi có thể cứu sống người bệnh bằng cách phát hiện ung thư giai đoạn sớm vì việc điều trị sẽ dễ thành công hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại cho thấy rằng việc tầm soát thường phát hiện ra những bệnh lý “lành tính” hơn vốn không cần làm những xét nghiệm có tính xâm lấn cũng như không đáng chịu những rủi ro kèm theo không cần thiết.

Tầm soát ung thư phổi là vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi giữa các bác sĩ. Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để xác định những loại xét nghiệm nào có ích và những đối tượng nào được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tầm soát. Trong thời điểm này, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo ngại về nguy cơ ung thư phổi. Cùng với bác sĩ, bạn có thể đề ra các chiến lược để giảm thiểu rủi ro của mình và quyết định các xét nghiệm sàng lọc phù hợp với bạn.

Xem thêm bài viết Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư về các phương pháp tầm soát phát hiện sớm ung thư

Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư phổi

Nếu có lý do để nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư phổi, bác sĩ của bạn có thể tiến hành một số xét nghiệm để tìm kiếm tế bào ung thư và loại trừ các bệnh lý khác.

Để chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên:

Chẩn đoán hình ảnh. Phim X-quang có thể cho thấy khối u bất thường trong phổi. Việc chụp CT có thể phát hiện ra tổn thương nhỏ trong phổi không được tìm thấy trên phim X-quang.

Xét nghiệm tế bào trong đờm (đàm). Nếu bạn bị ho và kèm theo đờm, việc quan sát đờm dưới kính hiển vi đôi khi có thể phát hiện ra sự tồn tại của tế bào ung thư phổi.

Sinh thiết. Một mẫu tế bào bất thường có thể được loại bỏ trong một thủ tục gọi là sinh thiết. Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết theo một số cách khác nhau, bao gồm nội soi phế quản (bronchoscopy), nội soi trung thất (mediastinoscopy) hoặc kim sinh thiết (needle biopsy). Trong nội soi phế quản, bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực bất thường của phổi bằng cách sử dụng một sợi phát quang luồn qua cổ họng vào trong phổi. Trong nội soi trung thất, các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào phía sau xương ức (qua một vết cắt nhỏ tại phần dưới cổ) để lấy mẫu mô từ các hạch bạch huyết. Trong kim sinh thiết, hình ảnh X-quang hoặc CT được dùng để định hướng đâm kim xuyên qua thành ngực vào mô phổi để thu thập các tế bào đáng nghi. Sinh thiết cũng có thể được tiến hành ở các hạch bạch huyết hoặc các khu vực khác, nơi mà ung thư đã lan đến, ví dụ như gan, não,…

Phân định giai đoạn (Staging) ung thư phổi

Một khi ung thư phổi đã được chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành xác định mức độ, hoặc giai đoạn của ung thư. Thông tin về giai đoạn ung thư sẽ giúp bạn và bác sĩ quyết định phương thức điều trị thích hợp nhất.

Việc phân định giai đoạn ung thư bao gồm các xét nghiệm hình ảnh bao gồm chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)quét xương nhằm đánh giá xem khối u đã di căn đến đâu. Không phải tất cả các xét nghiệm trên đều là cần thiết, vì vậy hãy hỏi bác sĩ về những xét nghiệm phù hợp.

Các giai đoạn của ung thư phổi

Giai đoạn I. Khối u nằm giới hạn trong phổi và không lan đến các hạch bạch huyết. Khối u thường có đường kính nhỏ hơn 2 inch (5 cm).

Giai đoạn II. Khối u lớn hơn 2 inch (5 cm) hoặc có thể liên quan đến các cấu trúc gần đó, chẳng hạn như thành ngực, cơ hoành hoặc màng phổi. Ung thư có thể đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó.

Giai đoạn III. Khối u đã phát triển rất lớn và xâm chiếm các cơ quan khác gần phổi. Giai đoạn này cũng có thể được phân định khi tìm thấy các tế bào ung thư trong hạch bạch huyết xa phổi hơn.

Giai đoạn IV. Ung thư đã lan rộng ra khỏi phổi, đến lá phổi bên kia hoặc các khu vực xa hơn trong cơ thể.

Ung thư phổi tế bào nhỏ đôi khi được phân loại thành ung thư “hạn chế” hoặc “lan rộng”. “Hạn chế” có nghĩa là ung thư chỉ khu trú ở một lá phổi. “Mở rộng” có nghĩa là ung thư đã lan ra ngoài lá phổi đó.

Điều trị ung thư phổi như thế nào?

Bệnh nhân và bác sĩ sẽ cùng thảo luận để chọn ra chương trình điều trị ung thư dựa trên một số yếu tố như sức khỏe tổng thể, loại ung thư và giai đoạn ung thư. Bệnh nhân có thể ưu tiên một phương pháp nào đó vì nó phù hợp với hoàn cảnh và lựa chọn cá nhân. Chương trình điều trị thường bao gồm một hoặc nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc điều trị nhắm đích (targeted therapy).

Nội dung cụ thể trong một phương pháp (ví dụ, thành phần và liều lượng thuốc) cũng có thể phải thay đổi (có khi phải dừng hẳn) tùy vào phản ứng và tác dụng phụ xuất hiện trong quá trình điều trị.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể chọn không điều trị tích cực vì tác dụng phụ lớn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn những lợi ích mà điều trị mang lại. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp chăm sóc hỗ trợ để cải thiện các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra, ví dụ như đau đớn hoặc khó thở.

Lựa chọn điu trị cho bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ

Giai đoạn

Lựa chọn phổ biến

I

Phẫu thuật, đôi khi hóa trị

II

Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị

III

Kết hợp hóa trị và xạ trị, chỉ dùng hóa trị, đôi khi phẫu thuật dựa trên kết quả của những phương pháp điều trị khác

IV

Hóa trị, liệu pháp nhắm đích (targeted therapy), thử nghiệm lâm sàng, chăm sóc hỗ trợ

Lựa chọn điu trị cho bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ

Giai đoạn

Lựa chọn phổ biến

I

Phẫu thuật nếu có thể, nhưng thường được kết hợp thêm hóa trị và xạ trị

II

Kết hợp hóa trị và xạ trị

III

Kết hợp hóa trị và xạ trị, thử nghiệm lâm sàng, chăm sóc hỗ trợ

IV

Hóa trị, thử nghiệm lâm sàng, chăm sóc hỗ trợ

Phẫu thuật

Bác sĩ ngoại khoa sẽ phẫu thuật để loại bỏ khối ung thư và phần mô phổi bình thường tiếp giáp xung quanh. Phẫu thuật loại bỏ ung thư phổi có thể là:

  • Cắt bỏ một góc phổi: loại bỏ một phần nhỏ của phổi có chứa khối u kèm mô phổi khỏe mạnh xung quanh.
  • Cắt bỏ một phân thùy phổi: loại bỏ phần phổi lớn hơn nhưng không phải là cả thùy phổi.
  • Cắt bỏ một thùy phổi: loại bỏ cả thùy phổi.
  • Cắt bỏ toàn bộ lá phổi: loại bỏ cả lá phổi.

Trong ca mổ, bác sĩ cũng có thể sẽ lấy đi một số hạch bạch huyết ở ngực để kiểm tra xem chúng có chứa tế bào ung thư hay không (đánh giá di căn).

Phẫu thuật ung thư phổi có nhiều rủi ro, bao gồm chảy máu (xuất huyết) và nhiễm trùng. Bệnh nhân sẽ thấy khó thở sau ca mổ. Nếu phổi bị cắt đi một phần, những phần còn lại của phổi sẽ nở rộng ra theo thời gian làm việc thở dễ dàng hơn. Bác sĩ có thể đề nghị một nhân viên phục hồi chức năng hô hấp hướng dẫn thêm các bài tập thở.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Những loại thuốc dùng trong hóa trị “truyền thống” từ trước đến nay tác dụng lên các tế bào có khả năng phân chia nhanh, một đặc điểm chính của đa số tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là hóa trị sẽ làm hại cả những tế bào phân chia nhanh trong điều kiện sinh lý bình thường như tế bào tạo máu (trong tủy xương), tế bào lót đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn (niêm mạc ống tiêu hóa), và nang tóc. Chính vì thế, những tác dụng phụ chính của hóa trị là ức chế tủy, viêm niêm mạc, và rụng tóc.

Xem thêm bài viết Các tác dụng phụ của xạ trị

Trong hóa trị, một hoặc nhiều loại thuốc hóa trị có thể được uống vào dưới dạng thuốc viên hoặc tiêm vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch. Điều trị được tiến hành hay chia thành nhiều đợt, trong đó các loại thuốc thường được sử dụng trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng, xen giữa bởi những khoảng nghỉ để bệnh nhân có thể phục hồi.

Hóa trị có thể là lựa chọn đầu tiên cho ung thư phổi hoặc dùng để điều trị bổ sung sau mổ. Trong một số trường hợp, hóa trị có thể được sử dụng để giảm bớt tác dụng phụ của bệnh ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia có năng lượng cao, như X-quang, để diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể tác dụng lên khối ung thư phổi từ bên ngoài cơ thể bằng cách chiếu tia từ bên ngoài, hoặc từ bên trong cơ thể thông qua các kim, hạt hoặc catheter (ống thông) đặt gần khối u (brachytherapy).

Xạ trị có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Đôi khi nó được thực hiện song song với hóa trị.

Đối với những người bị ung thư phổi có kích thước rất nhỏ, một lựa chọn khác là xạ trị định vị (trong không gian 3 chiều) hay stereotactic body radiotherapy. Hình thức chiếu xạ này định hướng nhiều tia xạ từ các góc độ khác nhau vào khối u. Quá trình điều trị thường kết thúc sau một vài lần chiếu xạ. Trong trường hợp khối u nhỏ, phương pháp này có thể được sử dụng thay cho việc phẫu thuật.

Xem thêm bài viết Xạ trị trong điều trị ung thư

Liệu pháp nhắm đích (Targeted therapy)
Trong khi xạ trị nhắm tia xạ vào vùng có khối u, hóa trị “truyền thống” ảnh hưởng đến tất cả những tế bào phân chia nhanh thì liệu pháp nhắm đích hay liệu pháp nhắm đích ở mức độ phân tử (molecularly targeted therapy) là phương pháp điều trị ung thư mới bằng cách ức chế những phần tử đặc hiệu cần cho sự phát sinh và tăng trưởng của ung thư. Những loại thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư phổi có thể là:

  • Bevacizumab (Avastin). Bevacizumab ngăn chặn khối u tạo thêm mạch máu. Những mạch máu mới có thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho khối u giúp chúng phát triển. Bevacizumab thường được sử dụng kết hợp với hóa trị và được chấp thuận (cấp phép sử dụng) cho ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã tiến triển (giai đoạn muộn) và tái phát. Bevacizumab có tác dụng phụ là nguy cơ gây chảy máu, đông máu và cao huyết áp.
  • Erlotinib (Tarceva). Erlotinib ức chế những tín hiệu thúc đẩy sự phát triển và phân chia các tế bào ung thư. Erlotinib được chấp thuận cho những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã tiến triển và tái phát, những trường hợp mà hóa trị thông thường đã không có hiệu quả. Tế bào ở khối u trong phổi có thể sẽ được lấy ra để kiểm tra xem liệu thuốc này có thể giúp ích hay không. Tác dụng phụ của erlotinib bao gồm phát ban ở da và tiêu chảy. Erlotinib có hiệu quả cao hơn ở những người không hút thuốc.
  • Crizotinib (Xalkori). Crizotinib ức chế một số men chuyển hóa liên quan đến sự phát triển, sự xâm lấn cũng như “tuổi thọ” của tế bào ung thư. Crizotinib được phép sử dụng ở những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tiến triển có kèm theo đột biến di truyền cụ thể. Xét nghiệm di truyền trên các tế bào ung thư từ bệnh nhân sẽ xác định liệu các tế bào này có đột biến di truyền đó hay không. Tác dụng phụ của Crizotinib bao gồm buồn nôn và rối loạn thị giác, như nhìn đôi (thấy 1 vật thành 2 vật) hoặc mờ mắt.
Xem thêm bài viết Hiểu về liệu pháp nhắm đích

Những thử nghiệm lâm sàng

Trên thế giới hiện có nhiều thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để nghiên cứu hiệu quả của những phương pháp điều trị mới. Bạn có thể quan tâm đăng ký tham gia một trong các thử nghiệm lâm sàng đó nếu phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả hoặc các lựa chọn điều trị của bạn bị hạn chế. Phương pháp điều trị được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng có thể là những tiến bộ mới nhất, nhưng chúng không được bảo đảm là sẽ cải thiện được bệnh. Hãy cẩn thận cân nhắc các lựa chọn điều trị với bác sĩ của bạn. Sự tham gia thử nghiệm lâm sàng của bạn có thể giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về cách điều trị bệnh ung thư phổi trong tương lai.

Chăm sóc hỗ trợ

Khi việc điều trị không có mấy tác dụng, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tránh những trị liệu có nhiều tác dụng phụ và lựa chọn chăm sóc hỗ trợ để thay thế. Trong chăm sóc hỗ trợ, bác sĩ có thể điều trị các dấu hiệu và triệu chứng để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Lưu ý là sự tiến triển của ung thư sẽ không được ngăn chặn bằng phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị nữa. Chăm sóc hỗ trợ, còn được gọi là chăm sóc giảm nhẹ, giúp bệnh nhân sống những ngày còn lại với chất lượng cuộc sống tốt, không bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ nặng nề của trị liệu.

Một nghiên cứu ở những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn muộn cho thấy bệnh nhân lựa chọn chăm sóc hỗ trợ ngay sau khi chẩn đoán sống lâu hơn so với những người lựa chọn điều trị bằng hóa trị và xạ trị. Những người nhận chăm sóc hỗ trợ nói rằng họ thấy tâm trạng và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Tính trung bình, họ sống lâu hơn những người nhận điều trị “tích cực” khoảng gần 3 tháng.

Cải thiện sự khó thở

Nhiều bệnh nhân ung thư phổi cảm thấy khó thở tại một số thời điểm trong quá trình bệnh. Những phương pháp điều trị như thở oxy và dùng các loại thuốc có sẵn có thể giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, nhưng chúng không cải thiện hết. Những phương pháp sau có thể giảm bớt sự khó thở:

  • Cố gắng thư giãn. Cảm giác khó thở có thể làm bạn hoảng sợ. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi và sự lo lắng chỉ làm bạn khó thở hơn mà thôi. Khi bắt đầu cảm thấy khó thở, hãy cố gắng để kiềm chế nỗi sợ bằng một hoạt động giúp bạn thư giãn. Nghe nhạc, nhớ về kỳ nghỉ tại nơi bạn thích, thiền định hay cầu nguyện.
  • Tìm một tư thế thoải mái. Việc nghiêng người về phía trước có thể giúp ích.
  • Tập trung vào hơi thở của bạn. Khi thấy khó thở, hãy chú tâm vào hơi thở. Thay vì cố gắng để đầy phổi của bạn với không khí, hãy tập trung vào việc co các cơ hô hấp như cơ hoành, cơ liên sườn… Cố gắng thở mím môi và điều hòa nhịp thở cùng với sinh hoạt/ hoạt động của bạn.
  • Tiết kiệm năng lượng vào những việc quan trọng. Khi khó thở, bạn dễ trở nên mệt mỏi. Hãy bỏ bớt những việc không cần thiết trong ngày để thể tiết kiệm năng lượng cho những gì cần thiết nhất.
  • Hạ nhiệt độ phòng. Phòng mát có thể giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn.
  • Ngồi gần cửa sổ. Ngồi hoặc nằm nhìn ra cửa sổ có thể giúp bạn cảm thấy ít bị ức chế hơn khi khó thở.
  • Hướng quạt vào mặt. Quạt thổi hướng vào mặt sẽ giúp bạn thấy dễ thở hơn.
  • Ăn nhi u bữa nhỏ mỗi ngày. Việc ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày không quá đầy để có thể ngăn cản hoạt động của cơ hoành trong khi thở.
  • Ngủ đủ giấc. Tinh thần sẽ sảng khoái hơn khi ngủ đủ giấc. Nếu bị khó ngủ, hãy nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc hoặc các phương pháp khác có thể cải thiện giấc ngủ.

Hãy để bác sĩ biết khi bạn bị khó thở hoặc khi các triệu chứng trở nên xấu đi.

Những phương pháp điều trị thay thế

Nếu bác sĩ đã báo rằng ung thư phổi của bạn là không thể chữa khỏi, bạn có thể muốn chuyển sang các phương pháp bổ sung và thay thế. Điều trị bổ sung và thay thế trong ung thư phổi không thể chữa được bệnh ung thư nhưng chúng thường được kết hợp với chăm sóc hỗ trợ nhằm giúp cải thiện dấu hiệu và triệu chứng bệnh. Bác sĩ có thể giúp bạn cân nhắc các lợi ích và rủi ro của những phương pháp này.

Những phương pháp điều trị bổ sung và thay thế trong ung thư phổi hiện nay bao gồm:

  • Châm cứu. Trong một buổi châm cứu, những cây kim nhỏ sẽ được chèn chính xác vào những điểm trên cơ thể người bạn. Châm cứu có thể giúp giảm đau và giảm bớt các tác dụng phụ trong điều trị ung thư, như buồn nôn, nôn ói, khô miệng. Tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy châm cứu có tác dụng trực tiếp lên ung thư. Châm cứu là an toàn khi được thực hiện bởi người đã được huấn luyện và có giấy chứng nhận. Châm cứu cũng không an toàn khi bạn thiếu máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về những cơ sở châm cứu tin cậy gần nơi bạn sống.
  • Thôi miên. Thôi miên là một loại phương pháp đặt bạn trong tình trạng hôn mê để giúp thư giãn. Kỹ thuật viên sẽ chỉ cho bạn các bài tập thư giãn và yêu cầu bạn suy nghĩ tích cực và sảng khoái. Thôi miên có thể làm giảm lo lắng, buồn nôn và đau đớn ở những người bị ung thư.
  • Massage. Trong phương pháp này, kỹ thuật viên massage sử dụng bàn tay của mình để tạo áp lực lên da và cơ của bạn. Massage có thể giúp làm giảm lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi và đau đớn ở những người bị ung thư. Không nên bị tổn thương vì massage. Kỹ thuật viên không nên ấn vào bất cứ nơi nào gần khối u hoặc vết mổ. Tránh massage khi bạn đang thiếu máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Thin định. Thiền là thời gian hồi tâm tĩnh lặng (quiet reflection) bắt đầu bằng việc tập trung vào một thứ nhất định như một ý tưởng, hình ảnh hoặc âm thanh. Thiền định có thể làm giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bị bệnh ung thư. Bạn có thể thiền định theo cách riêng của bạn hoặc theo hướng dẫn của giảng viên. Hãy hỏi thêm bạn bè về những địa điểm tốt gần nhà bạn.
  • Yoga. Yoga kết hợp vận động kéo giãn cơ nhẹ nhàng với hít thở sâu và thiền định. Yoga có thể giúp người bệnh ngủ tốt hơn. Yoga nói chung là an toàn khi được hướng dẫn bởi giảng viên đã được đào tạo, nhưng bạn không nên làm bất kỳ động tác nào gây đau hoặc cảm thấy không ổn. Nhiều trung tâm thể dục mở các lớp học yoga. Hãy hỏi thêm bạn bè và gia đình về các lớp học yoga tốt.

Đối phó và hỗ trợ

Ung thư phổi là một chẩn đoán tàn nhẫn. Bạn sẽ mất một thời gian để chấp nhận sự thật này. Khi đó, bạn có thể đi tiếp các bước để kiểm soát tình hình. Đóng một vai trò tích cực trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái, chủ động hơn trong quá trình điều trị. Hãy cố gắng:

  • Tìm hiểu những gì bạn cần biết v ung thư phổi. Tìm hiểu đầy đủ về bệnh ung thư phổi để thấy thoải mái hơn khi đưa ra quyết định về điều trị hay chăm sóc. Hãy hỏi bác sĩ về loại ung thư, giai đoạn ung thư của bạn, cũng như những cách thức điều trị và tác dụng phụ của chúng. Hãy viết ra các câu hỏi và để hỏi tại lần khám tiếp theo.
  • Đóng vai trò tích cực trong điu trị. Mặc dù bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và chán nản, hãy cố gắng tham gia vào quá trình quyết định chương trình điều trị. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy chủ động và tự tin hơn.
  • Có mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ. Mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ giúp bạn xoay sở với những khó khăn hàng ngày, chẳng hạn như mệt mỏi và đau đớn. Bạn bè và gia đình đang lo lắng và muốn giúp đỡ bạn, vì vậy hãy học cách chấp nhận sự giúp đỡ khi cần. Sự liên hệ với bạn bè và gia đình cũng giúp họ cập nhật về bệnh tình của bạn, và bạn cũng sẽ có cơ hội chia sẻ nỗi lo âu, sợ hãi cũng như có thêm niềm tin. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy rằng bạn bè và gia đình không thể hiểu được cảm xúc của bạn nếu họ chưa bao giờ bị ung thư. Trong những trường hợp này, các nhóm hỗ trợ – kể cả các nhóm hỗ trợ trên mạng Internet – có thể là một chỗ dựa cho bạn. Bạn có thể chia sẻ và biết thêm nhiều điều với những người cùng cảnh ngộ.
  • Thiết lập mục tiêu hợp lý. Có mục tiêu cụ thể giúp bạn cảm thấy tình hình đang được kiểm soát và cũng như cảm giác có chủ đích. Tuy nhiên, đừng chọn mục tiêu mà bạn khó tiếp cận. Ví dụ, bạn không thể làm việc một tuần 40 giờ nữa, nhưng bạn có thể làm việc ít nhất một nửa thời gian đó. Trên thực tế, nhiều người thấy rằng việc tiếp tục làm việc giúp tinh thần lạc quan hơn nhiều.
  • Dành thời gian cho chính mình. Ăn ngủ tốt, thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp chống lại sự căng thẳng và mệt mỏi của bệnh ung thư. Ngoài ra, nên lên kế hoạch trước cho những lúc cần ngừng công việc, khi bạn thấy cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn hoặc hạn chế hoạt động đang làm.
  • Sống tích cực. Bị chẩn đoán ung thư không có nghĩa là bạn phải ngừng làm những điều bạn thích. Trong với hầu hết các trường hợp, nếu bạn cảm thấy khỏe để làm việc gì đó, hãy tiến lên và tiếp tục việc ấy.

Phòng chống ung thư phổi

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư phổi, nhưng bạn có thể giảm bớt nguy cơ nếu:

  • Không hút thuốc. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng thử hút. Nói chuyện với con cái về việc không hút thuốc lá để chúng hiểu cách tránh yếu tố nguy cơ chính gây ra ung thư phổi này.
  • Ngừng hút thuốc. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy ngừng hút thuốc ngay bây giờ. Việc bỏ thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phổi, thậm chí khi bạn đã hút trong nhiều năm. Nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược và cách hỗ trợ cai thuốc lá. Những lựa chọn bao gồm các sản phẩm thay thế nicotine, thuốc uống và các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng.
  • Tránh khói thuốc lá. Nếu bạn đang sống hoặc đang làm việc với người hút thuốc, hãy khuyên nhủ người ấy bỏ thuốc lá. Ít nhất, hãy yêu cầu người ấy hút thuốc ngoài nơi làm việc hay sinh hoạt chung. Tránh đến những nơi có khói thuốc, chẳng hạn như các quán bar và nhà hàng, cũng như tìm kiếm và sử dụng những nơi không có khói thuốc.
  • Kiểm tra sự hiện diện của khí radon trong nhà. Hãy để ý và tìm hiểu mức radon trong nhà, đặc biệt khi bạn đang sống trong khu vực mà vấn đề radon được cảnh báo. Nồng độ radon cao có thể được khắc phục để làm cho nhà ở an toàn hơn.
  • Tránh chất gây ung thư tại nơi làm việc. Hãy có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc. Làm theo những biện pháp phòng ngừa của công ty. Ví dụ, nếu bạn được phát mặt nạ bảo vệ, hãy luôn luôn mang nó. Hãy hỏi bác sĩ về những việc khác bạn có thể làm. Nguy cơ tổn thương phổi từ chất gây ung thư tại nơi làm việc sẽ còn gia tăng nếu bạn hút thuốc.
  • Theo chế độ ăn uống đầy đủ trái cây và rau. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau. Các vitamin và chất dinh dưỡng có nguồn từ thức ăn là tốt nhất. Tránh dùng vitamin liều cao dưới dạng thuốc viên vì chúng có thể gây hại. Ví dụ, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ làm giảm nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc nặng bằng cách cho họ bổ sung beta carotene. Tuy nhiên, kết quả cho thấy các chất bổ sung lại làm tăng nguy cơ ung thư ở người hút thuốc.
  • Uống rượu điu độ. Phụ nữ nên giới hạn dưới 1 ly rượu mỗi ngày và đàn ông nên giới hạn dưới 2 ly rượu mỗi ngày. Nếu bạn trên 65 tuổi, không nên uống quá 1 ly mỗi ngày.
  • Tập thể dục. Cố gắng tập thể dục hiếu khí (có sự tiêu thụ Oxy) vừa phải trong ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc thể dục gắng sức ít nhất 75 phút mỗi tuần. Bạn cũng có thể kết hợp của vận động vừa phải và gắng sức. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu việc tập thể dục của bạn chưa thường xuyên. Nên bắt đầu từ từ và dần dần thêm nhiều hoạt động khác. Đi xe đạp, bơi lội và đi bộ là những lựa chọn tốt. Tăng thêm giờ tập thể dục hằng ngày, ví dụ đỗ xe xa nơi làm việc và đi bộ phần còn lại của quãng đường hoặc đi cầu thang thay vì dùng thang máy. Rèn luyện cơ bắp cũng rất quan trọng. Nên cố gắng tập thể lực ít nhất hai lần một tuần.

Tài liệu tham khảo
1. http://www.mayoclinic.com/health/lung-cancer/DS00038/DSECTION=prevention
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Chemotherapy
3. http://en.wikipedia.org/wiki/Targeted_therapy
4. http://en.wikipedia.org/wiki/Radiotherapy
5. http://en.wikipedia.org/wiki/Crizotinib

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích