menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Ngộ độc thực phẩm ở người lớn

user

Ngày:

25/08/2018

user

Lượt xem:

3819

Bài viết thứ 26/30 thuộc chủ đề “Các bệnh về nội Tiêu hóa”

Ngộ độc thực phẩm diễn ra khi ăn hoặc uống phải thức ăn và nước uống bị nhiễm các vi sinh vật có hại, các chất độc hoặc các chất hóa học. Tình trạng này thường gây tiêu chảy, có thể kèm theo buồn nôn (nôn) hoặc không. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn hoặc uống nước bị ô nhiễm cũng có thể gây ra các triệu chứng khác. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất sau vài ngày nhưng đôi khi có thể diễn tiến lâu hơn. Nguy cơ chính là mất dịch cơ thể (mất nước). Cách điều trị chủ yếu là uống thật nhiều chất dịch để tránh tình trạng mất nước. Đôi khi thuốc kháng sinh hoặc các cách điều trị khác có thể cần thiết. Bất kì trường hợp bệnh nào nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do ăn các thức ăn tại nhà hàng hoặc thức ăn mang đi cũng nên được trình báo về Cơ quan Sức Khỏe Môi Trường tại địa phương. Bạn nên tiến hành các biện pháp sau để có thể phòng ngừa ngộ độc thức ăn (xem bên dưới).

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ăn hoặc uống phải thức ăn bị nhiễm các vi sinh vật có hại, các chất độc hoặc các chất hóa học. Khi nói về ngộ độc thức ăn, chúng ta thường nghĩ đến tình trạng viêm dạ dày ruột điển hình, thường gây tiêu chảy, có thể kèm theo buồn nôn (nôn) hoặc không. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng hoặc vấn đề khác cũng có thể xuất hiện khi ăn thức ăn nhiễm bẩn. Ngộ độc thực phẩm được gây ra bởi:

Vi khuẩn

Campylobacter là vi sinh vật (vi khuẩn) thường gặp nhất mà gây ra tình trạng ngộ độc thức ăn ở Anh. Các vi khuẩn khác cũng gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Samonella.
  • Escherichia coli (usually shortened to E. coli).
  • Listeria.
  • Shigella
  • Clostridium perfringens.

Vi-rút

Một số vi sinh vật (vi-rút), như là norovirus hoặc rotavirus, có thể gây nhiễm bẩn thức ăn và gây ngộ độc thực phẩm.

Ký sinh trùng

Có các dạng vi sinh vật khác. Kí sinh trùng là những sinh vật sống bên trong hoặc bám trên các sinh vật khác. Ví dụ như cryptosporidium, Entamoeba histolytica và giardia. Ngộ độc thực phẩm gây ra bởi ký sinh trùng thường gặp hơn ở các quốc gia đang phát triển.

Ở Anh, một nguyên nhân thường gặp của ngộ độc thực phẩm là Toxoplasma gondii. Đây là một loài kí sinh trùng sống ở ruột của nhiều loại động vật, kể cả mèo. Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện nếu nước uống hoặc thức ăn bị nhiễm phân của mèo bị bệnh, hoặc ăn thịt chưa chín của những động vật mang kí sinh trùng. Triệu chứng của dạng ngộ độc thực phẩm này bao gồm sưng tuyến bạch huyết và đôi khi có phát ban.

Độc tố và các chất hóa học

Độc tố tạo ra từ các vi khuẩn và bản thân vi khuẩn đều có thể gây nhiễm bẩn thức ăn. Ví dụ, vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể làm nhiễm bẩn kem và độc tố của nó có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm.Vi khuẩn Bacillus cereus có thể gây nhiễm bẩn gạo. Nếu gạo bị nhiễm bẩn được hâm nóng lại, độc tố tạo ra sẽ gây ngộ độc thức ăn.

Một số loại cá (bao gồm cá mập, cá cờ, cá kiếm và cá ngừ) chứa nhiều thủy ngân.Ăn những loại cá này thông thường không phải là một vấn đề đối với đa số mọi người – nó không gây ra viêm dạ dày ruột hoặc ngộ độc thực phẩm. Nhưng phụ nữ có thai lại được khuyên tránh ăn cá mập, cá cờ, cá kiếm và phải hạn chế cá ngừ. Điều này là do nồng độ cao thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi.

Cá chứa nhiều dầu có thể bị nhiễm bẩn bởi polychlorinated biphenyls.Tương tự, đây không phải là một vấn đề đối với đa số mọi người. Tuy nhiên, nên giới hạn lượng cá nhiều dầu cho phụ nữ có thai bởi những ảnh hưởng có thể có đối với thai nhi đang phát triển. Các Chuyên khoa về Sức khỏe khuyến cáo không nên dùng hơn 2 phần cá nhiều dầu mỗi tuần.

Lưu ý: Bài viết này chỉ là một tài liệu tổng quát về ngộ độc thực phẩm. Có những tài liệu khác sẽ cung cấp thêm thông tin về những loại vi sinh vật khác nhau gây ngộ độc thực phẩm.

Thực phẩm bị nhiễm bẩn như thế nào?

Sự nhiễm bẩn thức ăn có thể do vấn đề xảy ra trong quá trình sản xuất, bảo quản hoặc chế biến thức ăn. Ví dụ:

  • Không bảo quản thức ăn đúng cách hoặc đúng nhiệt độ. Ví dụ, không bảo quản lạnh. Đây là một vấn đề thường xảy ra ở thịt và các sản phẩm từ sữa.
  • Chế biến, nấu nướng thực phẩm chưa thích hợp (nấu không chín hoặc không nấu ở nhiệt độ chuẩn xác). Vi sinh vật (cụ thể là vi khuẩn) thường được tìm thấy ở thịt tươi sống, bao gồm cả thịt gia cầm. Nấu nướng đúng cách sẽ tiêu diệt vi khuẩn.
  • Nhiễm khuẩn có thể đến từ chính người chuẩn bị thức ăn do họ không tuân thủ các quy tắc vệ sinh và không rửa tay đúng cách.
  • Nhiễm khuẩn từ các thức ăn khác (nhiễm khuẩn chéo). Ví dụ, sử dụng cùng một cái thớt để cắt bánh mì ngay khi vừa mới sơ chế thịt tươi sống. Bảo quản thịt tươi sống trong tủ lạnh ở ngăn tủ ngay trên thức ăn “chuẩn bị được dùng” có thể làm cho nước thịt sẽ rơi xuống thức ăn bên dưới.
  • Vi khuẩn có thể có ở sữa hoặc phô mai chưa được khử trùng. Quá trình khử khuẩn sẽ tiêu diệt vi khuẩn.

Nguồn nước bị nhiễm bẩn như thế nào?

Nước có thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc các loại vi sinh khác thường do phân của người hoặc động vật tiếp xúc với nguồn cung cấp nước. Tình trạng này thường gặp ở những quốc gia có điều kiện vệ sinh kém. Ở những quốc gia này, thức ăn có thể được rửa và chế biến bằng nước bị nhiễm bẩn. Cho nên ở những quốc gia có điều kiện vệ sinh kém, bạn nên tránh:

  • Uống nước trực tiếp từ vòi.
  • Sử dụng đá viên trong đồ uống (vì các viên đá có thể được tạo ra từ nước vòi).
  • Đánh răng với nước từ vòi.
  • Ăn salad (vì rau xà lách, cà chua,v.v có thể được rửa dưới nước bị nhiễm bẩn).
  • Ăn rau sống (vì chúng có thể được rửa dưới nước bị nhiễm bẩn).

Tần suất của tình trạng ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm rất phổ biến.Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) trước đây chỉ báo cáo những ca nghiêm trọng nhưng số liệu hiện tại của họ đã bao gồm luôn các ca nhẹ và vừa. Theo số liệu gần đây nhất của họ, có hơn 500,000 ca ngộ độc thực phẩm ở Anh mỗi năm, chỉ tính những ca được biết đến. Nếu bao gồm luôn các ca chưa xác định thì số liệu sẽ tăng lên gấp đôi.

Sau bao lâu thì ngộ độc thực phẩm sẽ diễn tiến?

Trong hầu hết trường hợp ngộ độc thức ăn, các triệu chứng thường xảy ra từ 1 đến 3 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm bẩn. Tuy nhiên, đối với một số dạng ngộ độc, thời kì ủ bệnh có thể kéo dài tới 90 ngày.

Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm

  • Triệu chứng chính là tiêu chảy, thường kèm theo buồn nôn hoặc nôn. Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi tiêu phân lỏng hoặc phân nước, ít nhất 3 lần trong 24 giờ. Máu và nhầy có thể xuất hiện trong phân trong vài trường hợp nhiễm trùng.
  • Đau quặn bụng cũng thường gặp. Cơn đau sẽ giảm sau mỗi lần tiêu chảy.
  • Thân nhiệt cao (sốt), đau đầu và đau nhức tứ chi đôi khi cũng xảy ra.

Nếu nôn ói xảy ra, thường chỉ kéo dài 1 ngày, nhưng đôi khi cũng dài hơn.Tiêu chảy diễn ra sau khi ngưng nôn ói và thường sẽ kéo dài vài ngày hoặc hơn.Tiêu phân lỏng nhẹ có thể kéo dài khoảng 1 tuần hoặc hơn trước khi trở lại bình thường.Đôi khi các triệu chứng trên kéo dài hơn.

Triệu chứng của việc mất dịch (mất nước) trong cơ thể

Tiêu chảy và nôn ói có thể gây mất nước.Tìm đến bác sĩ ngay khi bạn nghi ngờ bản thân đang bị mất nước.Tình trạng mất nước nhẹ khá phổ biến và thường dễ dàng cải thiện khi bù dịch.Tình trạng nặng có thể dẫn tới tử vong trừ khi được điều trị nhanh chóng bởi vì các cơ quan trong cơ thể cần một lượng dịch nhất định để hoạt động.

Các triệu chứng của tình trạng mất nước ở người lớn bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ
  • Đau đầu
  • Chuột rút cơ
  • Mắt trũng
  • Tiểu ít
  • Môi và lưỡi khô
  • Lả người
  • Trở nên dễ cáu gắt.

Các triệu chứng của tình trạng mất nước nặng ở người lớn bao gồm:

  • Thiếu sức sống
  • Lả người
  • Lơ mơ
  • Nhịp tim nhanh
  • Tiểu rất ít
  • Có thể hôn mê.

Tình trạng mất nước nặng là một cấp cứu y khoa và cần có can thiệp y khoa ngay lập tức.

Tình trạng mất nước ở người lớn thường gặp ở:

  • Người lớn tuổi hoặc người có sức khỏe yếu
  • Phụ nữ có thai
  • Người bị tiêu chảy nặng kèm nôn ói, nhất là khi bạn không thể bồi hoàn đủ lượng dịch mất thông qua việc uống chất lỏng.

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm và các xét nghiệm kiểm tra

Đa số mọi người sẽ nhận ra bản thân đang bị ngộ độc thực phẩm từ các triệu chứng điển hình.Nếu các triệu chứng nhẹ thì bạn không cần phải tìm đến bác sĩ hoặc nhận các trị liệu y khoa chuyên biệt.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ phải tìm đến các bác sĩ khi bạn bị ngộ độc thực phẩm (xem phía dưới để biết khi nào phải tìm đến bác sĩ). Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn về những chuyến du lịch gần đây hoặc bất cứ khả năng nào để ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm bẩn. Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu mất dịch cơ thể của bạn. Họ cũng sẽ đo huyết áp, mạch và thân nhiệt và kiểm tra bất cứ dấu hiệu đau nào ở vùng bụng của bạn.

Bác sĩ của bạn có thể sẽ yêu cầu bạn thu thập mẫu phân. Mẫu này sẽ được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm dấu hiệu nhiễm khuẩn.Không phải lúc nào cũng cần phải lấy mẫu. Bác sĩ của bạn chỉ yêu cầu mẫu trong những trường hợp nhất định, ví dụ như:

  • Bạn vừa đi du lịch nước ngoài.
  • Bạn cảm thấy rất khó chịu.
  • Bạn có máu hoặc mủ trong phân.
  • Tiêu chảy không thuyên giảm sau 1 tuần.
  • Bạn đang nhập viện gần đây hoặc đang điều trị bằng kháng sinh.
  • Bạn đang có các bệnh lý khác, đặc biệt các bệnh ảnh hưởng hệ miễn dịch.
  • Bác sĩ không chắc bạn đang bị viêm dạ dày ruột hay đang bị ngộ độc thực phẩm
  • Công việc của bạn phải chạm tay vào thức ăn.

Nguyên nhân tại sao việc lấy mẫu phân không phải lúc nào cũng cần thiết là do khi biết được bạn đang nhiễm vi sinh vật nào cũng sẽ không làm thay đổi cách bạn được điều trị. Đa số trường hợp bị ngộ độc sẽ tự khỏi trước khi kết quả phân tích mẫu phân được trả về.

Nếu bạn cảm thấy rất khó chịu, bạn có thể phải nhập viện. Trong trường hợp này, cần phải làm thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu hay chọc dò tủy sống. Các kiểm tra này nhằm đánh giá tình trạng lan rộng của nhiễm trùng tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Khi nào tôi cần phải tìm đến các dịch vụ y tế?

Chỉ tìm đến các dịch vụ y tế trong các trường hợp sau:

  • Bạn nghi ngờ bản thân đang trong tình trạng mất dịch (mất nước).
  • Bạn buồn nôn (nôn) rất nhiều và không thể giảm lượng dịch nôn ra.
  • Bạn có máu trong phân hoặc dịch nôn.
  • Bạn có cơn đau bụng cấp.
  • Các triệu chứng diễn tiến nặng dần.
  • Bạn sốt kéo dài.
  • Các triệu chứng không thuyên giảm; ví dụ, nôn ói hơn 1-2 ngày hoặc tiêu chảy không giảm sau 3-4 ngày. Triệu chứng nhiễm trùng khởi phát ở nước ngoài.
  • Bạn lớn tuổi hoặc đang có các bệnh lý nền như đái tháo đường, chứng động kinh, bệnh viêm ruột, bệnh thận.
  • Bạn có hệ miễn dịch bị suy giảm vì: hóa trị liệu, sử dụng trị liệu với steroid, nhiễm HIV.
  • Bạn đang có thai. Hoặc khi bạn nghi ngờ bản thân đã bị ngộ độc do thức ăn từ nhà hàng hoặc thức ăn mang đi (xem bên dưới).
  • Bạn đang có bất cứ triệu chứng nào đáng lưu tâm.

Điều trị ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng thường sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày khi hệ miễn dịch loại trừ được vấn đề nhiễm khuẩn.Thông thường, nhập viện chỉ cần thiết khi các triệu chứng diễn tiến nặng nề hoặc có biến chứng.

Sau đây là những điều nên làm cho đến khi các triệu chứng giảm đi:

  • Uống nhiều nước

Mục đích là phòng ngừa việc mất dịch (mất nước) hoặc điều trị việc mất nước khi nó trở nặng hơn. (Lưu ý: nếu bạn nghĩ bản thân đang trong tình trạng mất nước thì bạn nên gặp bác sĩ.)

  • Uống ít nhất 200ml nước sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng.
  • Lượng dịch này là nhằm bổ sung vào lượng dịch mà bạn thường uống. Ví dụ, một người trưởng thành thường sẽ uống khoảng 2 lít mỗi ngày hoặc có thể cao hơn ở các quốc gia xứ nhiệt đới. Cụm từ “200ml dịch sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng” nghĩa là sẽ uống thêm một lượng 200ml so với thông thường.
  • Nếu bạn buồn nôn hoặc nôn, hãy chờ 5 đến 10 phút rồi bắt đầu uống lại nhưng chậm hơn. Ví dụ, mỗi lần uống có thể kéo dài 2-3 phút nhưng hãy chắc rằng tổng lượng dịch nạp vào cơ thể phải đầy đủ như miêu tả ở trên.
  • Bạn sẽ cần phải uống nhiều hơn nữa khi đang trong tình trạng mất nước. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn lượng dịch cần phải uống là bao nhiêu khi bạn mất nước.

Ở đa số người trưởng thành, chất dịch được dùng để giữ cơ thể luôn được cấp ẩm chủ yếu là nước. Ngoài ra cũng nên cung cấp thêm nước hoa quả hoặc nước súp. Tốt nhất không nên sử dụng các thức uống có nhiều đường như nước ngọt có ga vì chúng có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Các thức uống bồi hoàn dịch được khuyến cáo cho người đang suy nhược, người trên 60 tuổi hoặc đang có các bệnh lý nền. Chúng được pha chế từ các gói thuốc bột mà bạn có thể mua được từ các cửa hàng dược phẩm. (Các gói thuốc có thể được kê trên toa thuốc). Bạn sẽ pha các chất thuốc này vào nước. Các thức uống bồi hoàn dịch này sẽ cung cấp một tỉ lệ cân bằng giữa nước, muối và đường. Một ít muối và đường sẽ giúp ruột hấp thu nước vào cơ thể tốt hơn. Chúng không ngăn chặn hay giảm triệu chứng tiêu chảy. Không được dùng nước muối/nước đường tự làm tại nhà vì lượng muối và đường phải được tính toán chính xác.

Ăn uống như bình thường

Trước đây, người ta thường khuyên nên nhịn đói khi bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế thì nên ăn các bữa ăn nhỏ và nhẹ nếu có thể. Ăn thực phẩm nào khiến bạn cảm thấy ngon miệng. Bạn có thể cảm thấy không muốn ăn và đa số người trưởng thành sẽ có tình trạng này trong vài ngày. Hãy ăn sớm nhất khi bạn có thể nhưng không được ngưng việc cung cấp nước. Nếu bạn có cảm giác thèm ăn thì phải tránh các thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ trong thời gian đầu. Những thực phẩm đơn giản như bánh mì nguyên cám và gạo là những thực phẩm tốt và nên ăn đầu tiên.

Thuốc

Thuốc chống tiêu chảy không phải luôn luôn cần thiết.Tuy nhiên, thuốc loperamide có thể được khuyên dùng trong một số trường hợp.Ví dụ, nhằm giúp bạn có thể tạm ổn định để tham gia một sự kiện quan trọng như lễ cưới, hoặc bạn gặp khó khăn để kịp thời vào nhà vệ sinh. Loperamide sẽ làm giảm nhu động ruột và có thể sẽ giảm số lần đi tiêu. Bạn có thể mua loperamide tại các cửa hàng dược phẩm.Liều dùng loperamide cho người lớn là 2 viên nang trong thời gian đầu.Sau đó giảm còn 1 viên nang sau mỗi lần bạn tiêu chảy, tối đa không quá 8 viên nang trong vòng 24h.Bạn không nên uống loperamide nhiều hơn 5 ngày.

Lưu ý: dù loperamide thường an toàn nhưng vẫn có trường hợp có vấn đề nghiêm trọng liên quan đường ruột ở một vài người sử dụng loperamide. Các vấn đề này chủ yếu gặp ở người đã có sẵn bệnh viêm loét ruột nghiêm trọng.Cho nên, đừng sử dụng loperamide hoặc bất kì thuốc chống tiêu chảy nào khi bạn thấy máu hoặc nhầy trong phân hay khi bạn đang bị sốt.Ngoài ra, có những cơ địa nhất định không nên sử dụng loperamide. Phụ nữ có thai không nên sử dụng loperamide. Vì thế, để an toàn, hãy đọc tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo với thuốc.

Paracetamol hoặc ibuprofen an toàn để làm dịu triệu chứng sốt hoặc đau đầu.

Như đã giải thích ở trên, trong môt số trường hợp, bác sĩ của bạn có thể sẽ yêu cầu lấy mẫu phân. Mẫu sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để tìm vi sinh vật gây bệnh như các vi khuẩn, kí sinh trùng, etc. Một loạt các loại kháng sinh có thể cần thiết khi đã xác định được vi sinh vật. Ví dụ cho khi nào cần phải dùng thuốc kháng sinh:

  • Các triệu chứng diễn ra nặng nề.
  • Qúa trình nhiễm trùng diễn tiến không như mong đợi. Ví dụ như khi các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau một tuần.
  • Bạn hơn 50 tuổi và xác định bị nhiễm Salmonella.
  • Bạn có các bệnh lý khác như bệnh lý van tim và đã được xác định bị nhiễm Salmonella.
  • Bạn có máu trong phân và được xác định bị nhiễm Shigella.
  • Bạn bị suy giảm miễn dịch – ví dụ như khi bạn đang hóa trị hoặc mắc bệnh AIDS.
  • Nhiễm một số vi sinh vật đặc trưng, thường bị nhiễm khi tái ngoại, thì thường sẽ sử dụng kháng sinh. Ví dụ như nhiễm Giardia hoặc nhiễm amíp.
Xem thêm bài Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà của Bác sĩ Ths.BS. Trần Thị Kim Vân vàBS.TS. Phạm Nguyên Quý

Phòng chống lây lan cho người khác

Một số nguyên nhân nhiễm trùng gây ra tiêu chảy hoặc buồn nôn (nôn) có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Nếu bạn bị tiêu chảy, các cách sau sẽ giúp ngăn ngừa việc lây lan cho người khác:

  • Rửa tay cẩn thận sau khi đi vệ sinh. Lý tưởng nhất là sử dụng xà phòng dạng dung dịch và rửa bằng nước ấm, nhưng bất kì loại xà phòng nào thì vẫn tốt. Lau khô sau khi rửa tay.
  • Không sử dụng chung khăn tắm hoặc khăn quấn.
  • Không chuẩn bị hoặc phục vụ thức ăn cho người khác.
  • Thường xuyên làm vệ sinh khu vực toilet mà bạn sử dụng. Lau sạch dụng cụ gạt nước, bàn cầu, vòi sen, các mặt sàn và tay cầm cửa với nước ấm và thuốc tẩy ít nhất mỗi ngày một lần. Hãy sử dụng riêng một miếng vải chỉ dùng để làm sạch nhà vệ sinh (hoặc sử dụng loại dùng một lần). Hãy tạm ngưng công việc, học hành,..ít nhất 48 giờ sau lần tiêu chảy hoặc nôn ói gần nhất.
  • Đối với người phân phối thực phẩm: Nếu bạn làm việc với thực phẩm và bị tiêu chảy hoặc nôn ói, bạn phải lập tức rời khỏi khu vực phân phát thức ăn. Trong đa số trường hợp, không cần phải làm kiểm tra gì thêm, chỉ cần tạm ngưng công việc ít nhất 48 giờ sau lần nôn ói hoặc tiêu chảy gần nhất. Một vài trường hợp đặc biệt có thể cần thời gian nghỉ ngơi lâu hơn. Nếu vẫn còn nghi ngờ, hãy tìm lời khuyên từ người quản lý hoặc các bác sĩ gia đình.
  • Nếu nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn được xác định là hoặc được nghi ngờ là cryptosporidium, bạn không nên đi bơi tại hồ trong 2 tuần kể từ lần tiêu chảy gần nhất.

Có biến chứng nào gây ra do ngộ độc thực phẩm hay không?

Biến chứng thường ít gặp tại Anh.Chỉ những người lớn tuổi thì dễ có biến chứng hơn.Biến chứng ngoài ra cũng chỉ gặp khi bạn có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường hoặc bất thường hệ miễn dịch. (Ví dụ, nếu bạn làm công việc có tiếp xúc nhiều với thuốc chứa steroid hoặc bạn đang phải làm hóa trị ung thư.) Các biến chứng có thể có:

  • Mất cân bằng muối (điện giải) và mất dịch (mất nước) trong cơ thể. Đây được xem là biến chứng thường gặp nhất. Nó xảy ra khi muối và nước bị mất đi trong phân hoặc dịch nôn mà không được bù lại đầy đủ. Nếu bạn cố gắng uống nhiều chất dịch thì việc mất dịch ít khi xảy ra, hoặc nếu có thì cũng ở dạng nhẹ, và bạn sẽ sớm hồi phục khi bạn tiếp tục uống. Tình trạng mất dịch nặng có thể gây hạ huyết áp. Việc này sẽ làm giảm lượng máu đến nuôi các cơ quan trọng yếu. Nếu tình trạng mất dịch không được can thiệp thì thận của bạn có thể bị tổn hại. Một số người bị mất dịch nghiêm trọng sẽ cần phải truyền dịch qua tĩnh mạch. Điều này đồng nghĩa phải nhập viện. Người già và phụ nữ có thể dễ bị tình trạng mất dịch hơn.
  • Biến chứng do đáp ứng cơ thể. Đôi khi, các cơ quan khác sẽ đáp ứng lại tình trạng viêm nhiễm tại ruột. Có thể có triệu chứng viêm khớp, viêm da và viêm nhiễm tại mắt (viêm kết mạc hoặc viêm màng bồ đào).
  • Lan rộng tình trạng nhiễm trùng tới các bộ phận khác trên cơ thể như xương, khớp, màng não hoặc màng tủy. Điều này hiếm khi xảy ra. Nếu có thì triệu chứng tiêu chảy thường do Salmonella.
  • Hội chứng tiêu chảy kéo dài đôi khi có thể tiến triển:
    • Hội chứng ruột kích thích thường gợi ý một đợt ngộ độc thực phẩm.
    • Bất dung nạp đường lactose có thể xảy ra trong một khoảng thời gian sau khi bị ngộ độc. Đây được xem là tình trạng bất dung nạp đường lactose “thứ phát” hay “mắc phải”. Thành ruột có thể bị tổn thương sau một đợt viêm nhiễm, dẫn tới thiếu enzyme lactase, cần thiết để có thể tiêu hóa đường lactose có trong sữa. Bất dung nạp đường lactose sẽ gây chướng, đau bụng, trung tiện và đi phân lỏng. Các triệu chứng sẽ được cải thiện khi tình trạng viêm nhiễm chấm dứt và thành ruột được phục hồi. Điều này thường gặp ở trẻ em hơn.
  • Hội chứng tán huyết – tăng ure là một biến chứng khác có thể xảy ra. Biến chứng này hiếm gặp và thường liên quan đến ngộ độc thực phẩm do nhiễm E.coli. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, thường gặp ở trẻ em, bao gồm vừa thiếu máu (lượng tiểu cầu ít) vừa suy thận. Nếu được phát hiện và điều trị thì đa số trường hợp sẽ hồi phục tốt.
  • Hội chứng Guillain-Barré gợi ý tình trạng nhiễm campylobacter. Dây thần kinh chi phối toàn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, gây ra yếu liệt và các vấn đề liên quan đến cảm giác. Để biết thêm chi tiết, hãy tham khảo tài liệu kèm theo mang tên “Hội chứng Guillain-Barré”.
  • Gỉam hiệu lực của một số loại thuốc. Trong khi đang bị ngộ độc thực phẩm, một số loại thuốc đang dùng cho các bệnh lý khác có thể sẽ không còn hiệu quả. Lý do là tiêu chảy và/hoặc nôn ói sẽ giảm lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể. Ví dụ như các thuốc dùng cho chứng động kinh, đái tháo đường và thuốc ngừa thai. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn không biết chắc phải làm gì tiếp theo khi bạn vừa bị ngộ độc thực phẩm vừa đang sử dụng các loại thuốc khác.

Báo cáo tình trạng ngộ độc thực phẩm

Bạn nên báo lại cho Cơ quan Sức Khỏe Môi Trường tại địa phương về bất kì ca ngộ độc thức ăn nào nghi ngờ do ăn các thực phẩm mang đi hoặc thức ăn tại nhà hàng. Các nhân viên tại Cơ quan Sức Khỏe Môi Trường sẽ tiến hành điều tra cơ sở kinh doanh trên. Nếu phát hiện vấn đề trong quá trình giữ an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ có các hành động cụ thể hơn. Điều này hi vọng sẽ giảm được số người bị ngộ độc thực phẩm. Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ hoặc xác định bạn bị ngộ độc thực phẩm thì theo luật pháp quy định, họ cũng phải báo cáo vấn đề này.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm tại Anh đã đề nghị các biện pháp sau để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:

Vệ sinh

  • Giữ vệ sinh khu vực làm việc và nơi nấu ăn.
  • Rửa sạch và làm khô tay thường xuyên, đặc biệt ngay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, sau khi cầm thực phẩm tươi sống và ngay trước khi tiếp xúc với thức ăn đã chế biến.
  • Không chế biến thức ăn với người khác khi bạn đang bị tiêu chảy hoặc buồn nôn (nôn).
  • Sử dụng băng cá nhân không thấm nước để che phủ vùng bị lở loét hoặc các vết cắt trước khi bạn chạm vào thực phẩm.
  • Thay khăn lau bát đĩa thường xuyên.

Nấu chín thực phẩm

  • Hãy chắc rằng bạn nấu thực phẩm đủ chín, đặc biệt là thịt vì sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn. Thực phẩm nên được nấu chín đều và giữ nhiệt độ cao nhất ở khu vực trung tâm.
  • Nếu bạn hâm nóng lại thức ăn thì cũng phải được nấu chín đều và nóng nhất ở giữa.
  • Đừng hâm nóng thực phẩm nhiều hơn một lần.

Giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp

  • Nếu thức ăn bị đưa ra khỏi tủ lạnh thì vi khuẩn có thể nhân lên tới một mức độ gây ngộ độc thực phẩm.
  • Nhiệt độ trong tủ lạnh cần giữ ở mức từ 0°C đến 5°C . Ngoài ra, đừng mở cửa tủ nếu không thật cần thiết
  • Làm mát thức ăn thừa nhanh chóng sau đó đưa vào tủ lạnh. Lấy thức ăn ra khỏi nồi và đặt vào một thùng chứa nông, sẽ giúp làm tăng tốc độ làm mát.

Nhiễm khuẩn chéo

Điều này xảy ra khi vi khuẩn đi từ thức ăn (thường là thực phẩm tươi sống) sang thức ăn khác, cụ thể:

  • Thức ăn trực tiếp tiếp xúc với nhau
  • Một thức ăn chảy nước và nhỏ xuống thức ăn khác
  • Tay của bạn hoặc các dụng cụ nấu bếp (dao hoặc thớt) chạm vào thức ăn này sau đó lại chạm vào thức ăn khác

Các điều quan trọng:

  • Rửa tay sau khi chạm vào thực phẩm tươi sống
  • Phân tách rõ thực phẩm tươi sống và đã chế biến
  • Bảo quản thịt tươi sống ở ngăn kín và tầng thấp nhất của tủ lạnh
  • Tránh sử dụng cùng một tấm thớt để chuẩn bị thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã chế biến
  • Rửa sạch dao và các dụng cụ nhà bếp khác sau khi sơ chế thức ăn tươi sống.

Một số khuyến cáo có thể cần thiết nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi bạn du lịch nước ngoài. Ví dụ như tránh dùng thức uống không an toàn và tránh ăn các thức ăn được rửa dưới nguồn nước không an toàn. Để biết thêm chi tiết, xem tờ bướm đính kèm “Bệnh tiêu chảy của Khách du lịch”.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/food-poisoning-in-adults

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích