menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Làm gì khi bị hội chứng ruột kích thích

user

Ngày:

25/08/2018

user

Lượt xem:

1335

Bài viết thứ 25/30 thuộc chủ đề “Các bệnh về nội Tiêu hóa”

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hoá thường gặp. Nguyên nhân vẫn chưa được biết đến.Triệu chứng có thể thay đổi và bao gồm đau bụng, đầy hơi, đôi lúc có những đợt tiêu chảy và/hoặc táo bón. Các triệu chứng có xu hướng đến rồi đi. Không có cách chữa bệnh IBS, nhưng triệu chứng có thể giảm nhẹ sau khi điều trị.

Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) là gì và ai có thể bị bệnh này?

IBS là một rối loạn chứng năng đường tiêu hoá thường gặp. Rối loạn chức năng có nghĩa là có vấn đề với chức năng của một phần cơ thể, và không có tổn thương nào ở cấu trúc.Như vậy, trong IBS, chúc năng của đường ruột bị suy giảm, nhưng cả đường tiêu hoá có cấu trúc bình thường, ngay cả khi nhìn dưới kính hiển vị. IBS gây nên nhiều triệu chứng khác nhau (liệt kê ở dưới). Có 1 trong 5 người ở nước Anh bị IBS ở một thời điểm nào đó trong đời họ. IBS có thể ảnh hưởng tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường bắt đầu ở người trẻ tuổi. IBS thường gặp ở nữ nhiều hơn nam một ít.

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS)

  • Đau và khó chịu có thể xảy ra ở một số vùng ở bụng. Cơn đau thường đến và đi. Độ dài của mỗi cơn đau khác nhau rất nhiều. Nó thường giảm sau khi bạn đi cầu hoặc trung tiện. Nhiều người bị IBS mô tả cơn đau là đau kiểu co thắt hoặc đau kiểu colic. Độ nặng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, tuỳ người và tuỳ thời điểm ở cùng một người.
  • Đầy hơi và bụng to lên có thể thấy theo thời gian. Bạn có thể trung hiện nhiều hơn thường xuyên.
  • Thay đổi tính chất phân:
    • Một số người bị những đợt tiêu chảy, những người khác bị các đợt táo bón.
    • Một số người vừa bị tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
    • Đôi khi phân trở nên nhỏ và có dạng hình viên. Đôi khi chúng kèm nhiều nước hoặc loãng hơn. Những lúc khác, phân có thể lẫn với nhầy.
    • Có thể có cảm giác đi cầu không hết.
    • Những người khác lại có cảm giác phải đi cầu gấp, không nhịn được, thường xuất hiện vào buổi sáng. Đó là, họ có cảm giác cần phải đi cầu nhiều lần ngay sau khi thức dậy. Điều này thường xảy ra trong và sau bữa ăn sáng.

  • Những triệu chứng khác có thể xuất hiện, gồm:
    • Buồn nôn
    • Đau đầu
    • Ợ hơi
    • Chán ăn
    • Mệt mỏi
    • Đau lung
    • Đau cơ
    • No nhanh sau khi ăn
    • Ợ nóng
    • Triệu chứng từ bàng quang (bàng quang dễ bị kích ứng)

Một số người thường xuyên có triệu chứng nhẹ. Những người khác lại có các triệu chứng gây khó chịu trong thời gian dài. Nhiều người lại ở khoảng giữa, tức thỉnh thoảng có những đợt tái phát. Một số bác sĩ phân nhóm người mắc bệnh IBS vào 3 nhóm:

  • Người bị đau và khó chịu vùng bụng, các triệu chứng khác chủ yếu là đầy hơi và táo bón
  • Người bị đau và khó chịu vùng bụng, các triệu chứng khác chủ yếu là mắc đi cầu và tiêu chảy
  • Người có triệu chứng thay đổi giữa tiêu chảy và táo bón

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người không thuộc nhóm nào ở trên và tình trạng trùng lắp giữa các nhóm thường xảy ra.

Lưu ý: Tiêu ra máu không phải là triệu chứng của IBS. Nếu thấy đi cầu ra máu, bạn cần phải nói bác sĩ biết.

Tôi có cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS)?

Không có xét nghiệm nào giúp khẳng định chẩn đoán IBS. Một bác sĩ thường chẩn đoán bệnh này dựa trên những triệu chứng điển hình.

Tuy nhiên, xét nghiệm máu hoặc mẫu phân thường được chỉ định nhằm loại trừ các bệnh khác như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, ung thư buồng trứng, nhiễm trùng đường tiêu hoá v.v. Triệu chứng của những bệnh này đôi khi có thể bị lầm lẫn với IBS. Các xét nghiệm thường làm bao gồm:

  • Công thức máu – nhằm loại trừ tình trạng thiếu máu thiếu sắt là bệnh có liên quan đến nhiều rối loạn đường tiêu hoá
  • Tốc độ lắng máu hoặc C-reactive protein (CRP) – có thể cho thấy có tình trạng viêm trong cơ thể (không có trong IBS)
  • Xét nghiệm máu của bệnh celiac
  • Ở phụ nữ, CA 125 nhằm loại trừ ung thư buồng trứng
  • Xét nghiệm phân để tìm một loại protein gọi là calprotein phân. Chất này có thể hiện diện trong bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, nhưng không có trong IBS.

Những xét nghiệm phức tạp hơn như nội soi dạ dày (nhìn vào dạ dày nhờ một ống soi đặc biệt) thường là không cần thiết. Tuy nhiên, chúng có thể được chỉ định nếu các triệu chứng là không điển hình, hoặc nếu bạn bị IBS khi lớn tuổi (trên 50 tuổi) khi các bệnh khác cần phải được loại trừ.

Điều gì gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS)?

Nguyên nhân vẫn chưa rõ. Nó có thể liên quan tới sự hoạt động quá mức của một phần đường tiêu hoá. Ruột là một ống cơ dài đi từ miệng đến hậu môn. Ruột non và ruột già là những phần nằm trong ổ bụng. Thức ăn đi qua ruột nhờ những cơn co cơ đều đặn của lớp cơ ở thành ruột. Sự đau và các triệu chứng khác có thể xuất hiện nếu sự co này trở nên bất thường hoặc hoạt động quá mức. Nơi có sự hoạt động tăng lên này có thể quyết định triệu chứng nào sẽ xảy ra giữa tiêu chảy và táo bón.

Nguyên nhân vì sao một phần ruột hoạt động quá mức vẫn chưa được biết rõ. Một hoặc nhiều yếu tố sau đây có thể góp phần:

  • Sự tăng hoạt động của thần kinh hoặc lớp cơ của ruột. Vẫn chưa rõ vì sao điều này xảy ra. Nó có thể liên quan với tình trạng tăng những thông tin từ não gửi đến ruột. Stress hoặc tâm trạng lo lắng có thể có vai trò. Khoảng phân nửa số người bị IBS liên hệ sự khởi đầu các triệu chứng của họ tới một sự kiện căng thẳng nào đó trong đời họ. Các triệu chứng thường trở nặng hơn trong cơn stress hoặc lo lắng.
  • Không dung nạp với một số loại thức ăn cũng có vai trò trong một số trường hợp. Tuy nhiên, điều này được nghĩ là chỉ ảnh hưởng 1 số nhỏ các bệnh nhân.
  • Nhiễm trùng và vi sinh vật (vi khuẩn) ở đường ruột. IBS không được gây nên bởi nhiễm trùng tiêu hoá.Tuy nhiên, ở phân nửa trường hợp, sự khởi đầu các triệu chứng có vẻ như đi sau một đợt nhiễm trùng tiêu hoá với tiêu chảy và nôn ói, gọi là viêm dạ dày ruột. Vì vậy, có thể virus hoặc một loại vi sinh vật đã gây cảm ứng hoặc kích thích đường ruột, tạo ra các triệu chứng của IBS.
  • Sự mẫn cảm với cảm giác đau. Người bị IBS có cảm giác đau nhiều hơn khi đường tiêu hoá của họ bị dãn hơn là người không bị IBS. Họ có thể có ngưỡng chịu đau từ đường ruột thấp hơn bình thường.

Điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS)

Nhiều người được trấn an rằng bệnh của họ chỉ là IBS chứ không phải tình trạng nào nặng hơn hơn viêm đường ruột. Hiểu một cách đơn giản về IBS sẽ giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng hơn về bệnh của mình và điều này có thể giảm độ nặng của bệnh. Các triệu chứng thường ổn định sau thời gian dài mà không cần điều trị gì.Trong một số trường hợp, triệu chứng chỉ nhẹ và không cần điều trị.

Có nhiều phương thức điều trị đã được dùng cho IBS. Tất cả đều có hiệu quả ở một số người, nhưng không có cách nào có ích cho mọi trường hợp IBS. Không có cách điều trị nào có thể làm mất triệu chứng hoàn toàn, nhưng chúng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng sống của bạn.

Nếu các triệu chứng gây khó chịu hay xuất hiện thường xuyên, một hay nhiều cách sau đây được khuyên làm theo:

Lựa chọn điều trị 1: thay đổi lối sống

  • Tập thể thao. Luyện tập đều đặn sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng.
  • Quản lý stress. Stress và các yếu tố tâm lý có thể làm khởi phát triệu chứng ở một số người. Vì vậy, bất cứ thứ gì giúp giảm stress đều có thể giúp.
  • Làm nhật ký triệu chứng. Việc giữ một quyển nhật ký về chế độ ăn và lối sống trong 2-4 tuần nhằm điều chỉnh triệu chứng và hoạt động của bạn có thể có ích. Ghi chú lại tất cả những gì bạn ăn uống, thời điểm bạn bị stress và khi bạn tập thể thao. Việc này có thể giúp xác định tác nhân khởi phát bệnh, như một loại thức ăn, đồ uống có cồn, stress tâm lý, và cho thấy việc tập thể dục có giúp giảm hoặc ngăn ngừa triệu chứng hay không.

Nếu bạn đang được khuyên thử một biện pháp nào đó, sẽ rất tốt nếu bạn giữ một nhật ký triệu chứng trước và sau khi khởi đầu biện pháp ấy. Chẳng hạn, trước khi thay đổi lượng chất xơ bạn ăn vào, hoặc dùng một loại men vi sinh (sẽ được giải thích sau), hoặc dùng thuốc. Bạn nên ghi chú loại và độ nặng của các tính chất mà bạn trải qua mỗi ngày trong tuần.Giữ cuốn nhật ký này khi bạn bắt đầu điều trị.Như vậy bạn có thể đánh giá liệu cách điều trị ấy có giúp ích bạn hay không.

Lựa chọn điều trị 2: thay đổi chế độ ăn

Một chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, một số người bị IBS thấy có những thức ăn vốn bình thường là tốt cho sức khoẻ lại có thể khởi phát bệnh của họ hoặc làm bệnh nặng hơn.

Lời khuyên về chế độ ăn cho người bị IBS

Những khuyến cáo quốc gia hiện tại về IBS bao gồm những điểm sau về việc ăn uống và có thể làm giảm triệu chứng:

  • Ăn các bữa đều đặn và dành thời gian để ăn uống một cách thư giãn.
  • Tránh bỏ bữa hoặc ăn các bữa cách nhau quá xa.
  • Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc hoặc thức uống không có caffein. Điều này giúp bạn dễ đi cầu hơn.
  • Giảm lượng trà và cà phê uống còn 3 ly mỗi ngày (do caffein có thể là yếu tố gây bệnh ở một số người).
  • Giảm lượng nước uống có gas xuống tối thiểu.
  • Không nên uống quá nhiều thức uống có cồn (Một số người thấy các triệu chứng giảm nhẹ đi khi họ giảm uống rượu bia nhiều).
  • Nên bớt ăn những thức ăn giàu chất xơ (nhưng xem thêm phần trên để biết khi nào tăng chất xơ thì có thể có lợi).
  • Giảm khẩu phần trái cây tươi còn 3 phần (hoặc 80g) mỗi ngày.
  • Nếu bạn bị tiêu chảy, tránh sorbitol, một chất làm ngọt nhân tạo trong các thức ăn ngọt không đường (như kẹo sing-gum) và trong thức uống, và một số thực phẩm cho người đái tháo đường hoặc ăn kiêng.
  • Nếu bạn đầy hơi và trung tiện nhiều, nên tăng lượng yến mạch bạn ăn vào (chẳng hạn, bữa sáng với ngũ cốc hoặc cháo từ yến mạch) và hạt lanh (một muỗng canh mỗi ngày). Bạn có thể mua hạt lanh từ các cửa hàng bán thực phẩm tốt cho sức khoẻ.

Chất xơ

Lời khuyên về chất xơ trong chế độ ăn cho người IBS đã thay đổi phần nào qua các năm. Chất xơ là thành phần của thức ăn mà không được hấp thu vào cơ thể. Nó ở lại trong đường ruột và là thành phần chính của phân. Có rất nhiều chất xơ trong trái cây, rau quả, ngũ cốc, bánh mì nguyên cám, v.v. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất xơ là tốt trong IBS, một số khác cho thấy điều ngược lại. Ở một số người, có thể đặc biệt ở những người bị táo bón, chế độ ăn giàu xơ chắc chắn sẽ giúp. Ở những người khác bị tiêu chảy, chế độ này lại có thể làm bệnh nặng hơn.Nếu bạn có một nhật ký triệu chứng, bạn có thể tìm ra điều nào là đúng hơn cho bạn. Như vậy bạn có thể tự điều chỉnh lượng chất xơ mình ăn vào.

Ngoài ra, loại chất xơ nào cũng là điều quan trọng. Có hai dạng chất xơ chính – chất xơ tan (tan được trong nước) và chất xơ không tan được. Chất xơ tan, hơn là loại không tan, có vẻ như giúp giảm triệu chứng ở một số trường hợp. Vì vậy, nếu bạn tăng lượng xơ thì hãy tăng lượng xơ tan được và cố gắng giảm chất xơ không tan.

  • Chất xơ tan được bao gồm yến mạch, ispaghula (psyllium), các loại hạt, một số loại trái cây, hoa quả và pectin. Một loại thực phẩm bổ sung giàu chất xơ là bột ispaghula có bán ở nhà thuốc và cửa hàng thức ăn tốt cho sức khoẻ. Đây có vẻ là loại thực phẩm tốt nhất.
  • Chất xơ không tan đa số tìm thấy trong cám bắp (ngô), cám bột và một số loại trái cây và rau quả. Đặc biệt, nên tránh cám như là nguồn bổ sung chất xơ.

Chế độ ăn FODMAP thấp

Gần đây, chế độ ăn FODMAP thấp được phát hiện là có thể giúp một số người bị IBS.

FODMAP là viết tắt của Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides, và Polyols lên men. Đây là một nhóm đường tìm thấy trong một số loại thức ăn và có thể làm bệnh IBS nặng hơn. Chúng bao gồm:

  • Một số trái cây như táo, quả cherry, đào và quả xuân đào.
  • Một số rau quả xanh như đậu Hà Lan, bắp cải, bông cải xanh, cải Bruxen.
  • Chất làm ngọt nhân tạo.
  • Thực phẩm nhiều lactose, như sữa, kem, phô mai, sô-cô-la và kem lên men.

Nếu bạn muốn thử chế độ ăn FODMAP thấp, bạn nên nói chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng. Rất khó để giảm ăn nhiều loại thức ăn và có thể có chế độ ăn lành mạnh mà không có lời khuyên của một chuyên gia. Bác sĩ của bạn có thể gửi bạn tới nhà dinh dưỡng và giúp bạn lựa chọn.

Không dung nạp một số loại thức ăn

Một số người bị IBS thấy rằng một hoặc một số loại thức ăn có thể khởi phát triệu chứng của họ hoặc làm các triệu chứng nặng hơn (không dung nạp hoặc nhạy cảm với một loại thức ăn). Nếu bạn không chắc rằng một thức phẩm làm khởi phát bệnh của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng, người có thể cho bạn lời khuyên về một chế độ ăn. Chẳng hạn, một loại thịt, trái cây và rau quả. Sau đó sẽ bổ sung những loại thức ăn khác nhau từ từ để xem triệu chứng của bạn có xuất hiện. Việc này có thể giúp xác định món ăn gây bệnh ở bạn. Quá trình này có thể kéo dài lâu, và nhiều khi không tìm được loại thức ăn nào là thủ phạm cả. Tuy nhiên, có những người đã tìm thấy một hoặc nhiều hơn những món ăn gây bệnh và họ có thể kiểm soát bệnh bằng cách không ăn chúng.

Những thức ăn thường xuyên gây IBS nhất ở nước Anh gồm:

  • Bột mì (trong bánh mì và ngũ cốc)
  • Lúa mạch đen
  • Lúa mạch
  • Sản phẩm từ sữa
  • Cà phê (và các thức uống chứa nhiều caffein như trà, cola)
  • Hành

Men vi sinh

Men vi sinh là những sản phẩm dinh dưỡng chứa các loại vi khuẩn có lợi. Đó là những vi khuẩn thường trú ở đường tiêu hoá và có vẻ như có lợi. Dùng men vi sinh có thể làm tăng lượng vi khuẩn có lợi và đẩy lùi các loại vi khuẩn có hại gây nên triệu chứng của IBS. Bạn có thể mua các sản phẩm (có nhiều chủng loại) này ở nhà thuốc.Liều được thể hiện ở thông tin sản phẩm. Bạn cũng có thể mua các thực phẩm chứa men vi sinh, bao gồm một số loại sữa, ya-ua, phô mai, ya-ua đông lạnh và kem. Chúng có thể được giới thiệu là “men vi sinh”, “chứa vi khuẩn được nuôi cấy” hoặc “chứa vi khuẩn sống”.

Có bằng chứng cho rằng dùng men vi sinh có thể giúp giảm triệu chứng ở một số người bị IBS. Hiện tại, có nhiều loại vi khuẩn được dùng trong sản phẩm men vi sinh. Nhiều nghiên cứu hơn là cần thiết nhằm làm rõ vai trò của men vi sinh và loại nào là có hiệu quả nhất. Nếu lúc này bạn muốn dùng thử men vi sinh, bạn nên dùng sản phẩm đó ít nhất 4 tuần để theo dõi hiệu quả. Nếu nó không gây khác biệt gì, hãy thử một loại khác trong ít nhất 4 tuần tiếp theo.

Lựa chọn điều trị 3: những loại thuốc có thể giúp ích

Thuốc chống co thắt cho triệu chứng đau bụng

Có những loại thuốc giúp các cơ đường tiêu hoá dịu xuống. Bác sĩ có thể cho bạn loại thuốc này nếu bạn có các cơn đau bụng kiểu co thắt. Có nhiều loại thuốc chống co thắt.Chẳng hạn, mebeverine, hyoscine và dầu bạc hà. Chúng tác động theo các cách khác nhau. Vì vậy, nếu có một loại không hiệu quả, bạn nên dùng thử một loại khác. Ngược lại nếu nó giúp ích thì hãy dùng nó khi xuất hiện cơn đau. Nhiều người dùng loại thuốc này trong khoảng 1 tuần nhằm giảm đau. Những người khác dùng trước bữa ăn nếu cơn đau của họ thường xuấ hiện sau khi ăn. Lưu ý: cơn đau có thể giảm sau dùng thuốc nhưng có thể không hết hoàn toàn.

Trị táo bón

Táo bón đôi khi là triệu chứng chính của hội chứng ruột kích thích (IBS). Trong trường hợp này, bạn nên dùng nhiều chất xơ hơn như đã nhắc đến (chất xơ tan trong nước như chất ispaghula). Đôi khi thuốc nhuận trường được dùng ngắn ngày nếu chỉ tăng chất xơ không đủ để giảm táo bón. Tốt nhất là bạn nên tránh dùng lactulose nếu bạn đang bị IBS.

Một loại thuốc mới là linaclotide đã được chấp nhận để dùng cho người bị IBS với triệu chứng chính là táo bón. Nó có tác dụng hoàn toàn khác so với các thuốc trị táo bón khác. Thuốc được dùng 1 lần mỗi ngày và được cho biết là giúp giảm đau, đầy hơi và táo bón.

Trị tiêu chảy

Một loại thuốc chống tiêu chảy có thể có ích nếu tiêu chảy là triệu chứng chính. Loperamide là thuốc chống tiêu chảy thường dùng nhất trong bệnh IBS. Bạn có thể mua nó ở ngoài nhà thuốc mà không cần kê đơn. Bạn cũng nên mua qua đơn bác sĩ nếu bạn cần dùng thường xuyên để có hiệu quả kinh tế hơn.

Liều loperamide cần để kiểm soát tiêu chảy khác nhau rất nhiều. Có người chỉ dùng khi cần nhưng cũng có người dùng đều đặn. Người khác dùng nó khi cảm thấy rằng nếu bị tiêu chảy thì họ có thể gặp nhiều bất tiện. Chẳng hạn, trước khi đi đến những nơi khó tìm được nhà vệ sinh.

Trị đầy bụng

Dầu bạc hà có thể giúp giảm đầy hơi và trung tiện. Nó cũng có thể mua mà có hoặc không phải kê đơn. Với một số người, dầu bạc hà cũng giảm đau bụng và các cơn đau co thắt.

Thuốc chống trầm cảm

Loại thuốc chống trầm cảm ba vòng đôi khi được dùng trong IBS. Cụ thể hơn, nó thường có hiệu quả tốt nhất nếu đau bụng và tiêu chảy là triệu chứng chính. Một ví dụ là amitriptyline (Thuốc chống trầm cảm ba vòng còn có những tác dụng khác ngoài giảm trầm cảm.Chúng được dùng khi có triệu chứng đau, chẳng hạn trong IBS). Một số loại khác, như thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) cũng thường được dùng trong IBS, chẳng hạn như fluoxetine. Nó có tác dụng qua việc thay đổi cách bạn cảm nhận đau.

Khác với thuốc chống co thắt, bạn phải dùng thuốc chống trầm cảm đều đặn hơn là chỉ dùng khi cần. Như vậy, loại thuốc này được chỉ định chỉ khi triệu chứng của bạn kéo dài, hoặc thường xuyên tái phát mà không thể làm nhẹ bằng các điều trị khác.

Các thuốc mới

Nhiều loại thuốc đang cho thấy triển vọng. Chẳng hạn:

  • Rifaximin là một loại kháng sinh có tác dụng chủ yếu ở đường ruột và được hấp thu toàn thân rất ít. Người ta cho rằng nó có thể làm chết các loại vi khuẩn gây nên IBS. Thuốc được dùng trong hai tuần. Nhiều nghiên cứu hơn là cần thiết để làm rõ vai trò của nó trong IBS.
  • Thuốc tegaserod có vẻ giúp ích người bị táo bón.
  • Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thảo dược Trung Quốc có thể giúp giảm triệu chứng trong vài trường hợp. Tuy nhiên, các kết quả rút ra vẫn chưa thống nhất. Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu để biết rõ độ an toàn và hiệu quả của chúng.
  • Các thuốc mới hơn có tác dụng đến chức năng của đường tiêu hoá cũng đang được phát triển và có thể có ích trong tương lai.

Lựa chọn điều trị 4: một số cách điều trị khác

Liệu pháp tâm lý (nói chuyện)

Một số tình huống như vấn đề gia đình, stress ở nơi làm việc, thi cử, các suy nghĩ lặp lại về những lần lạm dụng trước, v.v, có thể khởi phát triệu chứng của hội chứ) ở một số người.  Những người bị căng thẳng tâm lý có thể thấy khó để kiểm soát triệu chứng.

Mối liên hệ giữa tâm trí, não, xung động thần kinh và sự hoạt động quá mức của các cơ quan như đường tiêu hoá là phức tạp. Điều trị tâm lý được chỉ định chủ yếu cho người bị IBS trung bình đến nặng:

  • Khi các điều trị khác đã thất bại, hoặc
  • Khi stress hoặc các yếu tố tâm lý làm khởi phát triệu chứng.

Viện Quốc gia về Sức khoẻ và Chăm sóc xuất sắc (NICE) khuyến cáo rằng liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp thôi miên hoặc liệu pháp tâm lý nên được cân nhắc khi triệu chứng của bạn không giảm sau khi dùng thuốc hơn một năm. Tuy nhiên, một số liệu pháp trên không có ở nơi bạn đang sống hoặc bạn phải chờ tới lượt lâu.Cũng không có nhiều bằng chứng về hiệu quả của các liệu pháp trên so với một số lựa chọn điều trị khác.

Tiên lượng của bệnh

Ở đa số người bị hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh có xu hướng kéo dài.Tuy nhiên, độ nặng của triệu chứng thường dao động lên và xuống.Bạn có thể có khoảng thời gian dài không có triệu chứng hoặc chỉ nhẹ.Điều trị thường giúp giảm triệu chứng khi bệnh tái phát.Ở một số trường hợp, hoàn toàn không có biểu hiện gì vào một thời điểm nào đó.Điều này có vẻ hơn nếu IBS xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng (viêm dạ dày ruột).

IBS không làm giảm tuổi thọ của bạn, không dẫn tới ung thư đường tiêu hoá và không gây tắc ruột hay các tình trạng nguy hiểm khác.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/irritable-bowel-syndrome-leaflet

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích