menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

COVID-19 và thai kỳ

user

Ngày:

01/07/2021

user

Lượt xem:

496

Bài viết thứ 01/03 thuộc chủ đề “Covid-19 thông tin dành cho thai phụ”

COVID-19 là dịch bệnh viêm đường hô hấp xuất hiện đầu tiên vào năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đây chủng virus mới, liên tục xuất hiện những biến thể nên những cập nhật và khuyến cáo cho cộng đồng còn nhiều hạn chế, đặc biệt lại càng ít hơn trên phụ nữ có thai, cần bổ sung đầy đủ và chính xác hơn theo thời gian. Dựa trên những thông tin cho tới thời điểm hiện tại, y học cộng đồng xin biên tập lại một số giải đáp của BS. Phạm Thanh Hoàng về mối quan hệ giữa COVID-19 và thai kỳ:

Phụ nữ mang thai có dễ bị COVID-19 hơn hay không?

Câu trả lời là không. Phụ nữ mang thai và những người không mang thai có tỷ lệ nhiễm COVID-19 giống nhau. Tuy nhiên phụ nữ mang thai biểu hiện triệu chứng nhiều hơn và triệu chứng nặng rõ rệt hơn, nguy cơ phải điều trị tích cực và thở máy cũng cao hơn những người không mang thai.

Cũng giống như những người không mang thai nhưng có những bệnh lý nền như tim mạch, thận, tiểu đường, cao huyết áp, phụ nữ mang thai có bệnh lý nền dễ mắc các biến chứng nặng khi nhiễm COVID-19.

COVID-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Một vài báo cáo có ghi nhận rằng có sự lây truyền từ mẹ sang con. Người mẹ nhiễm COVID-19 truyền qua em bé làm em bé sinh ra bị nhiễm COVID-19 từ ngay khi sinh. Tuy nhiên số trường hợp báo cáo là cực kì hiếm, đến nay người ta vẫn không chắc là liệu COVID-19 có thể truyền từ mẹ sang con không.

Một vài nghiên cứu khác cho thấy rằng có mối liên quan giữa tăng tỷ lệ sinh non hay tỷ lệ thai lưu trong thai kỳ nếu mẹ bị nhiễm COVID-19. Mặt khác một số nghiên cứu lại cho rằng không có mối liên quan gì giữa tỷ lệ sinh non và thai lưu với COVID-19.

Hiện nay câu hỏi này vẫn là một dấu hỏi lớn mà chưa có lời giải đáp rõ ràng.

Phải làm sao khi nằm trong diện phải cách ly?

Về khám thai, mẹ cần tuân theo lịch khám thai căn bản, trong lịch sẽ có một số mốc quan trọng. Tuy nhiên, các mốc khám thai không phải cố định ở một thời điểm mà đôi khi có thể xê dịch một vài tuần. Nếu nắm được lịch khám thai mẹ có thể linh động sắp xếp thời điểm khám thai để an toàn hơn mà vẫn đảm bảo đúng lịch.

Một vài mốc quan trọng có thể được liệt kê như:

  • Lúc mới xuất hiện dấu hiệu có thai cần đi khám để bác sĩ xác định thật sự bạn có thai hay không, thai nằm trong tử cung hay ngoài tử cung, tình trạng thai như thế nào, đây là mốc đầu tiên.
  • Mốc thứ 2 là tầm soát lệch bội (như là tầm soát bệnh Down) dao động từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Vậy có hơn 3 tuần để mẹ có thể linh hoạt lịch khám cho phù hợp.
  • Mốc có thể quan trọng với một số thai kỳ đó là thời điểm 15-17 tuần.
  • Mốc siêu âm hình thái để kiểm tra dị tật dao động từ 20 đến 24 tuần.
  • Mốc tầm soát tiểu đường thai kỳ từ 24 đến 28 tuần.
  • Mốc 30 đến 32 tuần và mốc cuối cùng là những tháng cuối thai kỳ là 36 đến 40 tuần.

Trên đây là lịch khám thai cơ bản. Tuy nhiên tuỳ vào mỗi thai kỳ, bệnh lý và nguy cơ kèm theo bác sĩ sẽ cá thể hoá lịch khám thai cho phù hợp. Có hai vấn đề mẹ cần lưu tâm là số điện thoại bác sĩ đang theo dõi thai kỳ cho mình và số điện thoại của trạm y tế phường nơi bị cách ly để có thể sắp xếp lịch phù hợp không bỏ sót những mốc quan trọng.

Vào những tháng cuối thai kỳ sẽ có những dấu hiệu cho thấy cần nhập viện gồm 4 dấu hiệu: đau bụng, đau bụng từng cơn, ra máu âm đạo hoặc nước âm đạo, em bé đạp ít. Khi có dấu hiệu chuyển dạ mẹ sẽ được đưa vào bệnh viện chuyên khoa để theo dõi chuyển dạ sanh hoặc mổ lấy thai, tại những bệnh viện đó sẽ có những khu vực cách ly đảm bảo an toàn cho người nghi nhiễm và bị nhiễm COVID-19.

Mẹ có được “da kề da” với bé không?

Khi đang nghi nhiễm và bị nhiễm COVID-19 có được da kề da hay không? Em bé có được nằm lên ngực mẹ sau khi sinh không? Da kề da có nhiều lợi ích cho bé tuy nhiên khi da kề da có nguy cơ lây bệnh COVID-19 do tiếp xúc gần. Vậy để đưa ra quyết định mẹ cần thảo luận lại với bác sĩ điều trị về những nguy cơ, lợi ích cụ thể trong trường hợp của mình và đồng thời xin thêm ý kiến của người nhà. Đây không phải chống chỉ định nhưng cần cân đối lợi ích với nguy cơ lây nhiễm cho bé khi tiếp xúc gần với mẹ. Mặc dù mẹ chắc chắn đeo khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn tuy nhiên vẫn có nguy cơ tiềm ẩn lây bệnh.

Có cho bé bú mẹ được không?

Khi về nhà hoặc đang ở trong bệnh viện, mẹ đã sanh xong có thể cho bé bú được không? Câu trả lời là được. Cho đến hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng COVID-19 có thể đi qua đường sữa và lây nhiễm cho bé. Sữa mẹ có rất nhiều lợi ích tuy nhiên đồng thời cũng có nguy cơ lây bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp giữa mẹ và bé khi cho bú. Mẹ sẽ cần đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, rửa tay đúng cách để hạn chế lây nhiễm. Một cách khác là mẹ sẽ hút sữa ra bình rồi nhờ người để cho em bé bú bình. Mẹ vẫn tuân thủ các yếu tố bảo vệ, tránh tiếp xúc với những vật dụng chứa sữa và tránh tiếp xúc với người cho bé bú.

Phụ nữ có thai tiêm vacxin phòng COVID-19 được không?

Cho tới hiện tại chưa có khuyến cáo nào rõ ràng cho phép tiêm vacxin cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên dựa trên các quy trình sản xuất, các loại vacxin hiện tại, các hiệp hội sản phụ khoa lớn đã kết luận có thể tiêm cho phụ nữ có thai được. Những công bố hiện tại mới là có thể chứ chưa được xác định chắc chắn.

Đang cho bé bú có được tiêm vacxin không?

Câu trả lời là được và tốt. Vì nếu mẹ được tiêm vacxin COVID-19 thì kháng thể của mẹ sẽ đi qua sữa qua em bé và bảo vệ em bé.

Nguồn video gốc:

 

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích