menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Các vấn đề về bao quy đầu

user

Ngày:

22/08/2015

user

Lượt xem:

383

Bài viết thứ 05/05 thuộc chủ đề “Giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên”

Thông thường, khi mới chào đời, dương vật của bé sơ sinh được bịt kín ở đầu bằng bao quy đầu, có chừa một lỗ nhỏ để nước tiểu thoát ra, thế nhưng bộ phận tưởng rất tầm thường này lại có tầm quan trọng lớn. Xuất hiện ngay từ trong bụng mẹ, vào tháng thứ hai của thai kỳ, bao bắt đầu phủ trùm lên qui đầu từ tháng thứ 4 trở đi, bằng một lớp biểu mô chung, cho bên trong của bao và bên ngoài của quy đầu. Lớp biểu mô này thường xuyên bài tiết một chất bôi trơn là bựa sinh dục, có nhiệm vụ bảo vệ, giống như chất bã nhờn ngoài da. Cùng với sự phát triển toàn diện của cơ thể, kèm theo tăng trưởng dương vật, dưới áp lực của những cơn cương cứng, ngày càng thường xuyên hơn, vào khoảng từ bảy, tám tuổi trở đi, qui đầu sẽ tự động từ từ chui ra khỏi bao. Để đến khoảng 17 – 18 tuổi, sẽ có trên 90% thanh niên “đạt yêu cầu” hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “mở mắt”.

Điều rất đáng tiếc là một số em bé lại thường bị cho là “kết dính bao qui đầu”, cần phải tuột ra để “giữ vệ sinh”, cũng như cho khỏi “bị hẹp”. Việc này không cần thiết phải làm, vì về mặt vệ sinh, thiên nhiên đã tự lo liệu, bằng dòng nước xoáy lúc đi tiểu của em bé, giúp “tẩy rửa chu đáo” toàn bộ khu vực qui đầu. Nếu đôi khi bựa sinh dục tích lũy lâu ngày, cùng với các tế bào chết, có đóng keo lại thành từng mảng nhỏ, trắng hoặc vàng lợt, và có thể bốc mùi hôi, thì chỉ cần rửa sạch bằng xà-bông là xong.

Bao quy đầu

Hậu quả như thế nào?

Tuột ra là một thao tác tế nhị, khó thực hiện và dễ gây đau đớn, khiến cả người làm, lẫn em bé “bị làm” đều….khổ. Vì người làm – thường là mẹ – thì sợ làm đau hoặc “tuột không đúng cách”, còn em bé nếu không đau (lắm) thì cũng rất khó chịu, và chả hiểu tại sao mẹ lại “hành hạ” em như vậy. Hậu quả của hành động “ngược thiên nhiên” đó là những tổn thương trên lớp da mỏng manh.

Ngoài ra, đối với bộ môn Tình dục thì xuất tinh sớm – một tình trạng rất phổ biến trong sinh hoạt vợ chồng – được cho là có thể bắt nguồn từ những hành động “xâm phạm thô bạo” nói trên. Vì đã diễn ra thường xuyên, liên tục và kéo dài với nhiều cảm giác khó chịu hoặc đau đớn “quá sớm” trên cơ quan bộ phận “đặc biệt nhạy cảm nhất” của người đàn ông sau này. Chứ không hề tại thủ dâm, vốn thuộc “phạm trù” khác.

Trong vài trường hợp, bao qui đầu không tuột ra được, hoặc ở người lớn tuy tuột ra được nhưng co thắt quá, thì phải “đi cắt”. Vì nếu đã tuột được xuống mà lại co thắt ở giữa, đúng vào lúc đang cương thì có thể gây tai biến, tuy rất hiếm xảy ra, nhưng có thể đưa đến hoại tử dưng vật. Riêng ở trẻ em, nếu hẹp bao qui đầu thì không thể có chuyện nói trên, nên chưa cần phải cắt trước 13 tuổi.

Do “vị trí đặc biệt” như vậy, nên tự ngàn xưa, trong lịch sử nhân loại, bao qui đầu đã được liên hệ tới nhiều phong tục tập quán, thậm chí cả những nghi thức tôn giáo. Như ở Do Thái, Ả Rập…v…v…., mảnh da bao qui đầu đã được cắt bỏ trong các buổi lễ rất long trọng với quan niệm như là sự dâng hiến cho thần linh mạng sống của chính mình, tượng trưng bằng một mẫu nhỏ của cái “dụng cụ dùng để bảo tồn nòi giống”. Cũng có giả thuyết cho là nguồn gốc của việc trao nhẫn giữa chú rể và cô dâu  vào ngày cưới xuất phát từ đó (?) vì chiếc nhẫn tượng trưng cho vòng bao qui đầu được cắt ra (?). Hiện nay, tại nhiều nước, vẫn còn tranh cãi với các “trường phái” chủ trương nên cắt quách ngay sau khi sinh “cho nó gọn”. Vì theo thống kê, sự tồn tại của “miếng da du” đó ở người lớn “khả dĩ có thể” là một trong những khả năng gây ung thư dương vật, hoặc ung thư cổ tử cung cho….bà xã, sau này (!). Chính vì lý do đó mà cuộc tranh cãi về “cắt” hay “không cắt” đã được sự tham gia đắc lực của các nhà nghiên cứu NỮ “kính cẩn nghiêng mình” trước “lòng nhân ái và sự hào hiệp quá sức” của đàn ông: cắt da qui đầu để cho bà xã tương lai khỏi bị ung thư cổ tử cung (?!).

Trước năm 1975, tại Sài Gòn, các bà đã từng sinh đẻ tại Bệnh viện Cơ Đốc ở ngã tư Phú Nhuận đều biết đến “Y cụ giống như đồ chuốt viết chì”. Chỉ cần lồng vào “cây viết chì” của em bé, bấm nhẹ một cái là xong. Kỹ thuật “cao nhất” bây giờ là “thổi bằng” tia Laser, không cần cầm máu hoặc khâu vá, nhưng tất nhiên là rất đắt tiền. Còn ngoài ra thì mọi bệnh viện có khoa Ngoại, kể cả tuyến quận, huyện, đều làm phẫu thuật nhỏ này, khoảng 20 – 30 phút, không đau đớn gì lắm và chỉ một tuần sau là lành tốt.

Như vậy, rốt cuộc, khi nào thì nên cắt?

Điều vẫn cần phải nhắc đi nhắc lại mãi là tình dục và sinh dục là hai lãnh vực không thể tiên đoán trước một việc sẽ xảy ra thế nào, hoặc có xảy ra hay không, vì bị quá nhiều yếu tố chi phối. Do đó, chỉ có thể giải quyết cụ thể một sự việc đang xảy ra nếu ảnh hưởng xấu đến “sinh hoạt vợ chồng” mà thôi.  Nhiều thanh niên “trăn trở”, thắc mắc, thậm chí khổ sở….vì bao qui đầu thế này, thế kia….sợ sau này sẽ thế kia, thế nọ….trong lúc bản thân chưa từng biết đàn bà là lo chuyện…bao đồng. Cụ thể, chỉ khi nào có vợ hoặc có cơ hội “sinh hoạt” thường xuyên mà cảm thấy trở ngại thì mới nên cắt, còn không thì thôi. Trường hợp “đang cương bị thắt” như đã nói ở trên rất hiếm xảy ra và không bao giờ xảy ra ngay lần đầu, mà chỉ sau vài lần báo động, nên vẫn còn thời giờ giải quyết.

Sau cùng, những thay đổi về cảm giác, trước và sau khi cắt, nếu được ghi nhận, đều hoàn toàn tùy thuộc vào chủ quan của từng người, thực tế, chẳng có sự khác biệt nào cả. Vì qui đầu là nơi tập trung nhiều nhất các tiểu thể khoái lạc, với nhiệm vụ thu nhận những cảm giác thích thú, chuyển về trung tâm ở tủy sống, rồi não bộ, tạo nên một tình trạng “căng thẳng đặc biệt”….đi đến bùng vỡ bằng cực khoái , với hậu quả là xuất tinh. Do đóng vai trò chủ yếu đó nên lớp da qui đầu rất mỏng và không có tĩnh mạch , khác hẳn với phần thân của dương vật, như vậy, nếu tuột ra được khi “sử dụng” thì cảm giác vẫn “bảo lưu” dù cắt hay không cắt.

Tài liệu tham khảo

Cố BS. Trần Bồng Sơn, Giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên – Dành cho người đàn ông lấy vợ, Nhà xuất bản trẻ 1994, tr28-32.

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích