menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tự kỷ được chẩn đoán như thế nào?

user

Ngày:

15/12/2013

user

Lượt xem:

498

Bài viết thứ 08/10 thuộc chủ đề “Bệnh tự kỷ”

Chuẩn bị cho cuộc hẹn với bác sĩ

Bác sĩ của con bạn sẽ tìm các vấn đề về phát triển tại những lần khám sức khỏe định kỳ. Nếu trẻ biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của tự kỷ, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đưa trẻ đến một chuyên gia về tâm lý trẻ em, bác sĩ thần kinh nhi khoa hoặc bác sĩ nhi chuyên về phát triển để đánh giá lâm sàng toàn diện.

Bạn có thể làm những gì

Để chuẩn bị cho cuộc hẹn của con bạn:

  • Mang theo một danh sách tất cả các loại thuốc, bao gồm cả vitamin, thảo dược và các loại thuốc không nằm trong danh mục phải kê đơn mà con bạn đang dùng.
  • Tạo một danh sách tất cả những thay đổi mà bạn và những người khác đã quan sát thấy trong hành vi của con bạn.
  • Mang theo ghi chú về những quan sát từ người lớn và những người chăm sóc con bạn, như người giữ trẻ, người thân và giáo viên của con bạn. Nếu con của bạn đã từng được đánh giá bởi một chương trình can thiệp sớm hoặc chương trình trường học, thì việc mang theo đánh giá này sẽ hữu ích.
  • Mang theo sổ ghi chép các mốc phát triển của con bạn hoặc sổ khám sức khỏe nếu có.
  • Mang theo một đoạn video của các hành vi hay những hành động bất thường của con bạn nếu có.
  • Hãy cố gắng nhớ khi nào thì các đứa con khác của bạn bắt đầu biết nói và đạt được các mốc phát triển và chia sẻ những thông tin đó với các bác sĩ.
  • Chuẩn bị để mô tả cách mà con bạn chơi đùa và tương tác với các trẻ khác, với anh chị em và cha mẹ.
  • Nếu có thể, hãy đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè của bạn, để giúp bạn nhớ thông tin và hỗ trợ tinh thần.

Tạo một danh sách các câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ của con bạn. Đừng ngại đặt câu hỏi bất cứ lúc nào bạn có điều không hiểu. Những câu hỏi có thể bao gồm:

  • Tại sao bác sĩ nghĩ con tôi mắc (hoặc không mắc) tự kỷ?
  • Có cách nào để xác định chẩn đoán không?
  • Nếu con tôi thực sự mắc tự kỷ, thì mức độ nghiêm trọng như thế nào?
  • Tôi có thể quan sát thấy những thay đổi gì ở con tôi trong thời gian tới?
  • Những phương pháp điều trị hoặc chăm sóc đặc biệt nào mà trẻ tự kỷ cần?
  • Con tôi sẽ cần ở mức độ nào và cần loại chăm sóc y tế thường xuyên nào?
  • Có những loại hỗ trợ nào sẵn có cho gia đình của trẻ mắc tự kỷ?
  • Làm thế nào tôi có thể tìm hiểu thêm về rối loạn tự kỷ?

Bạn có thể trông đợi những gì từ bác sĩ của con bạn

Bác sĩ của con bạn có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng trả lời chúng nhằm dành thời gian cho những vấn đề mà bạn muốn tập trung. Bác sĩ có thể hỏi:

  • Trẻ có những hành vi đặc biệt nào khiến bạn phải đưa trẻ đi khám ngày hôm nay?
  • Lần đầu tiên bạn nhận thấy những triệu chứng này ở con bạn là khi nào? Có những dấu hiệu đáng chú ý nào khác không?
  • Những hành vi này diễn ra liên tục hay chỉ thỉnh thoảng?
  • Trẻ có triệu chứng nào khác mà có vẻ không liên quan đến rối loạn tự kỷ không, chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày?
  • Có điều gì có vẻ giúp cải thiện các triệu chứng của con bạn không?
  • Có điều gì có vẻ làm các triệu chứng của con bạn xấu đi không?
  • Lần đầu tiên trẻ biết bò, biết đi, biết nói là khi nào?
  • Con của bạn có bị chậm nói?
  • Một số hoạt động yêu thích của trẻ là gì? Trong số đó, có hoạt động nào mà trẻ thích hơn hẳn không?
  • Con bạn giao tiếp với bạn, với anh chị em và với những đứa trẻ khác như thế nào? Con bạn có biểu hiện yêu thích với ai khác không, có giao tiếp bằng mắt không, có cười hay muốn chơi với người khác không?
  • Bạn có từng nhận thấy một sự thay đổi nào về mức độ thất vọng của trẻ đối với sự thay đổi môi trường xung quanh?
  • Con của bạn có tiền sử gia đình mắc các bệnh như rối loạn tự kỷ, chậm nói, hội chứng Rett, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu hoặc rối loạn cảm xúc khác không?

Tự kỷ được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ của con bạn sẽ tìm những dấu hiệu chậm phát triển ở những lần thăm khám định kỳ. Nếu con của bạn có những dấu hiệu của rối loạn tự kỷ, bạn sẽ được giới thiệu đến một chuyên gia chuyên điều trị trẻ tự kỷ. Chuyên gia này, cùng với một nhóm những chuyên gia khác, có thể thực hiện một đánh giá chính thức.

Do mức độ nặng của rối loạn tự kỷ khá thay đổi theo từng trường hợp trẻ, việc chẩn đoán có thể gặp nhiều khó khăn. Không có một xét nghiệm y khoa đặc hiệu nào để chẩn đoán rối loạn này. Thay vào đó, chuyên gia về rối loạn tự kỷ có thể:

  • Quan sát con bạn và hỏi về các kỹ năng xã hội, kỹ năng ngôn ngữ và hành vi của trẻ đã phát triển và thay đổi theo thời gian như thế nào.
  • Kiểm tra, đánh giá sự phát triển của trẻ về lời nói, ngôn ngữ, mức độ phát triển, và các vấn đề về xã hội và hành vi.
  • Đưa ra những tình huống giao tiếp với mọi người xung quanh, với xã hội, sau đó đánh giá khả năng thực hiện của trẻ.

Dấu hiệu của rối loạn tự kỷ thường xuất hiện sớm trong quá  trình phát triển, khi có sự chậm trễ rõ ràng về các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội. Chẩn đoán thường được thực hiện trước khi trẻ 3 tuổi. Chẩn đoán và can thiệp sớm là khả năng tốt nhất có thể giúp cải thiện sự phát triển về kỹ năng và ngôn ngữ của trẻ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tự kỷ

Để chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ, trẻ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tự kỷ theo “Cẩm nang Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần” được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Hướng dẫn này được sử dụng bởi các nhà chăm sóc sức khỏe tâm thần để chẩn đoán các bệnh lý về tâm thần, và cũng được sử dụng bởi các công ty bảo hiểm để bồi hoàn chi trả cho điều trị.

Để chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ, con bạn phải có ≥ 6 triệu chứng sau đây, trong đó có ≥ 2 triệu chứng phải thuộc nhóm triệu chứng kỹ năng xã hội.

Kỹ năng xã hội

  • Gặp khó khăn với những hành vi không dùng lời nói, như giao tiếp bằng mắt, biểu cảm gương mặt, hay sử dụng điệu bộ cử chỉ
  • Gặp khó khăn trong việc kết bạn và dường như thích chơi một mình
  • Không chia sẻ nhu cầu hoặc cảm xúc với những người khác, như không chia sẻ những thành tích, hoặc chỉ vào những vật hay thứ khác mà trẻ thích
  • Dường như không ý thức được về cảm xúc của người khác

Kỹ năng giao tiếp

  • Không nói được hoặc bị chậm phát triển ngôn ngữ, và không nỗ lực để giao tiếp bằng cử chỉ hoặc điệu bộ.
  • Không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện hoặc tiếp tục cuộc trò chuyện
  • Có thể lặp lại các từ hoặc cụm từ đúng nguyên văn, nhưng không hiểu làm thế nào để sử dụng chúng
  • Không chơi được những trò chơi cần vận dụng trí tưởng tượng hoặc không bắt chước được hành vi của người lớn khi chơi

Hành vi

  • Thể hiện sự yêu thích đối với những vật thể (như xe đồ chơi, đồng hồ,…) hoặc những chủ đề nào đó một cách bất thường (VD, yêu thích thái quá; hoặc chỉ chú ý vào một chi tiết như bánh xe, kim đồng hồ; hoặc tập trung quá mức)
  • Thực hiện động tác lặp đi lặp lại, như lắc lư, quay vòng, hoặc vỗ tay
  • Trở nên khó chịu với những thay đổi dù là nhỏ nhất trong thói quen hay nghi thức thường ngày của trẻ
  • Có thể bị thu hút bởi những bộ phận của một vật thể, ví dụ như các bánh xe quay của một chiếc xe đồ chơi
Xem thêm bài viết Tự kỷ - Những điều cần biết của BS. Lê Thanh Nhã Uyên

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/preparing-for-your-appointment/con-20021148
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/tests-diagnosis/con-20021148
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích