menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Điều trị tự kỷ

user

Ngày:

15/12/2013

user

Lượt xem:

212

Bài viết thứ 09/10 thuộc chủ đề “Bệnh tự kỷ”

Điều trị tự kỷ

Không có điều trị nào giúp chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ cũng như không có một phương pháp điều trị nào có thể áp dụng với tất cả các trường hợp trẻ mắc bệnh. Những điều trị cần lưu ý cho con bạn tại nhà, tại trường cùng các can thiệp khác cho trẻ tự kỷ dàn trải rất rộng.

điều trị tự kỷ

 

Mục tiêu điều trị là để con bạn đạt được cao nhất khả năng thực hiện những hoạt động chức năng bằng cách giảm các triệu chứng của tự kỷ và hỗ trợ sự phát triển, học tập của trẻ. Bác sĩ có thể giúp xác định những nguồn hỗ trợ có trong khu vực của bạn. Lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

Trị liệu hành vi và giao tiếp

Nhiều chương trình trị liệu nhắm vào phạm vi của những khó khăn về xã hội, ngôn ngữ và hành vi có liên quan đến rối loạn tự kỷ. Một số chương trình lại tập trung vào việc giảm các vấn đề về hành vi và dạy kỹ năng mới. Những chương trình khác tập trung vào việc dạy cho trẻ cách cư xử trong những tình huống xã hội hoặc làm thế nào để giao tiếp tốt hơn với những người khác. Mặc dù biểu hiện rối loạn tự kỷ không phải luôn luôn giảm khi trẻ lớn lên, nhưng thông qua những trị liệu này trẻ có thể học cách để thực hiện tốt chức năng trong hành vi và giao tiếp.

Trị liệu giáo dục

Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường đáp ứng tốt với các chương trình giáo dục có cấu trúc cao. Những chương trình thành công thường bao gồm một đội ngũ nhiều chuyên gia cùng với các hoạt động đa dạng nhằm giúp cải thiện kỹ năng xã hội, giao tiếp và hành vi. Trẻ thuộc lứa tuổi mẫu giáo nếu nhận được sự can thiệp tích cực về hành vi đối với từng cá nhân thì thường có tiến triển tốt.

Liệu pháp gia đình

Cha mẹ và các thành viên trong gia đình của trẻ mắc bệnh có thể học cách chơi đùa và tương tác với trẻ nhằm giúp thúc đẩy các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ, kiểm soát những hành vi có vấn đề, đồng thời dạy cho trẻ những kỹ năng sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.

Thuốc

Không có thuốc nào có thể cải thiện các dấu hiệu chính của rối loạn tự kỷ, nhưng một số thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn khi trẻ có biểu hiện lo âu và thuốc an thần đôi khi được dùng để điều trị các vấn đề nghiêm trọng thuộc về hành vi. Một số loại thuốc khác có thể được kê đơn nếu con bạn có biểu hiện tăng động (hiếu động quá mức).

Kiểm soát các tình trạng bệnh lý khác

Trẻ em mắc rối loạn tự kỷ cũng có thể mắc đồng thời các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn giấc ngủ, sở thích thực phẩm giới hạn hoặc các vấn đề về dạ dày. Hãy hỏi bác sĩ của trẻ làm thế nào để phối hợp kiểm soát tốt nhất các rối loạn này. Hãy bảo đảm cập nhật thông tin về bất cứ loại thuốc hay thuốc bổ nào mà con bạn đang dùng cho bác sĩ của trẻ, vì một số thuốc và thuốc bổ có thể tương tác gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Thanh niên và thiếu niên mắc rối loạn tự kỷ có thể gặp rắc rối với những thay đổi của cơ thể, với các biểu hiện dậy thì hoặc trưởng thành, với nhận thức xã hội gia tăng. Trong tình huống này bạn có thể yêu cầu giúp đỡ từ các chuyên viên sức khỏe cho trẻ, các tổ chức dịch vụ và hỗ trợ cộng đồng.

Xem thêm bài viết Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ

Liệu pháp thay thế

Vì rối loạn tự kỷ không thể chữa khỏi, nên nhiều bậc cha mẹ tìm kiếm những liệu pháp thay thế và bổ sung. Tuy nhiên, hầu như không có nghiên cứu nào cho thấy tính hiệu quả của những phương pháp điều trị này. Vì vậy, nếu áp dụng những phương pháp này, bạn có thể vô tình làm nặng hơn các hành vi tiêu cực của trẻ. Và một số liệu pháp thay thế thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.

Thảo luận với bác sĩ của trẻ về các bằng chứng khoa học của bất kỳ liệu pháp thay thế nào mà bạn đang cân nhắc dùng cho con mình. Những ví dụ về các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế bao gồm:

  • Trị liệu sáng tạo: gồm nghệ thuật trị liệu hoặc âm nhạc trị liệu. Một số cha mẹ lựa chọn trị liệu này để bổ sung thêm cho can thiệp về giáo dục và y tế với mục tiêu nhằm giảm sự nhạy cảm của trẻ đối với sờ, chạm hoặc âm thanh.
  • Trị liệu dựa trên cảm giác: Phương pháp điều trị này dựa trên lý thuyết những người bị rối loạn tự kỷ có rối loạn về xử lý cảm giác, do đó gây ra những vấn đề về dung nạp và xử lý thông tin thuộc về cảm giác, chẳng hạn như cảm giác sờ, thăng bằng và thính giác.

Các nhà trị liệu sử dụng bàn chải, những đồ chơi có thể ép hoặc bóp, đệm nhún lò xo và các vật khác để kích thích những giác quan này và tổ chức lại hệ thống cảm giác. Rối loạn xử lý cảm giác không phải là một chẩn đoán chính thức và người ta cũng không rõ liệu rối loạn này có thực sự là vấn đề mà người mắc rối loạn tự kỷ trải qua hay không. Những nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả của phương pháp điều trị này, tuy nhiên nó có thể mang lại một số lợi ích khi được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác.

  • Chế độ dinh dưỡng đặc biệt: Một số thiết kế về chế độ dinh dưỡng đã được đề xuất đối với rối loạn tự kỷ, nhưng cần tiến hành nhiều nghiên cứu để xem hiệu quả của nó đối với những dấu hiệu và triệu chứng của tự kỷ. Để tìm hiểu thêm, hãy nói chuyện với một chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn về chứng tự kỷ.
  • Loại bỏ kim loại nặng: Phương pháp điều trị này nhằm loại bỏ thủy ngân và các kim loại nặng khác ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, vẫn chưa có mối liên kết nào được biết giữa thủy ngân và rối loạn tự kỷ. Phương pháp điều trị này chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học và có thể rất nguy hiểm. Một số trường hợp trẻ bị tử vong khi được điều trị bằng phương pháp này.
  • Châm cứu: Điều trị này được dùng với mục đích cải thiện các triệu chứng của tự kỷ. Tuy nhiên, tính hiệu quả của điều trị bằng châm cứu đối với rối loạn tự kỷ vẫn chưa được chứng minh.

Đối phó và hỗ trợ

Nuôi dưỡng và chăm sóc một trẻ mắc tự kỷ có thể rất mệt mỏi cả về thể chất lẫn kiệt quệ về mặt tình cảm. Những đề nghị sau có thể giúp bạn:

  • Tìm một đội ngũ chuyên gia đáng tin cậy: Bạn sẽ cần phải đưa ra một quyết định quan trọng về giáo dục và điều trị cho trẻ. Đội ngũ tham gia điều trị cho con bạn bao gồm nhân viên xã hội, giáo viên và các nhà trị liệu, phối hợp cùng với bác sĩ của trẻ. Họ là những người có thể tìm giúp và giải thích các nguồn hỗ trợ có trong khu vực bạn sinh sống. Đội ngũ này cũng có thể bao gồm cả người quản lý các trường hợp mắc bệnh, hoặc điều phối viên các Sở, Ban, Ngành, là những người có thể giúp bạn tiếp cận với những nguồn hỗ trợ tài chính hoặc các chương trình của chính phủ dành cho trẻ tự kỷ.
  • Hãy dành thời gian cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình: Chăm sóc một đứa trẻ mắc rối loạn tự kỷ có thể là một công việc suốt ngày đêm, gây sức ép lên các mối quan hệ cá nhân của bạn và toàn thể gia đình. Để tránh kiệt sức, hãy dành thời gian để thư giãn, tập thể dục hay tận hưởng những hoạt động yêu thích của riêng mình. Cố gắng sắp xếp dành thời gian riêng cho từng đứa con khác của bạn cũng như cố gắng dành một ít thời gian buổi tối cho người bạn đời của bạn, cho dù chỉ là cùng nhau xem một bộ phim sau khi các con đã đi ngủ.
  • Tìm kiếm những gia đình khác cũng có con mắc rối loạn tự kỷ: Những gia đình khác cũng có trẻ mắc rối loạn tự kỷ có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích. Nhiều cộng đồng còn có các nhóm hỗ trợ dành cho cha mẹ và anh chị em của trẻ mắc rối loạn tự kỷ.
  • Hãy tìm hiểu về rối loạn tự kỷ: Có rất nhiều lời đồn đoán cũng như những quan niệm sai lầm về rối loạn tự kỷ. Có kiến thức đúng về rối loạn này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về con mình và những nỗ lực của trẻ để giao tiếp. Theo thời gian, bạn sẽ dường như cảm thấy được tưởng thưởng bằng việc chứng kiến con mình lớn lên, học tập, và thậm chí là thể hiện tình cảm theo cách riêng của trẻ.
  • Hãy lưu giữ một cách có tổ chức những bản báo cáo, hồ sơ của những lần đưa trẻ đi khám: Con bạn có thể được hẹn gặp, thăm khám, đánh giá bởi các chuyên gia trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Việc cất giữ những bản báo cáo của những lần thăm khám và đánh giá này một cách có tổ chức sẽ giúp bạn quyết định lựa chọn phương pháp điều trị và theo dõi sự tiến bộ của con mình.
  • Cập nhật thông tin về những kỹ thuật và phương pháp điều trị mới: Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những cách tiếp cận mới để giúp trẻ mắc rối loạn tự kỷ. Hãy truy cập website của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention), đọc về rối loạn tự kỷ và những rối loạn nằm trong phổ tự kỷ để biết những thông tin hữu ích và đường dẫn đến những nguồn hỗ trợ dành cho trẻ tự kỷ.

Phòng chống

Không có cách nào để phòng chống rối loạn tự kỷ. Nhưng rối loạn tự kỷ có thể điều trị hỗ trợ, giúp trẻ có thể cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng xã hội.

Nếu con bạn được chẩn đoán mắc rối loạn tự kỷ, hãy nói chuyện với các chuyên gia về việc lập chiến lược điều trị cho trẻ. Hãy nhớ rằng bạn có thể cần phải thử vài phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm ra những phương pháp nào là tốt nhất cho trẻ.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/treatment/con-20021148
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/alternative-medicine/con-20021148
  3. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/coping-support/con-20021148
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/basics/prevention/con-20021148
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích