menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Nuôi con bằng sữa mẹ: bí quyết để có được một khởi đầu tốt

user

Ngày:

16/04/2013

user

Lượt xem:

226

Bài viết thứ 07/08 thuộc chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ”

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là gì?

Nuôi con bằng sữa mẹ có nhiều lợi ích cho bé. Sữa mẹ rất giàu chất dinh dưỡng. Nó có các kháng thể giúp bảo vệ bé chống lại bệnh nhiễm trùng và tránh bị dị ứng.

Cho bé bú sữa mẹ cũng có lợi cho bạn. Việc cho bú mẹ sạch sẽ và đơn giản: bạn không cần phải rửa bình và pha sữa bột. Nó cũng rẻ hơn so với sử dụng sữa bột. Ngoài ra, nó giúp tử cung của bạn co trở lại kích thước bình thường sau khi đã bị kéo căng trong thời gian mang thai. Việc cho bú mẹ cũng trì hoãn sự có kinh trở lại (dù vậy bạn không nên tin tưởng vào phương pháp này để ngừa thai). Cuối cùng, nó tạo cơ hội cho bạn được ở gần bé.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Làm thế nào để bắt đầu cho con bú?

Rửa tay trước mỗi lần cho bú. Đặt ngón cái của bàn tay còn tự do trên đầu vú và các ngón khác bên dưới, nâng núm vú lên để chạm vào môi bé cho đến khi bé mở rộng miệng.

Cho núm vú của bạn ngập trong miệng của bé, kéo toàn thân bé lại gần với bạn. Điều này cho phép miệng bé ép các ống dẫn sữa nằm bên dưới quầng vú của bạn.

Khi bé nằm đúng tư thế, cả hai môi bé nên nằm bên ngoài (không bị kéo vào trong nướu) và ôm lấy gần như cả quầng vú. Bạn sẽ nghe thấy tiếng nuốt sữa có âm sắc thấp của bé (không phải tiếng mút sữa). Hàm của bé có thể di chuyển ra trước sau. Nếu bạn cảm thấy đau trong khi cho bú, bé có thể đã không nằm đúng tư thế.

Mũi của bé có thể chạm vào vú của bạn trong thời gian cho bú. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng, mũi trẻ sơ sinh cho phép không khí được hít vào và thở ra trong vị trí như vậy. Nếu bạn lo bé không thể thở được dễ dàng, bạn có thể nhẹ nhàng nhấn phần ngực gần mũi của bé xuống cho bé có khoảng trống để thở.

Tôi nên ôm bé như thế nào trong khi cho bú?

Bạn có thể ôm bé theo nhiều cách, miễn sao bé không cần phải quay đầu hoặc bị kéo căng cổ khi bú.

  • Tư thế cái nôi: một bên khuỷu tay nâng đầu bé trong khi cánh tay và bàn tay bên còn lại đỡ lưng và mông bé. Bé sẽ được nằm nghiêng đối diện với bạn. Vú của bạn nên đặt ngay trước mặt bé.

Nuôi con bằng sữa mẹ 1

  • Tư thế bóng đá: kẹp bé dưới cánh tay của bạn như kẹp trái bóng, đầu của bé nằm trên bàn tay cùng bên, đỡ thân người bé bằng cẳng tay. Đây là một tư thế tốt trong trường hợp bạn sinh mổ hoặc nếu bé rất nhỏ.

Nuôi con bằng sữa mẹ 2

  • Tư thế nằm: bạn nằm nghiêng một bên để bé nằm đối mặt với bạn. Bạn có thể sử dụng gối để nâng đầu và vai mình lên. Đây là một tư thế tốt trong trường hợp bạn sinh mổ hoặc có cắt tầng sinh môn.

Nuôi con bằng sữa mẹ 3

Phản xạ xuống sữa là gì?

Phản xạ xuống sữa là hiện tượng bạn cảm thấy châm chích trong vú và sữa bắt đầu nhỏ giọt từ bên vú không được sử dụng sau khi bé bắt đầu bú từ vài giây đến vài phút. Đây là những dấu hiệu cho thấy sữa của bạn đang xuống. Phản xạ xuống sữa cũng có thể xảy ra khi bạn cho bú trễ, khi nghe bé khóc hoặc thậm chí khi nghĩ về bé.

Phản xạ xuống sữa có thể xảy ra rất nhanh và khiến bé sặc. Nếu vấn đề này trở nên nghiêm trọng, bạn có thể vắt ra một ít sữa trước khi cho bú. Việc này giúp giảm tốc độ xuống sữa lúc bú, tránh gây sặc cho bé.

Tôi nên làm gì khi núm vú bị đau?

Việc phòng ngừa đau núm vú dễ dàng hơn là điều trị. Nguyên nhân chính gây ra đau núm vú là do tư thế bú của bé không đúng.

Nếu vậy, bạn cần cho bú lại từ đầu. Để kéo bé ra khỏi vú, bạn có thể ngừng việc bú bằng cách cho ngón tay vào góc miệng của bé, len giữa và tách hai nướu của bé ra.

Đừng giới hạn thời gian cho bé bú khi bạn bị đau núm vú. Việc đặt ra giới hạn về thời gian cho bú không ngăn việc đau vú mà còn khiến ống dẫn sữa không được làm trống sữa hoàn toàn, dẫn đến sưng và đau vú. Chườm đá lạnh nghiền nhuyễn trước khi cho bú có thể làm dịu cảm giác khó chịu này.

Đi khám bác sĩ nếu có một vùng sưng đỏ hoặc đau trên vú, nếu thấy tức ngực, bị sốt hoặc đau nhức. Chúng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Ngăn ngừa/điều trị đau núm vú

  • Hãy chắc chắn rằng bé bú đúng cách. Nếu ngực của bạn bị đau khi cho bú, miệng của bé có thể không ở đúng vị trí.
  • Núm vú phải khô giữa các lần bú.
  • Cho bú bên núm vú ít đau trước. Động tác mút của bé có thể ít mạnh bạo hơn sau vài phút đầu tiên.
  • Thay đổi tư thế cho bú.
  • Nếu có thể, đặt phần vú bị nứt hoặc đau ở góc miệng của bé để nó chịu ít áp lực hơn trong khi bé bú.
  • Rửa núm vú hàng ngày với nước ấm. Không sử dụng xà phòng hoặc kem dưỡng da có chứa cồn vì chúng có thể làm khô da.
  • Một số người cảm thấy dễ chịu khi thoa lanolin lên núm vú. Nếu bạn sử dụng lanolin, hãy rửa tay sạch trước khi cho bé bú.
  • Tránh dùng các miếng đệm áo ngực bằng nhựa. Thay đổi miếng đệm áo ngực giữa những cữ bú để giữ cho núm vú khô.
  • Nặn sữa cho đến khi phản xạ xuống sữa xảy ra. Điều này giúp sữa của bạn sẵn sàng và bé bú dễ dàng hơn.
  • Cho bé bú sữa mẹ thường xuyên để ngăn ngừa bị căng sữa.

Tôi nên cho bé bú bao nhiêu lần?

Cho bú thường xuyên theo nhu cầu của bé, có thể là 8-12 lần một ngày hoặc hơn. Số lần bé bú có thể thay đổi theo thời gian khi bé trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh. Giai đoạn tăng trưởng nhanh xảy ra vào khoảng 2 tuần tuổi, 6 tuần tuổi và xảy ra thêm một lần nữa vào lúc 3 tháng và 6 tháng tuổi.

Hãy để bé bú cho đến khi thỏa mãn, có thể khoảng 15 phút đến 20 phút ở mỗi vú. Cố gắng cho trẻ bú cả hai vú mỗi lần cho bú. Dưới đây là bảng liệt kê các dấu hiệu quan sát giúp bạn biết bé bú đủ chưa. Nếu bạn đang cho bú ít hơn 8 lần một ngày, hãy đặc biệt chú ý những dấu hiệu này.

Dấu hiệu cho thấy bé bú đủ:

  • Có vẻ thỏa mãn sau mỗi lần cho bú.
  • Tăng cân đều đặn trong 3 đến 7 ngày đầu tiên sau khi sinh. Tuy nhiên, bé cũng có thể giảm cân một chút trong tuần đầu tiên sau sinh.
  • Làm tã ướt 6 đến 8 lần một ngày.
  • Đi tiêu một ngày khoảng 2-5 lần hoặc nhiều hơn vào thời gian đầu và 2 lần hoặc ít hơn sau đó. Phân thường lỏng vào thời gian đầu.

Làm thế nào để có nhiều sữa hơn?

Nếu bạn nghĩ rằng bé cần nhiều sữa hơn, hãy tăng số lần cho bú mỗi ngày. Bạn cần nghỉ ngơi nhiều và ăn uống đúng cách. Hãy cho cơ thể của bạn có thời gian để bắt kịp với nhu cầu của bé.

Đừng cho bé dùng sữa bột hay ngũ cốc ngay từ đầu. Nếu bạn cho bé bú sữa bột hay ăn ngũ cốc, bé sẽ ít bú mẹ. Điều này làm giảm nguồn sữa của bạn. Ngoài ra, bé không cần bất kỳ loại thức ăn đặc nào khác cho đến khi được 4-6 tháng tuổi.

Những thực phẩm nên ăn khi cho con bú

Chế độ ăn uống tốt nhất cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ phải được cân bằng dinh dưỡng và có nhiều calcium (can-xi). Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, thịt, đậu, sữa và thực phẩm từ sữa như pho mát. Bạn cần nhận đủ năng lượng và cũng cần uống nước nhiều hơn.

Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm 5 phần sữa hoặc các sản phẩm từ sữa mỗi ngày sẽ cung cấp đủ calcium cho bạn. Nếu bạn không ăn thịt hoặc các sản phẩm từ sữa, bạn có thể ăn bông cải xanh, vừng (mè), đậu phụ (đậu hũ) và cải xoăn để có thêm calcium. Hãy hỏi thêm bác sĩ về việc bổ sung calcium nếu nghĩ rằng bạn không nhận đủ calcium từ chế độ ăn hiện tại.

Tôi nên tránh ăn gì?

Nếu nghĩ rằng một loại thực phẩm nào đó trong chế độ ăn ảnh hưởng xấu đến bé, hãy ngừng ăn nó. Caffeine (có trong cà-phê) và rượu có thể đi vào sữa, vì vậy hãy giới hạn lượng caffeine và rượu mà bạn uống.

Thuốc, ngay cả những loại thuốc mua không cần toa, cũng có thể đi vào sữa. Do đó, đừng uống bất kì thuốc gì mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Hút thuốc lá khiến bạn tiết ít sữa hơn. Những hóa chất trong thuốc lá và khói thuốc cũng có thể đi vào sữa.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/caring-for-newborns/breastfeeding-formula/breastfeeding-hints-to-help-you-get-off-to-a-good-start.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích