menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Những điều cần biết khi cho trẻ bú sữa mẹ

user

Ngày:

15/03/2015

user

Lượt xem:

333

Bài viết thứ 04/08 thuộc chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ”

Biên dịch: Lưu Thị Mỹ Thanh

Hiệu đính: TS.BS Nguyễn An Nghĩa

Bú sữa mẹ có lợi ích gì cho trẻ?

Bú sữa mẹ có những lợi ích cho trẻ như sau:

  • Sữa mẹ là một sự kết hợp hoàn hảo của các vitamin, đạm và chất béo cần thiết cho trẻ phát triển.
  • Sữa non là sữa tiết ra trong vài ngày đầu sau sinh, sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ sớm phát triển và hoạt động.
  • Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp cho hệ thống miễn dịch của trẻ chống lại các loại vi khuẩn và vi trùng.
  • Sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn so với sữa công thức.
  • Cho trẻ bú mẹ làm giảm nguy cơ của hội chứng đột tử trẻ ở trẻ nhũ nhi (SIDS, sudden infant death syndrome)
  • Nếu con bạn sinh non, sữa mẹ có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiều vấn đề về sức khỏe ngắn hạn và lâu dài mà những bé sinh non phải đương đầu.

Cho trẻ bú mẹ có lợi ích gì cho bạn?

Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tốt cho bạn bởi những lý do sau:

  • Khi cho trẻ bú, lượng hormon ocxytocin được tiết ra. Ocxytocin làm cho tử cung co lại và trở về kích thước bình thường nhanh hơn.
  • Cho trẻ bú mẹ có thể giúp bạn giảm cân sau sinh.
  • Những phụ nữ cho con bú mẹ có tỉ lệ ung thư vú và ung thư buồng trứng thấp hơn so với nhóm còn lại. Cho trẻ bú mẹ cũng làm giảm nguy cơ của bệnh lý tim và bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Cho trẻ bú mẹ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Bạn nên cho trẻ bú mẹ trong bao lâu?

Các bà mẹ được khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Trẻ có thể tiếp tục bú mẹ đến hơn 1 tuổi miễn là mẹ và trẻ muốn.

Bạn có thể giúp trẻ tập bú mẹ như thế nào?

Trẻ được trang bị đầy đủ những bản năng cần cho việc bú mẹ ngay từ khi mới sinh ra. Một trẻ sơ sinh khỏe mạnh có khả năng bú mẹ mà không cần bất cứ sự trợ giúp đặc biệt nào trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Ngay sau sinh, trẻ nên được đặt tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ nếu có thể. Y tá hoặc chuyên viên tư vấn về cho trẻ bú mẹ có thể giúp bạn tìm 1 tư thế tốt.

Bạn có thể làm gì để giúp trẻ ngậm đầu vú?

Để bắt đầu cho bú, trẻ cần chạm vào bầu vú của mẹ. Kẹp bầu vú của bạn trong bàn tay và chạm nhẹ núm vú của bạn vào môi dưới của trẻ. Điều này sẽ kích thích phản xạ bú của trẻ. Phản xạ này là bản năng tự nhiên của trẻ bao gồm quay đầu về phía núm vú của mẹ, miệng mở rộng, và mút. Trẻ sẽ mở miệng rộng (giống như ngáp). Đưa trẻ về gần phía mẹ hơn, hướng núm vú về phía vòm miệng của trẻ. Hãy nhớ là đưa trẻ lại gần bầu ngực của mẹ chứ không phải đưa bầu vú của mẹ tới trẻ.

Làm sao để bạn nhận biết trẻ ngậm đầu vú đúng cách?

Trẻ nên ngậm cả núm vú mẹ và phần lớn quầng vú được che bởi miệng của trẻ. Mũi trẻ sẽ chạm nhẹ vào bầu vú mẹ. Môi của trẻ sẽ trề ra trên bầu vú mẹ. Động tác nút của trẻ nên trôi chảy và đồng đều. Bạn nên lắng nghe tiếng trẻ trẻ nuốt. Bạn có thể cảm thấy sự kéo nhẹ. Nếu trẻ không ngậm đầu vú tốt, hãy bắt đầu lại. Để trẻ ngưng bú , đặt 1 ngón tay sạch của mẹ vào giữa bầu vú và nướu của bé. Khi bạn nghe và cảm nhận một tiếng pop nhẹ, kéo núm vú của mẹ ra khỏi miệng trẻ.

Trong lúc cho trẻ bú, khi nào bạn nên chuyển sang bầu vú còn lại?

Khi trẻ bú cạn 1 bên bầu vú, chuyển sang bên còn lại. Đừng lo lắng nếu như trẻ không tiếp tục bú. Trẻ không cần phải bú cả 2 bên bầu vú trong 1 lần bú. Trong lần bú tiếp theo, cho trẻ bú bên còn lại trước.

Mỗi phiên cho trẻ bú nên kéo dài bao lâu?

Hãy để trẻ tự thiết lập thời gian bú cho riêng mình. Nhiều trẻ sơ sinh bú mẹ khoảng 10 đến 15 phút mỗi bầu vú, nhưng một số khác bú lâu hơn. Nếu trẻ muốn bú lâu, chẳng hạn như khoảng 30 phút mỗi bầu vú. Hãy lưu ý có thể trẻ gặp khó khăn khi bú sữa hoặc có thể chỉ là cần thời gian để bú.

Làm sao bạn có thể nhận biết khi nào trẻ đói?

Khi đói, trẻ sẽ dí mũi sát vào ngực mẹ, làm những động tác mút, hoặc đưa tay vào miệng. Khóc thường là dấu hiệu muộn của đói.

Bạn nên cho trẻ bú bao nhiêu lần mỗi ngày?

Bạn nên cho trẻ bú ít nhất 8-12 lần trong vòng 24 giờ; hoặc mỗi 2-3 giờ 1 lần, trong vài tuần đầu đời của bé.

Làm thế nào để bạn nhận biết trẻ đã no?

Khi no, trẻ sẽ ngủ hoặc không ngậm vú mẹ nữa.

Khi nào bạn có thể cho trẻ dùng núm vú giả?

Các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế chỉ dùng núm vú giả trong 1 vài trường hợp cho đến khi nào trẻ học được cách bú mẹ. Trong giai đoạn ban đầu này, bạn chỉ nên cho trẻ dùng núm vú giả nếu bạn muốn nhằm giúp trẻ giảm đau (ví dụ như trong khi trẻ được chích ngừa/chích thuốc). Sau khoảng 4 tuần, khi trẻ đã có thể bú mẹ tốt, bạn có thể dùng núm vú giả bất cứ lúc nào. Núm vú giả sử dụng trong những giấc ngủ ngắn hoặc trong những giờ ngủ chính của trẻ có thể giúp làm giảm nguy cơ SIDS.

Những vấn đề nào bạn có thể đối mặt khi cho trẻ bú mẹ? Sẽ là điều bình thường khi bạn phải đối mặt với các vấn đề nhỏ phát sinh trong những ngày đầu hoặc vài tuần đầu tiên kể từ khi cho trẻ tập bú. Tuy nhiên, nếu bất cứ vấn đề nào trong những vấn đề được liệt kê sau đây vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng, hãy gọi cho bác sĩ của bạn hoặc hẹn gặp một chuyên gia về sữa mẹ và các vấn đề liên quan việc bú sữa mẹ:

  • Đau núm vú: 1 vài dạng đau nhức hay khó chịu ở núm vú khi mới bắt đầu cho trẻ tập bú là điều bình thường mà bạn có thể phải đối mặt. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu đau núm vú kéo dài qua tuần đầu tiên hoặc không tiến triển tốt hơn. Đau núm vú có thể do trẻ ngậm quầng vú không đủ rộng. Do đó trẻ sẽ mút chủ yếu phần đầu vú. Hãy đảm bảo miệng của trẻ mở rộng và ngậm càng nhiều quầng vú trong miệng càng tốt. Thoa 1 ít sữa của bạn lên đầu vú có thể đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Thử những tư thế bú khác nhau để tránh những vùng bị đau nhức.
  • Vú bị căng cứng: Khi ngực của bạn đầy sữa, bầu vú sẽ căng đầy, cứng, và trở nên nhạy cảm. Một khi cơ thể bạn nhận ra được lượng sữa mà trẻ thật sự cần, vấn đề này sẽ được tự giải quyết trong vòng trên dưới 1 tuần. Để làm giảm căng cứng, bạn có thể cho trẻ bú thường xuyên hơn để làm cạn bầu vú. Trước khi cho bú, bạn có thể xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu vú hoặc nặn 1 ít sữa bằng tay hoặc máy bơm để làm mềm chúng. Giữa những lần cho bú, đặt 1 miếng gạc ấm hoặc tắm nước ấm sẽ giúp làm giảm khó chịu.
  • Tắc ống dẫn sữa: Nếu ống dẫn sữa bị tắc (bởi sữa mà trẻ chưa bú), 1 khối u cứng nhỏ sẽ hình thành trong ngực của bạn. Để làm thông tắc nghẽn và giúp sữa chảy trở lại, hãy cho trẻ bú lâu và thường hơn bên đó. Dùng nhiệt với tắm nước ấm, miếng đệm nhiệt, hoặc chai nước nóng.
  • Viêm vú: Nếu tình trạng tắc ống dẫn sữa không được giải quyết, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng vú gọi là viêm vú. Viêm vú có thể gây ra triệu chứng giống cúm, như nóng sốt, đau nhức, mệt mỏi. Bầu vú của bạn cũng sẽ sưng và đau và có thể có cảm giác rất ấm khi chạm vào. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Bạn có thể được kê toa thuốc kháng sinh để chữa nhiễm trùng. Bạn có thể tiếp tục cho trẻ bú trong khi dùng thuốc này.

Bạn có thể làm gì để đảm bảo rằng bạn đã cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ và cho bạn?

Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng cần thiết đối với việc cho trẻ bú:

  • Bạn cần thêm 450-500 calo/ngày trong khi cho bú.
  • Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiếp tục dùng vitamin tổng hợp tương tự như giai đoạn trước khi sinh trong lúc bạn đang cho trẻ bú mẹ. Bác sĩ của trẻ có thể khuyên bạn nên cho trẻ dùng 400 IU vitamin D mỗi ngày ở dạng giọt. Vitamin này cần thiết để giúp xương và răng khỏe.
  • Uống nhiều nước và uống nhiều hơn nếu nước tiểu của bạn có màu vàng đậm. Sẽ là 1 ý tưởng hay khi bạn uống 1 ly nước mỗi lần bạn cho trẻ bú.
  • Tránh những thức ăn có thể gây khó chịu bao tử cho trẻ. Những thủ phạm phổ biến là những thức ăn gây đầy hơi như bắp cải, và những thức ăn cay.
  • Uống cafein ở liều lượng vừa phải sẽ không ảnh hưởng đến bé. Một lượng cafein khoảng 200 mg/ngày được xem là vừa phải.
  • Nếu bạn muốn thỉnh thoảng uống những thức uống có cồn, hãy chờ ít nhất 2 tiếng sau khi uống các loại nước này rồi mới cho trẻ bú.
  • Luôn luôn kiểm tra lại với bác sĩ của bạn trước khi sử dụng thuốc kê toa hoặc thuốc không cần toa để đảm bảo các thuốc này an toàn trong giai đoạn đang cho trẻ bú mẹ.
  • Tránh hút thuốc và sử dụng những thuốc bất hợp pháp. Chúng có thể gây hại cho trẻ. Dùng thuốc kê toa (như  thuốc giảm đau codeine, an thần, hoặc thuốc ngủ) trong những trường hợp không phải y tế cũng có thể gây hại.

Những phương pháp tránh thai nào mà bạn có thể sử dụng trong thời gian cho trẻ bú mẹ?

Chỉ những phương pháp có chứa progestin bao gồm thuốc viên, cấy dưới da, và tiêm, có thể bắt đầu ngay sau khi sinh trong lúc bạn vẫn đang ở bệnh viện. Những phương pháp có chứa estrogen, như thuốc tránh thai phối hợp, đặt vòng, và miếng dán trên da, không nên sử dụng trong tháng đầu tiên cho trẻ bú mẹ. Estrogen có thể làm giảm lượng sữa. Khi việc cho bú được thiết lập, phương pháp có chứa estrogen có thể được sử dụng.

Bạn nên biết những gì khi đi làm trở lại mà vẫn đang trong thời gian cho trẻ bú mẹ?

Tại một số nước như Hoa Kỳ, bạn có thể yêu cầu nơi bạn làm việc cung cấp một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý và một nơi để vắt sữa theo nhu cầu kéo dài cho đến một năm sau sinh. Nơi này không thể là nhà vệ sinh, và nó phải được che chắn khỏi tầm nhìn, và không bị xâm phạm bởi đồng nghiệp hoặc những người khác trong cộng đồng. Bạn cũng sẽ cần một nơi an toàn để trữ sữa một cách thích hợp. Trongkhoảng thời gian 8 giờ làm việc mỗi ngày, bạn có thể bơm đủ sữa trong thời gian nghỉ của bạn.

Giải thích thuật ngữ

Thuốc kháng sinh: thuốc dùng để chữa nhiễm trùng.

Kháng thể: các protein trong máu được sản xuất nhằm phản ứng với những chất bên ngoài, chẳng hạn như vi trùng và vi khuẩn.

Quầng vú: phần da sậm màu xung quanh đầu vú.

Sữa non: chất lỏng được tiết ra trong giai đoạn khởi đầu quá trình tạo sữa.

Estrogen: Hormone nữ được sản xuất từ buồng trứng.

Hệ thống miễn dịch: hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại những vật lạ từ bên ngoài và xâm nhập vào cơ thể, như vi trùng.

Ocxytocin: hormone được dùng để giúp co tử cung.

Sinh non: sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ.

Progestin: một dạng tổng hợp của progesterone, giống với hormon được sản xuất tự nhiên bởi cơ thể.

Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (SIDS): tình huống chết bất ngờ của trẻ nhũ nhi mà  nguyên nhân tử vong không được biết rõ.

Nếu còn có những thắc mắc khác, hãy liên lạc với bác sĩ sản – phụ khoa của bạn.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq029.pdf

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích