menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Nên làm gì trước những nỗi sợ hãi của con!

user

Ngày:

11/04/2018

user

Lượt xem:

446

Bài viết thứ 93/97 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo”

“Mày xuống ngay đây cho mẹ, nước hồ bơi thôi mà mày làm gì mà ghê vậy! Mày thấy mấy đứa con nít nhỏ hơn mày tụi nó còn không sợ, sao mày lại sợ! Con trai gì mà nhát vậy mai mốt còn làm được chuyện gì? Nghe lời mẹ, nhắm mắt, hít sâu vô, rồi xuống đây lẹ lên đi con, mua cái vé cho mày thật là phí con ạ!”

“Trời, có cái vậy không mà cũng sợ, có gì đâu mà sợ, ra bốc nó cho ba liền!”

“Con nhỏ này thiệt là nhát như gì đó, chuyện vậy mà cũng sợ cho được!”….

Mấy câu này bạn thấy có quen không? Và thật sự có hiệu quả như bạn mong muốn không? Sự thật đáng buồn là, khi bạn thốt lên những câu nói như thế trong giận giữ và tức tối, sẽ không giải quyết được vấn đề về nỗi sợ của trẻ. Kết quả chỉ là:

  • Bạn tự chuốc giận dữ và tức tối vào mình, và có khi xấu hổ nữa (vì tự dưng bị thiên hạ dòm ngó khi to tiếng).
  • Con bạn cũng chẳng được lợi gì, ngoại trừ
    • Thêm phần xấu hổ
    • Mất tự tin (mình không quan trọng bằng cái vé bơi kìa!)
    • Thêm phần sợ hãi (ngoại trừ nỗi sợ riêng của bé, bé cũng thêm sợ bạn luôn!),
    • Thêm phần thất vọng vì ba mẹ mình không hiểu, và không đứng về phía mình khi mình cần nhất!

Vì vậy, nếu bạn cứ lặp lại vài lần như thế, thì tự hiểu vì sao trẻ xa cách bạn, không còn tin tưởng ở bạn, và vì sao trẻ lại càng chán ghét và sợ hãi hơn nhưng nỗi sợ ban đầu!

Vậy, chúng ta phải làm sao cho đúng và cho đỡ mệt? Hãy tìm hiểu những phát triển và ý nghĩa của những nỗi sợ trong tâm trí của trẻ con!

Những phát triển và ý nghĩa của những nỗi sợ trong tâm trí của trẻ con!

Đầu tiên, chúng ta phải nên biết rằng, tất cả trẻ em đều có những nỗi lo sợ nào đó, và đây là một phần rất bình thường trong quá trình phát triển của con. Việc trẻ lo sợ cái gì, điều gì, khác biệt ở từng trẻ, và ở một trẻ, sẽ thay đổi theo tuổi của bé. Và đây là những thông tin căn bản để chúng ta có thể đặt chân mình vào vị trí của bé, để hiểu và thông cảm cho “người ta” hơn:

Khi trẻ bắt đầu sang 8 tháng tuổi, cho đến 1 – 2 tuổi

Trẻ bắt đầu nhận biết được những bối cảnh, con người quen và lạ. Trẻ bắt đầu biết lo sợ khi phải xa rời người thân thuộc nhất (như ba, mẹ), hoặc khi trẻ xa nơi ở quen thuộc của mình. Trẻ bắt đầu nhận biết và có thể sợ người lạ. Càng lớn, trẻ sẽ có thể phát triển những nỗi sợ đối với những tình huống, hoạt động bình thường mỗi ngày, mà trước đây trẻ hoàn toàn không quan tâm!

Khi trẻ từ 2 tuổi cho đến 5 tuổi

  • Trẻ tuổi này có trí tưởng tượng rất phong phú, và trẻ có thể không tách biệt được đâu là “đời thật”, đâu là “tưởng tượng trong đầu”. Trẻ tuổi này, vì vậy, có thể khá nhạy cảm, và dễ sợ nhiều thứ. Bóng người, mặt nạ, tiếng động lạ như máy giặt, máy hút bụi, xả nước bồn cầu… cũng có thể làm trẻ liên hệ đến nhiều thứ “nguy hiểm” và làm trẻ sợ. Vì vậy, sẽ có những nỗi sợ của trẻ làm bạn phì cười vì quá vô lý và không tưởng. Nhưng chỉ nên phì cười trong im lặng, còn bên ngoài, nên tỏ ra cho trẻ biết bạn tôn trọng, và nghiêm túc về nỗi sợ này của trẻ, và bạn có mặt ở đây là vì trẻ, và sẵn sàng giúp trẻ, hỗ trợ trẻ khi trẻ cần! Không nên chọc quê, thóa mạ, hoặc la mắng trẻ vì những gì bạn không hiểu hoặc chưa cảm nhận được!
  • Một đặc điểm nữa ở trẻ tuổi này, là trẻ không linh động trong suy nghĩ của mình được. Khi bạn nói cho trẻ câu gì, trẻ sẽ tin 100% đó là sự thật không thể thay đổi được, và trẻ không nghĩ đó là câu nói đùa, không có giá trị gì, ngay cả khi bạn trấn an trẻ sau này! Những câu nói “đùa” vô thưởng vô phạt ở người lớn, vì vậy, có thể gây tổn thương đến trẻ một cách không mong muốn vì trẻ thật sự tin những gì được nói ra. Như “mẹ mày bỏ mày đi rồi con ạ”, hay “mẹ có em bé mới rồi, hết thương Bin rồi”, hay “con chẳng ra sao cả”, hay “còn làm vậy nữa là ba mẹ bỏ con bây giờ”… là những câu mà bé sẽ “khắc cốt ghi tâm” và thật sự bị tổn thương trong dài hạn! Vì vậy, nên thoải mái nói những điều tích cực cho trẻ nghe, và nên cẩn thận, uốn lưỡi 7 lần, trước khi bạn định nói những điều tiêu cực về trẻ hoặc về bất cứ ai/cái gì/tình huống gì cho trẻ nghe, bạn nhé!
  • Trẻ tuổi này cũng dễ bị ác mộng, và thức giấc khóc lóc về đêm. Bạn nên trấn an trẻ, rằng những giấc mơ này không có thật, ôm ấp trẻ để trẻ cảm thấy an toàn.

Từ 5 tuổi trở lên

  • Khi qua 5 tuổi, nỗi sợ của trẻ thường sẽ bớt “vô lý” đi, và thường có liên quan đến thực tế hơn, như sợ lửa, độ cao, hay chấn thương. Tuy nhiên, nỗi sợ vẫn có thể bị “cường điệu” quá mức so với “chuẩn” của người lớn chúng ta. Khi trẻ lớn dần lên, và bắt đầu có thể lý luận được, và “trải nghiệm” nhiều hơn, những cơn sợ của trẻ, vì vậy, sẽ bớt dần và biến mất.
  • Càng lớn, trẻ lại chuyển nỗi lo sợ của mình, từ những việc đâu đâu, chuyển sang thực tế gia đình, như mối quan hệ của ba mẹ, và sức khỏe của người thân trong gia đình. Khi có cãi nhau hoặc than phiền giữa ba mẹ mà trẻ vô tình hay cố ý nghe được, trẻ có thể nghĩ hoặc đánh giá tình huống một cách sâu xa, tệ hại hơn thực chất vấn đề. Trẻ cũng dễ liên hệ với mình, và nghĩ đó là lỗi của bản thân. Vì vậy, nếu muốn cãi nhau, tranh luận với nhau, ba mẹ, ông bà nên dắt nhau ra chỗ thanh vắng, im ắng mà làm, đừng vì sĩ diện, tiện lợi bản thân mà ảnh hưởng không đáng đến đứa con qúy giá của mình!
  • Một điều nữa nên lưu ý là, trẻ sợ không đồng nghĩa với trẻ khóc! Trẻ khi sợ có thể có những hành vi khác thường, mà bạn phải để ý và giải mã, như cắn móng tay, run rẩy, hoặc nút tay, hoặc trở nên “nổi loạn”! Vì vậy, nên chú ý và nhạy cảm với những thay đổi khác thường của con, bạn nhé!

Vậy thì, chúng ta có thể làm gì, với vai trò là ba mẹ ông bà trẻ?

Câu trả lời rất đơn giản! Nên tôn trọng và nghiêm túc về nỗi lo sợ của trẻ, ngay cả khi điều đó đối với bạn hoàn toàn vô lý! Bạn không nên dè bỉu, chọc quê, hoặc la mắng trẻ, hoặc phân tích, lý giải vấn đề, hoặc bắt trẻ phải trả lời, nêu ra lý do vì sao trẻ sợ! Điều này là vô lý và không cần thiết như việc thằng bạn thân của bạn hỏi bạn “tại sao mày lại không thích con nhỏ này, tao thấy nó được lắm mà”, hay “con nhỏ này có gì đâu mà mày mê nó ghê vậy”.

Điều quan trọng nhất mà trẻ cần ở bạn, khi trẻ sợ, là bạn hiểu trẻ đang sợ, vỗ về, an ủi trẻ, và bạn luôn luôn sẵn sàng để hỗ trợ và bảo vệ, tin tưởng trẻ! Sau đó, bạn có thể từ từ, giải thích đơn giản cho trẻ nghe, hoặc đọc sách, tạo ra những câu chuyện vui về nỗi sợ đó, để trẻ có thể thoải mái hơn, và cảm thấy đỡ sợ hơn. Nên chuẩn bị tâm lý và trấn an trước cho con, nếu biết con sắp phải đối diện với những tình huống mà con sợ, như khi bạn sắp rời khỏi nhà, hoặc khi con sắp đến thăm nhà có con chó to mà con sợ, chẳng hạn.

Việc tạo ra những trò chơi có liên quan, như đi bác sĩ, chích thuốc cho gấu Teddy, hoặc vẽ vời, cũng có thể giúp bé vơi đi nỗi sợ.

Một điều quan trọng nữa, là nên bình tĩnh khi trấn an bé, chứ có nhiều bà mẹ, ôm con đi chích ngừa, cứ nói “không đau đâu con”, “không sao đâu con” mà mắt thì lấm lét, giọng thì rung rẩy, người cứ đơ ra, thì càng làm cho con nó sợ thêm thôi chứ không giải quyết được vấn đề gì cả!

Và… khi bé có thể từng bước vượt qua nỗi sợ của mình, dù là nhỏ nhất, ví dụ như nhúng được 1 ngón chân vào hồ bơi, bạn nên là người cỗ vũ và khen ngợi bé đầu tiên, để người ta còn có can đảm và tự tin, để vài lần sau nhúng thêm… hai ngón chân vào nữa chứ…

Hãy là người bạn đồng hành trong tôn trọng của con mình, bạn nhé!!!

Xem thêm bài viết Giúp trẻ đối diện với nỗi sợ hãi

Tài liệu tham khảo

  1. Taming the monsters: Helping children deal with their fears – Caring for kids – Canadian Pediatric Society.
  2. https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/576211309432595
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích