menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Trẻ em và đột quỵ

user

Ngày:

30/06/2022

user

Lượt xem:

257

Bài viết thứ 00/69 thuộc chủ đề “Nhi khoa”

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, tử vong do đột quỵ chỉ đứng sau bệnh ung thư và tim mạch. Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ em nhỏ. Tỉ lệ đột quỵ ở trẻ sơ sinh là 25/100.000 ca và ở trẻ vị thành niên là 12/100.000 trẻ hằng năm trên thế giới. Vậy đột quỵ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu nào giúp nhận biết đột quỵ? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

Đột quỵ là gì? Có gây nguy hiểm cho trẻ không?

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não gồm hai nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất, xuất phát từ tình trạng tắc nghẽn mạch máu trong não bị gây ra bởi các cục máu đông được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nguyên nhân thứ hai là tình trạng mạch máu trong não bị vỡ ra được gọi là đột quỵ do xuất huyết não. Ở trẻ nhỏ có thể gặp cả hai loại tuy nhiên đột quỵ do xuất huyết thường dễ xảy ra hơn.

Nhiều gia đình không nhận thức được các triệu chứng đột quỵ ở trẻ nhỏ, nên cho rằng đó là trúng gió, động kinh,… Sau đó, người nhà tự sơ cứu cứu bệnh nhân bằng cách cạo gió, vắt chanh, lấy kim châm đầu ngón tay dẫn đến chậm trễ trong việc cấp cứu. Điều quan trọng nhất chính là phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, khi được cấp cứu trong “thời gian vàng”, tỷ lệ sống sót và hồi phục của trẻ nhỏ sẽ cao hơn nhiều so với việc chậm trễ.

Thời gian vàng trong đột quỵ là gì ?

Thời gian vàng là khoảng thời gian được tính từ lúc bệnh nhân có những dấu hiệu khởi phát bệnh và kết thúc trong vòng 3 giờ đồng hồ. Nếu trẻ được đưa đến bệnh viện chữa trị trong khoảng thời gian này thì tỷ lệ sống sót và phục hồi tăng lên đáng kể, ngược lại nếu càng trì hoãn, lượng máu cung cấp cho tế bào não giảm, càng lâu, tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến vận động và tư duy, dẫn đến tử vong. Nên khi phát hiện trẻ bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa trẻ vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.

Thời gian vàng đột quỵ
Thời gian vàng đột quỵ

 

Nguyên nhân và cách phòng tránh đột quỵ

Các nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường khác với người lớn. Ở người lớn, các nguyên nhân thường thấy là hút thuốc lá, tăng huyết áp hoặc tiểu đường. Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ ở trẻ em. Một số yếu tố là do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết như:

  • Các bệnh về mạch máu như dị dạng động mạch, bóc tách động mạch, hẹp mạch máu não
  • Các bệnh lý tim mạch
  • Bệnh hồng cầu hình liềm và các rối loạn đông máu khác

Tỷ lệ mắc  ở trẻ em thực sự đang ngày càng tăng lên khi tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch như béo phì và tăng huyết áp dần trở nên phổ biến hơn ở trẻ nhỏ. Đồng thời, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid, lạm dụng rượu và sử dụng thuốc lá đã gia tăng ở cả trẻ em và trẻ vị thành niên.

Vì phần lớn các nguyên nhân ở trẻ em thường do bệnh lý bẩm sinh nên thường khó để phòng ngừa do ít gặp và nhiều yếu tố nguy cơ. Khuyến cáo chung cho phòng ngừa bệnh là tìm các yếu tố có nguy cơ để có cách điều trị các bệnh nền phù hợp. Chẳng hạn như điều trị các bệnh lý về đông máu, các bệnh tim bẩm sinh. Đồng thời với việc có một chế độ ăn tốt, các hoạt động thể chất, tránh xa thuốc lá và rượu bia là phương án dự phòng tốt cho đột quỵ

Nhận biết đột quỵ như thế nào

Hầu hết các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ giống như ở người lớn. Nhưng ở trẻ em thường mờ nhạt nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như động kinh, co giật, mất ý thức.., dễ bị bỏ sót cho đến khi cha mẹ nhận thấy bé khó cử động một phần cơ thể.

Các dấu hiệu dưới đây thường phổ biến trong đột quỵ ở trẻ:

  • Tê liệt, yếu, mất phối hợp ở các chi, đặc biệt là ở một bên.
  • khó khăn trong việc nói, đọc, hiểu, viết hoặc tập trung
  • Lơ mơ, mờ hoặc mất hẳn thị lực , đặc biệt là một bên mắt
  • Co giật, mất ý thức trong thời gian ngắn
  • Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc cơ thể không vận động theo ý muốn
  • Khó nuốt bao gồm chảy nước dãi
  • Đau đầu dữ dội hoặc đừ người, nôn ói nhiều lần

Trong trường hợp nghi ngờ đột quỵ xảy ra, hãy sử dụng F.A.S.T để giúp nhớ dấu hiệu cảnh báo

Làm gì khi trẻ đột quỵ

Khi nhận thấy trẻ có một trong các triệu chứng đột quỵ, cần phải:

Gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Danh bạ đường dây nóng của các bệnh viện theo tỉnh/thành phố

Những việc nên làm

  • Nhẹ nhàng đặt bệnh nhân vào một vị trí thoải mái. Tốt nhất, nằm ngửa hoặc nằm nghiêng an toàn với đầu và vai hơi nâng cao và được hỗ trợ bằng gối hoặc quần áo. Nên cho bệnh nhân nằm ngửa và nghiêng đầu hẳn về một bên, tránh hít sặc chất nôn vào đường hô hấp.
  • Hạn chế di chuyển bệnh nhân
  • Giữ thông thoáng môi trường xung quanh để bệnh nhân dễ dàng hô hấp
  • Nới lỏng áo quần, tạo môi trường thông thoáng
  • Lưu ý các triệu chứng của người đó và tìm bất kỳ thay đổi nào về tình trạng bệnh. Điều quan trọng là phải cung cấp cho nhân viên cấp cứu càng nhiều thông tin càng tốt về tình huống
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu ngưng thở, hãy bắt đầu hô hấp nhân tạo (hồi sức tim phổi)

Tư thế hồi sức đúng cách

Tư thế hồi sức đúng cách trong đột quỵ
Tư thế hồi sức đúng cách trong đột quỵ

 

Những việc không tự ý làm

  • Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích lể máu đầu ngón tay, sau gáy hay sau tai vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
  • Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
  • Không tự ý dùng thuốc bất kỳ thuốc gì cho bệnh nhân

Đột quỵ liệu có để lại di chứng cho trẻ?

Các di chứng về tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, sốt, đau, khó nuốt, co cứng các chi, trầm cảm… đều là những tình trạng phổ biến ở trẻ bị đột quỵ. Trẻ nhập viện và được can thiệp càng sớm, nguy cơ để lại di chứng càng thấp và thời gian hồi phục nhanh hơn. Việc gặp các di chứng của đột quỵ như liệt nửa người, mất khả năng nói, các vấn đề về thị giác, khả năng nhận thức giảm, khả năng ghi nhớ kém sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5440901/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/transient-ischemic-attack/symptoms-causes/syc-20355679

https://yhoccongdong.org/thongtin/ebook/tai-bien-mach-mau-nao/

https://med.stanford.edu/content/dam/sm/care/VN-Data-Brief.pdf

 

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích