menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Trầm cảm

user

Ngày:

23/07/2018

user

Lượt xem:

983

Bài viết thứ 01/06 thuộc chủ đề “Các bệnh Tâm thần”

Trầm cảm là gì?

Ai cũng có lúc cảm thấy buồn chán. Nhưng cảm giác này thường không kéo dài và mất đi trong vòng vài ngày. Khi bạn bị trầm cảm, nó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày và gây đau khổ cho cả bạn và những người quan tâm đến bạn. Trầm cảm là một bệnh thường gặprất nguy hiểm.

Nhiều người mắc bệnh trầm cảm không bao giờ tìm cách điều trị. Nhưng đa số, kể cả những bệnh trầm cảm rất nặng, có thể thuyên giảm nếu điều trị. Thuốc, tâm lý trị liệu và các biện pháp khác có thể điều trị hiệu quả người bị trầm cảm.

Có nhiều dạng rối loạn trầm cảm.

Trầm cảm nặng: những triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới khả năng làm việc, ăn ngủ, học tập và hưởng thụ cuộc sống. Một cơn kịch phát có thể chỉ xảy ra một lần trong đời người, nhưng thường xuyên hơn, một người có thể có nhiều cơn kịch phát.

Rối loạn trầm cảm kéo dài: tâm trạng chán nản kéo dài ít nhất 2 năm. Người được chẩn đoán rối loạn trầm cảm kéo dài có thể có những cơn trầm cảm nặng xen kẽ những thời kỳ với triệu chứng nhẹ hơn, nhưng triệu chứng phải kéo dài 2 năm.

Một số dạng trầm cảm hơi khác nhau đôi chút hoặc có thể diễn tiến trong những hoàn cảnh đặc biệt. Những dạng trầm cảm đó gồm:

  • Trầm cảm loạn thần: xảy ra khi một người bị trầm cảm nặng kèm theo một dạng loạn thần nào đó, ví dụ như tin tưởng mù quáng hoặc xa rời thực tế (ảo tưởng), hoặc nghe hoặc nhìn thấy những điều khó chịu mà người khác không nghe hoặc nhìn thấy (ảo giác).
  • Trầm cảm hậu sảnnghiêm trọng hơn “tình trạng xuống tinh thần sau khi sinh” (baby blues) mà nhiều phụ nữ mắc phải sau khi sinh, khi những thay đổi về nội tiết tố và thể chất cũng như trách nhiệm mới cho chăm sóc đứa bé có thể quá sức. Ước tính rằng 10-15% phụ nữ mắc phải trầm cảm hậu sản sau khi sinh con.
  • Trầm cảm theo mùa (Seasonal affective disorder – SAD): đặc trưng bởi sự khởi phát trầm cảm trong những tháng mùa đông, khi ánh sáng mặt trời ít đi. Bệnh trầm cảm thường chấm dứt vào mùa xuân và mùa hè. SAD có thể điều trị hiệu quả bằng liệu pháp ánh sáng, nhưng gần một nửa những người mắc SAD không cải thiện bệnh với liệu pháp ánh sáng đơn độc. Thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý có thể giảm các triệu chứng SAD, hoặc đơn trị liệu hoặc phối hợp với liệu pháp ánh sáng.
  • Rối loạn lưỡng cực, hay còn gọi là bệnh hưng cảm – trầm cảm, không phổ biến như trầm cảm nặng hoặc rối loạn trầm cảm kéo dài. Rối loạn lưỡng cực có đặc trưng là những thay đổi tính tình theo chu kỳ – từ cực kỳ cao (tức hưng phấn) đến cực kỳ thấp (tức trầm cảm).

Nguyên nhân

Nhiều khả năng bệnh trầm cảm là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, sinh học, môi trườngtâm lý.

Bệnh trầm cảm là rối loạn của não bộ. Những kỹ thuật chụp hình ảnh não, như chụp cộng hưởng từ (MRI), cho thấy não của người bị trầm cảm khác với não của người không có trầm cảm. Những vùng não liên quan tới tính tình, suy nghĩ, ngủ, sự thèm ăn và hành vi có sự khác biệt. Nhưng những hình ảnh này không cho biết vì sao bệnh trầm cảm lại xảy ra. Chúng cũng không thể dùng để chẩn đoán trầm cảm.

Một số dạng trầm cảm có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, trầm cảm cũng có thể xảy ra ở những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm. Các nhà khoa học đang nghiên cứu một số gen nhất định có thể khiến người ta dễ bị trầm cảm. Một số nghiên cứu về gen gợi ý rằng nguy cơ trầm cảm là do ảnh hưởng của vài loại gen cùng tương tác với những yếu tố môi trường bối cảnh hoặc những yếu tố khác. Ngoài ra, chấn thương, mất người thân, mối quan hệ khó khăn hoặc hoàn cảnh căng thẳng có thể thúc đẩy một cơn trầm cảm. Những cơn trầm cảm khác có thể xảy ra khi có hoặc không có một nguyên nhân thúc đẩy rõ ràng.

Dấu hiệu và triệu chứng

“Tôi khó ra khỏi giường vào buổi sáng. Tôi chỉ muốn trốn trong chăn và không muốn nói chuyện với ai. Tôi không muốn ăn và tôi sụt cân nhiều. Không có gì là vui thú nữa. Lúc nào tôi cũng thấy mệt và buổi tối ngủ không ngon giấc. Nhưng tôi biết là tôi phải tiếp tục vì tôi còn con cái và công việc. Chỉ là tôi cảm thấy thật vô vọng, như thể mọi thứ không có gì thay đổi hay khá lên được.”

Người mắc bệnh trầm cảm không phải ai cũng triệu chứng như nhau. Mức độ, tần suất và thời gian xảy ra triệu chứng khác nhau tùy từng người và bệnh cụ thể của họ.

Dấu hiệu và triệu chứng gồm:

  • Buồn chán, lo âu, hoặc cảm giác “trống rỗng” kéo dài
  • Cảm thấy vô vọng hoặc bi quan
  • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng, hoặc bất lực
  • Dễ cáu kỉnh, bồn chồn
  • Không còn hứng thú đối với những hoạt động hoặc sở thích trước đây, kể cả sinh hoạt tình dục
  • Mệt mỏi, và giảm năng lượng
  • Khó khăn trong việc tập trung, nhớ các chi tiết và đưa ra quyết định
  • Mất ngủ, tỉnh giấc sớm hoặc ngủ quá nhiều
  • Ăn quá nhiều hoặc chán ăn
  • Nghĩ đến chuyện tự tử hoặc định tự tử
  • Đau nhức, đau đầu, chuột rút hoặc các vấn đề về tiêu hóa không đỡ dù được điều trị.

Ai có nguy cơ?

Rối loạn trầm cảm nặng là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất tại Mỹ. Hàng năm khoảng 6,7% người Mỹ trưởng thành mắc bệnh này. Phụ nữ có khả năng bị bệnh trầm cảm hơn 70% so với nam giới trong suốt cuộc đời. Người da đen non-Hispanic ít bị trầm cảm hơn 40% so với người da trắng non-Hispanic trong suốt cuộc đời. Độ tuổi trung bình khi khởi bệnh là 32 tuổi. Thêm vào đó, 3,3% thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi trải qua một rối loạn trầm cảm suy nhược nghiêm trọng.

Chẩn đoán

“Tôi bắt đầu thỉnh thoảng nghỉ việc và một người bạn nhận thấy rằng có điều gì đó không bình thường. Cô ấy kể với tôi về giai đoạn cô ấy rất trầm cảm và được giúp đỡ từ bác sĩ.”

Trầm cảm, ngay cả những trường hợp nghiêm trọng nhất, cũng có thể điều trị hiệu quả. Điều trị bắt đầu càng sớm thì càng có hiệu quả.

Bước đầu tiên để đạt được điều trị thích hợp là khám bệnh với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một số loại thuốc và một số tình trạng bệnh như nhiễm vi-rút hoặc rối loạn tuyến giáp, có thể gây ra những triệu chứng tương tự trầm cảm. Bác sĩ có thể loại trừ những khả năng này bằng việc thăm khám, hỏi bệnh và các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu bác sĩ thấy không có tình trạng bệnh tật có thể dẫn đến trầm cảm, bước tiếp theo là đánh giá tâm lý.

Bác sĩ có thể sẽ giới thiệu bạn tới một chuyên gia sức khỏe tâm thần, người sẽ hỏi bạn về tiền sử gia đình mắc bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm thần khác và khai thác một bệnh sử đầy đủ về các triệu chứng của bạn. Bạn nên cho biết về thời điểm các triệu chứng xuất hiện, kéo dài trong bao lâu, mức độ nặng, trước đây đã từng xảy ra chưa và nếu có, đã được điều trị ra sao. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể hỏi xem bạn có uống rượu hay dùng ma túy không, và bạn có bao giờ nghĩ tới cái chết hoặc tự tử.

Các bệnh khác có thể có trước khi trầm cảm xảy ra, trở thành nguyên nhân hoặc hậu quả của bệnh trầm cảm. Nhưng trầm cảm và các bệnh tương tác khác nhau ở những người khác nhau. Trong mọi trường hợp, bệnh xảy ra đồng thời cần được chẩn đoán và điều trị.

Rối loạn lo âu, như rối loạn tâm lý hậu chấn thương tâm lý (post-traumatic stress disorder – PTSD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh xã hội, và rối loạn lo âu, thường đi kèm với trầm cảm. PTSD có thể xảy ra sau khi một người trải qua một sự kiện hay thử thách kinh hoàng, như hành hung bạo lực, thiên tai, tai nạn, khủng bố, hoặc chiến đấu trong quân đội. Người bị PTSD đặc biệt dễ mắc thêm bệnh trầm cảm.

Lạm dụng hay phụ thuộc rượu và chất gây nghiện khác cũng có thể cùng tồn tại với trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy rằng các rối loạn tâm trạng và lạm dụng chất kích thích thường xuất hiện cùng nhau.

Trầm cảm cũng có thể xảy ra với những bệnh nội khoa nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, ung thư, HIV/AIDS, đái tháo đường và bệnh Parkinson. Người bị trầm cảm cùng với một bệnh khác thường có các triệu chứng nặng hơn của cả hai bệnh, khó thích nghi hơn với tình hình sức khỏe của họ, nhiều chi phí y tế hơn so với người không có bệnh trầm cảm đi kèm. Điều trị trầm cảm có thể giúp cải thiện kết quả điều trị bệnh đồng mắc.

Điều trị

Một khi được chẩn đoán, người bị bệnh trầm cảm có thể được điều trị theo nhiều phương pháp. Biện pháp điều trị thường gặp nhất là thuốc và tâm lý trị liệu.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc chống trầm cảm chủ yếu có tác dụng trên những hóa chất do não tiết ra được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là serotonin và norepinephrine. Các thuốc chống trầm cảm khác có tác dụng trên chất dẫn truyền dopamine. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những hóa chất đặc biệt này có liên quan tới việc điều chỉnh tâm trạng, nhưng họ không chắc chắn được về cơ chế tác động chính xác của những hóa chất này. Thông tin mới nhất về thuốc điều trị trầm cảm được đăng tải trên https://www.fda.gov/

Thuốc chống trầm cảm mới phổ biến

Một số thuốc chống trầm cảm mới nhất và phổ biến nhất được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (selective serotonin reuptake inhibitors – SSRI). Fluoxetine (Prozac), sertraline (Zoloft), escitalopram (Lexapro), paroxetine (Paxil) và citalopram (Celexa) là một số trong các SSRIs thường được kê toa nhất cho trầm cảm. Hầu hết là có phiên bản generic. Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) cũng tương tự như SSRI và gồm venlafaxine (Effexor) và duloxetine (Cymbalta).

SSRI và SNRI thường có ít tác dụng phụ hơn các thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ, nhưng đôi khi cũng gây đau đầu, buồn nôn, bồn chồn, hoặc mất ngủ khi mới bắt đầu dùng thuốc. Những triệu chứng này thường dần mất đi. Một số người cũng gặp phải vấn đề trong quan hệ tình dục khi sử dụng SSRI và SNRI, và có thể giải quyết bằng cách điều chỉnh liều hoặc chuyển sang thuốc khác.

Một loại thuốc chống trầm cảm phổ biến có tác dụng trên dopamine là bupropion (Wellbutrin). Bupropion thường có tác dụng phụ tương tự như SSRI và SNRI, nhưng ít gây ra tác dụng phụ về tình dục. Tuy nhiên, thuốc này có thể tăng nguy cơ co giật.

Tricyclics

Tricyclics (thuốc chống trầm cảm ba vòng) là thuốc chống trầm cảm đời cũ. Tricyclics rất mạnh, nhưng ngày nay không được sử dụng nhiều vì các tác dụng phụ tiềm năng nghiêm trọng. Thuốc này có thể ảnh hưởng trên tim ở người bị bệnh tim. Đôi khi thuốc gây ra cảm giác chóng mặt, đặc biệt ở người cao tuổi. Thuốc cũng có thể gây cảm giác buồn ngủ, khô miệng, và tăng cân. Những tác dụng phụ này thường chấm dứt khi thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang thuốc khác. Tuy nhiên, tricyclics có thể đặc biệt nguy hiểm nếu dùng quá liều. Trong tricyclics có chất imipramine và nortriptyline.

MAOI

Thuốc ức chế monoamine oxidase (Monoamine oxidase inhibitors – MAOI) là thế hệ thuốc chống trầm cảm cũ nhất. Thuốc này đặc biệt có tác dụng đối với những trường hợp trầm cảm “không điển hình”, ví dụ như khi một người thèm ăn và ngủ nhiều hơn chứ không phải chán ăn và mất ngủ. Thuốc này cũng có tác dụng với cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi và những triệu chứng đặc trưng khác.

Tuy nhiên, người dùng MAOI phải kiêng một số thức ăn và đồ uống nhất định (bao gồm pho-mát và rượu vang đỏ) có chứa một chất gọi là tyramine. Trong khi dùng MAOI cũng cần phải tránh một số loại thuốc, bao gồm các thuốc ngừa thai, thuốc giảm đau (loại được kê đơn), thuốc trị cảm lạnh và dị ứng và thực phẩm chức năng làm từ thảo mộc. Những chất này có thể tương tác với MAOI làm tăng huyết áp mạnh. MAOI dạng dán trên da có thể giúp làm giảm những nguy cơ này. Nếu bạn sử dụng MAOI, bác sĩ điều trị nên đưa cho bạn một danh sách đầy đủ các loại thực phẩm, dược phẩm và các chất cần tránh.

MAOI cũng có thể phản ứng với SSRI gây ra một tình trạng nghiêm trọng gọi là “hội chứng serotonin”, có thể gây lú lẫn, ảo giác, ra nhiều mồ hôi, cứng cơ, co giật, thay đổi huyết áp hoặc nhịp tim, và những tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng khác. MAOI không nên dùng chung với SSRI.

Tôi nên uống thuốc như thế nào?

Tất cả thuốc chống trầm cảm chỉ có tác dụng đầy đủ sau khi uống ít nhất 4 đến 6 tuần. Bạn nên tiếp tục uống thuốc, cả khi bạn cảm thấy tốt hơn, để tránh trầm cảm tái phát.

Thuốc chỉ nên ngừng uống khi có chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc cần giảm liều từ từ để cơ thể có thời gian thích nghi. Mặc dù thuốc chống trầm cảm không gây nghiện, việc ngưng uống đột ngột có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc hoặc dẫn tới tình trạng trầm cảm tái phát. Một số cá thể, như người bị trầm cảm kinh niên hoặc tái phát, có thể cần dùng thuốc vĩnh viễn.

Ngoài ra, nếu một loại thuốc không có tác dụng, bạn nên cân nhắc chuyển sang thuốc khác. Nghiên cứu do NIMH tài trợ cho thấy rằng người không cải thiện sau khi dùng một thuốc ban đầu sẽ tăng khả năng khỏi bệnh sau khi họ chuyển sang một loại thuốc khác hoặc uống kèm thuốc khác với thuốc đang dùng.

Đôi khi thuốc kích thích, thuốc chống lo âu, hoặc các loại thuốc khác được dùng chung với thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là nếu bệnh nhân có bệnh đồng mắc. Tuy nhiên, cả thuốc chống lo âu và chất kích thích đều không có hiệu quả chống trầm cảm khi dùng riêng rẽ, và cả hai loại thuốc này chỉ nên dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Hãy báo bất kỳ tác dụng phụ bất thường cho bác sĩ ngay lập tức.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo về thuốc chống trầm cảm

Mặc dù SSRI và các loại thuốc chống trầm cảm khác khá an toàn và phổ biến, các nghiên cứu cho thấy chúng có thể có tác động không chủ ý trên một số người, đặc biệt là thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi. Năm 2004, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành một báo cáo triệt để về các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng đã công bố và chưa công bố trên thuốc chống trầm cảm liên quan tới gần 4.400 trẻ em và thanh thiếu niên. Bản báo cáo cho thấy 4% những người dùng thuốc chống trầm cảm nghĩ đến hoặc định tự tử (tuy nhiên không có vụ tự tử xảy ra), so với 2% những người dùng giả dược.

Thông tin này đã khiến FDA, vào năm 2005, thông qua việc in nhãn cảnh báo “khung đen” trên tất cả các thuốc chống trầm cảm để cảnh báo cho công chúng về nguy cơ tiềm ẩn của suy nghĩ hoặc định tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên khi dùng thuốc chống trầm cảm. Năm 2007, FDA đề xuất rằng tất cả các nhà sản xuất thuốc chống trầm cảm mở rộng cảnh báo cho đến thanh niên 24 tuổi. Nhãn cảnh báo “khung đen” là loại cảnh báo nghiêm trọng nhất trong các nhãn dược phẩm kê toa.

Cảnh báo nhấn mạnh rằng bệnh nhân ở mọi lứa tuổi dùng thuốc chống trầm cảm cần phải được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt trong những tuần điều trị đầu tiên. Những tác dụng phụ có thể xảy ra gồm trầm cảm nặng hơn, suy nghĩ hoặc hành vi tự tử, hoặc bất kỳ thay đổi bất thường trong hành vi, như mất ngủ, kích động, hoặc thu mình không tham gia các hoạt động xã hội thông thường. Cảnh bảo còn thêm rằng gia đình và người chăm sóc cần được thông báo về nhu cầu giám sát chặt chẽ và báo bất kỳ thay đổi cho bác sĩ. Thông tin mới nhất của FDA có thể tìm thất trên https://www.fda.gov.

Các kết quả của một báo cáo toàn diện các cuộc thử nghiệm bệnh nhi trong khoảng thời gian từ 1988 đến 2006 cho thấy rằng lợi ích của thuốc chống trầm cảm có khả năng vượt trội những nguy cơ đối với trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm nặng hoặc rối loạn lo âu.

Dược thảo St. John’s wort thì sao?

Chiết xuất từ thào mộc St. John’s wort (Hypericum perforatum) đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ qua các bài thuốc dân gian và dược thảo. Ngày nay tại châu Âu, nó được sử dụng rộng rãi để điều trị trầm cảm nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng St. John’s wort có hiệu quả không hơn giả dược trong điều trị trầm cảm nặng hoặc nhẹ.

Năm 2000, FDA đã đưa ra thư Tư vấn Y tế Cộng đồng khẳng địng rằng thảo dược có thể cản trở một số thuốc nhất định dùng để điều trị bệnh tim, trầm cảm, co giật, một số loại ung thư, và những thuốc chống thải ghép. Thảo dược cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc ngừa thai dạng uống. Hãy tư vấn với bác sĩ trước khi dùng bất cứ thảo dược nào.

Tâm lý trị liệu

Hiện nay tôi đang khám đều đặn với một chuyên gia về “liệu pháp nói chuyện”, nó giúp tôi học cách đối phó với căn bệnh này trong cuộc sống hàng ngày của tôi, và tôi đang dùng thuốc trị trầm cảm.

Nhiều loại tâm lý trị liệu – hay còn gọi là “liệu pháp nói chuyện” – có thể giúp người bị trầm cảm.

Hai hình thức tâm lý trị liệu chính: liệu pháp nhận thức-hành vi (cognitive-behavioral therapy – CBT) và liệu pháp tương tác cá nhân (interpersonal therapy – IPT) là có hiệu quả trong việc điều trị trầm cảm. CBT giúp người bị trầm cảm sắp xếp lại những lối suy nghĩ tiêu cực. Làm như vậy sẽ giúp họ hiểu được hoàn cảnh và tương tác của họ với những người xung quanh một cách tích cực và thực tế. Nó cũng có thể giúp họ nhận ra những thứ có thể góp phần gây ra trầm cảm và giúp họ thay đổi các hành vi mà có thể làm cho trầm cảm nặng hơn. IPT giúp họ hiểu và giải quyết các mối quan hệ rắc rối mà có thể dẫn đến bệnh trầm cảm của họ hoặc làm cho bệnh tồi tệ hơn.

Đối với trầm cảm nhẹ đến trung bình, tâm lý trị liệu có thể là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, đối với trầm cảm nặng hoặc đối với một số người, tâm lý trị liệu có thể không đủ. Ví dụ, đối với thiếu niên, việc kết hợp thuốc và tâm lý trị liệu có thể là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị trầm cảm nặng và giảm khả năng tái phát. Một nghiên cứu khác về điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cho thấy những bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị ban đầu bằng thuốc và IPT thì ít có khả năng bị trầm cảm tái phát nếu họ duy trì điều trị kết hợp đó ít nhất 2 năm.

Thông tin thêm về tâm lý trị liệu có trên https://www.nimh.nih.gov/index.shtml

Liệu pháp sốc điện và các liệu pháp kích thích não khác

Đối với những trường hợp mà thuốc và/hoặc tâm lý trị liệu không làm thuyên giảm trầm cảm kháng trị, liệu pháp sốc điện (electroconvulsive therapy – ETC) có thể hữu ích. ECT, trước đây gọi là “liệu pháp sốc”, đã từng bị tai tiếng. Nhưng trong những năm gần đây, biện pháp này đã được cải tiến đáng kể và có thể giúp cho người bị trầm cảm nặng, khi họ không khá hơn với phương pháp điều trị khác.

Trước khi bắt đầu ECT, bệnh nhân được gây mê ngắn và cho thuốc giãn cơ. Họ sẽ ngủ trong suốt quá trình thủ thuật và không cảm nhận được xung điện. Trong vòng 1 giờ đồng hồ sau khi làm thủ thuật, mà chỉ tiến hành mất một vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại.

Thông thường một người sẽ được điều trị ECT vài lần một tuần, và thường sẽ cần dùng thuốc chống trầm cảm hoặc các loại thuốc khác song song với điều trị ECT. Mặc dù một số người sẽ chỉ cần một vài đợt điều trị ECT, những người khác có thể cần điều trị ECT duy trì, thường ban đầu là một lần một tuần, sau đó giảm dần xuống điều trị hàng tháng. Nghiên cứu về ECT do NIMH tài trợ đang được tiến hành nhằm mục đích thiết lập được các kế hoạch điều trị ECT duy trì phù hợp với từng cá thể.

ECT có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm lú lẫn, mất phương hướng và mất trí nhớ. Thông thường những tác dụng phụ này ngắn hạn, nhưng đôi khi có thể kéo dài. Những biện pháp mới về quản lý điều trị đã làm giảm việc mất trí nhớ và các khó khăn về nhận thức khác liên quan đến ECT. Nghiên cứu cho thấy rằng sau 1 năm điều trị ECT, hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện của tác dụng phụ về nhận thức.

Các biện pháp kích thích não mới được đưa vào gần đây trong điều trị trầm cảm nặng bao gồm phương pháp kích thích thần kinh phế vị (vagus nerve stimulation – VNS) và kích thích từ xuyên sọ lặp lại (repetitive transcranial magnetic stimulation – rTMS). Những phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến, song nghiên cứu cho thấy chúng có triển vọng.

Thông tin thêm về ECT, VNS, rTMS và những phương pháp điều trị kích thích não khác có trên trang web của NIMH

Sống cùng bệnh trầm cảm

Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm như thế nào?

Trầm cảm phổ biến ở phụ nữ hơn là ở nam giới. Các yếu tố về sinh học, vòng đời, nội tiết tố và tâm lý xã hội mà người phụ nữ trải qua có thể liên quan tới tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nội tiết tố có ảnh hưởng trực tiếp tới các hóa chất ở não kiểm soát cảm xúc và tâm trạng. Ví dụ, phụ nữ đặc biệt dễ bị trầm cảm sau khi sinh con, khi những thay đổi về nội tiết tố và thể chất và trách nhiệm mới cho việc chăm sóc đứa bé có thể quá sức đối với họ.

Một số phụ nữ cũng có thể mắc một dạng hội chứng tiền mãn kinh (premenstrual syndrome – PMS) nghiêm trọng, được gọi là rối loạn lo âu tiền mãn kinh (premenstrual dysphoric disorder – PMDD). PMDD có liên quan tới sự thay đổi nội tiết tố đặc trưng xuất hiện quanh thời kỳ rụng trứng và trước khi hành kinh.

Trong quá trình chuyển sang thời kỳ mãn kinh, một số phụ nữ tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Thêm vào đó, tình trạng loãng xương – xương mỏng dần hoặc mất xương có thể liên quan tới trầm cảm. Các nhà khoa học đang tìm hiểu tất cả những mối liên hệ tiềm tàng này và cách các chu kỳ tăng và giảm của estrogen và các loại nội tiết tố khác có thể ảnh hưởng đến những hóa chất trong não của người phụ nữ.

Sau cùng, nhiều phụ nữ đối mặt với căng thẳng từ công việc và trách nhiệm gia đình, chăm sóc con cái và cha mẹ già, ngược đãi, nghèo đói và căng thẳng trong các mối quan hệ. Người ta vẫn chưa thể giải thích được vì sao một số phụ nữ đối mặt với những thách thức lớn thì bị trầm cảm, trong khi những người khác với những thách thức tương tự thì không.

Nam giới mắc bệnh trầm cảm như thế nào?

Nam giới mắc bệnh trầm cảm khác với phụ nữ. Trong khi phụ nữ bị trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, vô dụng, và tội lỗi quá đáng, nam giới thường thấy mệt mỏi, bức bối, không còn quan tâm đến những hoạt động mà họ vốn thích thú và khó ngủ.

Nam giới có thể thường tìm đến rượu hoặc ma túy khi bị trầm cảm hơn so với phụ nữ. Họ cũng có thể trở nên tuyệt vọng, chán nản, cáu kỉnh, giận dữ và đôi khi bạo lực. Một số nam giới lao đầu vào công việc để tránh phải nói về tình trạng trầm cảm của họ với gia đình hoặc bạn bè, hoặc hành xử thiếu suy nghĩ. Và mặc dù có nhiều phụ nữ tự tử hơn ở Hoa Kỳ, số lượng nam giới chết do tự tử lại nhiều hơn.

Người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm như thế nào?

Trầm cảm không phải là một tiến triển bình thường của quá trình lão hóa. Các nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn người cao tuổi hài lòng với cuộc sống của họ, mặc dù có nhiều bệnh hoặc những vấn đề thể chất. Tuy nhiên, khi người cao tuổi bị trầm cảm, nó có thể bị bỏ sót vì người cao tuổi có thể biểu hiện các triệu chứng khác, ít rõ ràng. Họ có thể ít gặp phải hoặc thừa nhận cảm giác buồn bã hoặc đau khổ.

Đôi khi khó có thể phân biệt giữa nỗi thương tiếc và trầm cảm nặng. Nỗi thương tiếc sau khi mất người thân là phản ứng tự nhiên đối với sự mất mát và thường không cần điều trị tâm lý. Tuy nhiên, nỗi thương tiếc phức tạp và kéo dài trong một thời gian rất lâu sau một mất mát có thể cần điều trị. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu về mối liên hệ giữa nỗi thương tiếc phức tạp và trầm cảm nặng.

Người cao tuổi cũng có thể mắc các bệnh như bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư, có thể gây các triệu chứng trầm cảm. Hay họ có thể đang dùng những loại thuốc có tác dụng phụ dẫn tới trầm cảm. Một số người cao tuổi có thể mắc một tình trạng mà các bác sĩ gọi là trầm cảm mạch máu, còn gọi là trầm cảm xơ vữa mạch máu hay trầm cảm thiếu máu cục bộ dưới vỏ. Trầm cảm mạch máu có thể xảy ra khi mạch máu trở nên kém dẻo dai và xơ cứng dần theo thời gian, trở thành tắc nghẽn. Mạch máu xơ cứng như thế ngăn cản lưu lượng máu bình thường đến các cơ quan của cơ thể, bao gồm não bộ. Những người bị trầm cảm mạch máu có khả năng hoặc có nguy cơ, đồng mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

Mặc dù nhiều người cho rằng tỷ lệ tự tử cao nhất là ở người trẻ tuổi, thực ra nam giới da trắng từ 85 tuổi trở lên có tỷ lệ tự tử cao nhất tại Hoa Kỳ. Nhiều người bị bệnh trầm cảm nhưng bác sĩ của họ không nhận ra, mặc dù nhiều người trong số các nạn nhân tự tử đi khám bác sĩ trong vòng 1 tháng trước khi tự tử.

Hầu hết người cao tuổi trầm cảm có cải thiện khi được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, tâm lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai. Nghiên cứu cho thấy đơn trị liệu bằng thuốc, hoặc điều trị phối hợp đều có hiệu quả trong việc làm giảm trầm cảm ở người cao tuổi. Tâm lý trị liệu đơn độc cũng có thể hiệu quả trong việc giúp người cao tuổi thoát khỏi trầm cảm, đặc biệt đối với người trầm cảm nhẹ. Tâm lý trị liệu đặc biệt có hữu ích với những người không thể hoặc không muốn dùng thuốc chống trầm cảm.

Xem thêm bài viết Trầm cảm ở người cao tuổi của Võ Phi Hiếu

Trẻ em và thiếu niên mắc bệnh trầm cảm như thế nào?

Trẻ em mắc bệnh trầm cảm thường tiếp tục có những đợt bệnh khi chúng bước vào tuổi trưởng thành. Trẻ em mắc bệnh trầm cảm cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh nặng hơn khác khi trưởng thành.

Một đứa trẻ bị trầm cảm có thể giả vờ bị ốm, không muốn đi học, bám lấy cha mẹ, hoặc lo sợ cha mẹ có thể chết. Trẻ lớn hơn có thể hờn dỗi, gặp rắc rối ở trường, bi quan và cáu kỉnh và cảm thấy bị hiểu nhầm. Bởi vì những dấu hiệu này có thể xem như những thay đổi tính khí thất thường thường thấy ở trẻ khi chúng trải qua các giai đoạn phát triển, có thể khó chẩn đoán chính xác một người trẻ tuổi bị trầm cảm.

Trước khi dậy thì, nam và nữ có khả năng bị trầm cảm như nhau. Tuy nhiên, đến 15 tuổi, nữ có nguy cơ bị một đợt trầm cảm nặng gấp đôi so với nam.

Trầm cảm trong thời kỳ niên thiếu xảy ra vào thời điểm biến đổi cá nhân quan trọng khi các em đang hình thành một nhân cách tách biệt từ cha mẹ, đối mặt với các vấn đề về giới tính và tình dục mới xuất hiện, và đưa ra các quyết định độc lập đầu tiên trong cuộc đời. Trầm cảm ở thanh thiếu niên thường xuất hiện đồng thời với những rối loạn khác như lo âu, rối loạn ăn uống hoặc lạm dụng chất kích thích. Nó cũng có thể dẫn tới gia tăng nguy cơ tự tử.

Một thử nghiệm lâm sàng do NIMH tài trợ trên 439 thanh thiếu niên bị trầm cảm nặng cho thấy việc kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Các nhà nghiên cứu được NIMH tài trợ khác đang phát triển và thử nghiệm những cách nhằm ngăn chặn tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Trầm cảm từ khi còn nhỏ thường kéo dài, tái phát, và tiếp diễn đến tuổi trưởng thành, nhất là khi không được điều trị.

Làm thể nào để giúp cho người thân mắc bệnh trầm cảm?

Nếu bạn biết một người thân bị trầm cảm, nó cũng ảnh hưởng đến bạn. Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là giúp bạn bè hoặc người thân của bạn được chẩn đoán và điều trị. Bạn có thể cần liên hệ để hẹn ngày khám và đi cùng với họ đến gặp bác sĩ. Hãy động viên họ tuân thủ điều trị, hoặc tìm cách điều trị khác nếu không có cải thiện sau 6-8 tuần.

Để giúp bạn bè hoặc người thân của bạn

  • Hỗ trợ về mặt tình cảm, thông cảm, kiên nhẫn và khích lệ.
  • Trò chuyện với họ và lắng nghe.
  • Không bao giờ phủ nhận các cảm xúc, nhưng chỉ ra đâu là hiện thực và chia sẻ hy vọng.
  • Không bao giờ bỏ qua các lời nói về tự tử và báo cho nhà trị liệu hoặc bác sĩ của họ.
  • Rủ họ ra ngoài để đi dạo, đi chơi và các hoạt động khác. Cố gắng tiếp tục cả khi họ từ chối, nhưng đừng quá ép buộc họ hay quá vội vàng.
  • Trợ giúp trong việc liên hệ hẹn ngày khám với bác sĩ.
  • Nhắc họ rằng theo thời gian và điều trị, bệnh trầm cảm sẽ khỏi.

Làm thể nào để giúp cho bản thân khi mắc bệnh trầm cảm?

Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, bất lực và tuyệt vọng. Có thể rất khó khăn để thực hiện bất kỳ hành động nào giúp đỡ cho bản thân. Nhưng khi bạn bắt đầu thừa nhận bệnh trầm cảm của bạn và bắt đầu điều trị, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Để tự giúp bản thân

  • Đừng để quá lâu mới đi đánh giá hay điều trị. Có nghiên cứu cho thấy để càng lâu, tổn thương càng nhiều về sau. Cố gắng gặp một chuyên gia càng sớm càng tốt.
  • Cố gắng sống tích cực và tập thể dục. Đi xem phim, chơi bóng hoặc một sự kiện hay hoạt động khác mà trước kia bạn thích.
  • Đặt ra những mục tiêu thực tế cho bản thân.
  • Chia những công việc lớn thành những việc nhỏ, đề ra một số ưu tiên và thực hiện những việc bạn có thể làm trong khả năng của mình.
  • Cố gắng dành thời gian tiếp xúc với người khác và tâm sự bạn thân hoặc người thân. Cố gắng không để cô lập bản thân, và để người khác giúp bạn.
  • Biết rằng tình trạng của bạn sẽ cải thiện dần dần, không thể ngay lập tức. Đừng mong đợi bệnh sẽ khỏi “trong chớp mắt”. Thông thường khi điều trị trầm cảm, việc ăn ngủ sẽ bắt đầu cải thiện trước tâm trạng chán nản.
  • Hoãn lại các quyết định quan trọng, như kết hôn hoặc ly hôn hoặc thay đổi công việc, cho đến khi bạn cảm thấy khá hơn. Thảo luận về các quyết định với những người hiểu bạn và có cách nhìn khách quan hơn về hoàn cảnh của bạn.
  • Hãy nhớ rằng rằng suy nghĩ tích cực sẽ thay thế những suy nghĩ tiêu cực khi bệnh trầm cảm của bạn đáp ứng với điều trị.
  • Tiếp tục giáo dục bản thân về bệnh trầm cảm.

Tài liệu tham khảo

http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích