menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Tâm thần phân liệt

user

Ngày:

23/07/2018

user

Lượt xem:

1249

Bài viết thứ 06/06 thuộc chủ đề “Các bệnh Tâm thần”

Định nghĩa

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mạn tính và nặng nề, nó ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, cảm giác và hành vi của người bệnh. Người bị chứng tâm thần phân liệt có thể xem như họ mất sự liên hệ với thực tế. Mặc dù chứng tâm thần phân liệt không phổ biến như những chứng rối loạn tâm thần khác nhưng đây là các triệu chứng có thể rất nặng.

Dấu hiệu và triệu chứng

Những triệu chứng của tâm thần phân liệt thường bắt đầu từ độ tuổi từ 16 đến 30. Trong một số ít trường hợp, trẻ em cũng có thể mắc chứng tâm thần phân liệt.

Những triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể chia làm 3 loại: dương tính (positive), âm tính (negative) và nhận thức.

 

Những triệu chứng dương tính

Triệu chứng “dương tính” là những hành vi tâm thần thường không thấy ở người khỏe mạnh. Những người có dấu hiệu dương tính có thể bị “mất liên hệ” với một số khía cạnh của thực tế. Những dấu hiệu đó bao gồm:

  • Ảo giác
  • Ảo tưởng
  • Rối loạn suy nghĩ (có cách nghĩ bất thường)
  • Rối loạn động tác (cơ thể thường có những động tác kích động)

Những triệu chứng âm tính

Những triệu chứng “âm tính” liên quan đến sự phá vỡ các hành vi và cảm xúc bình thường. Những triệu chứng đó bao gồm:

  • “Cảm xúc phẳng lặng” (“flat affect”) (Giảm biểu hiện cảm cảm ở sắc mặt hoặc giọng nói)
  • Giảm hứng thú trong đời sống hàng ngày
  • Khó bắt đầu và duy trì các hoạt động
  • Ít nói

Những triệu chứng nhận thức

Những dấu hiệu nhận thức đối với một số bệnh nhân chỉ là thứ yếu, nhưng đối với một số bệnh nhân thì lại có thể nặng hơn và bệnh nhân có thể nhận ra sự thay đổi trong trí nhớ hoặc các hình thái suy nghĩ khác. Những triệu chứng đó bao gồm:

  • “Chức năng thực hiện” kém (tức là khả năng hiểu được thông tin và dùng vào đó để đưa ra quyết định)
  • Khó tập trung hoặc chăm chú vào một việc nào đó
  • Gặp khó khăn trong “trí nhớ làm việc” (tức khả năng sử dụng thông tin ngay sau khi học)

Những yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Di truyền và môi trường

Đã từ lâu, các nhà khoa học biết được rằng tâm thần phân liệt có thể là một bệnh di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, có nhiều người bị tâm thần phân liệt mà trong gia đình họ không có ai bị chứng bệnh này và ngược lại nhiều người dù trong gia đình có người bị chứng bệnh này nhưng họ lại không bị.

Các nhà khoa học cho rằng nhiều loại gene khác nhau có thể làm tăng nguy cơ bị tâm thần phân liệt nhưng không có một gene đơn độc nào gây ra chứng bệnh này. Hiện chưa thể dùng thông tin di truyền để dự đoán ai sẽ bị tâm thần phân liệt.

Các nhà khoa học cũng cho rằng sự tương tác giữa các gene và những yếu tố về môi trường của từng người là những nguyên nhân khiến cho bệnh phát sinh. Những yếu tố môi trường có thể bao gồm:

  • Nhiễm vi-rút
  • Suy dinh dưỡng bào thai
  • Gặp trục trặc trong quá trình sinh
  • Những yếu tố tâm lý xã hội

Khác biệt về cấu trúc và hóa học trong não

Các nhà khoa học cho rằng việc mất cân bằng trong các phản ứng hóa học phức tạp, liên quan lẫn nhau của não bao gồm cả những chất dẫn truyền thần kinh (những chất mà tế bào não sử dụng để liên lạc với nhau) như dopamine và glutamate, cũng như các hóa chất khác, đóng vai trò trong việc gây ra chứng tâm thần phân liệt.

Một số chuyên gia cũng cho rằng những vấn đề xảy ra trong quá trình phát triển não của thai nhi có thể dẫn tới những kết nối nhầm lẫn. Não cũng trải qua những biến đổi lớn trong quá trình dậy thì và những biến đổi này có thể gây ra những triệu chứng tâm thần ở những người dễ mắc bệnh do di truyền hoặc khác biệt về não.

Điều trị tâm thần phân liệt và liệu pháp

Do vẫn chưa biết rõ nguyên nhân nên các biện pháp điều trị tâm thần phân liệt thường tập trung vào việc loại bỏ các triệu chứng của bệnh. Các biện pháp này bao gồm:

Thuốc chống loạn thần

Thường được dùng hàng ngày dưới dạng viên hoặc nước. Một số thuốc được tiêm hoặc được uống 1 hoặc 2 lần một tháng. Một số người có thể gặp phản ứng phụ khi mới bắt đầu uống thuốc nhưng phần lớn những phản ứng phụ đó đều mất đi sau vài ngày. Bác sĩ và bệnh nhân cần hợp tác với nhau để tìm ra loại thuốc hoặc phối hợp thuốc cũng như liều thuốc phù hợp nhất. Hãy truy cập vào trang web của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm của Mỹ (FDA) để có được thông tin mới nhất về những cảnh báo, hướng dẫn thuốc cho bệnh nhân hoặc những loại thuốc mới được cấp phép.

Các điều trị tâm lý xã hội

Các biện pháp điều trị này có hiệu quả sau khi bệnh nhân và bác sĩ điều trị lựa chọn được loại thuốc phù hợp với bệnh nhân. Học hỏi và sử dụng những kỹ năng đương đầu để giải quyết những vấn đề hàng ngày của bệnh tâm thần phân liệt sẽ giúp cho người bệnh thực hiện được mục đích sống của họ, ví dụ như đi học, đi làm. Những người tham gia quá trình điều trị tâm lý xã hội thường xuyên ít bị mắc lại hoặc phải nhập viện hơn. Hãy truy cập vào trang web nói về tâm lý trị liệu của NIMH để có thêm thông tin về biện pháp điều trị tâm lý xã hội.

Phối hợp chăm sóc đặc biệt

Hình thức điều trị này bao gồm sự kết hợp giữa thuốc, tâm lý trị liệu, theo dõi ca bệnh, sự tham gia của gia đình và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục, việc làm… Tất cả đều nhằm mục đích giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dự án nghiên cứu có tên “Phục hồi sau giai đoạn đầu của tâm thần phân liệt” (gọi tắt là RAISE) của NIMH nhằm thay đổi cơ bản về quỹ đạo cũng như tiên lượng bệnh tâm thần phân liệt thông qua liệu pháp kết hợp đặc biệt trong những giai đoạn đầu của bệnh. Dự án RAISE được thiết kế nhằm giảm khả năng phát sinh những khuyết tật mà người bị tâm thần phân liệt thường mắc phải để giúp họ có một cuộc sống độc lập, có ích.

Tôi có thể làm gì để giúp người thân bị tâm thần phân liệt?

Việc chăm sóc và hỗ trợ người thân bị tâm thần phân liệt là công việc khó khăn. Làm thế nào để đáp lại những câu nói lạ lùng hoặc hoàn toàn không có thực tế của người bệnh là rất khó. Điều quan trọng là cần phải hiểu tâm thần phân liệt là một chứng bệnh mang tính sinh học.

Dưới đây là một vài điều mà bạn có thể làm để giúp người thân bị bệnh:

  • Hãy đưa người bệnh đi điều trị và khuyến khích họ tiếp tục điều trị bệnh
  • Hãy nhớ rằng những niềm tin hoặc ảo giác của họ dường như là rất thật đối với họ
  • Hãy nói với họ rằng bạn hiểu là ai cũng có quyền đánh giá mọi thứ theo cách của mình
  • Hãy tôn trọng, giúp đỡ và ân cần với họ nhưng không tha thứ những hành động nguy hiểm hoặc không đúng mực
  • Hãy tìm hiểu xem ở nơi bạn sinh sống có tổ chức nào hỗ trợ cho bệnh nhân tâm thần phân liệt hay không

Tài liệu tham khảo

http://www.nimh.nih.gov/health/topics/schizophrenia/index.shtml

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích